Tin Việt Nam 9/9/2014
Nhà báo Trương Minh Đức bị hành hung tại Hà Nội
Hôm qua 08/09/2014, nhà báo tự do Trương Minh Đức trên đường tới trụ sở Bộ Công an số 7, Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội, đã bị nhiều người lạ mặt đánh đập. Ông Trương Minh Đức đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Việt-Pháp.
Ông Trương Minh Đức cùng nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh, cô Trần Thúy Nga và ông Trương Văn Dũng cùng đi trên một taxi đến cơ quan điều tra Bộ Công an tại Hà Hội để hỏi về văn bản chính quyền từ chối cho cô Đỗ Thị Minh Hạnh xuất cảnh.
Tại phố Khâm Thiên, một đường phố gần trung tâm Hà Nội, chiếc xe đã bị một nhóm người ngăn lại, kéo ông Trương Minh Đức ra khỏi xe và đánh đập ông ngay cả khi ông đã bất tỉnh, theo một số nhân chứng tại chỗ. Chỉ đến khi có sự can thiệp của hai du khách nước ngoài, ông Trương Minh Đức mới được đi cấp cứu.
Những người đánh đập ông Trương Minh Đức là ai? Sau đây là một số ghi nhận của cô Trần Thúy Nga, thành viên Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam, một trong những người có mặt trong chuyến xe này.
“Chúng tôi dám khẳng định những người đánh anh Trương Minh Đức – cũng giống như ngày 25/05/2014 đã từng đánh tôi – là lực lượng trong ngành công an. Bởi vì chúng tôi là những người đấu tranh cho nhân quyền, mà chúng tôi thường bị công an, an ninh, mật vụ theo dõi. Và những an ninh, mật vụ theo dõi tôi, mà tôi đã từng chụp được ảnh họ, thì rất nhiều trong số đó, khi tra ra thì thấy họ đều làm trong khối an ninh. Người thì trong khối an ninh của tỉnh Hà Nam, người thì của Hà Nội, của Bộ Công an nữa.
Số người hôm qua đánh đập anh Trương Minh Đức, trước đó đã canh gác nhà nghỉ nơi chúng tôi ở. Khi chúng tôi đi taxi, thì họ đi theo. Đến khi xe đi qua trụ sở công an quận Đống Đa, thì có một cô mặc sắc phục thiếu tá công an vẫy xe taxi. Vì họ có khách là chúng tôi rồi, nên họ không đỗ lại nữa. Nhưng đến khi chúng tôi bị đánh, thì chính cô thiếu tá đã vẫy xe, lúc này ngồi trên một xe taxi khác, đã hạ kính xuống để quay phim, chụp ảnh, chứ không can thiệp.
Điều thứ hai là, sau khi chúng tôi bị truy sát như thế, tôi gọi báo công an 113, thì có ngay hai công an của thành phố Hà Nội, quận Đống Đa, lập tức tới hiện trường, theo kiểu như là sẵn sàng hành hung chúng tôi. Nên chúng tôi lập tức đưa anh Trương Minh Đức đi bệnh viện cấp cứu.
Bản thân tôi là người trực tiếp chứng kiến vụ hôm qua. Tất cả những người ngồi trên xe đều là nạn nhân của vụ truy sát, nhưng vì chúng tôi ngồi sau, cửa có chốt, nên họ không giật ra được. Còn chỗ anh Trương Minh Đức ngồi không có chốt, nên anh bị lôi xuống.
Hơn chục thanh niên lôi anh ra, đánh đập túi bụi cho đến khi anh nằm ngất xỉu dưới đường rồi, chúng nó vẫn tiếp tục đấm đạp. Mặc dù anh ấy đã ngất xỉu, cả chục người vẫn dùng tay, dùng chân dẫm đạp lên đầu, lên ngực, lên bụng.
Chắc chắn chúng tôi sẽ làm các thủ tục tố cáo khiếu nại về việc này. Còn vấn đề ngành công an, thì chúng tôi không tin tưởng, hy vọng một chút nào là công an của đảng Cộng sản Việt Nam họ sẽ điều tra ra sự thật. Bởi chính những người truy sát chúng tôi họ nằm trong khối công an của Nhà nước Việt Nam, hoặc họ được công an của Nhà nước cộng sản Việt Nam thuê để truy sát những người bất đồng chính kiến, những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền”.
Ông Trương Minh Đức từng làm việc cho báo Tiền Phong và cộng tác với một số phương tiện truyền thông Nhà nước. Ông bị tù 5 năm theo điều 258 Bộ luật hình sự Việt Nam, điều luật thường bị giới bảo vệ nhân quyền trong nước và quốc tế lên án là nhằm đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Ký giả Trương Minh Đức được biết đến như là người viết nhiều bài báo chống tham nhũng, lên án tình trạng lạm quyền tại Việt Nam. Năm 2012, sau khi ra tù, ông Trương Minh Đức tiếp tục các hoạt động báo chí độc lập.
Ông Trương Minh Đức là thành viên Hội nhà báo độc lập Việt Nam và Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam.
Gần đây giới bảo vệ nhân quyền rất lo ngại về nhiều vụ hành hung nhắm vào những người bất đồng chính kiến. Ngày 28/08/2014, ông Nguyễn Bắc Truyển, thành viên Hội ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo, bị tông xe gây chấn thương nặng. – RFI
Triển lãm đầu tiên về Cải cách ruộng đất tại Hà Nội: Nhằm biện minh hơn là nhìn nhận sai lầm
Hôm qua 08/09/2014, lần đầu tiên một cuộc triển lãm về Cải cách ruộng đất đã khai mạc tại Hà Nội và đã thu hút rất nhiều người đến xem. Nhưng cuộc triển lãm đầu tiên này bị đánh giá là phiến diện, tức là chỉ phản ánh một mặt của Cải cách ruộng đất, hay đúng hơn là nhằm biện minh cho chính sách này, chứ không thể hiện những sai lầm, những bi kịch của cái gọi là cuộc “Cách mạng long trời lở đất” cách đây hơn 60 năm.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội vừa khai trương triển lãm về cải cách ruộng đất, mang tên “Cải cách ruộng đất 1946-1957” với mục đích “giúp công chúng tiếp cận với những tài liệu, hiện vật gốc và có cách nhìn thực tiễn, khoa học, khách quan về cuộc vận động cách mạng ruộng đất trong tiến trình lịch sử dân tộc”.
Trả lời BBC Việt Ngữ, sử gia Dương Trung Quốc, người đã tới ghé thăm triển lãm cho biết việc đưa ra một triển lãm như vậy vào thời điểm này là một việc làm đáng ghi nhận, đặc biệt nhân 60 năm kể từ khi công bố luật cải cách ruộng đất.
Ông cho biết mặc dù từ trước đến nay đã có nhắc đến những thành quả và sai lầm của chiến dịch cải cách ruộng đất nhưng mới chỉ là trên nguyên lý chứ chưa bao giờ đi sâu nghiên cứu hay công bố thực sự.
Nhưng trên cương vị của một người nghiên cứu lịch sử, ông Dương Trung Quốc cho biết triển lãm, với quy mô khá nhỏ, được thực hiện trong bối cảnh chưa có một tổng kết chính thức nên “đương nhiên sẽ có hạn chế lớn”.
Ông cho hay trong các văn kiện công bố về Cải cách Ruộng đất, phần “sai lầm thì thường nói rất chung chung và có phần nào né tránh”.
“Nói về những tổn thất to lớn là rất cần thiết cho nhận thức của lãnh đạo và người dân,” ông Dương Trung Quốc nói với BBC.
Nếu 60 năm rồi mà vẩn nói “địa chủ gian ác, nông dân tốt bụng” thì tác động vào đời sống xã hội sẽ không được như chúng ta mong muốn, và với giới trẻ sẽ gây phản cảm.
Chưa kể, sử gia Dương Trung Quốc cũng nói về sự so sánh với tình hình đất đai ngày hôm nay.
Hiện nay, việc tích tụ ruộng đất vào tay ai, những bất công nảy sinh ra cho một bộ phận nông dân cũng đang gây phản cảm. – RFI, BBC