Tin Việt Nam 24/9/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam 24/9/2014

Bỏ tù người ‘gây rối’ vụ giàn khoan – ‘Khởi tố’ Chủ tịch VN Pharma

12 người bị buộc tội gây rối, đập phá doanh nghiệp sau vụ giàn khoan 981 ở Đồng Nai bị án tù từ 10 tháng tới 16 tháng tù.

Phiên tòa sơ thẩm vụ án gây rối trật tự công cộng diễn ra chiều thứ Ba 23/9 tại Tòa án huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Báo trong nước nói bị cáo Cao Hữu Thọ lãnh án cao nhất là 16 tháng tù; ba bị cáo nhận 14 tháng tù; bốn người khác bị 12 tháng tù và bốn bị cáo còn lại bị 10 tháng tù.
Những người này bị bắt từ 14/5, tức là từ khi làn sóng biểu tình chống Trung Quốc vụ giàn khoan 981 vào vùng biển Việt Nam.

Cáo trạng của tòa nói khoảng 9 giờ tối ngày 13/5, “lợi dụng nhiều công nhân tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, 12 bị cáo trên đi theo đám đông la hét, kích động và đập phá tài sản một số công ty nước ngoài đóng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch”.

Báo Việt Nam không nói rõ là công ty của nước nào, nhưng trong làn sóng phản đối Trung Quốc, các doanh nghiệp mà chủ là Trung Quốc hoặc người nói tiếng Hoa đã bị nhắm tới.

Hô hào phản đối

Cáo trạng cũng cho hay khi công an tới nơi, “các bị cáo trên đã hô hào phản đối, xông vào Đồn Công an Khu công nghiệp yêu cầu thả người, trả lại xe mô tô. Sau đó, còn kéo đến Công an huyện Nhơn Trạch ra yêu sách”.

Trong đợt lộn xộn liên quan tới giàn khoan 981, công an Việt Nam đã bắt hàng trăm người liên quan ở Đồng Nai, Thủ Đức và Vũng Áng thuộc Hà Tĩnh.

Nhà chức trách Việt Nam đã khởi tố vụ án Gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ ngay hồi tháng Năm.
Trước vụ xét xử ở Đồng Nai, ở Khu chế xuất Linh Trung I, Linh Trung II và Khu công nghiệp Bình Chiểu trên địa bàn quận Thủ Đức, TP HCM, 13 người cũng bị xử với mức án cao nhất lên tới 2 năm tù vì tội gây rối trật tự công cộng.

Các doanh nghiệp nước ngoài ở các địa phương nói trên cũng được bồi thường và hỗ trợ tiền thuế, tiền bảo hiểm hàng trăm tỷ đồng.
Trong đợt lộn xộn trung tuần tháng Năm, Trung Quốc đã phải điều tàu tới sơ tán hàng nghìn công nhân của họ về nước.

Ngoài ra hôm nay, chính quyền đã khởi tố ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma, để điều tra về hành vi buôn lậu, theo truyền thông trong nước.

Tờ An ninh Thủ đô dẫn nguồn của công an nói công ty này nộp cho cơ quan chức năng năng giấy xác nhận của một tham tán lãnh sự quán Việt Nam tại Canada về lô thuốc điều trị ung thư.

Dựa trên giấy xác nhận này, Bộ Y tế cấp phép cho nhập khẩu thuốc.

Nhưng công an đã “làm rõ” giấy này “là giả”, theo tờ báo.

Thông tin “làm giả” giấy tờ cũng được các báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên đăng tải.

Sau khi bị bắt giữ khẩn cấp hôm 19/9 tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Hùng đã bị di lý ra Hà Nội.

Một người khác, ông Võ Mạnh Cường, cũng bị bắt tạm giam.

Vụ bắt giữ đã thu hút dư luận, với thông tin được đăng tải trên nhiều báo lớn tại Việt Nam.

Báo Thanh Niên nói việc VN Pharma và các công ty con thắng lớn trong việc đấu thầu thuốc vào các bệnh viện của thành phố Hồ Chí Minh khiến những người trong ngành y dược nơi đây đặt câu hỏi về sự bất thường. – BBC

Hoa Kỳ chuẩn bị giảm nhẹ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam

Hoa Kỳ đang chuẩn bị giảm nhẹ lệnh cấm vận vũ khí đối với Hà Nội, và một trong những hợp đồng đầu tiên sẽ là bán máy bay tuần tra biển để giúp Việt Nam tăng cường khả năng bảo vệ lãnh hải trước những hành động bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tuy đang tiến hành chương trình hiện đại hóa quân sự với chi phí hàng tỉ đô la, nhưng hiện giờ khả năng giám sát biển của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Bằng chứng là Hà Nội đã rất bất ngờ khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực Hoàng Sa tháng 5 vừa qua (Giàn khoan này sau đó đã được rút về vào giữa tháng 7). Cho nên Hà Nội đang rất cần được trang bị thêm các phương tiện quân sự, nhất là của Mỹ.

Theo hãng tin Reuters, hai quan chức cao cấp của chính quyền Obama cho biết là các cuộc thảo luận nhằm giảm nhẹ lệnh cấm vận đang diễn ra ở Washington và có thể đi đến một quyết định trong năm nay.

Theo lời các quan chức nói trên, Washington rất muốn giúp Việt Nam tăng cường khả năng giám sát và bảo vệ bờ biển, nên một trong những hợp đồng đầu tiên có thể sẽ là bán máy bay tuần tra không trang bị vũ khí P-3 cho Việt Nam. Những máy bay tuần tra này sẽ giúp Việt Nam theo dõi sát những hoạt động của Trung Quốc nhằm thể hiện chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Theo Reuters, thượng nghị sĩ John McCain, một cựu tù binh chiến tranh và cũng là một trong những người thúc đẩy việc bình thường hóa bang giao Mỹ-Việt vào đầu thập niên 1990, cho biết là ông chuẩn bị đệ trình một đề nghị của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về việc bãi bỏ một số hạn chế về bán vũ khí cho Việt Nam. Ông McCain cũng là một trong bốn thượng nghị sĩ Mỹ trong mùa hè vừa qua đã gặp các lãnh đạo Hà Nội và thảo luận về lệnh cấm vận vũ khí.

Hai lãnh đạo ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ cũng nói với hãng tin Reuters rằng họ dự trù chính phủ Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khi đối với Việt Nam. Đối với họ, Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn.

Nói chung, giảm nhẹ và dần dần tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là một xu thế tất yếu trong quan hệ Washington-Hà Nội. Mặc dù vẫn còn quan ngại về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, chính quyền Tổng thống Obama vẫn cố thúc đẩy quan hệ cả về kinh tế, chính trị lẫn quân sự với Hà Nội trong khuôn khổ chiến lược “xoay trục” sang châu Á.

Đặc biệt trong thời gian qua, quan hệ Mỹ-Việt, nhất là về mặt quân sự, đã tăng tốc, với chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey trong tháng 8 vừa qua. Đây là lần đầu tiên từ năm 1971, một tổng tham mưu trưởng Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam.

Vào tuần trước, đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh Hải quân Việt Nam, cũng đã đến thăm Hoa Kỳ và đã thảo luận với Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus về các cuộc thao dược chung trên biển giữa hai nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ đến thăm Washington đầu tháng 10 để hội đàm với Ngoại trưởng John Kerry và theo dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng sẽ đến thăm Việt Nam trước cuối năm nay.

Tuy nhiên, trả lời hãng tin Reuters, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Daniel Russel, nhận định rằng, dù đang xích gần lại Hoa Kỳ, Hà Nội sẽ không từ bỏ quan hệ lâu đời giữa hai đảng Cộng sản với Bắc Kinh, để chuyển hẳn sang quan hệ liên minh với Hoa Kỳ.

Nhưng theo ông Russel, do Việt Nam có vị trí chiến lược rất quan trọng, nên Hoa Kỳ rất cần tăng cường quan hệ với Hà Nội và giảm nhẹ lệnh cấm vận vũ khí là điều tốt, nhất là vì Washington vẫn muốn giúp những nước như Việt Nam phát triển khả năng bảo vệ lãnh hải. – RFI

Tướng Giáp và ‘lá thư bà Bảy Vân’

Một lá đơn được cho là của người vợ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đang lưu truyền trên mạng Internet vào dịp một năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Văn bản gây ra nhiều tranh cãi trong bối cảnh việc dùng quá khứ cuộc chiến Việt Nam vẫn còn được sử dụng cho các mục tiêu hiện thời.

Lá thư của người ký tên là Nguyễn Thị Vân (thường được biết đến với tên Bảy Vân), nguyên Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, là vợ thứ hai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Nhưng văn bản này, kể cả có được xác thực, cũng chỉ là một bằng chứng nữa minh họa thêm cho điều giới nghiên cứu đã mô tả là ‘cuộc chiến quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam’ thời kỳ bắt đầu cuộc chiến với Hoa Kỳ, đặc biệt giữa nhóm của ông Lê Duẩn và ông Võ Nguyên Giáp.

Quá khứ chưa đóng lại
Trong cố gắng chứng thực lá thư, BBC đã liên lạc với ông Lê Kiên Thành, con trai bà Nguyễn Thị Vân, nhưng ông từ chối xác nhận.

Đại tá Nguyễn Văn Huyên, vốn là thư ký của Tướng Giáp, thì nói ông có nghe tin về lá thư nhưng “chưa đọc” và cũng từ chối bình luận.

Trong khi đó, một số nguồn ẩn danh ở Việt Nam nói đây là văn bản thật.

Một người trong đó nói rằng trong thời gian Tướng Giáp còn sống, đã từng có một lá thư khác của bà Vân gửi các lãnh đạo Đảng với nội dung tương tự.

Nhưng cũng có nguồn cho rằng lá thư là giả.

Điều này khiến các sử gia mà BBC liên hệ tỏ ra thận trọng khi đánh giá độ chân thực của văn bản.

Tuy vậy, họ cho rằng sự xuất hiện của những tài liệu như vậy, dù thật hay giả, cho thấy những mâu thuẫn trong quá khứ vẫn chưa tan đi cho đến hôm nay.

‘Cảm thấy bất công’

Tiến sĩ Shawn McHale, từ Đại học George Washington, đang viết một cuốn sách về cuộc chiến Đông Dương lần một (1945-1954).

Sau khi đọc lá thư trực tiếp bằng tiếng Việt, ông nói không dám chắc lá thư có phải do bà Vân viết hay không.

Nhưng ông xem bà Vân là người cố gắng gìn giữ “di sản bị lu mờ” của ông Lê Duẩn.

Theo cái nhìn của ông, bà đại diện cho nhóm trung thành với ông Lê Duẩn “cảm thấy bất công vì bị đánh giá thấp sau những cống hiến của họ cho lịch sử Việt Nam hiện đại”.

Họ tin rằng Tướng Giáp “nhận được quá nhiều lời khen ngợi”.

Văn bản đang lưu truyền trên mạng cáo buộc ông Giáp từng “làm gián điệp cho thực dân Pháp” và đứng đầu “mạng lưới gián điệp” thân Liên Xô giữa những năm 1960.

Tiến sĩ Shawn McHale chỉ ra rằng “đây không phải lần đầu tiên có các cáo buộc ghê gớm với những đảng viên cộng sản hàng đầu”.

“Một ví dụ thú vị là Trần Văn Giàu, lãnh đạo cuộc nổi dậy tháng Tám 1945 ở miền Nam, cũng là nạn nhân của các cáo buộc tương tự.”
“Ông Giàu bị tố cáo hợp tác với Pháp để ‘vượt ngục’, và còn bị tố cáo là chỉ điểm người cộng sản Pháp cho cảnh sát Pháp.”

“Hay năm 1948, nhiều đảng viên bị cho là điều hành mạng lưới gián điệp trong vụ án H122.”

Một nhà nghiên cứu khác, Tiến sĩ Tường Vũ, khoa Chính trị học, Đại học Oregon, Hoa Kỳ, cũng nói các cáo buộc trong thư đã được đề cập trước đây.

“Hầu như tất cả những cáo buộc đối với tướng Giáp cũng như mâu thuẫn giữa ông ta và Lê Duẩn trong lá thư chỉ xác định thêm những điều đã được Huy Đức, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, v.v.. viết từ lâu.”

Theo tiến sĩ Tường Vũ, “duy nhất một thông tin mới chưa đâu có là việc tướng Giáp đến an toàn khu trước Hồ Chí Minh và Lê Duẩn, nhưng dù việc này có thực cũng không đủ để nói tướng Giáp là hèn nhát.”

“Việc chia Bộ Chính Trị làm hai nhóm cũng là một chi tiết lạ và thật khó tin; nếu không có thông tin thêm thì chi tiết này không nói lên điều gì cả,” ông Tường Vũ nhận xét.

Giành di sản xưa

Vậy các nhà nghiên cứu sẽ dùng tài liệu này như thế nào?

Tiến sĩ Tường Vũ cho rằng lá thư “không có ích đối với người nghiên cứu vì không có thông tin gì mới”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Shawn McHale lại xem văn bản này thể hiện cuộc đấu tranh nội bộ “gay gắt” trong Đảng từ sau 1945.

“Đáng quan tâm khi một số mục tiêu, như Trần Văn Giàu, Võ Nguyên Giáp hay Hoàng Minh Chính, hoặc xuất thân từ nguồn gốc ‘trí thức’ hoặc được xem là đối thủ ý thức hệ của Lê Duẩn.”

Nói như Tiến sĩ Shawn McHale, cuộc chiến giành di sản của quá khứ ở Việt Nam như thế “vẫn còn chưa kết thúc”. – BBC