Tin Việt Nam – Thứ Hai 6/1/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – Thứ Hai 6/1/2014

Tin Việt Nam – Thứ Hai 6/1/2014

1. Campuchia tranh cãi vai trò của Việt Nam về chiến thắng Khmer Đỏ
2. Mỹ công bố mức phá giá ống thép inox nhập từ Việt Nam và Đông Nam Á
3. Trung Quốc chiếu phim tài liệu cảnh đâm tàu Việt Nam

1. Campuchia tranh cãi vai trò của Việt Nam về chiến thắng Khmer Đỏ

Phe đối lập Campuchia nói họ sẽ kỷ niệm ngày chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ với ý nghĩa ‘ngày Việt Nam bắt đầu chiếm đóng Campuchia’, tờ Cambodia Daily, nhật báo độc lập bằng tiếng Anh của Campuchia cho biết.

Trong khi đó, chính quyền CSVN và Đảng Nhân dân (CPP) cầm quyền ở Campuchia đang kỷ niệm lớn ngày 7/1 mà họ gọi là ‘Ngày Chiến thắng’ trước chế độ diệt chủng Khmer Đỏ nhân dịp tròn 35 năm.

Một buổi lễ kỷ niệm đã diễn ra ở Hà Nội hôm Chủ nhật ngày 5/1 với sự tham gia của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin.

Cambodia Daily dẫn lời ông Cheam Yeap, nghị sỹ Đảng CPP, nói lễ kỷ niệm năm nay sẽ là ‘lớn nhất’ kể từ lễ kỷ niệm hồi năm 2009. Ông nói lễ kỷ niệm năm nay sẽ không diễn ra tại trụ sở Đảng CPP như thông lệ mà sẽ chuyển sang khu vực cầu Kim Cương (Koh Pich) để nhiều người hơn có thể tham dự. Nghị sỹ này cũng được dẫn lời nói đây là cơ hội để ‘cám ơn Việt Nam’. “Nếu không có quân đội và vũ khí Việt Nam thì chúng tôi đã không thể nào chiến thắng Khmer Đỏ,” ông nói, “Chúng tôi không thể nào quên việc Đảng CSVN đã giúp đỡ chúng tôi.”

Về phía phe đối lập, tờ báo này cho biết họ sẽ không ‘ăn mừng’ mà chỉ ‘tưởng nhớ’ ngày 7/1 với ý nghĩa là khởi đầu 10 năm Việt Nam chiếm đóng Campuchia.

Tuy nhiên, Cambodia Daily không dẫn rõ nguồn mà chỉ ghi chung chung là ‘phe đối lập’. Tờ báo này cũng nhắc lại là Thủ tướng Hun Sen và các nhà lãnh đạo khác của Đảng CPP đã lên cầm quyền trong giai đoạn ‘chiếm đóng’ này. Cũng theo Cambodia Daily, ngày kỷ niệm năm nay diễn ra trong bối cảnh ‘tình cảm bài Việt dâng cao’ ở Campuchia vốn do phe đối lập kích động trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái.

Phe đối lập cáo buộc người Việt ‘nhập cư lậu vào Campuchia tràn lan’ và Việt Nam ‘cướp đất’ của Campuchia, để lấy lòng cử tri. Những lập luận này lại được cử tri Campuchia rất đồng tình, cũng theo tờ báo này.

Về phần mình, phát biểu tại lễ kỷ niệm ở Hà Nội, hôm Chủ nhật 5/1, ông Heng Samrin, chủ tịch Quốc hội Campuchia, được trang mạng của Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn lời nói nhân dân Campuchia ‘mãi mãi ghi nhớ công lao giúp đỡ to lớn của quân tình nguyện Việt Nam’.

Ông cũng nói nước ông phải ‘nỗ lực gìn giữ, bảo vệ trường tồn’ mối quan hệ ‘hữu nghị, đoàn kết đặc biệt’ giữa Việt Nam và Campuchia.

Buổi lễ do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức để ‘kỷ niệm 35 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng’.

Trong một diễn biến khác, tờ Cambodia Daily đưa tin một cửa tiệm người Việt ở Phnom Penh đã bị ‘người biểu tình cướp phá’. Vụ việc diễn ra hôm thứ Sáu ngày 3/1 ở quán cà phê của anh Sok Min, 27 tuổi, nằm gần đường Veng Sreng ở Quận Pur Senchey. Anh Sok Min là người Việt Nam định cư ở Campuchia đã được 10 năm và lấy tên Khmer. Anh này được dẫn lời nói là những người biểu tình chỉ ‘nhắm những nơi của người Việt’ và ‘không động tới những chỗ không phải của người Việt’. Cửa tiệm của anh đã bị ‘lấy đi mọi thứ, bao gồm quần áo, bốn cái tivi, một xe gắn máy’, anh kể, và ba nữ phụ việc trong tiệm đã phải nhảy qua cửa sổ từ tầng hai để trốn thoát.

Cambodia Daily cũng dẫn lời một người hàng xóm có tên là Tann Khieng kể lại rằng một nhóm khoảng 100 người đàn ông đã tách ra khỏi cuộc biểu tình và tiến đến khu vực Borei Trapaing Kraloeng và nói rằng họ sẽ phá hủy tất cả các cửa hàng của người Việt ở đây.

Phóng viên Cambodia Daily miêu tả quán cà phê của anh Sok Min giờ ‘chỉ là căn nhà trống đầy mảnh kính vỡ và rác rưởi’. Ông Đoàn Bá Khâm, cha của Sok Min, nói nhiều bạn bè của ông đã quay về Việt Nam trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình.

Theo tờ báo này, trong những ngày qua những người biểu tình đã có ‘tình cảm bài Việt’. Những người biểu tình còn hô to những khẩu hiệu có từ ‘yuon’, một từ chỉ người Việt mang tính kỳ thị. – BBC

2. Mỹ công bố mức phá giá ống thép inox nhập từ Việt Nam và Đông Nam Á

Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa ra thông báo những kết luận sơ bộ về việc ống thép inox của Việt Nam và một số nước Đông Nam Á bán phá giá trên thị trường Mỹ và đề nghị các biện pháp đối phó.

Ngày 31/12/2013, Bộ Thương mại Mỹ công bố các số liệu điều tra cho thấy, trong năm 2012, đối với ống thép inox, Hoa Kỳ đã nhập của Việt Nam 18 triệu đô la, của Malaysia 18,6 triệu và của Thái Lan là 22,9 triệu.

Chính quyền Mỹ đã liệt kê mức bán phá giá của một số công ty Việt Nam như Sơn Hà International Corpration và Mejonson Industrial Vietnam Corporation Limited là 17,72%. Các công ty khác 53,91%. Tỷ lệ bán phá giá của một số các công ty Malaysia rất cao, trên 167% , của Thái Lan trong khoảng từ 7% đến 10%.

Do vậy, Bộ Thương mại sẽ đề nghị cơ quan hải quan Mỹ yêu cầu các doanh nghiệp nói trên, trong thời hạn 90 ngày, phải nộp tiền bảo lãnh, trên cơ sở các tính toán sơ bộ về mức độ bán phá giá.

Bộ Thương mại Mỹ dự tính thông báo các quyết định cuối cùng vào ngày 17/05/2014. Tiểu ban Thương mại quốc tế, vào tháng 07/2014, sẽ cho biết những thiệt hại do việc bán phá ống thép inox. – RFI

3. Trung Quốc chiếu phim tài liệu cảnh đâm tàu Việt Nam

Phim tài liệu ‘Canh gác Biên cương Xanh’ của đài CCTV-4 Trung Quốc hôm 4/1 chiếu cảnh tàu Hải giám Trung Quốc đâm vào tàu của Việt Nam trên Biển Đông.

Tài liệu dài gần năm phút (4.46), rất đáng chú ý ở những đoạn video quay ngay tại hiện trường cho thấy rõ diễn tiến cuộc chạm trán giữa một đội tàu hải giám TQ rất hùng hậu, với ít nhất là hai tàu hải quân Việt Nam vào ngày 29/06/2007 tại một khu vực phía tây quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đặt tên là Tây Sa (Xisha).

Phóng sự nêu rõ bối cảnh vụ chạm trán – dĩ nhiên là theo quan điểm Trung Quốc: Ngày 26/06/2007, một chiếc tàu thăm dò dầu khí của tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNPC được phái đến hoạt động tại một khu vực ở phía tây Hoàng Sa. Nhưng chưa đến được nơi thì chiếc tàu này đã bị “tàu võ trang nước ngoài thô bạo cản đường” và bị buộc phải lùi bước.

Video clip, vốn cũng xuất hiện trên YouTube, cho thấy tàu Hải giám TQ mang số hiệu 83 và 51 với sự hộ tống của máy bay trực thăng đã gọi loa yêu cầu các tàu Việt Nam rời khỏi vùng biển mà họ nói là thuộc “quyền tài phán của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Tiếng loa từ tàu Hải giám 83 kêu gọi: “Quý vị cần chấm dứt ngay lập tức việc cản trở tàu của chính phủ Trung Quốc.”

CCTV nói tàu Việt Nam lùi lại khi thấy các tàu Hải giám nhưng không rời “vùng hoạt động” của các tàu Trung Quốc khiến tàu nghiên cứu hải dương không thể hoạt động.

Một chỉ huy tàu Hải giám TQ được dẫn lời nói trước cảnh tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam: “Từ kinh nghiệm thực tế của chúng tôi, tấn công dễ hơn nhiều so với phòng thủ.”

Hình ảnh trên truyền hình Trung Quốc cho thấy 12 tàu Trung Quốc sau đó đã lập vòng tròn bao vây 6 tàu của Việt Nam đang chặn đường tàu nghiên cứu hải dương.

Các tàu Việt Nam cũng dùng loa kêu gọi tàu Trung Quốc rời khỏi “vùng biển Việt Nam”.

CCTV nói tàu Việt Nam cũng không tuân theo các quy định tránh va chạm và “liên tục tiến sát” tàu nghiên cứu hải dương của Trung Quốc để “phá hoại” hoạt động của tàu này.

Đây là thời điểm chỉ huy lực lượng hải giám TQ ra lệnh tấn công khiến một trong số các tàu hải giám TQ tông vào tàu Việt Nam.

Phim tài liệu của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông vẫn tiếp diễn.

Một số báo Việt Nam đang đưa tin về sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hòa 40 năm về trước. – RFI & BBC