CSVN được gì sau chuyến thăm Trung Cộng của đặc sứ Lê Hồng Anh?

Cac Bai Khac

No sub-categories

CSVN được gì sau chuyến thăm Trung Cộng của đặc sứ Lê Hồng Anh?

Ảnh bên: Giàn khoan Hải Dương HD-981: Biểu tượng khiêu khích CSVN của Trung Cộng (DR)

Theo RFI – Trọng Nghĩa/RFI
Ngày 26 – 27/8/2014, đặc sứ Việt Nam ông Lê Hồng Anh đã thăm Trung Quốc với mục tiêu được tuyên bố chính thức là đàm phán với giới lãnh đạo Bắc Kinh về các biện pháp «làm dịu tình hình», sau căng thẳng hiếm thấy nẩy sinh từ vụ giàn khoan HD-981. Kết quả chuyến công du được thể hiện qua một cam kết cải thiện quan hệ song phương gồm ba nội dung, trong đó quan trọng nhất là nội dung thứ ba liên quan đến Biển Đông.
Cam kết này đã được đúc kết trong cuộc họp ngày 27/8/2014, giữa ông  Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, được Hà Nội  giới thiệu như là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng,  với ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung  Quốc.
Ba nội dung chỉ đạo quan hệ song phương Việt Trung
Theo bộ Ngoại giao Việt Nam, cuộc hội đàm đã nhất trí về ba nội dung  quan trọng có chức năng chỉ đạo quan hệ song phương Việt-Trung trong  thời gian tới đây. Theo giới phân tích, hai nội dung đầu chỉ mang tính  chất chung chung, khẳng định trở lại quyết tâm thúc đẩy quan hệ song  phương mọi mặt.
Đáng chú ý nhất chỉ có nội dung thứ ba, vì liên quan đến các biện  pháp mà cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều cam kết tiến hành nhằm tránh để xảy  ra tình trạng cực kỳ căng thẳng bùng lên vào đầu tháng Năm 2014, sau khi Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan nước sâu HD-981 vào cắm sâu trong  vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dùng một lực lượng tàu thuyền hùng  hậu để ngăn cản, thậm chí tấn công vào lực lượng chấp pháp Việt Nam được cử đến khu vực.
Trong bản thông cáo báo chí ngày 27/08, bộ Ngoại giao Việt Nam đã cho biết chi tiết như sau:
«Nghiêm túc thực hiện “Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam- Trung Quốc”, sử dụng tốt cơ  chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam – Trung Quốc; 
Tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp  nhận được, đồng thời tích cực nghiên cứu và bàn bạc các giải pháp mang  tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, kể  cả vấn đề hợp tác cùng phát triển; 
Kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; 
Duy trì đại cục quan hệ Việt – Trung và hoà bình, ổn định trên Biển Đông»
Trung Quốc vẫn tiếp tục khiêu khích?
Giới phân tích nhìn chung không thấy thay đổi nào trong quan hệ Việt  Trung, tức là không có gì cấm cản Bắc Kinh tiếp tục các hành vi lấn lướt và khiêu khích Việt Nam trong tương lai. Chuyên gia Mỹ Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á Thái Bình Dương tại Hawaii là một trong các nhà phân tích có quan điểm như trên.
Trả lời hãng tin Bloomberg hôm 28/08/2014, ông Vuving nhận định: «Tôi không thấy có đột phá nào trong quan hệ Trung-Việt. Trung Quốc không có lý do gì để kềm hãm các hành vi khiêu khích. Họ vẫn rất quyết  đoán.  Việt Nam không còn lựa chọn nào khác là xích lại gần các đối thủ của  Trung Quốc như là Mỹ, Nhật và Ấn Độ».
Thái độ cứng rắn của Bắc Kinh có thể được chứng minh qua luận điệu  của báo chí Trung Quốc, đã không ngần ngại lên lớp Việt Nam như Nhân dân Nhật báo, trong một bài bình luận bằng tiếng Hoa, ngay trên trang nhất  của ấn bản hải ngoại hôm 27/08 đã nhắn nhủ «Đừng để vấn đề Biển Đông  phá vỡ đại cục».
Đối với tác giả bài báo, sở dĩ quan hệ song phương Việt Trung bị tổn  hại đó là vì Việt Nam đã cho tàu quấy rối hoạt động của giàn khoan Trung Quốc ngoài biển, lại để cho bạo động bùng lên trên đất liền gây thiệt  hại về người và của cho Trung Quốc. Theo tờ báo, Việt Nam phải nhớ rằng  mình lệ thuộc rất nặng vào kinh tế Trung Quốc.
Một bước tiến tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh tiếp tục
Trái với các quan điểm có thể gọi là bi quan kể trên, Giáo sư Ngô  Vĩnh Long, chuyên gia về Biển Đông và quan hệ Việt Nam Trung Quốc tại  trường Đại học Maine (Hoa Kỳ) thì lại cho rằng kết quả chuyến công du  Trung Quốc của đặc sứ Lê Hồng Anh không phải là tiêu cực, không phải là  một sự quy hàng Trung Quốc, thậm chí còn là một bước tốt tạo cơ sở cho  Việt Nam đấu tranh tiếp tục với Bắc Kinh trên hồ sơ Biển Đông.
Theo giáo sư Long, quyết tâm của Việt Nam, cũng như áp lực của Mỹ và  ASEAN đã buộc Trung Quốc phải tái lập những cam kết hòa dịu mà họ đã  từng hứa với Việt Nam vào năm 2011 mà không hề thực hiện, dẫn đến sự cố  giàn khoan HD-981.
Khi lập lại những lời cam kết này, trong đó có vấn đề «không có hành  động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp», Trung Quốc đã mặc nhiên chấp  nhận một khái niệm hoàn toàn giống với đề nghị đóng băng các hành vi  khiêu khích mà Mỹ và Philippines từng đề nghị tại Hội nghị ASEAN ở Miến  Điện, và đã bị Trung Quốc lớn tiếng bác bỏ.
Đây cũng chỉ là lời hứa, nhưng theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nếu Trung  Quốc tiếp tục làm ngơ thì Việt Nam có cơ sở để đấu tranh thêm và dùng  đến biện pháp kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế, một phương án mà  Việt Nam vẫn để ngỏ.
Sau đây, mời quý vị nghe phần phân tích qua điện thoại mà Giáo sư Ngô Vĩnh Long đã dành cho Ban Việt ngữ RFI
Bối cảnh chuyến thăm: Trung Quốc bị sức ép sau vụ giàn khoan HD-981 
Ngô Vĩnh Long: Trước hết, chúng ta nên xem  chuyến đi của ông Lê Hồng Anh trong bối cảnh những sự kiện đã diễn ra  trong những tháng vừa qua, đặc biệt là sự kiện Trung Quốc cắm giàn khoan HD-981 trong thềm mục địa của Việt Nam, và sau đó là phản ứng của  ASEAN, với tuyên bố chung của các Ngoại trưởng (công bố) ngày  10/08/2014, cũng như vai trò của Mỹ trong việc ủng hộ ASEAN và Việt Nam  trước các hành động leo thang của Trung Quốc…
Trong bối cảnh đó, nếu thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam trước chuyến đi của ông Lê Hồng Anh là đúng – ông Lê Hồng Anh được Trung ương  Đảng Cộng sản Trung Quốc mời sang thăm với mục đích là để trao đổi với  lãnh đạo Trung Quốc về các biện pháp làm dịu tình hình, không không để  tái diễn các vụ căng thẳng như vừa qua – thì tôi thấy rằng chính Trung  Quốc, dưới áp lực của thế giới, của các nước ASEAN trong khu vực, đã  phải dịu giọng.
Nhìn trong bối cảnh đó mới hiểu được các thỏa thuận chung giữa  hai bên trong chuyến thăm là như thế nào. Đúng là Trung Quốc trước áp  lực nên đã phải dịu giọng
RFI: Việt Nam thu hoạch được gì?
Ngô Vĩnh Long: Tôi nghĩ là Việt Nam thu hoạch  được nhiều. Trước hết là Việt Nam đặt vấn đề với phía Trung Quốc mà cũng giống như là Nhân dân Nhật báo ngày 26/08 nói là mục đích chuyến đi  Trung Quốc của ông Lê Hồng Anh là phía Việt Nam muốn phía Trung Quốc bảo  đảm chắc chắn không để tái diễn sự kiện giàn khoan HD-981 trên Biển  Đông như trong thời gian qua.
Thành ra sau khi hai ông Lưu Văn Sơn phía Trung Quốc và ông Lê  Hồng Anh gặp nhau thì đã đưa ra một thỏa thuận chung, một nguyên tắc ba  điểm, với điểm thứ ba là Trung Quốc công nhận vấn đề Biển Đông là vấn đề  quan trọng và đối với Trung Quốc là phải tìm các giải pháp cơ bản và  lâu dài để giải quyết vấn đề Biển Đông cũng như một số vấn đề khác.
Đây là một điều quan trọng trong chuyến đi vừa qua, nghĩa là  Trung Quốc nói: «Chúng tôi công nhận là đã có những sự cố gây bất an  ninh trong khu vực và bây giờ chúng tôi cũng đồng ý là sẽ đàm phán thiết thực», mà đây là vấn đề mà ASEAN đã đưa ra. 
Một vấn đề nữa là nguyên tắc thứ ba không những nói đến vấn đề «tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận  được, đồng thời tích cực nghiên cứu và bàn bạc các giải pháp mang tính  quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, kể cả  vấn đề hợp tác cùng phát triển», (mà lại còn) «kiểm soát tốt những bất  đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp».
Điều  đó có nghĩa (giống như) là đề nghị « đóng băng » các hành  động ở Biển Đông như Mỹ và Philippines cũng như ASEAN đã nói hồi đầu  tháng Tám. Tôi nghĩ rằng đây là việc Trung Quốc thấy là cần phải nhượng  bộ, không những Việt Nam mà cả các nước trong khu vực, để cho có thể có  hòa bình và ổn định.
RFI: Việt Nam có thể dựa vào thỏa thuận đạt được  nhân chuyến đi của ông Lê Hồng Anh để thúc đẩy Trung Quốc thực hiện đúng  đắn những lời đã cam kết?
Ngô Vĩnh Long: Thực ra những lời cam kết này,  Trung Quốc đã từng đưa ra năm 2011, nhưng họ tránh né, không đàm phán  thiết thực. Việc Trung Quốc không đàm phán thiết thực đã bị Tuyên bố  chung của ASEAN tháng 08/2014 chỉ trích.
Nếu lần này Trung Quốc lại cam kết là sẽ tuân thủ những gì đã hứa vào năm 2011, nhưng rồi lại tránh né, lại không đàm phán thiết thực,  thì đó sẽ là cái cớ để Việt Nam thúc đẩy ASEAN, thúc đẩy các nước khác  ủng hộ Việt Nam trong cuộc tranh đấu với Trung Quốc.
Cũng như vậy, Việt Nam vẫn có thể đem Trung Quốc ra kiện bởi vì thấy rằng Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo.
Đây là bước để Việt Nam tiếp tục tranh đấu về lâu về dài với Trung Quốc.
RFI: Việt Nam vẫn duy trì khả năng kiện Trung Quốc như phát ngôn viên bộ Ngoại giao đã hàm ý cho biết?
Ngô Vĩnh Long: Việt Nam vẫn để ngỏ khả năng đó. Nếu Trung Quốc vẫn ngoan cố, vẫn không đàm phán một cách thiết thực thì Việt Nam phải đi đến hành động này.
Thật ra chuyến đi của ông Lê Hồng Anh là bắt buộc vì chính Trung  Quốc mời. Một nước lớn hay một nước nhỏ bên cạnh anh, mời anh sang để  thương thuyết, anh không đi không được. Trước khi anh sang, thì anh đã  có đặt điều kiện rồi, và bên kia đã chấp nhận điều kiện mặc dầu lẽ dĩ  nhiên là nước lớn không bao giờ muốn mất mặt.
Họ chấp nhận điều kiện rồi thì sẽ tìm cách để mà nghiêm túc thực  hiện, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản. Đây đúng là một bước tiến  cho Việt Nam.
RFI:  Việt Nam phải nhượng bộ Trung Quốc điều gì?
Ngô Vĩnh Long: Việt Nam vừa rồi có nhượng bộ Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ đây là vấn đề phụ và vấn đề nhân đạo.
Việt Nam vừa rồi nói là sẽ bồi thường và đã bồi thường một số  công nhân Trung Quốc bị thiệt mạng, bị thương, và nói rằng sẽ tiến hành  bồi thường nhân đạo nhất định cho những công nhân Trung Quốc bị hại, và  sẽ cử đoàn đến Trung Quốc thăm hỏi đại diện gia quyến các nạn nhân  v.v… Đây là vấn đề Việt Nam đã làm với các nước khác…
Tôi thấy đây không phải là vấn đề Việt Nam nhượng bộ Trung Quốc, mà là vấn đề cho thấy Việt Nam cao thượng.
Nếu tôi không lầm thì có nhiều người Trung Quốc ở Việt Nam gây  hại chứ không phải chỉ là người Việt Nam. Và bây giờ Việt Nam bồi thường cho các công ty Trung Quốc, thì Trung Quốc cũng phải nghĩ đến vấn đề  bồi thường cho Việt Nam. Đặc biệt là cho ngư dân Việt Nam mà Trung Quốc  đã cho những chiến thuyền hay tàu bè của họ đâm phải rồi có người chết  v.v…
Nếu Việt nam làm vấn đề nhân đạo mà Trung Quốc lại không có hoạt  động gì để chứng tỏ là Trung Quốc cũng cao thượng như Việt Nam thì rõ  ràng người ta thấy Trung Quốc khó chơi.
Có nhiều người có thể nghĩ đây là vấn đề nhượng bộ của Việt Nam,  nhưng tôi thấy đây là một đường đi tốt cho Việt Nam  trong vấn đề không  những vận động sự ủng hộ của nhân dân Trung Quốc, mà vận động được sự  ủng hộ của thế giới, cho thấy là Việt Nam đàng hoàng.
Ngoài ra thì trước khi ông Lê Hồng Anh sang Trung Quốc, thì có sự  kiện bà Bùi Thị Minh Hằng và một số nhà yêu nước phản đối Trung Quốc bị đem ra tòa xử.
Có thể có một nhóm hay có ai trong nước nghĩ rằng đây là vấn đề  nhượng bộ Trung Quốc. Nếu việc đó đã làm trước khi ông Lê Hồng Anh sang  Trung Quốc, thì tôi nghĩ sau chuyến đi này, chính phủ Việt Nam nên lợi  dụng ngày 2 tháng Chín để gọi là ân xá những người bị xử vì phản đối  Trung Quốc.
Trước hết là để chính phủ Việt Nam khỏi mất mặt với nhân dân  trong nước và nhân dân thế giới. Thứ hai nữa là để vận động sự ủng hộ  của nhân dân trong nước và nhân dân thế giới trong vấn đề tranh đấu về  xa về dài với Trung Quốc.
RFI: Kết quả đạt được nhân chuyến thăm là thời cơ  để người dân Việt Nam đấu tranh với chính phủ để thúc đẩy phia Trung  Quốc tôn trọng cam kết?
Ngô Vĩnh Long: Đúng như thế, đây là một cơ hội  cho dân chúng Việt Nam để yêu cầu chính phủ Việt Nam thi hành đúng những lời cam kết giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nếu Trung Quốc không thi hành  đúng những lời cam kết với Việt Nam, thì dân chúng Việt Nam có quyền làm áp lực, có quyền đòi hỏi để những vấn đề cam kết được thi hành đúng mức nếu không muốn nói là triệt để.
Hiện nay tôi nghĩ là phía Trung Quốc phải chứng minh (thiện chí), bởi vì Trung Quốc đã gây bất an ninh trong khu vực chứ không phải là  Việt Nam hay các nước khác. Trung Quốc, qua thỏa thuận chung 3 điểm vừa  rồi, nên chứng minh rằng họ lần này sẽ đàm phán thiết thực, để có thể  tìm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được như  trong thỏa thuận chung có nói.
Thành ra nếu Trung Quốc không đàm phán thiết thực, Việt Nam và  các nước khác phải «đẩy» Trung Quốc cho đến mức mà họ phải thi hành  những vấn đề này.
Trong cục diện hiện nay, thì Việt Nam nên tiếp tục vừa hòa hoãn  với Trung Quốc, vừa tiếp tục tranh đấu  Đây là vấn đề rất quan trọng, vì hai nước giận nhau thì phải giải quyết vấn đề, nhưng nếu Trung Quốc  không làm những vấn đề (đã cam kết) thì chính phủ Việt Nam phải tiếp tục tranh đấu chứ không thể nhượng bộ Trung Quốc mãi.