Không thắng được IS nếu chỉ dùng quân sự

Cac Bai Khac

No sub-categories

Không thắng được IS nếu chỉ dùng quân sự

Theo BBC – Jonathan Marcus Phóng viên quốc phòng, BBC – 23 tháng 9 2014

Đây là thời điểm quan trọng trong chiến dịch do Mỹ dẫn đầu nhằm “làm suy thoái và phá hủy” cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS).

Việc mở rộng chiến dịch quân sự từ Iraq sang Syria đang bị tàn phá đã nhấn mạnh sự cần thiết phải chống lại tổ chức này ở cả hai quốc gia. Trong trường hợp nào chăng nữa thì IS đã biến biên giới chung của họ gần như trở nên vô nghĩa. Một thực tế nữa là theo người Mỹ thì một số quốc gia Ả Rập tham gia vào chiến dịch này đã nhấn mạnh rằng sứ mệnh này không giống như lần Mỹ đột phá vào Iraq lần trước. Trên một số phương diện nào đó thì nó giống liên minh đã được thành lập để giải phóng Kuwait hơn, mặc dù thách thức là rất khác nhau, và chiến dịch có lẽ sẽ kéo dài hơn rất nhiều. Mỹ và các đồng minh đã thu thập dữ liệu tình báo về các mục tiêu của IS trong một thời gian rồi. Chặng tại Syria của chiến dịch này luôn bắt đầu với nhịp độ cao. Việc có phi cơ vũ trang và tên lửa hành trình phóng từ biển cho thấy đây là đêm căng thẳng nhất trong chiến dịch không tập do Mỹ dẫn đầu cho tới thời điểm này. Tuy nhiên đây không phải là đánh một đòn xong ngay mà mục tiêu chiến lược rõ ràng là để đẩy cho IS mất thăng bằng bằng cách đánh vào giới lãnh đạo và bộ máy của họ. Cho đến nay chiến dịch này cả ở Iraq và Syria đã được thực hiện đúng như hầu hết các phân tích gia và chính Nhà Trắng đã dự đoán.

Phi cơ chiến đấu của Mỹ

Vấn đề bây giờ không phải là những gì sẽ xảy ra tiếp theo đây – các cuộc không tập có nhiều khả năng sẽ trở thành một mô hình thường xuyên với những đợt tấn công dữ dội hơn tại hiện trường. Câu hỏi thực sự là: liệu các yếu tố khác trong chiến lược của Mỹ có thể được triển khai một cách có hiệu quả đồng đều hay không? Liệu các điều kiện dẫn tới thất bại của IS có thể được thiết lập tại chỗ? Và liệu IS có thể chiến đấu chống lại tới mức nào?

Tại hiện trường

Hoa Kỳ và các đồng minh có thể đã hành động, mà họ nhìn nhận là cần thiết nhưng họ đã bắt đầu một chiến dịch không thể dự đoán trước và không có gì chắc chắn. Điều này là do các yếu tố quân sự bên ngoài của chiến dịch này – sức mạnh không quân – chỉ là một phần của các lực lượng rộng lớn hơn cần phải được phối hợp. Lấy trường hợp của Iraq chẳng hạn. Không lực Mỹ tại đây dường như đã chặn bước tiến của IS, đặc biệt là ngăn không cho vào các khu vực do người Kurd kiểm soát ở phía bắc. Nhưng các hoạt động không quân của Mỹ vẫn chưa thực sự đuổi được IS ra khỏi đất Iraq. Nó phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố. Thứ nhất, sự có mặt tại chỗ của một lực lượng được đào tạo tốt và có động cơ để chiến đấu trực tiếp với IS và giành lại lãnh thổ. Lực lượng Peshmerga của người Kurd đang được trang bị và huấn luyện. Hoa Kỳ đang cố gắng khôi phục lại uy tín của ít nhất một số trong quân đội Iraq, vốn đã sụp đổ khi phải đối mặt với những cuộc tấn công của IS. Nhưng sẽ mất thời gian. Yếu tố quan trọng thứ hai là chính trị. Đó là lý do tại sao Mỹ từ chối giúp đỡ Iraq cho tới khi có một chính phủ đa thành phần hơn được thành lập, mặc dù việc thiết lập quản trị tốt hơn tại nước này để tất cả các bên cảm thấy là một phần của nhà nước Iraq – bất kể điều đó có nghĩa là như thế nào – một lần nữa sẽ phải mất khá nhiều thời gian. Nhưng một khía cạnh nào đó thì đây là điểm chủ chốt. Một tổ chức đa năng như IS có thể bị đánh bại về quân sự nhưng khả năng là nó sẽ chỉ đơn giản là biến thành một hiện tượng khác và sẽ xuất hiện trở lại vào một ngày sau đó. Những điều kiện cần được tạo ra để các bộ tộc người Sunni quay lưng lại với nó do sự tàn bạo và tầm nhìn bị giới hạn của IS- nói một cách khác yếu tố quân sự được sử dụng để giúp đánh bại IS từ bên trong. Cuộc chiến chính trị cũng quan trọng không kém cuộc chiến quân sự. Sẽ phải mất vài tháng để đào tạo một cách có hiệu quả các lực lượng địa phương trong số phe đối lập ôn hòa và nhiều phân tích gia tự hỏi liệu họ sau đó có thể địch lại được với phong trào của các thánh chiến hay không. Không có chính phủ nào ở Syria được phương Tây chấp nhận, và tệ hơn nữa là không có một kế hoạch chính trị thực sự nào cho tương lai của đất nước này.

Cuộc chiến rộng hơn

Chiến binh IS cầu nguyện

Bối cảnh cũng thay đổi. IS đóng một vai trò trong cuộc chiến này. Cho đến nay họ đã cho thấy đã có thể thích nghi và có khả năng theo đuổi tư duy chiến lược của riêng họ. Vậy họ sẽ đáp trả trước các chiến dịch do Mỹ dẫn đầu như thế nào? IS có thể làm một số việc. Bằng cách chuyển cuộc tấn công chống lại người Kurd từ Iraq sang Syria, nó nhấn mạnh những rối loạn mà nó có thể gây ra và đẩy một làn sóng khổng lồ những người tị nạn tràn qua biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. IS đang kêu gọi một dạng liên minh của những người cực đoan Hồi giáo để tấn công các nước phương Tây cả ở nước ngoài và ở chính thủ đô của họ. Việc bắt giữ một người quốc tịch Pháp ở Algeria dường như là kết quả đầu tiên của chính sách này. Vì vậy, IS có các lựa chọn trong trận chiến này mà sẽ làm cho nhiệm vụ của Mỹ và các đồng minh khó khăn hơn. Nhưng trên tất cả thì nên nhớ rằng, như nhiều nhà phân tích đang lưu ý, cuộc chiến này là một phần của một cuộc nội chiến rộng hơn trong thế giới Hồi giáo và thế giới Ả Rập. Và bất kể kết quả như thế nào thì trong các cuộc chiến tranh dân sự, một số người sẽ nói rằng không có người thực sự chiến thắng.