Ấn Độ tăng cường quan hệ quốc phòng với CSVN

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ấn Độ tăng cường quan hệ quốc phòng với CSVN

Tổng thống Ấn Pranab Mukherjee và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Reuters

Theo RFI – Thanh Phương
Ngày 16/9/2014 Trước lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi công du vùng Nam Á, Ấn Độ tăng cường quan hệ quốc phòng và hợp tác năng lượng với Việt Nam, quốc gia mà New Delhi xem là có vai trò trọng yếu trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ.
Hôm qua, 15/09/2014, nhân chuyến viếng thăm của Tổng thống Pranab Mukherjee, New Delhi đã loan báo cấp cho Việt Nam 100 triệu đôla tín dụng xuất khẩu để Hà Nội mua vũ khí của Ấn Độ. Trong bản thông cáo chung, hai nước cho biết là khoản tín dụng nói trên sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho hợp tác quốc phòng Việt – Ấn và chi tiết của những hợp đồng vũ khí sẽ được thông báo sau. Trong bản thông cáo, Tổng thống Mukherjee và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định hợp tác quốc phòng và an ninh là “cột trụ quan trọng của khối đối tác chiến lược giữa hai nước”. Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý sẽ củng cố hợp tác dầu khí song phương, tiếp theo sau thỏa thuận năm 2013 giữa Petro Vietnam với tập đoàn ONGC của Ấn Độ. Ấn Độ và Việt Nam đã tăng cường hợp tác quốc phòng từ một thập niên qua, nhưng dưới sự lãnh đạo của tân thủ tướng Narendra Modi, New Dehli đang thi hành một chiến lược mới, đó là cấp tín dụng cho các nước khác để có thể gia tăng xuất khẩu vũ khí của Ấn Độ. Riêng đối với Việt Nam, khoản tín dụng 100 triệu đôla sẽ giúp đẩy nhanh cuộc đàm phán về việc bán tên lửa Brahmos của Ấn Độ, hiện đang tiến triển rất chậm. Việt Nam hiện đang cố xây dựng một lực lượng hải quân đủ mạnh để có thể đối đầu với Trung Quốc, qua việc mua các tàu ngầm hạng Kilo của Nga và đã tỏ ý muốn tiếp nhận công nghệ tên lửa của Ấn Độ để nâng cao khả năng phòng thủ. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ quân sự của Nga, đồng minh thời chiến tranh lạnh của Hà Nội và New Delhi. Tên lửa Bhramos đã được phát triển chính là với sự trợ giúp của Nga. Ông Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc  tại Canberra, cho rằng Hà Nội đang muốn mua các tên lửa của Ấn Độ để trang bị cho chiến hạm. Theo chuyên gia này, nếu hải quân Việt Nam được trang bị những tên lửa như vậy, hải quân Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn khi hoạt động ngoài khơi Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Nam Biển Đông. Ông Carl Thayer nói: “Việt Nam không muốn bị rơi vào tình huống mà sáng mở mắt ra đã thấy chiến hạm Trung Quốc bao vây căn cứ ở Trường Sa”. Ấn Độ hiện cũng đang tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhưng cả hai cường quốc châu Á này lại đang tranh giành nguồn năng lượng và ảnh hưởng khu vực, đồng thời vẫn còn tranh chấp lãnh thổ ở biên giới. Cho dù chuyến viếng thăm của Tổng thống Mukherjee ở Việt Nam không phải là đã được dự trù cho trùng hợp với chuyến công du Nam Á của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng chuyến đi này làm nổi rõ chiến lược mới của New Delhi. Theo nhận định của Raja Mohan, một nhà phân tích chính sách ngoại giao của Ấn Độ, chính phủ của Thủ tướng Modi dường như tin rằng họ có thể thiết lập quan hệ đối tác với Việt Nam mà chẳng cần quan tâm Trung Quốc nghĩ gì.