Tin Việt Nam – Thứ Hai 15/9
Sắp có đường bay thẳng Việt-Ấn — ‘Ấn Độ muốn VN mạnh trên Biển Đông’
Hai hãng hàng không Việt Nam và Ấn Độ ký kết Biên bản ghi nhớ khai thác và hợp tác xúc tiến đường bay thẳng nhân chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ.
Tổng thống Pranab Mukherjee đang thăm Việt Nam từ 14 đến 17/9.
Ngày 15/9, Vietnam Airlines và Jet Airways đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc mở đường bay thẳng.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Pranab Mukherjee cũng chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác khác.
Trong đó có Ý định thư về hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tổng Công ty Dầu khí Ấn Độ (ONGC Videsh Ltd).
Trả lời Thông Tấn Xã Việt Nam, Tổng thống Pranab Mukherjee nói quan hệ song phương “tuyệt vời và chưa bao giờ tốt như hiện nay”.
Ông cho rằng Việt Nam là một “trụ cột rất quan trọng” trong chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ.
Việt Nam là đối tác trụ cột trong chính sách ‘Hướng Đông’ của Ấn Độ và mục tiêu của New Delhi là muốn giúp Việt Nam xây dựng tiềm lực để trở thành một quốc gia mạnh trên Biển Đông, một chuyên gia về chính sách quân sự của Ấn Độ nhận định với BBC.
Giáo sư Bharat Karnad, chuyên gia về quân sự và an ninh quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách ở New Delhi, đã đưa ra nhận định này nhân chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee.
Chính sách ‘Hướng Đông’
“Hướng Đông là một chính sách đang thành hình,” Giáo sư Karnad nói. “Ý tưởng của chính sách này là để cho các nước ven Trung Quốc xích lại gần nhau và cùng hợp tác trong lĩnh vực an ninh để hạn chế các lựa chọn của Trung Quốc trong việc đối phó với họ.”
Ông giải thích một nội dung chủ yếu của chính sách ‘Hướng Đông’ của Ấn Độ là ‘xây dựng năng lực’ cho các nước, nhất là Việt Nam và Philippines.
“Chúng tôi tham gia rất nhiều trong việc củng cố sức mạnh hải quân cho Việt Nam,” ông nói.
Ông đưa ra dẫn chứng rằng New Delhi đang tính đến việc cung cấp tên lửa hành trình BrahMos cho Việt Nam, giúp huấn luyện thủy thủ đoàn cho các tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam mua từ Nga và sắp mở gói tín dụng trị giá 100 triệu đôla Mỹ cho Việt Nam để giúp nước này mua thêm 5 chiếc máy bay tuần tra của Ấn Độ.
“Ý tưởng của việc này là xây dựng Việt Nam trở nên hùng mạnh trên Biển Đông và đây là cách mà chúng tôi tin rằng sẽ giúp răn đe Trung Quốc đừng có những hành động hung hăng,” ông nói.
Theo Giáo sư Karnad thì chính sách ‘Hướng Đông’ của Ấn Độ trải dài từ Vịnh Bengal cho đến Biển Nhật Bản và do đó Việt Nam và Nhật Bản được Ấn Độ xem là ‘hai trục chính’ trong chính sách ‘Hướng Đông’ của mình.
“Việt Nam nổi lên như là trục trung tâm còn Nhật Bản là trục cuối. Đây là cách mà Ấn Độ sẽ thi hành chính sách ‘Hướng Đông’.”
Ông cho biết những nước bị ảnh hưởng bởi tuyên bố chủ quyền đường chín đoạn của Trung Quốc ‘sẽ được Ấn Độ ủng hộ’.
Chính vì vậy mà chuyến công du Việt Nam lần này của Tổng thống Mukherjee ‘chắc chắn nằm trong chiến lược thực hiện chính sách ‘Hướng Đông’ của Ấn Độ’, Giáo sư Karnad nói và cho biết nghị trình trong chuyến thăm này sẽ bao gồm việc Ấn Độ tham gia khai thác dầu khí ở các lô mà Việt Nam chào mời trên Biển Đông.
Điều này cho thấy Ấn Độ tái khẳng định cam kết của họ đối với khu vực Biển Đông, ông nhận xét, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.
“Những lô này nằm hoàn toàn trong vùng biển mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền,” ông nói.
“Ấn Độ đã nói rằng họ không đi đâu cả và rằng lợi ích của chúng tôi là ở việc ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Việt Nam.”
“Bắc Kinh phản đối một số việc mà Ấn Độ làm. Điều này cũng bình thường thôi,” ông nói thêm. “Luôn luôn có khác biệt và xung đột lợi ích giữa Bắc Kinh và New Delhi.”
Tín hiệu đến Trung Quốc?
Bình luận về việc chuyến đi Hà Nội của Tổng thống Mukherjee diễn ra đồng thời với chuyến công du Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Giáo sư Karnad phân tích rằng điều này đánh một tín hiệu đến Trung Quốc rằng Ấn Độ ‘đang xây dựng các lựa chọn khác ở châu Á’.
Trước thềm chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mukherjee đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Việt Nam rằng ông mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và chính trị. – BBC
Hàng trăm người trốn khỏi trung tâm cai nghiện ma túy
Hằng trăm học viên tại một trung tâm cai nghiện tại Hải Phòng vào chiều ngày 14 tháng 9 bỏ trại kéo nhau vào thành phố Hải Phòng một cách công khai.
Tự ý rời trại về nhà
Vụ việc được truyền thông trong nước loan đi. Theo đó hàng trăm thanh niên đang là học viên cai nghiện ma túy tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng – xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên. Đòan người đi dọc theo quốc lộ 10, đi ngang khu Thôn Chợ Tổng, Xã Lưu Kiếm, Huyện Thủy Nguyên, Thành Phố Hải Phòng.
Cô giáo tên Thảo, đang cư ngụ tại nơi này, chứng kiến cảnh đoàn thanh niên-học viên đi qua nhà cô:
“Tôi không biết lý do vì sao người ta trốn trại, tôi chỉ biết là khi người ta ra khỏi trại như thế là chỉ đi về nhà và không có làm gì ảnh hưởng đến dân chúng chung quanh đâu.”
Cô Thảo cho biết tiếp không có bất cứ một cuộc đập phá nhà dân nào từ phía học viên:
“Thực tế là, hôm qua do nhà tôi ở gần lề đường cho nên là tôi thấy họ đi qua bình thường lắm, họ không có gây ảnh hưởng gì đến chung quanh cả.”
Anh Mẫn đang kinh doanh hàng điện tử-máy tính bên đường khu vực cổng chợ xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên kể chúng tôi về những gì anh đã thấy và nghe:
“Họ đi bình thường, nói chuyện bình thường, người ta chẳng có nghịch phá gì cả, nhưng mà họ vận động cùng nhau dẫn nhau đi. Ra ngoài mọi người nói là học viên ra mất khoảng 700 người, thế nhưng người ta không đi tập trung một đường mà tản ra, rồi có người nhà nào về nhà nấy, nên số lượng đi ra ngoài đường chừng 200 người thôi.”
Anh Mẫn cho chúng tôi biết tiếp khi Anh đi ra ngoài phố để xem đòan người thì Anh nghe:
“Tôi nghe đâu là đòi quyền lợi ở trong đây trả lương thấp quá, khi người ta ở trong đó lao động thì trả tiền rồi, lương thấp quá nên người ta mới phá trại ra ngoài biểu tình đó.”
Chúng tôi cố gắng liên lạc qua điện thoại với những viên chức tại khu Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng – xã Gia Minh nhiều lần để hỏi về vụ việc học viên trốn trại như người dân cho biết, nhưng các viên chức tại đó thoái thác trả lời:
“Chuyện này nên liên hệ trực tiếp với đồng chí Tòan, hoặc đến đây, hoặc có hẹn trước, chứ chúng tôi không thể cung cấp được đâu, tôi không thể cung cấp bất cứ gì qua điện thoại được đâu, thông cảm nhé!”
Nguyên nhân xa gần
Một chị đề nghị được giấu tên đang làm việc tại một trung tâm cai nghiện ma túy nhỏ, trong hơn 3 năm làm việc với những gì mắt thấy tai nghe. Chị đưa ra nhận định về lý do các học viên trốn trại, là do những bức xúc của các học viên nên mới có chuyện xảy ra như vậy:
“Tại vì khi mà một lần nhà nước quét, quét rất là nhiều, nghĩa là khi một lần vô như vậy có rất nhiều đứa mới và có rất nhiều đứa bị hà hiếp. Trong những đợt đông quá, cái số mới đó đông quá nó liên minh với nhau, nó phản động, nó đập đồ, đập tường nó trốn như vậy đó, thì là như vậy, nó thấy bất công quá nó mới vô nó làm không trôi chảy bằng những đứa làm lâu mà lại ép nó làm như những đứa làm lâu, mà nó vừa làm không vừa ý lại bị đánh đập như vậy thì nó phải vùng lên.”
Anh Hải có 10 năm kinh nghiệm đang làm trong một trung tâm cai nghiện Tp.HCM cho biết các trường hợp bắt buộc tiếp tục phải vào trường cai nghiện:
“Trường hợp nếu người ta bắt được, nếu tái phạm lập hồ sơ tòa án kêu, kêu án, còn những người mới bị bắt giáo dục đóng tiền phạt đưa về địa phương giáo dục, hoặc đưa về quản lý cai nghiện cộng đồng. Nghị định 94 là cai nghiện trong trường trại 2 năm, về rồi mà những người đó không thực hiện nghiêm túc thì người ta cho thực hiện tiếp tùy theo mức độ ở trung tâm đó”
Tại Việt Nam việc giáo dục cai nghiện ma túy ở mỗi trung tâm đều có các hình thức lao động khác nhau. Anh Hải chia sẻ các học viên lao động tại trung tâm cai nghiện nơi Anh đang làm việc, và các học viên được đào tào nghề miễn phí do cơ quan nhà nước tài trợ:
“Hình thức lao động ở đây không có giống như là hình thức trồng rau, cuốc đất như ở các trung tâm lao động khác. Lao động chủ yếu là phương pháp trị liệu ở đây là dứt chữa trị cho học viên đó tự chữa trị lo bản thân mình, thức dậy buổi sáng là lo khu vực mình dọn dẹp, quần áo giường của mình. Thứ hai là ăn uống xong dọn dẹp lau bàn, lau ghế dọn dẹp vệ sinh, và được học nghề như cơ khí, mộc và học nghề miễn phí.”
Chị làm việc trong trung tâm cai nghiện vừa nêu chia sẻ cho chúng tôi biết có những trung tâm học viên phải làm lao động cực nhọc, và các học viên tự đánh nhau:
“Trường nhỏ của mình đang làm việc đây nè, ở đây nói chung làm cực làm dễ gì cũng có kêu học viên làm như cái kiểu động viên làm chứ không phải mày không làm tao đánh mày. Các trường lớn đó là nó quăng cho một bịch hạt điều nó nói nửa tiếng xong, không xong là ăn đòn. Còn ở chỗ mình cũng làm nhưng không có kiểu đó, nó làm được bao nhiêu thì nó làm, thôi thúc nó làm, nếu nó có lười biếng thì khuyên nhủ nó có động lực nó làm, một hai hôm sau nó làm, chứ không đánh đập nó.”
Chị kể tiếp trong những trường cai nghiện lớn các cán bộ không đánh học viên cai nghiện vì họ không được quyền, nhưng học viên mới phải chào sân các bạn cùng phòng, và cán bộ giao khoán việc lao động cho các tổ trưởng phòng, nếu không hòan thành thì tổ trường bị trách, cắt nhận tiền, hay thức ăn…:
“Nói chung, đầu tiên vô cái phòng mấy chục người ở, mình không làm gì hết bước vô phòng là ăn đòn rồi, gọi là chào phòng, đánh bầm dập như vậy đó, rồi ngày mai đố mà nó nói mà không nghe, nó kêu đi chà toilet, đấm lưng cho nó đố mà không nghe, đó là chuyện trong phòng. Còn chuyện lao động bên ngoài đó là mấy cán bộ dặn các người tổ trưởng đó ví dụ như là hôm nay là làm một mẫu mía, rồi thằng tổ trưởng nó nghe lời cán bộ nói vậy. Tổ trưởng học viên như mình, ở lâu làm tổ trưởng, nó mới nói những người mới vô, cũng là lính và quân của nó, và nó thông báo làm đi, mỗi đứa bao nhiêu mét, đứa nào đó hăng hái làm, đứa nào nghỉ tay là một cái cây đánh vô đầu liền, đánh xỉu dội nước ra làm tiếp…”
Chủ trương giúp người nghiện dứt bỏ được tình trạng nghiện ngập là một chủ trương đúng. Tuy nhiên công tác quản lý và phương pháp cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện hiện nay tại Việt Nam còn quá nhiều bất cập đã dẫn đến tình trạng trại viên phá trại như vụ việc hôm chiều ngày 14 tháng 9 ở Hải Phòng vẫn thường xảy ra. – RFA