Tin Việt Nam 21/8/2014
CSVN lên án Trung Cộng tấn công tàu cá, tập trận ở Vịnh Bắc bộ
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay 21/08/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình mạnh mẽ lên án hành động cướp phá tàu cá của ngư dân Việt, và tỏ ra quan ngại trước việc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại Vịnh Bắc bộ đến lần thứ ba.
Về sự kiện một tàu cá Lý Sơn, Quảng Ngãi với 10 ngư dân khi đang đánh cá ở gần quần đảo Hoàng Sa thì bị hai tàu cao tốc Trung Quốc bao vây, đập phá tàu, cướp hết tài sản và đánh đập ngư dân; phát ngôn viên Lê Hải Bình cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam “đang khẩn trương xác minh thông tin”. Ông tuyên bố: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành động vô nhân đạo nhằm vào tàu cá của ngư dân hoạt động hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam”.
Liên quan đến việc Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật tại Vịnh Bắc bộ từ ngày 20/8 đến 3/9, ông Lê Hải Bình nói rằng cuộc tập trận diễn ra tại vùng biển thuộc bán đảo Lôi Châu của nước này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói: “Chúng tôi hy vọng Trung Quốc với tư cách là một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ có những đóng góp vào nền hòa bình, an ninh ổn định của khu vực cũng như thế giới”.
Được biết chiếc tàu QNg 96074 TS của ngư dân Trần Hiền hôm 14/8 sau khi tàu Trung Quốc tấn công đã bị cướp đi toàn bộ trang thiết bị cùng với 3 tấn cá, và bị hư hỏng nặng. Đây chỉ là một trong vô số trường hợp ngư dân Việt bị tàu Trung Quốc cướp phá tài sản và đánh đập ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Còn việc tập trận bắn đạn thật nhằm phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã diễn ra đến lần thứ ba trên Vịnh Bắc bộ. – RFI
CSVN triển hạn lô dầu dành cho Ấn Độ ở Biển Đông – Công ty Nhật tìm thấy dầu, khí đốt ngoài khơi VN
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj sẽ ghé thăm Việt Nam trong hai ngày 25 và 26/08. Theo báo chí Ấn Độ hôm nay 21/08/2014, trước khi Ngoại trưởng Ấn đến Hà Nội, Việt Nam đã quyết định triển hạn hợp đồng thăm dò dầu khí của tập đoàn Ấn Độ OVL tại Biển Đông, một động thái được đánh giá là nhằm khẳng định vai trò của Ấn Độ tại Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Theo nhật báo Times of India, Việt Nam đã gia hạn thêm một năm hợp đồng thăm dò lô 128 ngoài khơi bờ biển miền Trung. Đây là một lô mà công ty Ấn Độ OVL, thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ ONGC, cho là trong thực tế không có giá trị thương mại, và vào năm 2012, đã nêu ý định trao trả lại lô này. Việt Nam đã cố sức thuyết phục Ấn Độ ở lại tiếp tục thăm dò. Hợp đồng khai thác hết hạn trong năm nay và như vậy vừa được gia hạn.
Theo phía Ấn Độ, sở dĩ nước này quyết định duy trì hợp đồng với Việt Nam, đó là vì New Delhi cho rằng họ có lợi ích chiến lược ở khu vực Biển Đông. Ấn Độ luôn luôn nhấn mạnh đến quyền tự do hàng hải và tự do tiếp cận các nguồn tài nguyên. Ngoài ra, hợp tác cụ thể với Việt Nam trong việc thăm dò và khai thác dầu khí tại Biển Đông còn cung cấp cho Ấn Độ một lý do rất tốt để duy trì sự hiện diện hải quân trong vùng.
Đối với nhật báo Times of India, trong những chuyến thăm thiện chí, tàu Hải quân Ấn Độ đã ghé cảng của tất cả các nước trong vùng bị chính sách bành trướng của Trung Quốc tác hại. Vào thượng tuần tháng 8 này chẳng hạn, Hộ tống hạm tàng hình mang tên lửa dẫn đường INS Shivalik đã ghé cảng Hải Phòng trong bốn ngày.
Báo chí Ấn Độ vào lúc ấy đã cho rằng đó là một phần trong nỗ lực thúc đẩy của New Delhi nhằm xiết chặt quan hệ quân sự giữa hai nước, vào lúc Trung Quốc ngày càng hung hăng. Nhật báo Times of India hôm nay đã nhắc lại vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển của Việt Nam “gọi là để thăm dò dầu khi” bất chấp phản đối của Việt Nam.
Tờ báo Ấn Độ nhận định là với hành động đó, “Trung Quốc đã in dấu ấn về sự hiện diện mang tính chất bá quyền của họ tại đấy, khẳng định quyền tự do tung hoành của họ… “, và không ngần ngai so sánh chiến lược của Bắc Kinh tại Biển Đông với những gì mà Trung Quốc đang làm đối với Ấn Độ tại vùng biên giới hai nước.
Sau khi nhắc lại rằng Việt Nam ngày càng thắt chặt quan hệ với nhiều nước, trong đó có Ấn Độ, tờ Times of India đã nêu bật sự kiện Việt Nam cũng muốn tên lửa BrahMos của Ấn Độ. Vấn đề, theo tờ báo, là chính quyền New Delhi vẫn trì hoãn chưa quyết định, chủ yếu vì sợ công nghệ thiết kế tên lửa này rơi vào bàn tay Trung Quốc.
Trong khi đó, công ty Idemitsu Kosan của Nhật Bản hôm nay loan báo tìm thấy dầu và khí đốt tại giếng thăm dò thứ tư ở các lô số 05-1b và 05-1c ngoài khơi bờ biển miền nam Việt Nam.
Theo bản tin của Reuters, công ty này cho biết việc phát hiện đã được xác nhận dựa trên những vụ khoan thử nghiệm thực hiện hồi tháng Năm và tháng 8, ngoài các cuộc phát hiện ra dầu khí tại các giếng khác đã được khoan trong hai lô vừa kể.
Hãng tin AP hôm nay trích dẫn một thông báo của công ty Idemitsu cho biết các cuộc xét nghiệm sẽ được thực hiện để xác định trữ lượng của mỏ dầu khí mới này.
Công ty Idemitsu và công ty khai thác Dầu Khí JX Nippon của Nhật sở hữu 35% cổ phần mỗi công ty tại các lô này, trong khi một công ty khác là Inpex Corp nắm giữ 30%.
Tập đoàn công ty X Nippon Oil & Energy đang tìm cách xây dựng các nhà máy lọc dầu và các trạm xăng tại Indonesia và Việt Nam, giữa lúc mức tiêu thụ nhiên liệu sút giảm trong nội địa. Đây được coi là dự án đầu tư chủ yếu đầu tiên trong lĩnh vực khai thác dầu bên ngoài Nhật Bản.
Mức tiêu thụ dầu của Nhật Bản đã giảm 1/5 trong thập niên qua, và được dự báo sẽ sụt giảm thêm 8% trong 5 năm tới, dựa trên một phúc trình do một ủy ban về năng lượng của chính phủ Nhật Bản đưa ra hồi tháng Ba năm nay.
Trong khi đó tại Indonesia và Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ tăng từ 1% tới 2% một năm, hai nước này với dân số lần lượt lên tới 240 triệu và 90 triệu, đang tìm cách gia tăng khả năng lọc dầu để giảm thiểu xăng dầu nhập cảng rất tốn kém. Một công ty lọc dầu Nhật Bản khác hiện đang giúp xây nhà máy lọc dầu thứ nhì của Việt Nam.
Nền kinh tế của Indonesia và Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức trên 5% trong năm nay. – RFI, VOA