Thượng Đỉnh NATO 2014 và Những Thách Thức cho Hoa Kỳ – Bs. Mã Xái

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thượng Đỉnh NATO 2014 và Những Thách Thức cho Hoa Kỳ – Bs. Mã Xái

Thượng đỉnh NATO – 2014 đã qui tụ hầu hết lãnh đạo của 28 quốc gia thành viên về Cardiff xứ Wales trong những ngày 4 và 5 tháng Chín. Bản thông cáo báo chí dài 28 trang “Wales Summit Declaration” cho thấy NATO đang phải đối với những tình huống đầy bất trắc khó bề tiên liệu. Hành động của Nga trong chiến cuộc Ukraine là một thách thức trầm trọng cho nền an ninh và ổn định trên toàn thể Âu Châu. Sự phát triển thần tốc của lực lượng Hồi giáo quá khích ISIS tại các lân bang vềphía nam như  một quốc gia độc lập “Quốc Gia Hồi Giáo” (IS) đang chiếm lấn Iraq, Syria với hành động cực kỳ man rợ, cùng với những khủng hoảng đang phủ bóng các nước Trung đông và Bắc Phi. Cam kết tuân thủ với Điều 5 Hiến chương Washington 1949, NATO có những phản ứng tuy chậm chạp nhưng thích hợp để đối phó với Nga, và tại Hoa Kỳ Tổng Thống Obama tuyên bố Chiến lược chống Nhà Nước Hồi Giáo (IS) hôm 10 Tháng Chín 2014, một ngày trước Lễ Tưởng niệm đánh dấu năm thứ 13 của khủng bố 9/11.

NATO và thông điệp cho Nga về việc xâm lấn Ukraine.

Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thành lập năm 1949 chủ yếu để bảo vệ còn phần lại của Tây Âu trước sự bành trướng của Liên Bang Xô-Viết, và để canh chừng khối quân sự Warsaw. Thế nhưng Liên–Xô sụp đổ năm 1991 kéo theo sự khủng hoảng trong khối Xô-Viết cũ, như đã xảy ra ở Serbia, sự tan rã của Yugosslavia (Nam Tư) và các cộng hoà XHCN cũ trong khối Liên Xô trước kia nay hướng về với Tây Âu tự do. Đây là thời kỳ NATO phát động mở rộng thành viên quốc gia từ những nước trong khối Warsaw, các quốc gia Baltics, các quốc gia Đông Âu… và lần mở rộng gần nhứt là năm 2009 thâu nạp thêm Albania, Croatia. Từ 12 quốc gia sáng lập (1949), NATO nâng con số lên 28 thành viên. Liên Bang Nga kế nghiệp nhìn sự tan rã của hệ thống Liên Xô cũ cho đến khi Putin lên nắm chánh quyền thì tham vọng phục hồi “đế chế” cũ lộ diện, mở rộng biên cương, bắt đầu với cuộc chiến Nga-Geogia năm 2008 kết quả thì South Ossetia và Abkhazia sau cùng lại bị xáp nhập vào Nga; Tây Phương và NATO cũng lên tiếng lấy lệ. Những quốc gia Baltic (Estonia, Latavia, Lithuana), Ukraine có lý do lo sợ vì tiếp giáp với Nga.

Nỗi lo sợ đó đã thành sự thật: tháng Ba 2014 Nga can thiêp quân sự chiếm lấy Crimea của Ukraine rồi sau đó thành lập nước Cộng Hoà Crimea nằm trong Liên Bang Nga! NATO và Hoa Kỳ lên tiếng phản đối! Putin không dừng ở đó, cho mật vụ công an, tay chân vào các thành phố phía Đông Ukraine nơi có nhiều dân nói tiếng Nga như Donetsk, Luhansk, Marioupol (xem bản đồ) vận động phong trào ly khai rồi cung cấp võ khí. Chưa hết, cho cả ngàn binh sĩ Nga với xe tăng, trọng pháo tràn vào Ukraine. Những trận chiến giữa quân đội chánh quyền Ukraine và phe nổi dậy gây nên sự chết chóc tàn hại do chiến tranh làm náo động, kinh hãi cho dân chúng Ukraine và cả dân chúng Nga. Putin muốn chiếm luôn cảng Marioupol tạo vùng hành lang nối liền từ lãnh địa liên bang Nga tới Biển Đen qua bán đảo Crimea (xem bản đồ). Tới bấy giờ thì biện pháp trừng phạt của EU và Hoa Kỳ chưa đủ mạnh để áp lực Putin rút quân hay ngưng cung cấp võ khí cho phe ly khai, theo ý đồ của Putin là sau cùng thành lập cộng hoà Donetsk và cộng hoà Luhansk hay ít nhứt lúc này trì hoãn và kéo dài cuộc khủng hoảng, không để cho Ukraine gia nhập NATO. Một thỏa hiệp ngừng bắn Minks giữa bốn bên (Kyiv, Nga, OSCE, phe ly khai) được ký vào ngày 5/09/2014 mà TT Obama tỏ ra hoài nghi vì kinh nghiệm quá khứ liệu có thực thi nghiêm chỉnh đến đâu.

Hành động xâm lăng của Nga vào Donetsk, Luhansk (Ukraine), bất chấp luật pháp quốc tế khiến 28 quốc gia liên minh đã hiện diện đông đủ chưa từng thấy trong đại hội Thương đỉnh NATO lầnthứ 26 để có hành động cụ thể. Ngày Thứ Sáu 05/09/2014 TT Obama tuyên bố NATO quyết định thành lập “lực lượng phản ứng nhanh” coi như thông điệp gởi cho Nga hầu tránh những cuộc xâm lấn trong tương lai tương tự như cuộc chiến đang xẩy ra tại Ukraine. Lực lương gồm có cả ngàn hải, lục, không quân và lực lượng đặc biệt do các quốc gia thành viên tuần tự luân phiên phái đến và sẽ được triển khai sau đôi ba ngày thông báo. Trước đó, vị Tổng Thơ Ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết lực lượng sẽ được thành lập sớm tại các nước Baltic như Estonia, Latavia, Lithuana, Poland nguyên là những nước thuộc khối Xô-Viết cũ mà nay đã là thành phần trong 28 quốc gia thành viên, và nằm cạnh kề Liên Bang Nga. Ông cũng nhấn mạnh rằng “lực lượng phản ứng nhanh” là thể hiện nhiệm vụ trung tâm của Tổ chức được ghi rõ nơi Điều V của hiến chương NATO: một sự tấn công nào vào một thành viên liên minh được xem như tấn công vào toàn tập thể và tập thể có nghĩa vụ chống đỡ, hỗ trợ. Anh quốc sẽ cung ứng 3500 nhơn sự để đáp ứng cho lực lượng phản ứng nhanh; Hoa kỳ đã có quân đội tại Estonia là nước mà TT Obama đã dừng chơn tại thủ đô Tallin trước khi đến Cardiff. Tổng thống Estonia muốn có một lời cam kết từ TT Obama là bảo vệ quốc gia Baltic trước mối lo ngay ngấy trong lòng dân chúng, không biết Nga sẽ xâm lấn họ lúc nào.

Cũng nên biết là Ukraine chưa phải là thành viên của NATO nhưng TT Peroshenko lại là khách được mời đến tham dự đại hội.  Thủ tướng Arseny Yatsennyuk của Ukraine đã từng xin Quốc hội thông qua quyết định để xin gia nhập NATO. Ngay việc gia nhập EU cũng bị diên trì từ ngày Ukraine trở nên độc lập sau sự sụp đổ của khối Liên-Xô. Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến NATO nhứt là Hoa Kỳ đã nhìn lại và điều chỉnh chiến lược của NATO cho phù hợp với tình hình mới, trước đà bành trướng của Putin. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và nhiều nghị sĩ quốc hội đã đến Kyiv và tỏ quyết tâm ủng hộ. Có tin TT Poroshenko sẽ đến Washington 9/18/2014 để gặp TT Obama trong khi hai nghị sĩ hàng đầu thuộc Ủy Ban Ngoại Giao Thương viện Bob Corder và Robert Menendez yêu cầu NS Boehner chủ tich Hạ Viện mời TT Poroshenko trình bày trước Quốc Hội chẳng những riêng vấn đề Ukraine mà cả vấn đề Nga và trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh. Nhơn vụ khủng hoảng Ukraine Nga Mỹ sẽ lại gặp nhau tại Moscow vào 9/11/2014 để xem lại về sự tuân thủ hiệp định kiêm soát võ khí ký năm 1987 với lời cáo buộc của Hoa Kỳ về việc Nga vi phạm hiệp ước. Trước phiên họp ngày 10 tháng 09 Putin cho thử nghiệm thành công tên lửa liên lục địa từ tàu ngầm Bulava và Putin cho biết Nga cần có vũ khí nguyên tử răn đe.

Với chiến lược răn đe NATO đặt vấn đề đóng góp tài chánh; mọi thành viên NATO có nghĩa vụ đóng góp 2% trên GDP cho chi tiêu quốc phòng, nhưng quả tình quá ít thành viên hưởng ứng trong khi Hoa Kỳ đóng góp 4,8% (năm 2012) hoặc hơn; trong Đại hội Thượng đỉnh kỳ này TT Obama đã kêu gọi mọi quốc gia ít nhứt theo gương Estonia đóng góp 2% (thực ra năm 2012 Estonia đóng 1.7%). Trên thực tế NATO sống đến 65 tuổi chủ yếu là nhờ sự đóng góp quân phí và các nhu cầu tài chánh khác. Đây cũng là thách thức cho Hoa Kỳ trong tư thế lãnh đạo của một siêu cường. Tây phương chắc cũng phải thấy ảnh hưởng của chánh sách “tái cân bằng/đổi trục”của Hoa Kỳ trên NATO, do đó nghĩ NATO cũng nên “tái cân bằng” trong tình hình mới, trong lúc Hoa Kỳ đang đối diện với sự lớn mạnh của IS (Quốc gia Hồi Giáo), về tình trạng bất ổn ở Afghanistan, cùng những trỗi dậy không hài hòa của Trung Cộng.

NATO và Hoa Kỳ trước các thách thức của IS, các bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi

Tình trạng bất ổn đe dọa gia tăng đang phủ bóng các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi chẳng những thách thức cho an ninh vùng mà còn ảnh hưởng tác hại cho Liên Minh và trên khắp thế giới.

“Quốc gia Hồi Giáo” (IS) là thách thức nghiêm trọng cho cả thế giới văn minh mà TT Obama đã trình bày hôm 5/Tháng Chín cho Thượng đỉnh NATO Wales; tổ chức phiến quân này đang hoành hành và đe dọa nền an ninh hai quốc gia Iraq và Syria là hai quốc gia nằm ngay phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên thâm niên của NATO từ 1952. Ông Obama đã phát họa kế hoạch đối phó với việc thành lập một liên minh quốc tế để đánh bại IS và trong bản thông cáo báo chí “Wales Summit Declaration“ (ngày 05/09/2014) NATO tái khẳng định sự cam kết đối tác NATO-Iraq; NATO hoan nghinh việc Hoa Kỳ tăng cường không kích ngăn đà tiến quân của IS toan chiếm các thành phố chiến lược vùng Bắc Iraq và các hoạt động cứu trợ cho nạn nhơn chiến cuộc. Thổ Nhĩ Kỳ và quốc gia đối tác Jordan và láng giềng Lebanon phải cưu mang hàng triệu người tị nạn, nạn nhơn của cuộc nội chiến thảm khốc từ Syria. NATO đã khai triển tên lửa Patriot tại Thổ Nhĩ Kỳ chứng tỏ mối quyết tâm và khả năng phòng ngừa và răn đe cho mọi đe dọa đối với thành viên. Chánh sách tàn bạo của nhà nước Syria lại được Nga hỗ trợ, ngăn trở việc giải thể chế độ độc tài Assad. Sự bành trướng của IS từ Iraq vào Syria cũng nhằm lật đổ chế độ Assad. NATO và Hoa Kỳ đang nghĩ về việc hỗ trợ một lực lượng đối lập ôn hòa có thể bảo vệ cộng đồng đa dạng Syria chống lại chế độ tàn bạo Assad và vừa chống với IS quá khích. NATO cũng đã thảo luận vấn đề Afghanistan tại Thượng đỉnh Wales qua một phiên họp mở rộng cùng với các Lực Lượng Hỗ Trợ An ninh Quốc Tế (ISAF). Tương lai Afghanistan tuỳ thuộc vào Thỏa Ước An Ninh Song phuơng (BSA) mà các ứng cử viên Tổng Thống Afghanistan đều cam kết là sẽ thuận thông qua nếu họ đắc cử, bằng không thì ISAF chấm dứt vào cuối năm 2014. Một sư rút lui toàn bộ của lực lượng quốc tế ISAF và cắt đứt các chuẩn bị hậu-ISAF sẽ mời gọi sự hồi sinh và nổi dậy của Al Qaeda và các nhóm quá khích trở lại đánh phá như trước kia họ đã làm. Mục tiêu tiên khởi khi Hoa Kỳ đánh chiếm Afghanistan vào năm 2001 là nhằm truy lùng, tấn công, cô lâp và tiêu diệt những kẻ chủ mưu cuộc khủng bố ngay trên đất Mỹ ngày 9 Tháng 11 năm 2001. Hoa Kỳ là một thành viên sáng lập NATO đã lãnh đạo cuộc chinh phạt trên mười năm không lẽ chấp nhận sự thất bại trước sự quật khởi của Taliban? Liên minh NATO đã và sẽ đứng bên cạnh Hoa Kỳ và ủng hô hiệp ước an ninh BSA xác định việc cam kết hỗ trợ nhơn dân Afghanistan theo sau sự kết thúc của ISAF.

Những nổ lực cho cuộc chiến chống IS càng thêm khẩn trương từ sau Thượng đỉnh NATO, nhằm phác họa sách lược chống IS. Tại Iraq dưới áp lực của Washington, một Thủ tướng mới ông Haider al-Abadi thay thế vị tiền nhiệm là ông Nouri al Maliki bị qui trách là đẩy khối người thiểu số Sunni ra ngoài lề tạo thêm điều kiện cho các phần tử cực đoan nổi dây. Vị tân Thủ tướng cam kết là sẽ chống nhóm cực đoan IS tại Iraq, và các nhà phân tích tin tưởng ông Abadi và nội các hòa giải dân tộc của ông sẽ tạo được sự đoàn kết quốc gia, sự đoàn kết tất cả cộng đồng đa dạng của Iraq.  Ngoại trưởng Kerry đã đến Baghdad thảo luận với tân Thủ Tướng hôm 10 tháng Chín 2014 để bàn về cuộc chiến chống IS. Đây là chặng dừng chơn đầu tiên của Ông Kerry trên đường công du bảy ngày tại các nước Trung Đông trong nỗ lực xây dựng một liên minh rông rãi trong nỗ lực chống lại Nhà Nước Hồi Giáo. TT Obama hôm 9/9/14 cũng trình bày cho các lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội trước khi gởi thông điệp về sách lược chống IS đến toàn dân vào tối hôm Thứ tư 10/10/2014, một ngày trước ngày đau buồn tưởng niệm 9/11 cách đây 13 năm, một ngày đen tối trong lịch sử Hoa Kỳ do tổ chức khủng bố Hồi Giáo al-Qaeda mà thủ lãnh là Osama bin Laden đã đền tội (ngày 2 Tháng 5, 2011). Hành động man rợ của IS làm tăng thêm mối quan ngại về nhóm quá khích IS có thể thực hiện một cuộc tấn công vào Hoa Kỳ, nhứt là sau vụ IS hành quyết man rợ hai ký giả người Mỹ.

Qua buổi truyền hình đêm 10/10/2014 từ Bạch Ốc, Tổng Thống Hoa Kỳ đã chánh thức thông báo sách lược mới trong nỗ lực chống lại những kẻ chủ chiến thuộc nhóm Nhà Nước Hồi Giáo và cam kết “nỗ lực không ngừng để quét sạch những kẻ khủng bố ra khỏi bất cứ nơi nào chúng tồn tại”, khác với kế hoạch “truy lùng và diệt địch” của cựu Tướng Wesmoreland trong cuộc chiến Việt Nam ở chỗ theo TT Obama “sẽ không có sự tham gia quân đội Mỹ chiến đấu ở nước ngoài” mà sẽ ”xử dụng không lực” diệt trừ bọn khủng bố với sự “hỗ trợ của Hoa Kỳ cho các lực lượng đối tác trên bộ”, ông nói rõ Hoa Kỳ không thể thay thế những công việc mà nhơn dân Iraq có trách nhiệm trực diện chiến đấu với bọn khủng bố. Kế hoạch còn bao gồm huấn luyện và võ trang các lực lượng an ninh Iraq cũng như những chiến binh phe đối lập Syria được thanh lọc là thân Tây phương để hai nhóm này chiến đấu với lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo. Phiến quân thân Tây phương đã chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo và cả việc chống lực lượng trung thành với Tổng thống Assad. Tổng Thống Mỹ còn dự trù gởi thêm 475 quân nhơn đến Iraq trong vai trò phi tác chiến trong công tác huấn luyện cố vấn, tình báo. Khả năng mở rộng không kích của Mỹ nhắm vào nhữnh thành trì của nhóm khủng bố chẳng những ở Iraq mà còn vào tận Syria. Tổng Thống cho biết “Mỹ sẽ dẫn đầu một liên minh rộng khắp để đẩy lùi mối đe doạ khủng bố này”, rằng các đồng minh ở Âu Châu, ở Trung Đông và ở những nơi khác sẵn sàng tham gia chiến dịch chống khủng bố này.

Sách lược chống IS của TT Obama được sự ủng hộ khá nồng nhiệt của hai khối Dân chủ và Cộng hoà cũng như công luận. Tuy nhiên “nghi vấn về cách thức mà Tổng Thống sẽ hành động” như Chủ tich Hạ viện Boehner nói, và biện pháp hành động chắc đòi hỏi nhiều thời gian để thực thi đầy đủ trong khi “mà đà tiến chiếm lãnh thổ của phiến quân IS cần chận đứng và đảo ngược ngay lập tức”, NS Ed Royce Chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao cũng cho rằng TT quá chậm trễ trong hành động. Một dự luật cho phép hành pháp thực hiện sách lược chống khủng bố cũng đang được các nhà lập pháp nêu lên, nhưng chắc rồi Quốc hội sẽ phải thông qua cho thấy sự đồng thuận của toàn dân trong cuộc chiến chống khủng bố của Nhà nước Hối Giáo.

Tổng Thống Obama đang đối diện với các thách thức khủng bố của Quốc gia Hồi Giáo đặt đất nước trong tình trạng báo động. Ông đã trình bày với công luận một chiến dịch mà khung thời gian khó hạn định nhưng với ý chí đanh thép là không còn nơi nào là nơi ẩn náu an toàn cho những kẻ đe dọa nước Mỹ để rồi sau cùng sẽ tiêu diệt nhóm quá khích IS. Ông vẫn còn phải đối diện với tình trạng bất ổn ở Trung Đông, Bắc Phi. Ông cũng chưa thành công chiến lược tái cân bằng/đổi trục về Á Châu trong khi phải cùng Minh Ước Bắc Đại Tây Dương đương đầu với biến cố Nga xâm lấn Ukraine. Uy tín cũa ông trong Nhà Trắng đang xuống mức thấp 45% theo các viện thăm dò dư luận, ảnh hưởng sẽ không nhỏ cho cuộc bầu cử bán nhiệm kỳ, và liệu đảng Dân chủ còn được sự ủng hộ của dân chúng Mỹ trong vị thế lãnh đạo trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2016.

Bs Mã Xái