Tin Việt Nam 22/8/2014
Nỗi sợ của Chủ tịch Sang ‘là có căn cứ’
‘Nỗi sợ’ của Chủ tịch Nước Việt Nam về việc người dân đang ‘mất lòng tin’ ở Đảng là có cơ sở, theo bình luận của một quan chức thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cơ quan tham mưu của Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN.
Trong một thông điệp đăng trên tờ Tạp chí Cộng sản mới đây nhân dịp ngày 19/8 và 2/9, Chủ tịch nước Việt Nam ông Trương Tấn Sang viết: “Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta.”
Bình luận với BBC hôm 21/8 từ Hà Nội, Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng, nói:
“Điều Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang nói là có căn cứ, bởi vì quy luật của muôn đời là có dân thì có tất, mà mất dân thì cũng mất hết…
“Thế còn nói không sợ bất kỳ thế lực xâm lăng nào, chỉ sợ nhất là mất lòng dân, thì muốn vậy phải chống được giặc nội xâm, chủ nghĩa cá nhân,
“Cái mà nhân dân hiện nay người ta đang mất lòng tin chính vì không nhìn thấy những cán bộ, đảng viên công chức, quan chức của mình gương mẫu, hy sinh vì dân, mà lại làm hại cho dân.
“Dù bộ phận này không phải là tất cả, nhưng cũng là một bộ phận đáng kể, đáng phải lưu ý trong việc xử lý.
Trong một đoạn khác, thông điệp của ông Sang viết: ‘Chúng ta không thể chấp nhận những người miệng nói yêu nước nhưng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm” mà tham nhũng, lãng phí, làm tổn hại đến đất nước, làm nghèo, suy yếu đất nước.
“Đây là giặc nội xâm, là những khối u trên cơ thể đất nước cần phải cắt bỏ.”
‘Dũng cảm, nghiêm khắc’
Trước đây, Chủ tịch Sang từng ví tham nhũng trong Đảng như những “con sâu”, “đàn sâu”, khi được hỏi lần này ông Sang có hàm ý gì hay không khi lại ví tệ nạn này với ‘nội xâm’ và ‘các khối u’ cần cắt bỏ, Giáo sư Bảo nói tiếp:
“Những cách diễn đạt ấy của Chủ tịch Trương Tấn Sang ở những thời điểm khác nhau, nhưng cùng chung một ý nghĩa, bản chất, tức là nhấn mạnh nỗi lo lắng của chúng tôi (VN) hiện nay trước tình trạng tham nhũng đã trở thành quốc nạn…
“Và nói rõ điều là trong một số người có chức, có quyền hiện nay mà thoái hóa, hư hỏng, thì người ta có thể ‘miệng nói vì dân’, nhưng mà hành động của họ lại ‘không phải vì dân’, cái gọi là ‘lợi ích nhóm’ đấy, thì đó là một cách nói rất dũng cảm, thẳng thắn và nghiêm khắc.”
Hôm thứ Năm, một cựu Quan chức lãnh đạo Văn phòng Quốc hội nói với BBC cho rằng bài viết của Chủ tịch Việt Nam trong thời điểm hiện nay là một thông điệp có tính ‘nhắc nhở’ và ‘thức tỉnh’.
Từ Sài Gòn, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội nói:
“Bài đó cũng là một bài đánh động để mọi người phải nhìn thấy ra nên đặt lợi ích của dân tộc này, đất nước này, với độc lập dân tộc, tự do, thống nhất đất nước, lãnh thổ là trên hết.”
‘Sai phạm đồng chí X’
Theo luật sư Thuận, thông điệp của Chủ tịch Sang trong thời điểm này không nhất thiết liên quan điều được cho là một “chiến dịch PR” chuẩn bị cho cuộc vận động tái tranh cử của cá nhân ông cho Đại hội Đảng lần thứ 12 sắp tới.
Ông nói: “Cái đó không có ai có thể đoán được, nhưng rõ ràng cái nguyên tắc của nó là những người nào đã làm công việc của mình không hoàn thành một cách xuất sắc, chưa nói rằng hư hại, thì không thể được đưa lên chức vụ cao hơn.
“Cho nên những người nào ở trên cương vị đó mà làm thành công, tốt, thì xứng đáng được tín nhiệm trong nước và quốc tế, được đề cao, thì người đó xứng đáng được đưa lên, thì tôi cho rằng như vậy thì Đại hội Đảng chọn người như thế mới là sáng suốt, chứ không phải cứ là tuần tự như tiến,
“Ông này đi, ông kia ở, còn nếu những người đang làm được việc mà để nghỉ thì đó cũng là một việc hoang phí, mà Đảng và dân tộc Việt Nam người ta cũng không thể để một người hoang phí như thế được.”
Liên hệ việc một lần Chủ tịch Trương Tấn Sang đề cập sai phạm của “đồng chí X” với thông điệp nhân dịp 19/8 và 2/9 năm nay của nhà lãnh đạo này vốn nhấn mạnh chỉnh đốn trong Đảng, Luật sư Trần Quốc Thuận nói:
“Những sai phạm của những người, mà tạm gọi như sai phạm của đồng chí X, thì sai phạm đó ở trên các cơ quan trung ương, thủ trưởng cơ quan Trung ương, cũng như những người ở địa phương, là ‘sai phạm đồng dạng’…
“Hiện bây giờ những người đó họ cũng phải nghĩ ra rằng nếu họ cứ tiếp tục như thế này, họ không tỉnh ra, thì thử hỏi cái đảng này, dân tộc này sẽ đi đâu, cho nên lúc nào họ nghĩ ra, họ tỉnh ra, và đặt lợi ích dân tộc lên trên, thì lúc đó đất nước này mới khá.”
‘Toát lên nỗi sợ’
Cũng hôm thứ Năm, bình luận với BBC về điều mà Chủ tịch Việt Nam đang quan ngại như một ‘nỗi sợ’ trong thông điệp tháng Tám của ông, một nhà hoạt động trên mạng xã hội của Việt Nam từ trong nước nói.
“Bài viết này toát lên một nỗi sợ, đó là điều mà tôi thấy rõ nét nhất…” kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nêu quan điểm từ Hà Nội.
“Ông Trương Tấn Sang viết “chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất”.
“Tôi tự hỏi là cái chữ ‘chúng ta’ này là ai? Chúng ta này là nhân dân ta, hay đảng ta hay chính quyền ta?”
Khi được hỏi về khả năng và phạm vi có thể tác động đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ, của thông điệp này, nhà hoạt động bình luận thêm:
“Có lẽ không tới 1% thanh niên người ta có thể đọc hết được bài này, một cái bài này nó cũng giống như một chục năm trước đây,
“Nó là những câu từ rất sáo rỗng, cuối cùng thực hiện những điều ấy, thì các ông làm được những cái gì?
“Đất nước này ngày càng tan hoang, cứ theo dõi truyền thông báo chí thì bao nhiêu tệ nạn, bao nhiêu thứ và bức xúc của người dân, mà cuối cùng thì ngày càng tệ hại hơn, không giải quyết được cái gì cả,” kỹ sư Lân Thắng nói với BBC. – BBC
Campuchia bác bỏ thông tin sẽ xử lý vụ đốt cờ VN
Chủ tịch Quốc hội Campuchia chiều ngày 20/8 đã bác bỏ những thông tin cho rằng Campuchia xử lý người biểu tình đốt cờ Việt Nam trước Đại sứ quán Việt Nam (ĐSQVN) tại Campuchia và mong chính phủ, nhân dân Việt Nam thông cảm.
Ông Chheang Vun, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông, Đại biểu Quốc hội trả lời báo chí tại sân bay Quốc tế Phnom Penh sau khi tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18 đến ngày 20/8 rằng Campuchia và Việt Nam đã đạt được nhiều thỏa thuận về tăng cường hợp tác Quốc hội hai nước.
Hai nước tiếp tục ủng hộ nỗ lực chung trong việc hoạch định và phân giới cắm mốc trên đất liền giữa hai nước. Campuchia tiếp tục ủng hộ việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hơn 5.000 hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia về nước và sẽ tạo điều kiện, giúp giải quyết địa vị pháp lý cho cộng đồng người Việt đang sinh sống tại nước này, phù hợp với luật pháp sở tại.
Nhưng ông Chheang Vun đã bác bỏ mọi thông tin đăng tải trên các trang báo của Việt Nam liên quan các tổ chức Khmer Kampuchia Krom và người dân Campuchia biểu tình chống Việt Nam tuần qua.
Trả lời câu hỏi phóng viên Quốc Việt của RFA, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông, kiêm phát ngôn nhân Quốc hội Campuchia là ông Chheang Vun cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ có các biện pháp phù hợp để ngăn chặn, không để hành động biểu tình chống Việt Nam và đốt cờ Việt Nam tái diễn.
Đối với ý kiến và đề nghị trên, ông khẳng định Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin chỉ lấy làm tiếc về hành động biểu tình đốt cờ Việt Nam nhưng Campuchia không được gọi người biểu tình là nhóm đối tượng quá khích, bị kích động bởi một số phần tử không hiểu biết về lịch sử hai nước. Theo ông, ông Heng Samrin cũng không hề có hứa với Việt Nam sẽ xử lý người đốt cờ Việt Nam hay có biện pháp ngăn chặn.
Ông Chheang Vun cho biết: “Đối với những thông tin phát đi rằng chính phủ Campuchia sẽ có biện pháp xử lý người biểu tình, nói người biểu tình không hiểu biết về lịch sử và Campuchia mong chính phủ Việt Nam và nhân dân Việt Nam hết sức thông cảm, tôi dám đảm bảo rằng Chủ tịch Quốc hội hoàn toàn không nói như vậy, tôi bác bỏ những tin tức trên.
Campuchia là một nước dân chủ, pháp quyền, đa nguyên đa đảng. Chuyện biểu tình đốt cờ là chuyện bình thường. Nó không thể hiện quan điểm của chính phủ. Campuchia không thể cấm người dân biểu tình, không có biện pháp xử lý… Chính phủ chỉ nói với Việt Nam không chấp nhận biểu tình bạo lực và lấy làm tiếc.”
Trong khi nhiều người trong số người dân Campuchia và người Khmer Krom phẫn nộ quan chức sứ quán, tham tán đối ngoại, phát ngôn nhân ĐSQVN Trần Văn Thông, báo chí Việt Nam đã phát đi nhiều tin, ảnh của Chủ tịch Quốc hội Campuchia đang thăm chính thức Việt Nam và có nội dung khiến nhiều người Campuchia suy nghĩ lãnh đạo của họ, vốn lâu nay thân với Việt Nam là con rối của Việt Nam.
Trong số những nội dung được một số tờ báo tại Việt Nam nêu ra là tức Chủ tịch Quốc hội Campuchia đồng tình với đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có biện pháp ngăn chặn không để biểu tình chống Việt Nam; không để tái diễn biểu tình bài Việt, và đốt cờ Việt Nam.
Còn báo điện tử Chính phủ Việt Nam ngày 18/8 nói Chủ tịch Quốc hội Campuchia cho biết cá nhân ông và Quốc hội Campuchia hết sức bất bình về hành động trên, đồng thời Campuchia đã có các biện pháp mạnh mẽ để xử lý những hành vi và đối tượng đốt quốc kỳ Việt Nam, đồng thời hứa hẹn sẽ cố gắng hết sức, bằng luật pháp để từng bước hạn chế tối đa, ngăn chặn những hành động bạo lực và những hành vi tương tự tái diễn.
Báo điện tử Chính phủ Việt Nam còn trích lời Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin cho rằng đây là hành động của một nhóm đối tượng quá khích, bị kích động bởi một số phần tử không hiểu biết về lịch sử hai nước và mong Chính phủ và nhân dân Việt Nam thông cảm.
Câu chuyện khởi đi hồi ngày 4/6/2014, sau khi ông Trần Văn Thông phát biểu với RFA tiếng Việt rằng một số người Khmer Krom xuyên tạc lịch sử, kỷ niệm ngày Pháp bàn giao miền Nam cho Việt Nam vào ngày 4/6 là người không biết rõ về lịch sử, bị tuyên truyền, lôi kéo và lợi dụng. Ông nói vùng đất miền Nam đã thuộc về Việt Nam từ lâu.
Tuyên bố này gây phản ứng giận dữ đối với người Khmer Krom và người dân Campuchia sau khi ông Thông lập lại bằng tiếng Khmer với RFA tiếng Khmer vào ngày 6/6/2014.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông là ông Chheang Vun cho biết cá nhân ông đã được trao đổi với ông Trần Văn Hằng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam về vụ ông Trần Văn Thông lúc đang thăm Việt Nam.
Ông nói cá nhân ông đã yêu cầu phía Việt Nam gọi người phát ngôn này về nước để tránh sự việc leo thang. Về phía Việt Nam, ông Trần Văn Hằng nói người phát ngôn này cũng sắp mãn nhiệm. Việt Nam sẽ xem xét vụ này.
Được biết, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại Campuchia Hor Namhong đã có cuộc gặp với lãnh đạo cộng đồng người Khmer Krom và đại diện sinh viên Campuchia vào ngày 19/8 về vụ này. Ngoại trưởng Campuchia hứa sẽ làm việc với ông Thạch Dư, sau khi ông này nhậm chức Đại sứ Việt Nam tại Campuchia sắp tới.
Còn các đại diện người biểu tình đã đồng tình với Ngoại trưởng để chính phủ làm việc. Nhưng phía người biểu tình cho biết họ sẽ tiếp tục xuống đường phản đối nếu phía Việt Nam không xin lỗi công khai trong hết tháng này. – RFA