Tin Thế Giới 25/9/2014
Hội Đồng Bảo An LHQ thông qua nghị quyết về chiến binh nước ngoài
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tại một cuộc họp do Tổng thống Barack Obama chủ trì, đã nhất trí thông qua một nghị quyết trấn áp dòng chiến binh nước ngoài đổ về những tổ chức hiếu chiến như nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Hội đồng bỏ phiếu hôm thứ Tư với kết quả 15-0 để buộc các nước coi là tội ác việc công dân nước họ ra nước ngoài để chiến đấu với những kẻ chủ chiến hay tuyển mộ tín đồ làm việc này.
Ông Obama là tổng thống Mỹ duy nhất chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an. Ông từng chủ trì một cuộc họp như vậy vào năm 2009.
Tổng thống khai mạc phiên họp bằng cách bày tỏ tình đoàn kết với Pháp sau khi một trong những công dân của nước này bị bắt cóc và chặt đầu bởi những chiến binh thánh chiến tại Algeria có liên hệ với nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Ông Obama nói rằng hơn 15.000 chiến binh nước ngoài từ hơn 80 nước đã đổ về Syria trong những năm gần đây, và rằng những kẻ khủng bố “làm trầm trọng thêm xung đột” và đề ra mối đe dọa trực tiếp cho các nước khác.
Nhưng ông cảnh báo rằng “chỉ những nghị quyết thôi sẽ không đủ” để đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo và các nhóm thánh chiến khác.
“Những lời lẽ hoa mỹ và ý định tốt đẹp sẽ không ngăn được dù chỉ một cuộc tấn công khủng bố. Những lời nói ở đây hôm nay phải được đáp lại tương xứng và chuyển hóa thành hành động. Những hành động cụ thể, trong phạm vi các nước và giữa các nước, không chỉ trong những ngày tới, nhưng trong nhiều năm tới,” ông Obama phát biểu.
Trong một diễn biến riêng rẽ, Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Tư loan báo họ đang áp đặt trừng phạt đối với 11 cá nhân và một tổ chức từ thiện vì hỗ trợ dòng chiến binh nước ngoài tìm đến những nhóm khủng bố Hồi giáo, trong đó có Nhà nước Hồi giáo, Mặt trận Nusra, và chi nhánh của al-Qaeda ở đông nam Á, Jemaah Islamiya.
Hành động này sẽ đóng băng bất kỳ tài sản nào mà những cá nhân này sở hữu nằm trong phạm vi tài phán của Mỹ, và cấm các công dân và công ty của Mỹ thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào với họ. – VOA
Pháp lên án vụ chặt đầu con tin của các phần tử chủ chiến ở Algeria
Tổng thống Pháp Francois Hollande lên án vụ một nhóm Jund al-Khilafa, liên quan Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết du khách Herve Gourdel ở Algeria.
Ông Hollande nói đây là hành động “tàn ác và hèn hạ”.
Ông tuyên bố các vụ oanh tạc của Pháp nhằm vào các mục tiêu của IS ở Iraq hồi tuần trước sẽ được tiếp tục.
Nhóm dân quân Jund al-Khilafa đã chặt đầu ông Gourdel, 55 tuổi, sau khi quá hạn mà tổ chức này đòi Pháp phải chấm dứt không tạc IS ở Iraq.
Algeria nói sẽ làm tất cả những gì có thể nhằm mang những kẻ sát nhân ra công lý.
Ngoại trưởng Ramtane Lamamra nói: “Algeria sẽ không bao giờ cúi đầu trước khủng bố và công lý sẽ được thực thi. Cam kết của chúng tôi trong việc đấu tranh tội ác này ngày càng mạnh mẽ hơn nữa”.
‘Không nhượng bộ khủng bố’
Tổng thống Hollande phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc: “Pháp đang trải qua một thử thách khó khăn là vụ hành hình công dân của mình, nhưng Pháp sẽ không bao giờ nhượng bộ việc tống tiền”.
“Cuộc chiến chống khủng bố phải tiếp tục và sẽ được tăng cường”.
Ông Hollande nói các cuộc không tạc nhằm vào mục tiêu IS ở Iraq tuần trước sẽ vẫn tiếp tục.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh chống khủng bố ở mọi nơi, đặc biệt chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo vốn reo rắc cái chết ở Iraq và Syria, truy đuổi dân thường, đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số, hãm hiếp, chặt đầu…”
Phát biểu bên lề cuộc họp LHQ, ông tổng thống cũng bình luận rằng ông Gourdel – người mới bị bắt hôm Chủ nhật – chết là vì ông đại diện cho người dân Pháp muốn “bảo vệ phẩm giá con người trước sự man rợ”.
“Pháp sẽ không bao giờ nhượng bộ khủng bố vì đây là bổn phận của chúng tôi, và hơn cả thế, đây là danh dự của chúng tôi.”
Nhóm Jund al-Khilafa (Những người lính của Caliphate) đã đăng tải video vụ chặt đầu ông Gourdel với tựa đề “Thông điệp bằng máu cho chính phủ Pháp”.
Bản thân IS đã hành quyết ba người phương Tây kể từ tháng Tám tới nay: hai nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff, và nhân viên cứu trợ người Anh David Haines. Các vụ này đều được quay phim và tung lên mạng.
IS cũng dọa sẽ giết Alan Henning, một người lái taxi từ Anh quốc, bị bắt khi tham gia chở đồ cứu trợ tới Syria hồi tháng 12/2013.
Hôm Chủ nhật tuần qua, nhóm này cảnh báo sẽ nhắm vào các công dân phương Tây và Hoa Kỳ, “đặc biệt là lũ người Pháp ghê tởm và bẩn thỉu”.
‘Yêu sách đáng khinh bỉ’
Cảnh sát đã tổ chức canh gác nhà của ông Gourdel tại thành phố Nice. Ông làm nghề hướng dẫn du lịch tại công viên quốc gia Mercantour phía bắc thành phố.
Ông Gourdel cũng tổ chức các chuyến dã ngoại trên rặng núi Atlas ở Morocco trong 20 năm qua.
Trong video hành quyết, ông quỳ gối trước bốn dân quân đeo mặt nạ, tay ông bị trói đằng sau lưng.
Ông Gourdel được phép bày tỏ tình yêu cho gia đình ông một lúc trước khi một trong các dân quân đọc bài phát biểu tố cáo hành động của giới “thập tự chinh tội ác người Pháp” chống lại người Hồi giáo ở Algeria, Mali và Iraq.
Vụ chặt đầu, theo đó, là để “trả thù cho các nạn nhân ở Algeria… và ủng hộ caliphate”, hay nhà nước Hồi giáo mà IS muốn tạo dựng ở Iraq và Syria.
Jund al-Khilafa đã tuyên thệ trung thành với IS ngày 14/9 vừa qua.
Cho tới trước đó, tổ chức này được tin là thuộc mạng lưới al-Qaeda ở Islamic Maghreb (AQIM), hiện hoạt động ở miền Bắc và Tây Phi.
Lập trường chính thức của Pháp là không đàm phán với các nhóm dân quân nhưng trong quá khứ có tin công dân Pháp đã được trả tự do ở Tây Phi sau khi trả tiền chuộc.
Bốn người Pháp bị bắt cóc tại Niger được thả hồi tháng 10/2013 sau khi có tin khoản tiền chuộc 20 triệu euro (25 triệu đôla Mỹ) được trả, tuy chính phủ Paris bác bỏ điều này. – BBC
Ngân Hàng Thế Giới: Kinh tế Nga gần mức ‘trì trệ’
Tăng trưởng kinh tế của Nga đang chậm lại và có thể trì trệ trong hai năm tới, theo một nghiên cứu mới công bố của Ngân hàng Thế giới hôm thứ Tư.
Ngân hàng cho biết tăng trưởng kinh tế của Nga có thể chỉ là 0,5 phần trăm trong năm nay, và thậm chí chậm hơn một chút trong năm 2015 và năm 2016.
Báo cáo Kinh tế Nga mới của Ngân hàng Thế giới nêu bật sự bất định về địa chính trị – rõ ràng nhắc tới những hành động của Moscow đối với Ukraine – và sự bất định về những chính sách kinh tế của điện Kremlin là những yếu tố chính gây nên suy thoái kinh tế của Nga.
Dự báo của Ngân hàng Thế giới bi quan hơn so với dự báo được chính phủ Nga đưa ra. Các chuyên gia tại Ngân hàng Thế giới cho biết họ nghi ngờ những giả định của điện Kremlin về tăng trưởng đầu tư trong tương lai.
Dự báo của Ngân hành Thế giới giả định rằng sẽ không có thêm những biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, vì vậy nếu cuộc xung đột xấu đi, Nga có thể rơi vào suy thoái.
Các nước phương Tây đã áp đặt một loạt những chế tài kinh tế để trừng phạt Moscow vì hành động của nước này ở Ukraine, và Nga đã trả đũa bằng một số biện pháp trừng phạt của riêng mình. – VOA
NATO tự tin về an ninh Afghanistan sau sự kiện chia sẻ quyền lực chính trị
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói ông tự tin là các lực lượng Afghanistan có thể đảm nhận trách nhiệm an ninh phía sau tân chính phủ ở Kabul, là một phần của thỏa thuận chia sẻ quyền lực chính trị sau cuộc bầu cử lịch sử trong năm nay.
Ông Rasmussen hoan nghênh việc giàn xếp chia sẻ quyền lực giữa tân Tổng thống Ashraf Ghani và tân trưởng cơ quan điều hành Abdullah Abdullah của Afghanistan, nói rằng NATO mong muốn việc nhanh chóng ký kết các thỏa thuận cho phép triển khai nhiệm vụ huấn luyện do liên minh dẫn đầu vào tháng Giêng năm 2015.
Việc đó sẽ thay thế cho lực lượng an ninh quốc tế do NATO dẫn đầu đã ở Afghanistan kể từ năm 2001.
Với thay đổi này, ông Rasmussen nói với VOA rằng ông tin là các lực lượng Afghanistan đã sẵn sàng cho thách thức từ các chiến binh Taliban, những người phản đối tân chính phủ.
“Tôi tự tin là các lực lượng an ninh Afghanistan có thể đảm nhận toàn bộ trách nhiệm an ninh ở Afghanistan vào cuối năm nay như đã định. Họ đã dẫn đầu các hoạt động an ninh trong suốt năm ngoái và họ cũng đã giải quyết nhiều tình huống an ninh khó khăn một cách khá chuyên nghiệp.”
Ông Rasmussen nói NATO không có vai trò chính thức trong liên minh tấn công các lực lượng Nhà nước Hồi hiáo ở Iraq và Syria nhưng sẵn sàng tái tục nhiệm vụ huấn luyện tại Iraq nếu tân chính phủ ở Baghdad yêu cầu.
“Chúng tôi đã quyết định tăng cường trao đổi thông tin tình báo và thông tin chống các nguy cơ và đe dọa từ các chiến binh nước ngoài trở về các quốc gia quê hương.”
Ông Rasmussen nói việc xâm chiếm Ukraine của Nga là “sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế,” sẽ làm thay đổi mãi mãi cách NATO tiếp cận với Moscow.
“Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chúng ta có một thay đổi lịch sử tạo ra một điều gì đó mới ở châu Âu: một châu Âu trọn vẹn, tự do và hòa bình. Và vì mục đích đó, chúng ta cũng cần hợp tác với Nga. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta phải nhận ra rằng Nga không xem chúng ta là một đối tác nhưng là một kẻ thù. Và chúng ta phải thích ứng với điều đó.”
Ông Rasmussen kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của ông với cương vị đứng đầu NATO vào tháng này. Cựu Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg sẽ là người thay thế ông. – VOA