Chỉ có trộm mới hiểu, tiền quan ‘găm’ chốn nào?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chỉ có trộm mới hiểu, tiền quan ‘găm’ chốn nào?

“Trộm nhà quan, quan thương, mất nhiều thì quan báo thành ít, mà mất ít thì quan ỉm luôn hộ đi cho”

a
“Siêu” trộm Đặng Ngọc Tân ở Đà Nẵng đã đột nhập vào 45 nhà quan chức, đại gia.

“Chỉ có trộm mới hiểu, tiền quan găm chốn nào, chỉ có trộm mới biết, quan giấu vàng ở đâu…” có người đã mượn lời thơ “Thuyền và biển” của nữ sĩ Xuân Quỳnh để nói về chuyện “trộm và quan” thời nay như vậy.

Mới đây nhất là vụ mất trộm 1,6 tỷ đồng của ông Đào Anh Kiệt- Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh, khi sự việc vỡ ra, ông Kiệt cho biết: “Đó là tiền mồ hôi nước mắt dành dụm để mua nhà cho con trai”.

Có lẽ chúng ta cũng dễ dàng đồng ý với ông Kiệt rằng tiền nào cũng là tiền mồ hôi nước mắt cả, nó không phải từ trên trời rơi xuống. Nhưng vụ mất trộm của ông Kiệt, ở cơ quan, tiền để trong hộc tủ với một số lượng lớn như vậy khiến cho người dân nghe thấy không tránh khỏi sự bán tín bán nghi. Sao lại để một số tiền lớn như vậy hớ hênh ở cơ quan được nhỉ?

Mà cái sự quan chức mất trộm ngày nay, nó muôn hình muôn vẻ lắm. Hồi năm 2013, một nhóm trộm đột nhập vào nhà ông Đặng Xuân Thọ – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum và bà Trần Thị Xuân Lan – Trưởng phòng tổ chức Cục thuế tỉnh Gia Lai khóa cửa ngoài. Dưới gầm giường nhà ông bà có một vali đã bị bọn chúng nẫng đi với tổng cộng 65 cây vàng.

Ngặt một nỗi, trộm thì lấy đi 65 lượng vàng, nhưng thoạt đầu gia chủ đi báo lên Công an phường Yên Đổ (TP. Pleiku) là bị trộm đột nhập nhà, nhưng không bị mất tài sản. Khoảng một tuần sau, bà Lan lại có đơn trình báo gửi Công an TP. Pleiku, nhà bà bị kẻ trộm đột nhập lấy cắp 5 cây vàng.

Các chú trộm biết tin mừng quá, bèn hối hả lấy vàng ra tiêu, vì 65 cây vàng mà gia chủ chỉ dám thừa nhận mất có 5 thì 60 cây kia chả phải đã “kính biếu” không cho trộm rồi chứ còn gì nữa? Và vì quá tự tin với món quà trời cho, nên trộm sa lưới.

Tháng 6-2013, ba tên trộm đã đột nhập vào nhà một nữ cán bộ văn phòng UBND tỉnh Nghệ An và lấy đi 57 lượng vàng cùng 50 triệu đồng tiền mặt. Chồng nạn nhân là cảnh sát giao thông thuộc Công an tỉnh Nghệ An, đã về hưu.

Mới hồi tháng 5-2014 vừa qua, nhà riêng của ông Lăng Văn Hòa – Giám đốc sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bắc Kạn bị trộm đột nhập, lấy đi 40.000 USD, 5 cây vàng SJC, 1 lắc tay, 1 cặp nhẫn cưới và 100 triệu đồng.

Nói chung những vụ mất trộm của nhà quan chức, chỉ cần bạn đọc  chịu khó ngồi tỉ mẩn ngồi tìm kiếm thông tin trên mạng một lúc là ra cả đống. Vụ nào mất cũng cỡ tiền tỷ trở lên cả.

Một “siêu trộm” tên là Đặng Ngọc Tân sinh năm 1982 tại Đà Nẵng đã 45 lần đột nhập tư gia nhà các doanh nhân, quan chức và thành công 36 vụ, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. “Siêu trộm” từng lấy đi 110 cây vàng miếng SJC ở nhà một vị giám đốc sở này tâm sự rất thật trước tòa: “Nhà đại gia, quan chức mới lắm tiền nhiều của chứ nhà dân thường lấy đâu ra tiền mà đột nhập vào cho mất công”.

Đấy, chân lý thật là dễ hiểu, cứ đột nhập vào nhà đại gia, quan chức thì chắc chắn thành công, chứ ngu gì chui vào nhà dân thường, vừa xôi hỏng bỏng không có khi lại còn bị đánh cho gần chết. Lấy của quan, không những quan thương, mất nhiều thì quan báo thành ít, mà mất ít thì quan ỉm luôn hộ đi cho. Thật là sung sướng không biết đâu mà kể.

Mối quan hệ giữa “trộm và quan” thật khăng khít gắn bó chẳng khác gì “thuyền và biển” và trong bài thơ tình nổi tiếng của nhà thơ Xuân Quỳnh. “Chỉ có trộm mới hiểu, tiền quan găm chốn nào, chỉ có trộm mới biết, quan giấu vàng ở đâu…” Bí mật của quan không ai biết rõ ngoài trộm, mà cũng không ai “thương” trộm hơn quan, vì quan có lu loa mất của lên thì dại mặt quan, nên nhiều vụ quan đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Một thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2007 – 2013, các cơ quan chức năng đã truy tố gần 2.200 vụ án về tham nhũng với gần 5.300 bị can, nhưng chưa có vụ án tham nhũng nào được phát hiện thông qua việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

Còn thống kê của Thanh tra Chính phủ cho biết, trong năm 2011 chỉ phát hiện 2 trường hợp được xác định kê khai không trung thực và năm 2012 là 3 trường hợp.

Đọc những con số thống kê này, có người nói vui là sao không nhờ đến các chú trộm và “siêu trộm” kiểm tra, đối chiếu giúp cho bản kê khai tài sản của các cán bộ, công chức xem có thực đúng với những gì họ đang cất giữ trong gầm giường, hộc tủ nhỉ? Đơn giản lắm, chỉ cần một ông “siêu trộm” như ông Tân ở Đà Nẵng, 45 vụ đột nhập và thành công tới 36 vụ đủ biết trình độ cất giấu của chìm của nổi của các quan chức nước mình còn non lắm.

Nhưng nói cho vui vậy thôi, chứ ai dại gì mà dùng trộm vào việc kiểm tra tính xác thực trong việc kê khai tài sản của công chức, cán bộ, quá bằng “lậy ông tôi ở bụi này” cho các vị quan chưa bị trộm viếng thăm.

Trộm hay quan, quan hay trộm, trong cái thời buổi nhập nhèm này, trộm là một thứ quan trong bóng đêm, còn có khi quan lại là một thứ trộm giữa ban ngày ban mặt cũng nên. Ai mà biết được.

Mi An