Vietnam News luôn đến từ hôm qua?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vietnam News luôn đến từ hôm qua?

Theo BBC – Robert Banks – Gửi từ London, Anh Quốc – 12:43 GMT – thứ  Hai, 8 tháng 9, 2014

Trong thời đại truyền thông mạng, tin tức khắp thế giới ngày càng được lan tỏa từ nhiều nguồn phong phú khác nhau. Việt Nam với khoảng 36 triệu người dùng internet, cũng không là ngoại lệ.

Các trang tin tức trên mạng và di động phát triển và lan rộng nhanh chóng. Dù  thế, báo in vẫn hiện diện trong đời sống hàng ngày từ bao lâu nay.

Trong trí nhớ từ rất xưa của người Việt, tên tuổi như báo Tuổi Trẻ, Thanh  Niên và Nhân Dân luôn là nơi để người đọc được biết về các chính sách, tham  vọng, thành tựu của chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong khi đó, với lớp độc giả là các nhà ngoại giao quốc tế, doanh nhân,  chính trị gia và người nước ngoài sống lâu năm ở Việt Nam, người ta có thể mong  đợi Việt Nam News – có thể coi là nguồn tin bằng tiếng Anh chính của quốc gia  này – có cách đưa tin cân bằng hơn. Câu trả lời là Không. Với lượng ấn bản 35.000 mỗi ngày và lượng độc giả khoảng 120.000, tờ báo này  nhỏ nhưng khá ảnh hưởng. Kể từ khi xuất bản lần đầu năm 1991, tờ báo đã cung cấp cho người đọc tiếng  Anh các diễn tiến ở Việt Nam, cho thấy đây là quốc gia phát triển nhanh. Báo  cũng thu được một khoản nhỏ từ quảng cáo nhưng phần lớn là vốn nhà nước do đây  là cơ quan chịu trách nhiệm đưa tin tích cực về Việt Nam ra với thế giới.

“Chỉ có các đảng viên kỳ cựu được trao vị trí  này [Tổng biên tập] và phải chịu áp lực rất căng thẳng; bất kỳ lỗi nào cũng có  thể gây thiệt hại nghiêm trọng và kết thúc cả một sự nghiệp.” – Robert Banks

Thật khó để giải thích quan điểm của Đảng Cộng sản và chính phủ cho độc giả  chủ yếu là người Âu, và qua thời gian, Việt Nam News đã trở thành cỗ máy tuyên  truyền trơn tru. Điều hành tờ báo xuất bản hàng ngày này là cả một đội quân nhà báo, biên tập  viên, người soát lỗi và các nhà quản l‎ý. Tuy nhiên, chỉ có một vài người được lựa chọn có trách nhiệm quyết định nội  dung. Kế hoạch đưa tin tức thuộc thẩm quyền các ban của Bộ Nội vụ và Ban Tuyên  giáo. Tổng biên tập chịu trách nhiệm cho sản phẩm cuối cùng và thường phải làm việc  qua đêm để kiểm tra chế bản cuối từng trang một trước khi xuất bản. Chỉ có các đảng viên kỳ cựu được trao vị trí này và phải chịu áp lực rất căng  thẳng; bất kỳ lỗi nào cũng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng và kết thúc cả một  sự nghiệp – cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, bà Vũ Kim Hạnh bị cách chức do cho  đăng một bài báo nói ông Hồ Chí Minh từng có vợ người Trung Quốc.

Với toàn bộ sự chỉ đạo xuất bản báo đến từ cấp cao nhất, phóng viên bị hạn  chế những gì họ được viết. Rất nhiều người làm việc như một biên dịch viên,  chuyển ngữ các bài báo tiếng Việt – đã được duyệt bởi thế lực vô hình – sang  tiếng Anh. Người ta cũng yêu cầu phải có văn phong rất hình thức, và cách viết mới mẻ,  sáng tạo không được tán thành. Tin tức, theo cách hiểu của họ, là việc rất  nghiêm túc và phải được trình bày theo cách phù hợp. Đội ngũ viết bài là nhóm người có độ tuổi, nền tảng và tham vọng khác nhau.  Một số phóng viên lớn tuổi có vị trí giám sát, nhưng đa số người làm việc ở đây  khá trẻ và rất nhiều người mới tốt nghiệp đại học. Họ thông minh và thân thiết, cực kỳ tôn trọng cơ quan và rất vui vẻ chấp nhận  vị trí của mình trong dây chuyền tổ chức này.

“Các phóng viên không phàn nàn gì mà cứ thế  ngày ngày lâm vào vòng luẩn quẩn viết hàng loạt bài kiểu như ‘Việt Nam thúc đẩy  quan hệ hữu nghị lâu dài với Seychelles’ ” – Robert Banks

Những phóng viên ở Việt Nam bắt đầu sự nghiệp bằng cách thách thức hiện trạng  thì không đạt được kết quả tốt. Nhưng nếu nhất nhất nghe lời, bảo sao làm vậy  thì đảm bảo họ sẽ hưởng lương khá thoải mái, có công việc tốt và nhiều cơ hội  thăng tiến, thế nên họ muốn dĩ hòa vi quý. Kết quả là báo chí điều tra trở thành của hiếm và các bài báo thì được khuyến  khích sao cho viết càng khô khốc càng tốt. Các phóng viên không phàn nàn gì mà cứ thế ngày ngày lâm vào vòng luẩn quẩn  viết hàng loạt bài kiểu như ‘Việt Nam thúc đẩy quan hệ hữu nghị lâu dài với Cộng  hòa Seychelles’. Mỗi ngày Việt Nam News có một bài điểm nhấn trên trang nhất về phát triển mới  vượt bậc của đất nước, hòa nhập nhanh chóng với thế giới và những bước tiến lớn  trong phúc lợi xã hội. Bên trong là các bài báo về di sản văn hóa truyền thống như hát dân ca, nghệ  thuật cồng chiêng, được nhắc đi nhắc lại. Bài phân tích tin quốc tế thường chỉ có độ dài nhất định về một sự kiện nào  đó đã diễn ra, theo kiểu mà một số độc giả thường xuyên vẫn gọi đùa là khẩu hiệu  ‘ngày hôm qua là tin tức của ngày hôm nay’. Chủ nghĩa bảo thủ này đã ăn sâu vào mọi ngóc ngách của phòng tin, từ người  chụp ảnh tới hiệu đính viên người nước ngoài được thuê để soát lỗi ấn bản –  những người mà ý kiến của họ không được màng đến và cũng không được mong đợi trừ  khi có liên quan đến ngữ pháp và cú pháp. Tuy nhiên, với một số chủ đề nhạy cảm, phóng viên đôi khi cũng bày tỏ ý kiến  của mình. Cuộc khủng hoảng gần đây trên Biển Đông tạo ra lòng giận dữ chân thật  và tình cảm yêu nước đầy trách nhiệm để cho thấy vị trí cứng rắn của Việt  Nam.

Sự kiện giàn khoan là dịp để nhà báo Việt Nam bày tỏ ý kiến cá  nhân

Suốt nhiều năm, nhà báo ở Việt Nam đã nản lòng trong việc nỗ lực viết về hành  động của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp, với các biên tập viên kiểm duyệt  thông tin hay lấp liếm câu chuyện bằng hàng loạt các tin tức khác. Thêm vào nỗi niềm này là truyền thông Trung Quốc cũng thường xuyên tấn công  Việt Nam và cả người Việt. Thế nên đây là sự kiện giải vây cho rất nhiều người khi họ được phép bày tỏ  quan điểm chống Tàu trong thời gian xảy ra tranh chấp giàn khoan.

Cái chết của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp là sự kiện truyền thông lớn

Tình cảm này vẫn đọng lại trong phòng tin, thậm chí cả cho tới bây giờ, khi  quan hệ ngoại giao đã dịu lại. Tương tự, phóng viên trên khắp Việt Nam thương tiếc cái chết của vị tướng  huyền thoại Võ Nguyên Giáp – người chỉ huy chiến thắng trước quân Pháp trong  chiến dịch Điện Biên Phủ – và thấy vinh dự khi được tưởng niệm ông. Nhưng nhiều người cũng thấy khó chịu khi tin tức bị đình lại, và tin này lại  do chính truyền thông quốc tế đưa ra trước tiên trong lúc các lãnh đạo Việt Nam  tranh cãi về cách phản ứng. Người dân có thể suy ra từ sau những dòng chữ rằng các bài báo so sánh vị đại  tướng với lãnh đạo cấp cao hiện nay thường không được nhà cầm quyền thích thú  lắm. Bên cạnh những vấn đề này, chủ đề bàn luận trong phòng tin thường xoay quanh  các vấn đề như kỳ nghỉ sắp tới, cái gì đang mốt trên Facebook và kế hoạch liên  hoan văn phòng. Thực tế đang là vậy và chắc sẽ còn tồn tại lâu ở Việt Nam. Hai mươi năm tới, những nhân viên này có lẽ vẫn làm công việc đó, những ý  nghĩ riêng thì giấu cho riêng mình trong lúc ngoan ngoãn tường thuật về quyết  định sáng suốt mới nhất của chính phủ Việt Nam. Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả từng làm việc  ở Việt Nam.