Tuyên truyền theo phong cách ngậm ngùi rơi lệ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tuyên truyền theo phong cách ngậm ngùi rơi lệ

Nguyễn Hoa Lư/ Blog Nguyễn Hoa Lư 

1. Một quan chức cao cấp của Ban Tuyên giáo T.Ư, ông Vũ Ngọc Hoàng, đã có một phát biểu gây ấn tượng mạnh [1]: “Cách  đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương  đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thì thấy Hàn Quốc hiện có  khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn  Quốc.
Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót  lòng”.
 
Các nhà tuyên giáo đã có những bước tiến dài đáng khâm phục trong  phương pháp tuyên truyền. Đã xưa rồi sự hào sảng ta nhất định thắng giặc nhất định thua, thời phe ta ngày một lớn mạnh, thời tư bản giãy chết,  thời “lũ đế quốc như loài dơi hốt hoảng, đêm tàn bay chập choạng dưới chân người”.
Tuyên giáo thời nay chuyển sang một phong cách mới mà mà tôi tạm gọi là thời ngậm ngùi rơi lệ.
Tôi cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước khả năng tiết chế tình cảm “xót  lòng” của nhà tuyên giáo khi không thấy ông nói tiếp về những cuộc tấn  công mạnh mẽ, toàn diện và liên tục về kinh tế và văn hóa Hàn lên đất  nước xiết bao yêu dấu của chúng ta.
Đó là những cơn siêu bão công nghệ của tập đoàn Samsung, những trào  lưu thời trang của xứ kim chi, sự thống trị của dòng phim Hàn trên các  kênh truyền hình Việt. Đó là những chấn động của K-pop làm ngất ngây  giới trẻ Việt. Nhìn những đám đông “mùa Xuân đất nước” chen lấn xô đẩy  cuồng nhiệt trước một đại biểu âm nhạc xứ Hàn, lòng ái quốc của mỗi  người dân Việt như bị xát muối.
 
2. Tuy nhiên điều đáng nói nhất ở đây là  phát biểu trên lại được dẫn ra từ từ hội thảo “45 năm làm theo di chúc  Bác”. Theo ý của nhà tuyên giáo, thoạt đầu hai dân tộc “có trình độ  tương đương”. Từ ngày Bác chúng ta nhẹ gót “đi theo cụ Các Mác, cụ Lê  nin và các vị cách mạng đàn anh khác”, để lại cho toàn Đảng toàn dân bản di chúc vô giá. Bây giờ, sau 45 năm học tập và làm theo di chúc thiêng  liêng thì xảy ra một nỗi nhục kép. Có 90 ngàn dân đen sang bên xứ kim  chi làm ôsin. Bù lại, bên mình trải thảm đỏ rước 90 ngàn người bên họ  sang làm ông chủ!
Ở đây, tất nhiên không thể đổ lỗi cho cái sự “trải qua chiến tranh”  được. Dưới gầm trời này, nói với ai thì được chứ quyết không nói với Nam Hàn.
Trong bài nói của mình, cái phong cách ngậm ngùi rơi lệ của nhà tuyên giáo rất rõ. Toàn là những câu hỏi và những câu cảm thán! Cán bộ làm thế nào mà thanh niên không muốn vào Đảng? Ngày xưa gọi nhau là đồng chí thì thân thiết thiêng liêng, bây giờ cáu lên thì gọi nhau  là đồng chí! Cần xem lại từ trung ương đến địa phương có gây mất đoàn  kết không?
3. Sau ngày Bác đi xa, các thế hệ lãnh đạo đất nước, vị nào cũng là những học trò xuất sắc, những nhà cách mạng trung kiên,  những tấm gương chói ngời suốt đời tận trung tận hiếu với đảng.
Chẳng như bên xứ Đại Hàn kia hầu như tổng thống nào cũng có chuyện này chuyện nọ [2].
Có vị như Park Chinh hee ăn cơm độn, sống đời sống thanh bạch. Ông  cho xây một bồn chứa nước ngay trong phòng để tự múc nước tắm.
Có vị như Chung Doo hwan phải đứng trước quốc dân đồng bào xin được  tha thứ vì vụ tàn sát Gwangju năm 1980. Sau đó, ông vào chùa Baekdamsa  để tu và sám hối.
Có vị như Roh Moo hyun vì những tai tiếng tham nhũng đã lủi thủi về quê, trèo lên một ngọn núi rồi gieo mình xuống vực mà chết.
Có vị như Lee Myung Bak tuyên bố hiến tặng gần như toàn bộ gia sản của mình cho hoạt động từ thiện [3].
4. Quay lại cái sự đau xót và những câu hỏi để ngỏ của nhà tuyên giáo. Chúng ta tự hào có di chúc Bác anh minh, có Đảng luôn luôn vĩ đại mà  sao dân bất an và khốn cùng như vậy? Câu trả lời xem chừng huyền ảo như  chiếc lá diêu bông trong cánh đồng chiều của thi sĩ Hoàng Cầm. Tuy vậy,  những khoản tiền để “tổ chức cuộc vận động” cùng với sự lên ngôi của vô  số nhà lý thuyết suông chắc là những hiện thực sống động và khách quan  không thể cưỡng lại được!