Tin Việt Nam 25/8/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam 25/8/2014

HRW kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động Minh Hằng, Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Mi

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch hôm nay 25/8 ra thông cáo báo chí kêu gọi chính quyền Việt Nam phải hủy bỏ những cáo buộc có động cơ chính trị đối với ba nhà hoạt động Bùi thị Minh Hằng, Nguyễn thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh mà sẽ bị ra tòa tại Đồng Tháp vào ngày mai. Tội danh mà họ bị cáo buộc là ‘gây rối trật tự công cộng’ bằng cách tạo nên ách tắc giao thông nghiêm trọng’ theo điều 245 Bộ luật hình sự Việt Nam.

Không đáng để quốc tế chỉ trích

Human Rights Watch cũng kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam phải trả tự do ngay cho ba người này.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của Human Rights Watch phát biểu:

Đại ý ông này nói rằng chính quyền Việt Nam đang tái lập những cáo buộc ngụy tạo gây cản trở giao thông để truy tố tội phạm đối với những nhà hoạt động. Cơ quan chức năng Việt Nam nên nhận ra rằng vụ này không đáng phải bị quốc tế chỉ trích do nó gây nên và hãy hủy bỏ những cáo buộc đó ngay.

Cả ba người vừa nói bị bắt từ hồi ngày 11 tháng 2 khi họ đến huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cùng với nhóm hơn 20 người khác gồm một số bloggers và tín độ Phật giáo Hòa Hảo. Mục đích để thăm cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển và gia đình hôn thê của ông này bị tấn công, sách nhiễu ngày hôm trước. Tuy nhiên, đoàn người đã bị công an chặn lại với lý do chạy xe vi phạm luật giao thông. Tiếp đó có những thành phần khác ra tay đánh đập một số người trong nhóm. Dĩ nhiên bà Bùi thị Minh Hằng và một số người trong nhóm phải lên tiếng phản đối hành động bị cho là sai trái của lực lượng công an.

Đến ngày 10 tháng 7, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Tháp mới ký cáo trạng vụ án bà Bùi thị Minh Hằng, Nguyễn thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh. Và đến ngày 20 tháng 7 Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Tháp ký quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Theo Human Rights Watch trong suốt thời gian bị giam giữ từ ngày 11 tháng 2 năm nay, quyền tự do của cả ba người bị vi phạm cũng như qui trình pháp lý không được cơ quan chức năng tôn trọng. Luật sư tham gia bào chữa như luật sư Hà Huy Sơn bị cản trở việc tiếp cận hồ sơ vụ án để bào chữa cho thân chủ.

Sau hơn sáu tháng bị giam giữ, cơ quan chức năng mới cho thân nhân gặp những người bị giam giữ.

Bà Bùi thị Minh Hằng là một nhà hoạt động tích cực chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam. Bà từng bị bắt tại Sài Gòn rồi đưa ra giam giữ tại Trại giáo dục Thanh Hà từ cuối năm 2011 mà không hề có lệnh bắt nào. Bà bị áp tải từ trại Thanh Hà về nhà là thành phố Vũng Tàu vào tháng tư năm 2012. Bà đã nộp đơn kiện chủ tịch thành phố Hà Nội về việc giam giữa bà một cách tùy tiện như thế. Bà vẫn tiếp tục hoạt động lên tiếng đấu tranh cho những dân oan, phân phát tài liệu về quyền con người, và tiếp đến là tham gia nâng đỡ cho các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không theo phái Nhà nước.

Anh Nguyễn Văn Minh là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đòi hỏi quyền tự do tôn giáo. Gia đình vợ anh có người cha là ông Bùi Văn Trung và một người con Bùi Văn Thâm đang phải thụ án tù cũng vì kiên trung với giáo lý chân truyền của đạo Phật giáo Hòa Hảo. Cả hai bị kết án vì chống người thi hành công vụ.

Cô Nguyễn thị Thúy Quỳnh là một nhà hoạt động trẻ chưa được nhiều người biết đến.

Vi phạm quyền di chuyển, đi lại của người dân

Thông tin về phiên xử ba nhà hoạt động vừa nêu sẽ diễn ra tại tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp vào ngày 26 tháng 8 thu hút sự chú ý của nhiều người cả trong và ngoài nước. Nhiều nhà hoạt động khác trong những ngày qua cho biết họ bị an ninh theo dõi, ngăn chặn không cho ra khỏi nhà để có thể về Đồng Tháp tham dự phiên xử công khai 3 nhà hoạt động Bùi thị Minh Hằng, Nguyễn thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh.

Ông Phil Robertson, cho rằng việc ngăn chặn như thế là vi phạm thêm nữa của nhà cầm quyền Việt Nam khi đang có những vi phạm về quyền con người đối với nhiều công dân trong nước. Ông nói:

‘Chúng tôi rất quan ngại vì cơ quan chức năng đang cố gắng ngăn cản những nhà hoạt động khác đến tham dự phiên tòa tại Đồng Tháp. Đây là một phần của những hoạt động thường xuyên mỗi khi họ đưa những nhà hoạt động nhân quyền ra xét xử. Những người khác cố gắng đến để bày tỏ sự đoàn kết của họ và cơ quan chức năng tiến hành những hình thức bao vây, ngăn chặn để không cho họ đến đó. Đây rõ ràng là sự vi phạm quyền di chuyển, đi lại của người dân.’

Human Rights Watch nhắc lại rằng Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc từ cuối năm ngoái; tuy nhiên điều đó vẫn chưa thể hiện tiến bộ gì về thành tích nhân quyền của Hà Nội.

Tổ chức này kêu gọi các quốc gia tài trợ và những cơ quan Liên hiệp quốc phải thúc ép Hà Nội tuân thủ những nghĩa vụ quốc tế và ngưng chuyện bỏ tù công dân vì lên tiếng đòi hỏi nhân quyền và cải cách dân chủ tại Việt Nam. – RFA

Luật sư phản đối Thông tư 28 của Bộ Công an

Thông tư mang số 28/2014 của Bộ Công An về công tác điều tra hình sự có nội dung chống bức cung, nhục hình…hôm nay 25 tháng 8 bắt đầu có hiệu lực.

Tuy nhiên sau khi thông tư được ký ban hành, nhiều luật sư lên tiếng văn bản luật này có những vi phạm cần phải chỉnh sửa.

Tiến bộ của Thông tư

Vấn đề điều tra truy đúng thủ phạm nhằm thực thi công lý, xử phạt công tâm những ai gây ra tội ác là yêu cầu trước tiên trong một vụ án. Tuy nhiên tại Việt Nam lâu nay cơ quan điều tra tội phạm luôn bị phê phán đã không làm tròn trách nhiệm. Tình trạng bức cung, mớm cung, sử dụng nhục hình để buộc nhận tội bị báo chí phanh phui thường xuyên, dù rằng những hành động như thế bị cấm theo Bộ Luật Tố tụng Hình sự tại Việt Nam.

Thông tư 28 ban hành vào ngày 7 tháng 7 năm nay, và có hiệu lực thi hành vào ngày 25 tháng 8 này, được nói để hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Tổ chức Điều Tra Hình sự, cụ thể hóa những qui định đã có trong luật.

Những vi phạm, qui định hạn chế hoạt động của luật sư

Trong khi đó luật sư Trần Đình Triển, phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, thì cho rằng thông tư 28 có bốn vấn đề bị cho là sai phạm của văn bản pháp luật này. Ông trình bày:

Đầu tiên người ta phản đối vì việc xây dựng một thông tư mang tính qui phạm pháp luật của một bộ theo qui định trong quá trình dự thảo phải đăng trên trang web của cơ quan Bộ đó trong thời hạn 60 ngày để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến. Đồng thời phải có văn bản gửi cho các bộ, ngành có liên quan.

Thứ hai trong văn bản đó có nhiều nội dung vượt quá qui định thẩm quyền của một thông tư của bộ. Ví dụ, Viện Kiểm sát tham gia tố tụng với tư cách kiểm sát việc xét xử; thế nhưng trong thông tư qui định nếu ý kiến của Viện Kiểm sát mà trái với ý kiến của thủ trưởng, phó thủ trưởng Cơ quan Điều tra thì điều tra viên thực hiện theo ý kiến của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra. Như vậy theo tôi đây là việc đã hạ quyền của Viện Kiểm sát. Mà trong tố tụng cũng như trong luật của tổ chức kiểm sát là giữ vai trò công tố và vài trò kiểm sát việc điều tra, xét xử.

Thứ ba liên quan đến tòa án, khi đã kết thúc điều tra, sang viện kiểm sát đã ra cáo trạng thì trong quá trình điều tra phải thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ. Có những vấn đề gì chuyển hóa chứng cứ phải chuyển hóa trở thành chứng cứ trong hồ sơ để trở thành chứng cứ kết tội hay không kết tội đối với một bị can. Nhưng trong thông tư lại qui định nếu trong trường hợp cần thiết thì cơ quan điều tra có ý kiến với tòa án, rồi tòa án lại gửi giấy mời điều tra viên đến tham dự phiên tòa.

Và có vấn đề gì thì báo cáo để thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra bàn việc diễn ra. Tôi cho rằng làm như vậy, có những trường hợp bức cung, mớm cung, nhục cung, có điều tra viên ngồi tại phiên tòa, thử hỏi bị can, bị cáo đang bị giam giữ có dám khai ra sự thật hay không? Đây là việc chưa có tiền lệ tố tụng ở đất nước nào cả.

Điều nữa là văn bản dưới trái cấp trên: Pháp lệnh của Quốc hội về công an xã không cho phép công an xã được quyền hỏi cung, lấy lời khai của những người bị bắt trong trường hợp bị bắt quả tang hay có nghi vấn. Bởi vì công an xã là bán chuyên trách, hầu như không có đủ năng lực, trình độ. Do đó việc họ chỉ được làm hồ sơ ban đầu, nếu có vi phạm phải chuyển cho cơ quan điều tra để tiến hành các thủ tục tố tụng.

Nội dung gây phản đối từ giới luật sư đối với Thông tư 28 là điều 38 trong thông tư này; theo đó điều tra viên có quyền ghi âm, ghi hình luật sư khi làm việc với đối tượng đang bị điều tra.

Luật sư Võ An Đôn có ý kiến về điều này:

Cho điều tra viên ghi âm, ghi hình luật sư trong khi hỏi cung bị can, bị cáo có hạn chế ở chỗ nhiều khi điều tra viên đó không muốn cho luật sư tham gia vụ án đó có thể viện lý do này, lý do kia để từ chối luật sư.

Và ý kiến của luật sư Trần Đình Triển:

Luật sư hoạt động trước hết theo Bộ Luật Tố tụng hình sự qui định rất rõ về Luật sư và có Điều lệ Liên đoàn cũng như qui tắc, đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Những điều cấm đã được thể hiện trong pháp luật. Nhưng bây giờ thể chế hóa ra một điều trong Thông tư 28 cho điều tra viên làm những việc mà tôi cho rằng họ có thể xử lý luật sư bất cứ lúc nào. Ngược lại nếu trường hợp điều tra viên vi phạm về mặt tố tụng, luật sư cũng có quyền ghi âm, cũng có quyền chụp ảnh , có quyền lập biên bản. Theo tôi đó phải là quyền bình đẳng trong quá trình tố tụng để tránh oan sai.

Đồng thời Thông tư 28 cũng cho phép điều tra viên có quyền lập biên bản khi bị can, bị cáo có liên hệ với người A, B, C; nhưng không giải thích rõ điều này, vậy điều tra viên có quyền đi vào bất cứ trại nào kể cả nơi giam giữ và có thể lập biên bản đối với lãnh đạo trại bất cứ lúc nào. Tôi cho rằng như thế là trao quyền quá lớn cho điều tra viên mà vừa qua tình trạng bức cung, mớm cung, nhục cung trong nhiều vụ án oan sai từ điều tra viên điều tra.

Lên tiếng

Một số luật sư tại Việt Nam đã lên tiếng về khả năng Thông tư 28 bị lạm dụng để gây trở ngại cho hoạt động tham gia bào chữa của luật sư trong vụ án. Đoàn luật sư Hà Nội lên kế hoạch tổ chức một cuộc hội thảo về Thông tư 28 hồi trung tuần tháng 8 vừa qua; thế nhưng một ngày trước khi hội thảo diễn ra ban quản lý hội trường nơi sự kiện đó sẽ diễn ra thông báo hủy hợp đồng thuê chỗ.

Luật sư Trần Đình Triển, một trong những người tổ chức hội thảo, cho biết:

Đoàn luật sư Việt Nam đã có ý kiến với chủ tịch nước, đồng thời cũng đã mời bên Bộ Công an sang làm việc đưa những ý kiến của giới luật sư mà tôi cho rằng những ý kiến đó rất sâu sắc, rất xác đáng. Nếu chúng ta theo định hướng của Đảng là cải cách tư pháp để hạn chế quyền lực, vừa làm thế nào đấu tranh phòng chống được tội phạm, vừa tránh được oan sai, vừa bảo đảm được sinh mạng chính trị và quyền cơ bản của công dân thì tôi cho rằng việc sửa (thông tư 28) sớm hay muộn cũng phải sửa.

Có ý kiến cho rằng Thông tư 28 ra đời sau khi Việt Nam ký Công ước Chống Tra tấn nhằm chứng tỏ với thế giới về thực tâm của Việt Nam trong lĩnh vực này; tuy nhiên với những vấn đề được giới luật sư nêu ra thì còn quá nhiều việc cần làm để có thể có được một qui trình tố tụng khách quan, và một nền tư pháp độc lập tại Việt Nam. – RFA

Đảng CSVN cử Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh làm đặc phái viên thăm TQ – Bắc Kinh hoan nghênh Hà Nội bồi thường thiệt hại do bạo động chống TQ

Thường trực Ban Bí thư Đảng CSVN Lê Hồng Anh được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cử sang Trung Quốc để bàn biện pháp ‘làm dịu tình hình’.

Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo nói ông Lê Hồng Anh sẽ thăm Trung Quốc trong hai ngày 26-27/8 với danh nghĩa là Đặc phái viên của Tổng Bí thư.

Mục đích chuyến đi được nói là “nhằm trao đổi với Lãnh đạo Trung Quốc về các biện pháp làm dịu tình hình, không để tái diễn các vụ việc căng thẳng như vừa qua, đồng thời thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc”.

Rõ ràng mục tiêu đầu tiên trong chuyến đi của ông Lê Hồng Anh, người cũng được cho là nhân vật số 5 trong Bộ Chính trị, là để xoa dịu tình hình vừa gặp khá nhiều căng thẳng giữa hai bên.

Được biết chuyến thăm lần này được thực hiện theo lời mời của Trung ương Đảng CS Trung Quốc.

Xử lý ảnh hưởng

Trong một thông cáo giải thích về chuyến đi của Đặc phái viên của Tổng Bí thư, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói: “Phía Việt Nam lấy làm tiếc về vụ việc xảy ra đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc trong tháng Năm vừa qua, đồng thời lấy làm buồn về việc một số công nhân Trung Quốc bị thiệt mạng, bị thương trong vụ việc này”.

Việt Nam cũng gọi các vụ biểu tình hồi tháng Năm là “gây rối, mất trật tự tại một số địa phương”.

Bộ Ngoại giao hứa rằng Việt Nam “sẽ có hình thức hỗ trợ nhân đạo đối với công nhân Trung Quốc bị nạn”.

“Hội hữu nghị Việt–Trung sẽ cử đoàn sang Trung Quốc thăm hỏi một số gia đình đại diện cho những người bị nạn.”

Thông cáo của Bộ Ngoại giao cho hay phía Việt Nam “đã và sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách, biện pháp hỗ trợ mà Chính phủ đã công bố đối với các doanh nghiệp để doanh nghiệp khắc phục khó khăn, giảm bớt thiệt hại và triển khai hoạt động bình thường”.

“Việt Nam đã và đang tiếp tục điều tra vụ việc một cách nghiêm túc và xử lý nghiêm những người gây rối vi phạm pháp luật; đồng thời áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn cho công nhân, doanh nghiệp Trung Quốc và các nước tại Việt Nam.”

Văn bản nói trên gây ra suy đoán là thời gian gần đây đã có áp lực nào đó lên phía Việt Nam đòi “xử lý bất đồng”, vì các vụ biểu tình căng thẳng nói trên xảy ra cách đây đã hơn ba tháng.

Giới quan sát nói gì?

Trong làn sóng biểu tình chống Trung Quốc hồi tháng Năm, sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan 981 vào vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam, hàng chục cơ sở của các công ty Trung Quốc tại miền Trung và miền Nam đã bị tấn công. Ít nhất bốn người bị cho là thiệt mạng và hàng nghìn người Trung Quốc đã được rút đi khỏi Việt Nam.

Bắc Kinh đã rút giàn khoan 981 giữa tháng Bảy, trước kế hoạch một tháng.

Sau khi có thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm thứ Hai 25/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhanh chóng ra thông cáo hoan nghênh quyết định bồi thường cho công nhân Trung Quốc của phía Việt Nam.

Người phát ngôn Hồng Lỗi cho hay Việt Nam lấy làm tiếc về những gì đã xảy ra và hứa hỗ trợ nhân đạo cho người bị ảnh hưởng.

Ông Hồng nói: “Trung Quốc ghi nhận công tác và thái độ của phía Việt Nam, hy vọng rằng phía Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phù hợp”.

Một số nhà phân tích thì cho rằng chuyến đi của Đặc phái viên Lê Hồng Anh có thể là quyết định của một bộ phận ban lãnh đạo Việt Nam, những người vẫn tin rằng cần giữ hòa hiếu với Trung Quốc cho dù nước này ngày càng có nhiều hoạt động độc đoán trên Biển Đông.

Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người từng làm đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, được hãng AP dẫn lời nói ông cho rằng chuyến thăm sẽ không mang lại kết quả gì.

”Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ. Họ chỉ tạm thời rút giàn khoan đi mà thôi. Họ sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông.”

Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát khác, thì được dẫn lời nói ông hoan nghênh chuyến đi nhưng lo rằng Bắc Kinh sẽ thuyết phục Hà Nội từ bỏ kế hoạch xem xét kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế như từng đe dọa.

Hãng tin Reuters cho biết, Bắc Kinh hôm nay 25/08/2014 lên tiếng hoan nghênh chính phủ Việt Nam đã quyết định bồi thường cho các nạn nhân của các vụ bạo động chống Trung Quốc hồi tháng Năm.

Hàng ngàn người đã tấn công vào các công ty mà họ cho là của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông. Có bốn người chết, và Bắc Kinh đã cho rút 4.000 công nhân Trung Quốc về nước.

Trong một thông cáo trên mạng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng cho biết: “Trung Quốc khen ngợi cách làm và thái độ của phía Việt Nam, và hy vọng rằng Việt Nam sẽ áp dụng chu đáo các biện pháp thích đáng”. Ông ta nói thêm, một phái đoàn sẽ được gởi đến tại chỗ để bày tỏ phân ưu của Bắc Kinh đối với gia đình các nạn nhân.

Dư luận khi nêu lên những nghi vấn trước sự xuất hiện của những người lạ mặt không phải là công nhân cầm đầu và kích động các cuộc bạo động tại Bình Dương và Hà Tĩnh, đã cho rằng có bàn tay đạo diễn phía sau để bôi xấu Việt Nam, và tình hình này chỉ có lợi cho Trung Quốc. – BBC, RFI