Dân số Việt Nam ‘trai thừa gái thiếu’
Ảnh chụp phía trước một phòng khám thai. “Trọng nam, khinh nữ” cộng với việc khuyến khích phá thai là hai trong những yếu tố chính khiến Việt Nam mất cân bằng nghiêm trọng về giới tính. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP)
Tại Việt Nam, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh liên tục tăng đáng ngại và nay đang ở mức 120 bé trai/100 bé gái. Tình trạng vừa kể đang ảnh hưởng đến cấu trúc dân số của Việt Nam và sẽ gây tác hại nghiêm trọng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Nguyên nhân mất cân bằng giới tính là vì các cặp vợ chồng lựa chọn giới tính khi sinh. Phải có con trai để “nối dõi tông đường” vẫn là quan niệm chi phối nếp nghĩ của nhiều người Việt và là nguyên nhân dẫn tới mất cân bằng giới tính.
Ngoài ra, việc áp dụng tràn lan các tiến bộ y tế để giúp nhận biết sớm giới tính của thai nhi khiến tình trạng mất cân bằng giới tính càng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Thực tế cho thấy, Việt Nam bất lực trong việc giữ cân bằng giới tính dù hậu quả đã được cảnh báo từ lâu.
Hồi giữa năm 2008, Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) đã từng cảnh báo về nguy cơ mất cân bằng lớn về giới tính tại Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang ở trong tình trạng rất giống Trung Quốc cách nay một thập niên và Trung Quốc đang phải gánh chịu hậu quả về chính sách hạn chế sinh đẻ.
Trung Quốc đang trong tình trạng một quốc gia thiếu phụ nữ, đàn ông không có vợ. Theo dự đoán, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có 40 triệu đàn ông không vợ. Lúc này, khi thế hệ thiếu phụ nữ của Trung Quốc đến tuổi trưởng thành, Trung Quốc đang đối diện với vô số hậu quả xã hội. Rõ nhất là đàn ông nghèo, ít học không thể tìm được vợ.
Những ngôi làng thiếu phụ nữ với đa số là đàn ông nghèo, ít học trở thành những cái nôi cho mọi loại tội phạm tình dục và nạn mua bán phụ nữ phát triển. Xa hơn, thiếu phụ nữ dẫn đến thiếu trẻ em, dân số già cỗi và đạo đức suy đồi.
Mặt khác, khi thế hệ “con trai một” ở Trung Quốc trưởng thành, Trung Quốc phải đương đầu với một vấn nạn khác thường được gọi là “hội chứng con một.” Các cậu con cưng, trưởng thành trong một môi trường mà ở đó chúng không được khuyến khích để chia sẻ và chung sống với người khác, không biết tự lập và thiếu ý thức trách nhiệm, sẽ đẩy lùi sự phát triển chung của cả xã hội.
Ngoài mất cân bằng giới tính, Việt Nam còn đối diện với nhiều vấn nạn khác liên quan đến dân số.
Tháng 9 năm ngoái, khi dân số Việt Nam xấp xỉ 90 triệu, UNFPA phối hợp với Bộ Y Tế Việt Nam công bố một cuộc khảo sát, theo đó, tới năm 2050, người già sẽ chiếm 1/5 dân số Việt Nam. Ðó cũng là lý do các tổ chức quốc tế về dân số và lao động liên tục đưa ra nhiều cảnh báo về tốc độ già hóa nhanh khác thường của dân số Việt Nam.
Theo một số tổ chức quốc tế, thời gian dân số Việt Nam chuyển đổi từ giai đoạn “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ nhanh hơn các quốc gia phát triển. Hồi cuối năm ngoái, tỷ lệ người già đã chiếm 10,2% dân số Việt Nam.
Một chuyên viên của UNFPA nhận định, già hóa dân số sẽ đặt ra những thách thức lớn, trong đó có vấn đề thu nhập không được bảo đảm, an sinh xã hội chưa đầy đủ, năng lực hạn chế của hệ thống y tế… Ðặc biệt, tại Việt Nam, thu nhập của người lớn tuổi thường thấp và không ổn định, có 17% người lớn tuổi thuộc diện nghèo. Tổ chức Lao Ðộng Quốc Tế từng liên tục khuyến cáo, với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, nếu không sửa đổi chính sách hưu trí, Quỹ Bảo hiểm xã hội của Việt Nam sẽ cạn tiền vào năm 2034.
Cũng năm ngoái, kết quả một số cuộc khảo sát về dinh dưỡng cho thấy Việt Nam sẽ phải mang một gánh nặng kép. Trong khi chưa kiểm soát được tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và tại Việt Nam hiện có khoảng 4 triệu trẻ suy dinh dưỡng cả thể nhẹ cân và thấp còi thì số trẻ béo phì sống ở các đô thị lớn lại tăng chín lần. Tỷ lệ trẻ bị béo phì ở Sài Gòn (10%) và ở Ðà Nẵng (9%) vượt xa tỷ lệ trẻ bị béo phì ở các quốc gia phát triển và trên toàn cầu (khoảng 7%).
Tháng trước, tại một hội thảo do Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội phối hợp với Quỹ Nhi Ðồng Liên Hiệp Quốc tổ chức, Cục Bảo Vệ-Chăm Sóc Trẻ Em xác nhận, Việt Nam vẫn là một trong 16 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất thế giới. Cũng vì vậy, so với nhiều sắc dân khác, người Việt vừa thấp hơn về chiều cao, vừa nhẹ hơn về cân nặng.
Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam là 163 cm và chiều cao trung bình của nữ thanh niên Việt Nam là 153 cm. Tính ra chiều cao của nam thanh niên Việt Nam thấp hơn chuẩn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) là 13 cm và nữ thanh niên Việt Nam thấp hơn chuẩn của WHO gần 11 cm. (G.Ð)