Xây dựng ‘nguy hiểm hơn giàn khoan’

Cac Bai Khac

No sub-categories

Xây dựng ‘nguy hiểm hơn giàn khoan’

An ninh Việt Nam sẽ bị đe dọa nếu Trung Cộng xây xong căn cứ ở Gạc Ma?

Theo BBC – 03:38 GMT – thứ  Năm, 11 tháng 9, 2014
Một chuyên gia theo dõi tình hình Biển Đông từ trong  nước cho rằng việc Trung Quốc đang tiến hành xây dựng trên các bãi cạn  thuộc Quần đảo Hoàng Sa là ‘cực kỳ nguy hiểm’ đối với Việt Nam.

Vị chuyên gia này cũng nói Việt Nam sẽ kiên trì đấu tranh với Trung  Quốc về hành động này.

Trước đó, phóng viên BBC News đã chứng kiến tận mắt Trung Quốc đang  đổ hàng triệu tấn đá và cát để biến một số bãi đá mà họ chiếm  giữ ở Quần đảo Trường Sa thành đảo nổi và dường như đang xây cả  đường băng đủ dài cho máy bay chiến đấu.

‘Cực kỳ nguy hiểm’

Trao đổi với BBC, Tiến sỹ Trần Công Trục, cựu trưởng Ban Biên giới  Chính phủ Việt Nam, cho rằng đây là ‘hành động, âm mưu cực kỳ nguy  hiểm’ của phía Trung Quốc. “Nó nguy hiểm, nghiêm trọng hơn rất nhiều so với việc Trung Quốc đưa  giàn khoan (xuống Biển Đông),” ông nói và cho biết vị trí Trung Quốc  đang xây cất gần bờ biển và thềm lục địa Việt Nam, gần nơi Việt Nam  khai thác dầu khí và tiến hành các hoạt động kinh tế của mình.

“Việc biến đảo chìm thành đảo nổi thì  mục tiêu pháp lý là muốn mở rộng vùng biển để tạo thành chồng lấn,  biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp, biến không thành  có.” – Tiến sỹ Trần Công Trục

“Vị trí này Trung Quốc đang muốn biến thành căn cứ quân sự để  triển khai chiến lược của họ trong việc độc chiếm Biển Đông,” ông giải  thích, “Nó hết sức nguy hiểm xét về địa chính trị của khu vực  này.” Ông cũng cho biết việc xây dựng này của Trung Quốc là một phần của  kế hoạch ‘tạo ra vùng biển (thuộc chủ quyền của Trung Quốc) để chứng  minh cho yêu sách đường lưỡi bò là hoàn toàn có cơ sở’. “Việc biến đảo chìm thành đảo nổi thì mục tiêu pháp lý là muốn  mở rộng vùng biển để tạo thành chồng lấn, biến vùng không tranh chấp  thành vùng có tranh chấp, biến không thành có,” ông phân tích. Ông Trục nhắc lại rằng Trung Quốc đã từng vạch đường cơ sở của  Quần đảo Hoàng Sa ‘theo tiêu chí của một quốc gia quần đảo’. “Họ muốn mở rộng tất cả các thực thể trong hai quần đảo ra tới  những vị trí xa nhất, thậm chí có những bãi cạn không nằm trong phạm  vi hai quần đảo đó họ vẫn muốn lấy để sử dụng vạch đường cơ sở bao  bọc toàn bộ theo tiêu chuẩn quốc gia quần đảo,” ông nói.

Phản ứng yếu ớt?

Trước câu hỏi tại sao phản ứng của Việt Nam trước việc xây cất này  của Trung Quốc yếu ớt hơn rất nhiều so với khi Trung Quốc đưa giàn  khoan ra vùng biển tranh chấp trên Biển Đông, Tiến sỹ Trục nói: “Việc Trung Quốc xâm chiếm Trường Sa, chúng tôi đã phản đối mạnh mẽ  rồi. Việc họ làm bất kỳ hành động nào trên đó dù là nhỏ nhất thì  phía Việt Nam đều có những tuyên bố phản đối để ghi nhận rằng Việt  Nam không chấp nhận hành động của họ.” “Về mặt sách lược, Việt Nam muốn cố gắng giữ tình hình ổn định  và không để cho tình hình phức tạp hơn lên tạo ra những mâu thuẫn dẫn  tới đụng độ trong khu vực,” ông nói thêm.

“Về mặt sách lược, Việt Nam muốn cố  gắng giữ tình hình ổn định và không để cho tình hình phức tạp hơn  lên tạo ra những mâu thuẫn dẫn tới đụng độ trong khu vực.” – Tiến sỹ Trần Công Trục

Ông giải thích rằng hành động giàn khoan là ‘một hình thức mới’  của Trung Quốc trong việc ‘tranh giành các quyền vô lý của họ đối với  chúng tôi’ nên Chính phủ Việt Nam đã đấu tranh mạnh mẽ. Riêng việc xây dựng ở Trung Quốc thì ‘đã xảy ra trong quá khứ’ chứ  không phải là hành động mới mẻ như giàn khoan, ông Trục nói và cho  biết Việt Nam ‘đã phản đối và tiếp tục phản đối’. Về cách đối phó của Việt Nam, ông Trục cho rằng Chính phủ và  người dân Việt Nam ‘luôn đấu tranh phản đối để thể hiện ý chí của  người Việt Nam không bao giờ từ bỏ chủ quyền’. “Việc dùng vũ lực phải tính đến tình hình chung của khu vực và  thế giới và nó sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn mà Việt Nam không muốn  trong tình hình hiện nay,” ông nói. “Mặt khác việc làm của Trung Quốc không chỉ đe dọa an ninh của Việt  Nam mà còn ảnh hưởng chung đến tình hình an ninh của khu vực và thế  giới,” ông nói thêm, “Chúng tôi sẽ làm sao để các nước có tiếng nói  góp sức cùng chúng tôi ngăn chặn sự ngang ngược của Trung  Quốc.”