Tin Việt Nam 11/9/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam 11/9/2014

Nhà hoạt động Nguyễn Xuân Nghĩa ra tù
Nhà hoạt động Nguyễn Xuân Nghĩa vừa ra tù sau khi mãn hạn bản án 6 năm tù giam vì tôi ‘Tuyên truyền chống phá Nhà nước’ theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Nga, vợ ông Nghĩa, xác nhận với BBC trong cuộc phỏng vấn ngày 11/9.

“Công an phường cách đây mấy hôm đến nói là 8 giờ sáng ngày 11/9 sẽ hoàn thành tất cả các thủ tục tại trại giam”.

Cũng theo bà Nga, ông Nghĩa đang trên đường được đưa về áp giải từ trại giam ở Quảng Nam và dự kiến sẽ về đến nhà vào ngày 12/9.

“Gia đình nói chung là rất mừng,” bà nói.

“Khi bị giam giữ thì ông cũng đã nhiều tuổi và nhiều bệnh tật. Gia đình rất mong ông sẽ sớm trở về để có thời gian chữa bệnh”.

Theo bản án hồi năm 2009 thì ông Nghĩa sẽ phải trải qua 3 năm quản chế tại gia.

Khi được hỏi liệu gia đình có ủng hộ ông Nghĩa quay trở lại các hoạt động như trước khi bị bắt giữ hay không, bà Nga cho biết:

“Trước đây khi ông bắt đầu tranh đấu thì gia đình và bà con cũng sợ và có can ngăn, nhưng ông ấy không chịu nghe đâu.”

“Ông ấy đã xác định lý tưởng thì sẽ theo đến cùng”.

Bà Nga cho biết những ngày qua có một số nhà hoạt động đến hỏi thăm gia đình.

“Trên mạng cũng có rất nhiều người chia sẻ và vui thay gia đình,” bà Nga nói.

Trong thời gian bị giam giữ, ông đã mắc bệnh nặng và phải trải qua một ca phẫu thuật, bà cho biết.

“Công an ở đó đã trả thù bằng cách vừa rời phòng mổ đúng 3 tiếng thì họ đem xích đòi xích ông vào chân tường”.

“Ông ấy đòi tự vẫn, nói thà chết chứ không để bị làm nhục”.

‘Bản án tàn bạo’

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, 65 tuổi, bị bắt giữ cùng nhiều nhà hoạt động khác trong đợt trấn áp hồi tháng 9 năm 2008.

Đến tháng 10 năm 2009, ông bị tuyên án 6 năm tù giam, 3 năm quản chế tại gia vì tội ‘Tuyên truyền chống phá Nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Vợ ông khi đó nói với BBC bà “đã khóc tại phiên tòa” khi nghe tuyên án” và cho rằng “bản án quá bạo tàn và vô lý, chồng tôi không làm gì sai”.

Ông Nghĩa sinh ra trong một gia đình có ‘truyền thống cách mạng’ tại Nghệ An và từng du học Tiệp Khắc trong những năm 1967-1970, thời gian xảy ra cuộc cải cách Mùa xuân Praha.

Trở về nước, ông làm việc cho một công ty cơ khí của Hải Phòng và bắt đầu tham gia vào các hoạt động đấu tranh cho dân chủ.

Ông cũng đã tham gia vào nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 2007-2008.

Trước khi bị bắt, ông cũng được cho là đã viết đơn yêu cầu UBND TP Hà Nội cho tổ chức cuộc biểu tình đòi chính phủ có biện pháp đẩy lùi lạm phát, cải thiện kinh tế, khi Viêt Nam đang đối mặt với mức lạm phát kỷ lục, lên đến gần 23%.

Hồi năm 2011, ông được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) trao giải thưởng Hellman-Hammett. – BBC

Đóng triển lãm ‘Cải cách Ruộng đất’?

Tin từ Hà Nội cho hay cuộc triển lãm Cải cách Ruộng đất 1946-1957 “bị đóng cửa vì lý do ánh sáng” trong chiều thứ Năm.

Cuộc triển lãm đã gây ra nhiều tranh cãi ngay từ hôm khai mạc.

Báo chí tiếng Việt trong và ngoài nước đã nói nhiều về cách trình bày hiện vật ở bảo tàng này.

Có những ý kiến từ giới sử gia trong nước cho rằng cuộc triển lãm chưa đầy đủ.

Một nguồn tin trong giới nghiên cứu cho BBC hay chiều tối 11/9 giờ Hà Nội rằng có tin nói Bảo tàng “đang tạm không tiếp đón người xem chiều nay để điều chỉnh lại”.

Cũng chưa rõ liệu cuộc triển lãm sẽ được điều chỉnh về kỹ thuật, ánh sáng hay nội dung thế nào và có mở trở lại không.

BBC chưa liên lạc được với ban giám đốc bảo tàng qua điện thoại chiều tối hôm thứ Năm để tìm hiểu thêm sự việc.

Khai mạc hôm 8/9, Bảo tàng đã trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946-1957”.

Gần 150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu về Cải cách ruộng đất đã được lựa chọn, cho người xem thêm nhiều thông tin về Cải cách ruộng đất, theo đánh giá của giới quan sát.

Nhưng cuộc triển lãm cũng bị phê phán đã không nhắc đến cụ thể “những sai lầm tả khuynh” nghiêm trọng để lại những tổn thất lớn cả về con người và tổ chức, gây đảo lộn đời sống xã hội ở nông thôn miền Bắc Việt Nam”.

Trận lũ đau buồn

Ngoài ra, cuộc triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội cũng trở thành nơi để khách đến xem, gồm các thế hệ già và trẻ “nhắc lại chuyện đau buồn” thời Cải cách Ruộng đất khi các vụ tố oan, bắn giết nông dân bị quy là “thành phần trên” đã xảy ra.

Chẳng hạn, trang VnExpress mô tả chuyện một người xem có tuổi nghĩ gì về hiện vật:

“Chỉ lên bức ảnh nông dân được chia lại ruộng đất, đằng sau là khẩu hiệu “Địa chủ hết đời, nông dân vạn đại”, người đàn ông 74 tuổi quê Diễn Châu (Nghệ An) chia sẻ, giá như nó được sửa lại là “Địa chủ hết thời, nông dân vạn đại” với ý nghĩa khẳng định sự chấm dứt một thời kỳ áp bức của địa chủ nông thôn với nông dân thì sẽ hay hơn,”

“Không muốn nhắc lại khoảng thời gian buồn đau của gia đình khi ông, cha đều bị đem ra đấu tố, ông ví “thời kỳ 1953-1956 như trận lũ quét qua nông thôn Việt Nam”.

Theo blog Xuân Diện, sáng nay 11.9.2014, bà con dân oan Dương Nội mặc áo thun với các dòng chữ đòi nhân quyền đã đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia, phố 25 phố Tôn Đản, Hà Nội để xem triển lãm Cải cách ruộng đất.

“Đoàn người đi bộ đến bảo tàng, đứng trước cổng để xem các thông tin về cuộc triển lãm trưng bày về Cải cách ruộng đất. Lúc đó đã 11h trưa, bảo vệ nói đã hết giờ xem, hẹn bà con đến vào lúc 2h chiều. Bà con Dương Nội tản ra vườn hoa Cổ Tân gần đó để ăn và nghỉ trưa đợi đến giờ vào xem.”

“Đến hai giờ chiều, bà con vào thăm triển lãm thì lực lượng bảo vệ triển lãm bắt dân cởi áo mới cho vào bảo tàng. Khi bà con cởi áo xong để vào thì họ nói với bà con: Triển lãm Cải cách gặp sự cố về ánh sáng nên tạm đóng cửa”, theo trang blog Xuân Diện. – BBC