Đi xem trưng bày “Cải cách ruộng đất năm 1946–1957”

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đi xem trưng bày “Cải cách ruộng đất năm 1946–1957”

Lễ khai mạc phòng trưng bày Cải cách ruộng đất – Photo by Nguyễn Tường Thụy

Theo RFA – Nguyễn Tường Thụy, viết từ Hà Nội 2014-09-09

Đã định không đi nhưng JB Nguyễn Hữu Vinh rủ riết quá, thôi thì tặc lưỡi đi xem nó như thế nào.

Khách là người của Ban tổ chức?

Chúng tôi đến muộn một chút, vào lúc đang lúc đọc diễn văn khai mạc. Những hàng ghế bọc vải đo đỏ trăng trắng được kê ngay ngắn ngoài sân, trước cửa vào phòng trưng bày. Nhìn qua, thấy khách thăm ngồi hết chừng phân nửa, nói lên rằng chủ nhà sẵn sàng tiếp nhiều khách thăm hơn nữa. Những người đứng xung quanh con số cũng tương tự, chắc là người của Ban tổ chức. Cả khách và chủ ước khoảng sáu chục. Máy quay có chân khá nhiều, chừng trên chục cái. Tôi nhớ có VTV, VTC ngoài ra không rõ còn báo đài nào nữa không. Diễn văn xong thì cắt băng khai mạc. Chục cô gái áo dài màu đỏ, rước dải băng đỏ. Cắt, cắt, kéo kêu tanh tách rồi vỗ tay bộp bộp. Mời khách vào tham quan. Sự chuẩn bị như thế là chu đáo, bài bản. Tôi vào nhìn qua cách bố trí, liền vòng sang trái, bắt đầu từ hình ảnh hiện vật về nông dân VN trước khi cải cách ruộng đất. Cứ thế vòng dần sang giai đoạn tiếp theo cho đến khi cải cách thắng lợi với niềm hân hoan của nông dân. Tôi chỉ mang theo máy bảng, lại sắp hết pin nhưng thỉnh thoảng cũng giơ ra “phụp” một cái. JB Nguyễn Hữu Vinh máy ảnh khoác cổ xông xáo khắp phòng trưng bày, vừa quay vừa chụp vừa phỏng vấn rất tự tin. Hắn lại cứ nhằm vào ông nào có vẻ là sếp để đưa ra những câu hỏi khó. Khi một phóng viên đang phỏng vấn một ông có vẻ như là trong Ban tổ chức, hắn chen ngang: -Thưa ông, ông nghĩ gì khi mà cuộc cải cách đưa lại ruộng cày cho nhân dân để bây giờ ngược trở lại, ruộng đất rơi vào tay quan chức Nhà nước? Ông kia tươi tỉnh: -Tôi nghĩ chính sách ruộng đất là ruộng là tài sản của toàn dân và thông qua nhà nước quản lý, tôi nghĩ như thế. – Hiện nay ở Bình Dương vụ 150 héc ta cao su rồi nhà cửa ruộng đất tập trung trong tay một quan chức của Nhà nước của Đảng cộng sản. Vây chúng ta nghĩ gì về tác dụng của cải cách ruộng đất trước hiện thực này? – Khi nãy tôi nói sở hữu ấy, là sở hữu toàn dân. Đất là của cơ quan Nhà nước nhưng mà sở hữu toàn dân. Mục đích đầu tiên ấy, chúng ta là nhà nước nông nghiệp, 95% là nông dân, sử dụng đất làm nông nghiệp nhưng bây giờ thì khi mà công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì chức năng của đất không chỉ là… – Thưa ông vấn đề tôi cần hỏi trước đây là…

hinh2.jpg
Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh tác nghiệp tại phòng trưng bày Cải cách ruộng đất. Photo by Nguyễn Tường Thụy.

Cô phóng viên đang phỏng vấn bị Vinh chen ngang vội xua tay ra hiệu dừng. Hẳn là cô ta nhận ra rằng, câu chuyện đang đi về chiều hướng bất lợi cho cuộc trưng bày. Vinh gạt tay nói tiếp: – Vấn đề tôi cần hỏi là trước đây lấy ruộng đất của địa chủ chia cho dân nghèo. Nhưng bây giờ đất đai tập trung trong tay các quan chức, ông nghĩ gì, cuộc cải cách ruộng đất có cần tiếp tục phải làm lại không? – Về sở hữu ruộng đất cụ thể nói thực là tôi không rõ lắm nhưng tôi thấy chính là dân họ là người bán ruộng cho Nhà nước… Rồi JB Nguyễn Hữu Vinh phỏng vấn một ông mặc áo bay bộ đội, đeo nhiều huân chương, cả huy hiệu thương binh. – Bác là con nhà địa chủ, vậy bác thấy cuộc trưng bày này có ý nghĩa gì không bác. Bây giờ quan chức có nhiều ruộng hơn địa chủ ngày xưa không? – Nếu thế tôi trả lời ngay. Bây giờ nếu có cải cách ruộng đất thì bác xung phong làm thằng đao phủ đi chém lại những thằng chiếm đoạt tài sản của nhân dân, của những người nghèo… Bây giờ có nhiều kẻ bóc lột dân nặng quá. – Hiện nay đó là tầng lớp nào thưa bác? – Nhiều lắm chứ, nhiều tầng lớp ăn trên ngồi trốc… – Xin hỏi bác thêm một câu, bác nghĩ cải cách ruộng đất với những hiện vật trưng bày vừa qua, bác có phát biểu một câu là nhờ có Bác Hồ. Vậy Bác Hồ là người đứng đầu Chính phủ lúc bấy giờ thì có chịu trách nhiệm gì về vấn đề này không? Hay chỉ mấy giọt nước mắt ông ấy che phủi hết trách nhiệm của mình trong những tội ác của cải cách ruộng đất? – Anh nói thế thì hôm nay tôi không mang, tôi không mang … (nghe không rõ) (cười).

Hậu quả còn dai dẳng biết đến bao giờ?

VTV3  phỏng vấn

Khai mạc được khoảng 40 phút, khách ra đã vãn, một cháu gái đến hỏi tôi: – Thưa chú, chú là khách phải không ạ? – Ừ, chú là khách, đến xem trưng bày. – Cháu muốn phỏng vấn chú một chút được không ạ Tôi ngần ngừ vài giây rồi gật đầu: – Được.

hinh1.jpg
Phóng viên VTV phỏng vấn Blogger Nguyễn Tường Thụy tại phòng trưng bày Cải cách ruộng đất.

Cháu dẫn tôi đến một chiếc máy quay, một đồng nghiệp nam của cháu chờ sẵn. Các cháu nắn tôi dịch sang trái, sang phải, xoay nghiêng sao cho đúng tư thế, lại cẩn thận dặn: – Chú phải xưng tôi nhé. – Xưng hô như thế nào chú biết. Bắt đầu phỏng vấn: – Xin chú cho biết (nghe không rõ) – Cháu nói to lên. Trước khi hỏi, cháu cần giới thiệu cháu là phóng viên cho đài báo nào. – Thưa chú, cháu là phóng viên VT3, xin chú cho biết cảm tưởng khi xem trưng bày về cải cách ruộng đất. Tôi nghĩ cách trả lời ra sao để vừa chuyển tải được ý của tôi tới độc giả nhạy cảm nhưng VTV vẫn có thể phát được mà không bị bắt tội. Tôi quyết định nói ngắn vài ý nhưng phải ẩn ý, tạm gạch mấy đầu dòng như sau: – Về cuộc Cải cách ruộng đất ở miền Bắc, tôi đã tìm hiểu khá nhiều qua sách báo trong nước và cả nước ngoài, qua nhiều kênh thông tin khác nhau và qua cả lời kể của các cụ, ở đây là bố mẹ tôi. Khi cải cách ruộng đất diễn ra, tôi mới được một tuổi. – Tôi thấy tranh ảnh và hiện vật trưng bày quá sơ sài, lại không phản ánh đầy đủ, chẳng hạn thiếu hẳn phần đấu tố địa chủ. Tôi muốn triển lãm cho mọi người thấy Đảng tạo ra khí thế hừng hực căm thù của nông dân đối với địa chủ ra sao. Tôi tới đây, rất muốn nhìn lại hình ảnh bà Nguyễn Thị Năm, địa chủ đầu tiên bị bắn trong cải cách ruộng đất, nhưng không thấy. Hoặc ảnh Bác Hồ khóc khi nhận sai lầm trong cải cách ruộng đất, tôi cho đó là hình ảnh rất ấn tượng nhưng cũng không có ở đây. – Tôi biết cuộc Cải cách ruộng đất” diễn ra trong giai đoạn 1953 – 1956 nhưng không hiểu sao phòng trưng bày lại cho là giai đoạn 1946 – 1957 – Tóm lại, tôi thấy trưng bày vừa thiếu vừa không phản ánh đầy đủ nội dung của cuộc Cải cách ruộng đất. Tôi mỉm cười gật đầu ra dấu hết ý kiến. – Cảm ơn chú, xin cho chú biết tên. – Tôi tên Nguyễn Tường Thụy, ở Thanh Trì Hà Nội. Có cần cụ thể số nhà, phường xã không? – Dạ không cần ạ. JB Nguyễn Hữu Vinh chen vào: – Không được cắt xén lắp ghép đâu đấy. Hẳn là hắn chắc đã có nhiều kinh nghiệm về thủ thuật này, đặc biệt vụ cắt xén lời Cha Ngô Quang Kiệt nên cảnh giác. Tôi đồng tình: – Chú yêu cầu không cắt xén. Một là để nguyên, hai là không dùng – Nhưng thời lượng có thể không cho phép – Vậy nếu cần cắt thì các cháu không được cắt phần nói về khiếm khuyết. Ra cửa, JB Nguyễn Hữu Vinh cười: – Các cháu chẳng chịu xem mạng mẽo gì cả, phỏng vấn nhầm ngay Phó chủ tịch Hội Nhà báo độc lập. Tuy trả lời nhã nhặn và tránh nói toạc ra nhưng như mọi người đã biết, trong chương trình thời sự tối 8/9, khi nói về phòng trưng bày này, VTV3 đã không có chút nào về hình ảnh phỏng vấn tôi. Bà xã bảo: “Ai bảo anh không khen nó một câu”. Tôi nói: “Khen để người ta đập vào mặt anh à. JB Nguyễn Hữu Vinh cho biết việc trưng bày này là nhằm rửa mặt cho chế độ. Nhưng một phòng trưng bày con con, không đầy đủ, che đậy giấu giếm làm sao có thể rửa được tội ác mà cải cách ruộng đất gây nên. Không chỉ hàng chục ngàn nông dân bị giết oan mà còn làm băng hoại đạo đức xã hội được hình thành từ hàng ngàn năm, hậu quả của nó còn dai dẳng biết đến bao giờ. Những oan hồn của nông dân sáu chục năm về trước chưa bao giờ siêu thoát, luôn nhắc nhở chúng ta: Hãy cảnh giác.

Nguyễn Tường Thụy, Hà Nội 9/9/2014.