Thủ đoạn chính trị (Chương 8) – Vũ Tài Lục

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thủ đoạn chính trị (Chương 8) – Vũ Tài Lục

Hứa Do rửa tai vì có ông vua muốn trao quyền chính cho mình, Sào Phủ không cho trâu uống nước ở nơi Hứa Do đã rửa tai. Đó là câu chuyện chính trị hoang đường.

Người ta thấy trên chính trị lúc nào cũng có sự đấu tranh trên ba mặt:

1) Đấu tranh giữa những người, những phe nhóm trong chế độ.

2) Đấu tranh giữa những chế độ khác nhau.

3) Đấu tranh giữa quốc gia này với quốc gia khác.

Đấu tranh giữa Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.

Đấu tranh giữa Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh.

Đấu tranh giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Hoa kỳ, giữa đảng Dân chủ với nhau hay giữa đảng Cộng hòa với nhau.

Đấu tranh giữa đảng Lao động và Bảo thủ tại Anh quốc.

Đấu tranh giữa những phe phái trong trung ương chính trị cục tại Nga sô

Đều là đấu tranh giữa cá nhân hay phe nhóm trong một chế độ, động cơ đấu tranh có thể là ngôi vị cá nhân, có thể là chính sách.

Đấu tranh giữa Quốc Cộng tại Trung hoa, Nam Bắc Hàn, Nam Bắc Việt nam.

Đấu tranh giữa đảng Bôn-sê-vích và Nga hoàng.

Đấu tranh giữa ủy hội cách mạng Nasser và hoàng gia Farouk

Đều là đấu tranh giữa những chế độ khác nhau, động cơ đấu tranh là đưa lớp người mới lên ngôi vị lý tưởng, xây dựng một chế độ xã hội và một chính quyền mới.

Đấu tranh giữa Nga-Mỹ.

Đấu tranh giữa Trung cộng-Mỹ, giữa Trung cộng-Nga sô.

Đấu tranh giữa Nam Tư-Nga sô, Pháp-Mỹ

Đều là những đấu tranh giữa quốc gia này với quốc gia khác, động cơ đấu tranh là độc lập và chủ quyền của mỗi quốc gia, hay quyền lợi đất đai tiền bạc của mỗi quốc gia.

Cả ba mặt đấu tranh trên có liên hệ khắng khít với nhau, liên hệ đó càng chặt chẽ trong chính trị ngày nay.

Xưa kia quân Thanh tràn sang giúp vua Lê Chiêu Thống là dùng nội chiến để xâm lược dựa vào cuộc đấu tranh giữa hai cá nhân, hai phe nhóm để giải quyết việc hai quốc gia.

Ngày nay người ta nói đấu tranh giải phóng là hình thức cao nhất của đấu tranh giai cấp, tham chiến ở Việt nam là để bảo vệ sự nguyên vẹn của Châu Mỹ La tinh hay để Châu Mỹ La tinh vùng dậy chống Hoa kỳ.

Những yếu tố chi phối của các mặt đấu tranh gồm có: Các lãnh tụ, các cường thần đại tộc, các giai cấp, các đảng phái, các địa phương, các lực lượng tài chính, các quân đội, các bạn đồng minh, các chính phủ. Tính chất đấu tranh không có gì đổi khác từ xưa đến giờ. Nếu cách đây hai ngàn năm César bị nhóm cường thần đâm chết thì sau hai ngàn năm Kennedy cũng chết một cách tương tự ở Dallas. Nếu xưa kia Đổng Trác được các triều thần vời vào cung để phục binh mà giết thì bây giờ Béria cũng bị mai phục bắn chết trong buổi hội.

Lề lối đấu tranh chỉ khác trên hình thức, nhưng bản chất vẫn vậy. Ngày xưa đức của Nghiêu Thuấn đồn vang bốn bể bằng lời truyền miệng thì ngày nay phát thanh, điện thị sách vở cùng bộ máy quảng cáo khổng lồ cũng làm in sâu hình ảnh vị tổng thống trong tâm chí đại chúng.

Xưa kia thế lực là nhóm đại thần nhiều vây cánh trong triều hoặc các lực lượng tự trị địa phương, hoặc các ông tướng biên khu. Ngày nay thế lực là những đại tư bản, những thống đốc, những quân khu trưởng, những cán bộ cao cấp, những cán bộ công nghiệp địa phương, những đoàn thể áp lực (groupe de pression lobby).

Nói cho gọn lại một câu: Đấu tranh chính trị là đấu tranh giữa các thế lực chính trị để đoạt quyền và giữ chính quyền.

Vũ khí đấu tranh

Muốn tranh đoạt cái gì, điều kiện tiên quyết của một cá nhân, một giai cấp, một đoàn thể phải là một cá nhân có quyền lực, giai cấp có quyền lực, đoàn thể có quyền lực. Quyền lực có hai mặt: quyền lực vật lý và quyền lực tâm lý. Khi nói có binh quyền tất có quyền là nói quyền lực vật lý. Khi nói dân chúng ủng hộ người ấy là nói quyền lực tâm lý. Cả hai quyền lực tâm lý vật lý không tách rời nhau trái lại chúng phù trợ nhau. Nếu một chính quyền chỉ có quyền lực vật lý không thôi, chính quyền đó đang xuống dốc. Trái lại một thế lực mà quyền lực vật lý chưa đáng kể, nhưng quyền tâm lý lớn mạnh là thế lực đang lên. Danh từ uy thế chính trị để chỉ chính quyền có đủ cả quyền lực vật lý lẫn quyền lực tâm lý.

Tào Tháo trong lúc hãy còn làm dũng sỹ đi dâng đao giết Đổng Trác, với Tào Tháo sau khi đã bình định xong Duyên châu rồi được triều thần gọi về phò giá, mức chênh lệch nhau trên quyền lực đã khác hẳn. Trước kia chỉ là một tên thích khách, sau này đã trở nên kẻ đứng trong đám người tranh thiên hạ.

Nông dân từng làng từng xóm trước kia là những kẻ đói khát vất vưởng, khi theo Trương Giốc chít khăn vàng đám nông dân đói khát ấy đã trở thành một lực lượng chính trị làm rung động cả chính quyền nhà Hán. Hai trạng thái khác hẳn nhau gây nên bởi quyền lực.

Nói đến quyền lực trước hết phải kể quyền lực vật lý, làm chính trị là hữu binh tất hữu quyền. Xã đoàn nào cũng bị chi phối bằng bạo lực vật lý, trong đám du đãng kẻ bắn súng, kẻ ném dao giỏi và có quả đấm chắc nịch là kẻ cầm đầu. Trong một quốc gia phe chỉ huy là đoàn SS, lực lượng tontons macoutes (danh từ để chỉ những đặc vụ ở các nước Phi châu), quân đội cảnh sát v.v…. Nếu hỏi nhà nước là gì? người ta có thể trả lời rằng nhà nước là tổ chức có độc quyền những vũ khí để cưỡng bách, những vũ khí này đem lại quyền lực cho một nhóm người, một giai cấp hay một đảng ở trong bộ máy nhà nước. Để chống lại với bộ máy đó, phe chống lại cũng phải kiến tạo được một quyền lực khả dĩ đương đầu đến thắng lợi với nó.

Trong đấu tranh chính trị những lực lượng đấu tranh thường được ném vào đấu trường là: mật vụ chống với đảng, quân đội chống với quần chúng vũ trang, phe nhóm vũ trang ủng hộ cá nhân chống một cá nhân khác, giai cấp chống giai cấp, chính sách chống chính sách.

Quyền lực vật lý của những lực lượng ấy là gì?

Tổ chức – Tiền bạc – Phương tiện bạo lực.

Quyền lực tâm lý của những lực lượng ấy là gì?

Chủ nghĩa – Tín ngưỡng – Uy danh – Truyền thống – Tập quán.

Chính quyền

Cổ thư viết: Con rồng bay trên mây, nếu không mây thì rồng cũng chẳng khác gì con rắn. Người hiền hơn kẻ bất tiếu là nhờ ngôi vị. Kẻ bất tiếu khuất phục người hiền bởi vì quyền cao vị tôn.

Sách Quỷ Cốc nói: Sự việc quý ở chỗ chế ngự được người và không cho người chế ngự ta. Sở dĩ chế ngự được người là nhờ nắm được quyền vậy.

Quyền là cái chất quan yếu của chúng lực, nó ví như cái cổ áo, cái mối giềng của lưới cá. Nắm được cái chốt quan yếu thì mọi lực lượng đều quy tụ, giữ được mối giềng thì cả cái lưới không bị rối loạn.

Ở chính trị đấu tranh là giành quyền, giữ quyền, củng cố quyền.

Theo cổ học Đông phương nói về việc giành quyền thường phân biệt:

Sảo thủ vi thượng, hảo đoạt vi hạ.

(Khéo lấy là tốt nhất, phải tranh đoạt là hạ sách).

Thế nào là khéo lấy. Cổ nhân đưa ra tỉ dụ: Vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn. Thuấn không tranh đoạt ngôi của Nghiêu bằng vũ lực, ông chỉ lên núi Lịch sơn đặt ra chính sách canh tác để tranh dân của vua Nghiêu, nhiều người cảm phục đức của Thuấn nên ùa lên Lịch sơn. Thấy lòng dân đã ngã, vua Nghiêu liền nhường ngôi cho Thuấn.

Như vậy gọi là dùng đức để giành quyền.

Thứ đến dụng công để giành quyền. Như vua Vũ trị thủy thành công, danh vang bốn biển, khắp bàn dân thiên hạ đều tôn Vũ làm thần chủ của núi sông.

Thứ ba là dùng mưu để dành quyền.

Vua Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng rằng: Tại sao Thang một lúc mà có thể nuốt được thiên hạ của Kiệt?

Quản Trọng đáp: Vua Kiệt không cho dân đủ no, đủ ấm lại còn dùng hổ báo làm cho dân chúng kinh sợ. Còn Thang trái lại thấy người đói rét cho ăn cho mặc nên dân chúng ùa theo.

Tề Hoàn lại hỏi: Việc làm của Thang không phải sớm chiều mà xong, vậy tại sao Kiệt lại để yên cho Thang làm thế?

Quản Trọng đáp: Vì Kiệt mê Nữ Hoa, nên Thang đem vàng bạc đút lót. Vì Kiệt tin Khúc Nghịch, nên Thang dùng châu báu hối lộ. Nhờ dùng Nữ Hoa và Khúc Nghịch vào âm mưu, nên Thang đã thắng. Thang thắng bởi vì hai chính sách: một mặt giữ tín nghĩa với dân, một mặt dùng âm mưu quật đổ vua Kiệt.

Còn như các vụ dùng chiến tranh để giải quyết vấn đề, dùng bạo lực để giải quyết vấn đề đều bị coi là hạ sách. Tuy nhiên danh từ hạ sách không hề chỉ định tính chất xấu tốt, ác hay thiện. Tất cả tùy thuộc vào thời thế. Thế không cho phép dùng đức tất phải dùng lực như lời Khương Tử Nha: “Thuận giả nhiệm chi dĩ đức. Nghịch giả tuyệt chi dĩ lực.” (Kẻ thuận theo thì lấy đức mà trị, kẻ nghịch ta thì dùng lực mà tiêu diệt). “Dĩ chiến chỉ chiến, tuy chiến khả dã. Dĩ sát chỉ sát, tuy sát khả dã. Dĩ hình khứ hình, tuy trọng hình khả dã.” (Lấy chiến tranh để ngăn chận chiến tranh thì chiến tranh cũng tốt. Lấy giết để ngăn chận sự giết chóc thì giết cũng được. Lấy hình phạt để chống tàn bạo thì hình nặng càng hay).

Liên hệ khắng khít giữa trong và ngoài

Cổ thư có câu: “Đi thuyền, nước vào thuyền mà không trét lại thì thuyền chìm, trét chỗ rỉ nước rồi mà khinh sóng dữ của Thủy Thần thì thuyền đắm”.

Trong bất cứ loại đấu tranh chính trị nào người ta cũng buộc phải đối phó với hai phía, phía trong và phía ngoài. Phía trong là công việc nội bộ, phía ngoài là ứng chiến với địch. Bởi vì đấu tranh chính trị rút lại chỉ là sự giải quyết mâu thuẫn. Nguyên nhân và khởi điểm của đấu tranh là những mối mâu thuẫn. Mâu thuẫn thì bao giờ cũng có hai mặt: một là mâu thuẫn trong diễn tiến phát triển của hết thảy sự vật, hết thảy hiện tượng, hai là mâu thuẫn nội tại ở trong lòng mọi sự vật mọi hiện tượng. Nói dễ hiểu hơn là mâu thuẫn nội bộ và mâu thuẫn với ngoài. Tỷ dụ: Thục đánh nhau với Đông Ngô là mâu thuẫn với ngoài. Tập đoàn Tiêu Chu Hoàng Hạo và ấu chúa của Thục chống nhau với tập đoàn Khổng Minh là mâu thuẫn nội bộ Thục. Cả hai mâu thuẫn nội bộ, mâu thuẫn với ngoài kết hợp tạo thành ra những biến động chính trị. Một tỷ dụ khác: Mâu thuẫn giữa tập đoàn chống Staline với chính sách của Staline đã khiến cho đại hội C.S. chuyển hướng chính sách đối ngoại vào con đường sống chung hòa bình. Chính sách đúng, đều là kết quả của nhận thức chính xác những mâu thuẫn và giải quyết thỏa đáng. Nhiệm vụ của người lãnh đạo là sớm phát hiện và phân biệt những mâu thuẫn.

Mọi hình thế chính trị nào cũng vậy, trước mặt ta cũng có ba loại mâu thuẫn:

1) Mâu thuẫn giữa địch và ta.

2) Mâu thuẫn nội bộ ta.

3) Mâu thuẫn nội bộ địch.

Những mâu thuẫn trên hoàn toàn không giống nhau về tính chất cho nên phương pháp giải quyết hay hình thức đấu tranh cũng không giống nhau. Thông thường thì mâu thuẫn giữa ta và địch là mâu thuẫn có đối kháng, phương pháp giải quyết và hình thức đấu tranh phải quyết liệt không đội trời chung. Còn mâu thuẫn nội bộ là mâu thuẫn không đối kháng, có thể dùng phương pháp và hình thức đấu tranh hòa bình để giải quyết.

Tuy nhiên không phải chỉ đơn giản như thế. Có nhiều tình thế chính trị phức tạp nên phương pháp giải quyết cũng như hình thức đấu tranh cũng trở nên phức tạp.

Tỷ dụ sự liên hiệp kháng Nhật giữa Trung cộng và Quốc Dân đảng Trung hoa. Trung cộng và Quốc Dân đảng vốn dĩ là mâu thuẫn đối kháng tuyệt đối. Nhưng cả hai đứng trước cuộc xâm lăng của Nhật vào Trung quốc thì mâu thuẫn giữa hai đảng trở thành mâu thuẫn phụ và mâu thuẫn giữa Nhật với hai đảng mới là mâu thuẫn chính. Ngược lại cuộc cách mạng tháng Mười tại Nga, cuộc chiến tranh Nga Đức không làm giảm tính đối kháng quyết liệt của phe Bôn-sê-vích với chế độ Tsar. Những vụ gây rối loạn trong nước còn làm cho Nga thất trận với Đức một cách nhục nhã. Vấn đề không phải là Cộng sản Tàu yêu nước hơn Cộng sản Nga, mà là phương pháp giải quyết khác nhau để cùng đưa lên thắng lợi. Giải quyết mâu thuẫn hay đấu tranh chính trị ở đây không đánh giá bằng đạo đức, bằng giá trị luân lý, mà đánh giá bằng hiệu quả. Trung cộng lý luận giá trị của liên hiệp kháng Nhật như sau:

– Tưởng Giới Thạch tập trung quân đội để đánh Nhật, sẽ không còn sức để cố tình tiêu diệt Cộng sản.

– Với tư cách kháng chiến giải phóng dân tộc, Cộng sản sẽ thu hút được cảm tình của toàn dân thứ nhất là phần tử trí thức.

– Do hợp tác Quốc Cộng, Cộng sản khả dĩ mở rộng tuyên truyền và phát triển bằng phương thức hợp pháp trên toàn quốc.

– Chiến tranh kháng Nhật đem lại cơ hội khoáng triển lực lượng vũ trang.

Trong khi ở Nga Lénine đưa ra khẩu hiệu: Biến chiến tranh đế quốc thành ra nhân dân vũ trang cướp chính quyền từ tay vua quan quý tộc. Quyết liệt đấu tranh cho hòa bình. Nga càng thua trận đảng Bôn-sê-vích càng ra sức phá hoại bên trong để lật đổ chế độ Nga hoàng. Chiến tranh Nga Đức là chiến tranh đế quốc, mâu thuẫn giữa hai đế quốc đâm lợi cho cách mạng vô sản rất lớn.

Thỏa hiệp của đảng Cộng sản với phe Tưởng Giới Thạch và không thỏa hiệp với chính quyền Nga hoàng để chống xâm lược chứng minh rằng tính mâu thuẫn là quy luật chung nhưng có những tính riêng biệt của mỗi hoàn cảnh. Bởi thế mỗi khi nói đến giải quyết mâu thuẫn hay đấu tranh chính trị việc làm hàng đầu là phải phân tích cụ thể một hoàn cảnh chính trị cụ thể (l analyse concrète d une situation concrète).

Ngoài ra mỗi phát triển của một tình thế còn hàng loạt mối mâu thuẫn khác nữa làm cho tình thế càng rắc rối. Tỷ dụ nước Trung hoa sau cách mạng Tân hợi, xã hội có nhiều mâu thuẫn phức tạp như mâu thuẫn giữa xã hội cũ và tư tưởng mới, mâu thuẫn giữa đế quốc với dân chúng, mâu thuẫn giữa các đế quốc trên đất Trung quốc, mâu thuẫn giữa thành thị và nông thôn, mâu thuẫn giữa người giàu và người nghèo, mâu thuẫn trong nội bộ của phe cách mạng, v.vv… Và mỗi mâu thuẫn lại mang tính chất đặc biệt. Nếu không phân tích cụ thể từng hoàn cảnh cụ thể, tất không nắm vững tình thế. Không nắm vững tình thế thì không thể có sách lược đúng.

Cao lên từng nữa còn phải đặt vấn đề mâu thuẫn với quan niệm sau đây: Đối kháng và mâu thuẫn hoàn toàn không giống nhau; khi một tình thế chính trị đã ổn định thì đối kháng tiêu diệt nhưng mâu thuẫn vẫn tồn tại.

Những mâu thuẫn tồn tại đó là gì?

Trong xã hội của chủ nghĩa xã hội vẫn có những mâu thuẫn giữa lợi ích quốc gia, lợi ích chung với lợi ích cá nhân, mâu thuẫn giữa người lãnh đạo và

người bị lãnh đạo, mâu thuẫn giữa lối làm việc quan liêu cán bộ chính phủ với nhân dân v.v…

Để giải quyết những mâu thuẫn không đối kháng người ta thường dùng phương pháp hòa bình là thuyết phục và giáo dục với công thức: Đoàn kết – Phê bình – Đoàn kết.

Vấn đề sách lược

Sách lược là gì?

Cuốn sách Que faire viết: Sách lược là kế hoạch có hệ thống với những nguyên tắc vững vàng được đem ra kiên quyết thực hành. Sách lược của một đảng là phương hướng, phương pháp, tính chất hoạt động cùng hành vi chính trị của đảng đó.

Lénine căn cứ vào tình thế chính trị đương thời đấu tranh của ông, mặc dầu sách lược mang muôn hình vạn trạng, nhưng ông đã khái quát vào hai loại:

– Từ dưới lên trên gồm những quảng đại quần chúng, bãi công, biểu tình, vũ trang bạo động, vũ trang uy hiếp, bộ đội cách mạng, vũ trang nổi dậy.

– Từ trên xuống dưới là thành lập công khai những xã đoàn công hội, nông hội, thương hội để trực diện đấu tranh, lợi dụng tuyển cử để đấu tranh nghị hội, để tham gia chính quyền.

Cũng theo Lénine thì muốn giành thắng cho sách lược phải kiện toàn bốn công cụ chủ yếu của đấu tranh chính trị là:

a) Huấn luyện giáo dục.

b) Tổ chức.

c) Tuyên truyền cổ động.

d) Khẩu hiệu đấu tranh chính trị.

Sách lược đấu tranh trong kỷ nguyên cách mạng và quốc tế chính trị ngày nay chứa đựng một ý nghĩa rất lớn. Nó bao gồm chính trị sách lược và chính trị chiến lược.

Danh từ sách lược chính trị do Lénine sáng tạo.

Danh từ chiến lược chính trị do Staline sáng tạo.

Đương nhiên danh từ chiến lược chính trị của Staline phát nguyên từ sách lược chính trị của Lénine và danh từ sách lược chính trị của Lénine cũng phát nguyên từ những tư tưởng của Marx và Engels. Nhưng trong văn phẩm của Marx và Engels chỉ nói về sách lược mà thôi và không hề đề ra danh từ chính trị sách lược. Đến như chiến lược chính trị thì Marx, Engels không nói tới bao giờ, ngoại trừ những luận văn về chiến tranh mới thấy có hai chữ chiến lược, như vậy chiến lược trong tư tưởng của Marx, Engels chỉ là chiến lược chiến tranh. Kinh qua bao cuộc đấu tranh đến đời Staline thì danh từ chiến lược chính trị mới được sáng tạo. Dĩ nhiên bất cứ sự sáng tạo nào cũng do nhu yếu cấp thiết của hoàn cảnh thực tiễn. Danh từ chiến lược chính trị nói được lên đặc tính thời đại mà trong đó đấu tranh không còn phân biệt giữa chiến tranh và chính trị như trước kia nữa.

Trước kia mọi người đều cho rằng chiến lược thuộc phạm vi quân sự. Quan niệm này không còn giá trị nữa, hiện tại người ta đề cập đến chiến lược với sự bao quát cả chính trị lẫn quân sự.

Trong đấu tranh bây giờ, khi luận về sách lược tức thị là luận cùng một lúc cả sách lược chính trị lẫn sách lược quân sự. Chính trị trong nhu yếu mới đã hẳn nhiên là một loại chiến tranh. Những cuộc bạo động ám sát, tuần hành thị uy, bãi công bãi thị, du kích chiến v.v…đòi hỏi sách lược chính trị phải đặt trên luật tắc chiến lược của chiến tranh. Nếu đem chiến tranh và chính trị tách rời nhau sẽ dễ dàng bị rơi vào những hành động thiếu chính xác trong cuộc đấu tranh phức tạp ngày nay.

Những điều không thể thiếu khi xây dựng sách lược

Tưởng Giới Thạch đem quân vây Thụy kim dẹp tan Cộng sản, Cộng sản trước sức tấn công của quân đội Tưởng đã chạy như chuột, vượt hàng vạn dặm để đi ngược lên miền Bắc. Trận ấy Tưởng Giới Thạch toàn thắng. Nhưng nó tạo nên một mặt khác của chính trị là trong toàn trình lưu thoán của Cộng sản, nhờ sự lãnh đạo đúng nên nó đã biến thành cuộc vạn lý trường chinh, bởi vì Cộng sản chạy đến đâu là gieo rắc chủ nghĩa đến đó, mỗi khi dừng nơi nào Cộng sản lập tức cho thi hành chính sách cải cách ruộng đất để phá uy thế chính trị của phe Quốc Dân đảng, khi quân Quốc Dân đảng đến đánh đuổi Cộng sản lại chạy nhưng chính sách của họ đã tạo thành mầm mống chống đối của quần chúng đối với chính quyền phe Tưởng.

Napoléon xâm lược Nga, Napoléon bị đánh bại nhưng xã hội Nga đã chịu một thay đổi lớn lao do những tư tưởng cách mạng Pháp theo đoàn quân Napoléon vào đất Nga.

Bởi lẽ đó nên khi xây dựng một sách lược, người ta không thể quên tính phát triển của sự việc qua những nguyên tắc biện chứng pháp kể sau đây để quan sát và nhận thức tình thế.

1) Thái độ hoàn toàn khách quan mà đo tính quan hệ và vị thế của hết thảy mọi lực lượng chính trị trong xã hội. Đo tính từng giai đoạn phát triển khách quan của xã hội ấy. Đo tính quan hệ giữa xã hội này với xã hội khác.

2) Quan sát các lực lượng chính trị phải căn cứ vào khả năng động của mỗi lực lượng. Không được căn cứ vào tình trạng tĩnh chỉ của mỗi lực lượng mà rút ra những nhận thức lạc quan một cách chủ quan.

3) Quan sát vận động không thể xuất phát từ quá khứ mà xuất phát từ tương lai.

4) Phân biệt được toàn thể với cục bộ.

5) Phân biệt được điểm chính và điểm phụ.

6) Nắm giữ được vận động để vận dụng chính sách những biến chuyển tương phản tương thành hay tương thành tương phản của mỗi biến động chính trị.

Sáu yêu cầu của sách lược

Thứ nhất. — Trong cuốn Tả phái Ấu trĩ bệnh Lénine viết: Một quân đội khi lâm chiến mà chưa sẵn sàng để học hiểu phương pháp, thủ đoạn, vũ khí của địch nhân thì quân đội đó không thể thắng được.

Chính trị cũng thế, mỗi sách lược đều mang hai tầng ý nghĩa:

a) Nhận thức, học hỏi tất cả những thủ đoạn và sách lược của địch.

b) Đánh những đòn chí mạng vào đối phương.

Thứ hai. — Phải biết xử dụng giỏi giang tất cả mọi sách lược. Trên chính trị, trong tương lai có những điều kiện không giống nhau sẽ đặt ta vào những tình thế hoàn toàn khác biệt, thủ đoạn hay sách lược này không thể thích dụng cho một tình thế khác. Nếu không biết chuyển, di, biến, động tất sẽ bị thất bại. Tỷ dụ có lúc phải dùng thủ đoạn đấu tranh công khai, hợp pháp, có lúc phải dùng thủ đoạn đấu tranh bí mật, bất hợp pháp và có lúc phải phối hợp thủ đoạn công khai, hợp pháp với đấu tranh bí mật bất hợp pháp.

Thứ ba. — Một mặt xử dụng giỏi giang tất cả mọi sách lược, mọi thủ đoạn, mặt khác lại phải biết những khâu chính yếu và trọng điểm. Sự kiện chính trị rất phức tạp và rối loạn buộc ta phải tìm ra đầu mối, tìm ra khâu chính yếu, tìm ra trọng điểm. Tỷ dụ: Năm 1917 Lénine đề ra trọng điểm chính trị là thóat ly chiến tranh, những năm 1919-20 thì trọng điểm chính trị là vũ trang tự vệ và đến năm 1921 Lénine đặt trọng điểm chính trị là thóai rút có trật tự.

Thứ bốn. — Mọi sách lược, mọi thủ đoạn đều căn cứ trên nhu yếu của hoàn cảnh hiện thực. Đấu tranh là đối diện với những biến thiên của cục diện xã hội, đối đầu với hoàn cảnh cụ thể cho nên sự vận dụng sách lược, vận dụng thủ đoạn đều phải căn cứ trên quan hệ thực lực. Thay đổi sách lược, thay đổi thủ đoạn cũng căn cứ trên sự chuyển di của những quan hệ thực lực ấy.

Thứ năm. — Lợi dụng nhược điểm của địch. Nhược điểm quan trọng nhất trên chính trị là sự xâu xé nội bộ, và mâu thuẫn hàng ngũ. Lénine viết: Muốn chiến thắng một lực lượng mạnh hơn, dĩ nhiên chúng ta phải hết sức mở rộng lực lượng của ta, phải xem xét từng chi tiết nhỏ nhất, phải phòng vệ chu mật. Nhưng cần thiết hơn nữa là phải chộp thật nhanh cơ hội chia rẽ của địch, phải tìm cách phát hiện rồi khoét sâu mâu thuẫn của địch.

Thứ sáu. — Trong nguy hiểm, trong hy sinh học tập và tôi luyện sách lược, bất cứ phương thức đấu tranh nào cũng đều dẫn đến những hy sinh và nguy hiểm mới, đều bị đe dọa bị phá hoại bởi sự thiếu chuẩn bị và thiếu tổ chức. Bởi vậy luôn luôn nên đặt vấn đề học tập và tôi luyện sách lược trong cơn nguy hiểm và hy sinh. Mỗi lần gặp gãy đổ là mỗi lần phải xét lại và biến đổi thủ đoạn.Nếu như không biết tôi luyện trong máu, trong lửa thì không thể có năng lực nắm được việc thực hành bạo động. Một chiến sỹ hy sinh là để cho trăm chiến sỹ tiến bộ.

Bạo động

Hãy dùng mắt đối mắt, răng đối răng. Bạo động là kết quả tự nhiên của những đấu tranh chính trị. Nhưng trong lịch sử thường thấy rất nhiều vụ bạo động chẳng đưa đến kết quả gì ngoài chết chóc. Cho nên nói đến bạo động không phải là đem bất bạo động vào thay thế mà cần là nói phương pháp của bạo động, tổ chức của bạo động.

Cần nhận định bạo động như thế nào?

A) Phân biệt cá nhân bạo động và quần chúng bạo động.

B) Phân biệt bạo động với khủng bố.

Đọc truyện kiếm hiệp, người ta thấy những hành động giết bọn tham quan ô lại do các tay nghĩa hiệp thi hành. Đọc Zoro, người ta thấy những hành động cứu khốn phò nguy của hiệp sỹ Zoro. Đấy cũng là những hành vi bạo động, nhưng những hành vi này chứa đựng rất ít chính trị tính.

Đọc Đông Chu liệt quốc, hồi Kinh Kha sang Tần để hành thích Tần vương, Yên Thái tử Đan cùng ba ngàn người tiễn đưa Kinh Kha bên bờ sông Dịch. Đó là hành vi bạo động hoàn toàn chứa đựng chính trị tính nhưng là chính trị giữa Yên Thái tử và Tần Vương.

Đọc Tam Quốc Chí, có giặc khăn vàng nổi lên khả dĩ gọi là quần chúng bạo động chống chính quyền Đông Hán. Đọc sử Pháp có vụ cướp ngục Bastille, đó là hành vi bạo động của quần chúng. Vậy có thể nói bạo động trong đấu tranh chính trị không phải là có những hành vi Zoro hay thích khách trong các truyện kiếm hiệp Tây hoặc trả ơn trả oán như Kinh Kha. Bạo động trong đấu tranh chính trị chỉ có một mục tiêu duy nhất làm yếu chính quyền thống trị và cướp đoạt thống trị quyền.

Lấy một trường hợp điển hình, vụ mưu sát Tsar hoàng Alexandre đệ Nhị. Kể từ mùa thu 1879, tất cả hoạt động của phe cách mạng Alexandre II(?). Trong vòng hai năm trời, có tới gần một trăm mưu toan, cuối cùng Alexandre II mới chết. Tiếp sau đó hàng ngàn vụ khủng bố khác. Tuy nhiên chính quyền chuyên chế quân chủ Nga vẫn chẳng nao núng. Chính sách khủng bố chỉ có tác dụng rất hạn chế không đủ làm cho chế độ sụp đổ. Ngược lại phe cách mạng để đạt đến những kết quả hạn chế đó cũng phải trả bằng một giá rất đắt. Rút kinh nghiệm, Lénine đã không chấp nhận bạo động như một thứ chính sách khủng bố, ông nói: Bạo động khác hẳn sự khủng bố cá nhân. Cá nhân khủng bố chỉ là sản phẩm của những phần tử trí thức yếu ớt không biết đấu tranh lâu dài và cương quyết. Hiện tại bạo động là kết hợp, tổ chức đông đảo quần chúng để tiến hành động tác quân sự. Bạo động từ nay không còn mang những hình ảnh liều mạng đâm chém, hay bắn giết để thỏa lòng căm phẫn nữa. Từ nay bạo động là kế hoạch quân sự giữa hai đội ngũ.

Trong lịch sử có rất nhiều vụ bạo động bị đàn áp như: Vụ Spartacus, vụ Pugatchev, vụ Nghĩa Hòa Đoàn, Bạch Liên Giáo, Hồng Cân, Hoàng Cân v.v… tuy có nhiều nguyên nhân khác nhau và điều kiện lịch sữ khác nhau, nhưng vụ nào cũng có một nguyên nhân chính là thiếu phương pháp.

Với cái vốn học vấn về lịch sử rộng lớn nên Marx và Engels là hai người đầu tiên đã đề ra một cách chu đáo vấn đề phương pháp bạo động. Đại khái phương pháp ấy như sau:

1) Trước hết phải nhận bạo động là một nghệ thuật. Như chiến tranh nó phải được thi hành cùng với sự tuân thủ triệt để một số nguyên tắc, nếu sơ hở sẽ bị tiêu diệt.

2) Bạo động là việc cực hệ trọng, cho nên khi đã phát khởi bạo động là phải có quyết tâm sắt đá tiến tới cùng. Nếu chưa đủ quyết tâm đó thì không được phát khởi bạo động. Tại sao? Bởi vì bạo động bao giờ cũng bị đặt trước một phương trình biến đổi đầy nguy hiểm, không thể nhất định biết trước sẽ tiến đến đâu.

3) Phải tụ tập được một lực lượng chống đối với địch càng lớn càng tốt. Lực lượng nhỏ yếu, vô kỷ luật, vô tổ chức chỉ làm mồi ngon cho địch tiêu diệt.

4) Chỉ có tấn công không có phòng thủ. Một khi bạo động đã được phát khởi rồi thì chỉ còn nước tiến là cùng, phòng thủ là con đường chết của bạo động.

5) Thừa lúc địch không chuẩn bị mà đánh bất thần. Nghĩa là không để thì giờ cho địch có thể tập trung quân về bảo vệ chính quyền.

6) Mỗi ngày giành thêm mỗi thắng mới. Thiếu sự thắng lợi mỗi ngày tinh thần phe bạo động rất dễ suy sụp.

7) Tranh thủ bằng mọi cách những phần tử giao động và do dự. Khi bạo động phát khởi, số đông đợi chờ kẻ chiến thắng mà ngã theo, vậy phải làm thế nào cho ta có bộ mặt kẻ chiến thắng đó.

8) Dũng cảm là điều kiện quan trọng nhất. Lúc bạo động chỉ có một điều phải theo đó là dám làm, dám làm và dám làm.

Bốn khả năng

Khái quát nghệ thuật đấu tranh chính trị người ta có thể đưa ra bốn điểm chính yếu:

a) Khả năng làm việc bên cạnh quần chúng

Thời đại bây giờ là thời đại của quần chúng đấu tranh. Thời kỳ đấu tranh đan thuần giữa các chính phủ, giữa các quân đội, giữa các tướng lãnh, giữa các giai cấp đã qua rồi. Ngày nay, bất luận chính phủ, quân đội, tướng lãnh, chính đảng hay giai cấp nếu đấu tranh phải có cơ sở quần chúng nhân dân rộng lớn.

Để làm tốt, làm giỏi bên cạnh quần chúng thì việc phải làm phù hợp với ý thức và nguyện vọng của số đông. Hãy dùng đủ mọi phương pháp, phương tiện để hiểu quần chúng, học quần chúng và lãnh đạo quần chúng. Hãy chú ý đến việc đào tạo cán bộ ngay trong lực lượng quần chúng.

b) Khả năng hợp tán với những đồng minh chính trị

Không bao giờ làm việc cô lập. Đấu tranh chính trị là chứng tỏ năng lực xây dựng liên tục những trận tuyến, biết sát cánh làm việc với hết thảy những đồng chí, những bạn đường, những tập thể và đảng phái đồng minh.

c) Khả năng đưa ra một hình thức đấu tranh thích hợp

Mọi hình thức đấu tranh đều phải thích hợp với hoàn cảnh và điều kiện thực tiễn và phát triển khả năng thích hợp đó đến mức có thể biến đổi rất nhanh mỗi khi cấp thời. Tuyệt đối không ngồi chờ quả rụng. Đấu tranh phải làm sức nóng để ấp cho gà con nở. Dù gặp trường hợp mà điều kiện không mấy thuận lợi cũng phải cố gắng tích cực hoạt động, vì chỉ có sự tích cực hoạt động mới thay đổi điều kiện từ khó khăn eo hẹp đến dễ dàng rộng rãi. Ngay cả lúc vận đang đi xuống, chớ khoanh tay mà nhìn, hãy phấn đấu đặt nền móng cho thắng lợi tương lai.

Phải nắm vững nghệ thuật tấn công cũng như nghệ thuật thóai rút. Phải nắm vững nghệ thuật tiêu diệt cũng như nghệ thuật thỏa hiệp. Nên hiểu rằng chiến thắng bao giờ cũng là kết quả của cả hai mặt tấn công và thóai rút. Tấn công chính xác, thóai rút hợp thời, không thóai rút kiểu chạy dài, không tấn công kiểu liều mạng (Il s agit de comprende que l on ne peut vaincre, sans avoir appris au préalable à attaquer convenablement et à se retirer convenablement).

d) Khả năng phát hiện được những khâu chính của dây xích (principal maillon de la chaine).

Phát hiện những khâu chính của dây xích là tìm thấy trong sự biến động phức tạp những vấn đề chính trị quan trọng nhất để tập trung lực lượng vào nhiệm vụ chính yếu.

Nói về đảng

Đấu tranh chính trị trước hết là đấu tranh tổ chức. Không tổ chức không thể gọi là đấu tranh chính trị được. Những người giác đấu (gladiateur) nếu không kết hợp vào chủ trương của Spartacus thì cuộc vùng dậy không thể xảy đến, họ mãi mãi chỉ là những tên giác đấu mua vui cho giai cấp thống trị của đế quốc La Mã. Những đám thợ thuyền tranh đấu lẻ tẻ thì tranh đấu của họ có tính cách tranh chấp kinh tế của đời sống hàng ngày, nhưng khi kết tụ lại thành một lực lượng thợ thuyền rộng lớn trên toàn quốc thì mới thật là đấu tranh chính trị. Trong đấu tranh chính trị có cả muôn ngàn hình thức từ việc tham gia bầu cử, đến chiếm đoạt nghị trường. Từ bãi công thị uy đến bạo động cách mạng cướp chính quyền. Để hoàn thành những việc đó phải có tổ chức.

Không một cuộc vận động chính trị nào có thể hoàn thành nếu không có một tổ chức lãnh đạo vững vàng để duy trì sự liên tục đấu tranh. Không có một đảng sắt thép được tôi luyện trong đấu tranh được lòng tin cậy của quần chúng và giới lãnh đạo quần chúng thì không thể đấu tranh chính trị.

Một đảng như thế có ba đặc tính:

1) Đi tiền phong (tiến bộ dũng cảm).

2) Quyết liệt (không làm nửa chừng).

3) Có một ý thức hệ kiện toàn (lý thuyết đấu tranh).

Đối kháng với tổ chức thì phải biết vận dụng tổ chức. Đảng tức là thủ đoạn vận dụng tổ chức cao nhất. Phê bình về chiến tranh Quốc Cộng ở Trung quốc, các phê bình gia cho rằng sở dĩ Cộng sản thắng là nhờ ba pháp bảo: Sách lược thống nhất chiến tuyến, đấu tranh vũ trang và kiến thiết đảng. Trong ba pháp bảo ấy thì kiến thiết đảng là chủ yếu.

Tất cả mọi mục đích thuộc xã hội tính hay văn hóa tính, tất cả những công việc kinh tế, chính trị, tất cả những chủ nghĩa, tôn chỉ, chính sách, phương châm hay ý đồ thực hiện được hay không đều nhờ tổ chức. Chỉ có tổ chức mới đem lại hiệu quả. Làm việc có tổ chức là thế nào? Là phối hợp chính xác (sau khi đã phân công hợp lý), là cấu thông ý chí (làm cho mỗi người cùng một lòng nhất tâm nhất đức) là đưa ra quyết định chung, là gây dựng một quyền uy cho công việc.

Muốn giải quyết những đòi hỏi trên, nhất là những đòi hỏi ấy trong đấu tranh chính trị thì chỉ có đảng đầy đủ khả năng đáp ứng hơn hết.

Đảo chính

Hiện tượng chính trị dị thường phức tạp, nhưng nếu phân tích kỹ càng thì ta khả dĩ nói được rằng: Từ cổ xưa đến bây giờ hết thảy mọi hiện tượng chính trị đều có chung một đặc chất, đó là Thống trị. Thống trị là một phía ra mệnh lệnh và một phía phục tùng. Muốn sự ra lệnh được phục tùng thì phải có cưỡng chế. Cho nên thống trị gọi là quan hệ cưỡng chế giữa mệnh lệnh và phục tùng.

Làm sao mà quan hệ cưỡng chế ấy phát sinh ra được?

Loài người sống trong xã hội đều có quan hệ liên đới, nhưng đồng thời cũng chống đối lẫn nhau. Quan hệ liên đới đem đến cho chính trị những công việc của chúng nhân. Sự chống đối đem lại cho chính trị nhiệm vụ thống nhất hòa giải, hòa bình. Muốn thống nhất ý kiến, muốn dẹp tan tranh chấp, chính trị phải đoạt được quyền cưỡng chế để buộc mọi người phục tùng. Quyền cưỡng chế thể hiện vào một guồng máy chính trị gọi là nhà nước (Etat).

Như thế chứng tỏ rằng chính trị là sự xử dụng quyền lực để cưỡng chế tiêu diệt hay ổn định những phân hóa đối lập trong dân chúng mà duy trì hòa bình xã hội. Cướp chính quyền tức là cướp quyền cưỡng chế nói trên. Chiến tranh, cách mạng và đảo chính là những thủ đoạn khác nhau tùy theo hoàn cảnh để cướp đoạt chính quyền. Cách mạng và đảo chính là hai thủ đoạn cướp chính quyền.

Cuộc cách mạng nào cũng phải tiến đến đảo chính.

Tất cả mọi cuộc đảo chính không nhất thiết là sẽ có cách mạng.

Vậy thì kỹ thuật cướp chính quyền là kỹ thuật đảo chính (coup d Etat).

Trong tự điển Littré giảng về nghĩa danh từ Coup d Etat như sau:

Le coup d Etat est une action qui décide de quelque chose d important pour le bien d Etat.

(Đảo chính là một hành động có tính quyết định một điều quan trọng cho lợi ích quốc gia).

Lời giảng này mơ hồ không xác thực khi Littré nhấn mạnh vào hai chữ lợi ích. Những sự kiện chính trị rắc rối ngày nay chứng minh không phải chỉ có lợi ích. Bởi thế tốt hơn hãy hiểu đảo chính như một kỹ thuật để đoạt thủ chính quyền.

Đảo chính là chuyện thường thấy trong lịch sử. Chỉ đọc trong Tam Quốc người ta tìm thấy nhiều vụ đảo chính, tạm kể sơ lược dưới đây:

Vụ thứ nhất. — Hà Tiến vào cung vây bắt Kiển Thạc và thập hoạn quan.

Vụ thứ hai.– Bọn hoạn quan Trương Nhượng phục binh giết Hà Tiến.

Vụ thứ ba. — Ngô Khương và Viên Thiệu tấn công giết bọn hoạn quan Trương Nhượng.

Vụ thứ bốn. — Đổng Trác bỏ Thiếu Đế lập Trần Lưu Vương.

Vụ thứ năm. — Tào Tháo và Viên Thiệu khởi binh đánh Đổng Trác buộc Đổng Trác phải thiên đô.

Vụ thứ sáu. — Vương Tư Đồ dùng kế liên hoàn giết Đổng Trác.

Vụ thứ bảy. — Lý Thôi Quách Dĩ đem binh về bắt Vương Doãn.

Vụ thứ tám. — Chiếu chỉ đai áo và Tào Tháo giết Đổng Phi.

Vụ thứ chín. — Bàng Thống cùng Lưu Bị cướp chính quyền Tây Thục.

Vụ thứ mười. — Tư Mã Ý lật Tào Sảng cướp ngôi nhà Ngụy.

Vụ thứ mười một. — Binh biến Ngụy Diên.

Vụ thứ mười hai.– Hoàng Hạo dìm Khương Duy.

Nhìn những vụ đảo chính trong Tam Quốc, người ta thấy nhiều sắc thái khác biệt nhau. Đảo chính để cướp ngôi, đảo chính để phế lập, đảo chính chiếm đất làm vốn chính trị, đảo chính vì mâu thuẫn giữa các thế lực mới cũ trong triều v.v… Sở dĩ khác nhau vì nó cần đáp ứng với nhu yếu của cuộc thế chính trị, nó tùy thuộc tâm lý con người và tùy thuộc những điều kiện cùng khả năng hành động.

Những loại hình đảo chính (type)

Đảo chính hay bất cứ hiện tượng chính trị nào không bao giờ có thể hoàn toàn giống nhau, vì nó bị chi phối bởi những điều kiện khác biệt hẳn như thời gian lịch sử, không gian, tình thế, chế độ và trình độ xã hội, mục tiêu chính trị và những vị thế của những quyền lực đấu tranh.

Nhưng chẳng phải vì vậy mà không thể nói đến vấn đề loại hình của hiện tượng đảo chính. Nếu cách đây hơn hai ngàn năm có Pisistrate ở Hy lạp đem một đoàn người vũ trang gậy gộc vào thành Athènes cướp chính quyền từ tay Solon và bọn hào phú quý tộc thì ngày nay cũng có Mussolini với đoàn sơ mi đen tiến vào thành Rome.

Có thể tạm phân những loại hình đảo chính thấy trong lịch sử như dưới đây:

– Đảo chính thâm cung.

(Giết chóc bằng đầu độc, bằng ám sát trong hoàng cung để tranh đoạt quyền hành như quyền thừa kế, quyền tôn thất ngoại thích v.v… Tỉ dụ hoàng hậu Agrippine Pasyratis trong cổ sử La mã và Ba tư, Võ Tắc Thiên, Tây Thái hậu ở Trung hoa, Cù thị và Lữ Gia ở Việt nam v.v…

– Đảo chính Catalinaire.

(Kết hợp các lực lượng trong chế độ để chống lại chính quyền, kết hợp đấu tranh nghị trường với quần chúng để suy đảo chính quyền (Catalina chống Ciceron).

– Đảo chính quân đội Césarisme.

(Tình thế hỗn loạn, một ông lớn có uy tín, có quân quyền về lật chính phủ trung ương đặt chế độ khác.)

– Đảo chính để chống lại một cường thần mà thế lực đang lên quá mạnh (Vua Louis 14 lật thế lực Fouquet).

– Đảo chính Cromwell.

(Vua Charles I lạm dụng quyền hành, Cromwell lãnh đạo một số lãnh chúa đem quân tấn công Luân đôn bắt vua Charles I đem xử chém).

– Đảo chính Bonapartisme.

(Kết hợp đấu tranh nghị hội với áp lực quân đội để tiêu diệt một tình trạng chính trị quá phân tán – Napoléon đệ Nhất ngày 19, Brumaire – Napoléon đệ Tam ngày 2 Déceembre 1851).

– Pronunciamientos.

(Quân đội đảo chính, cầm đầu bởi bộ máy junta do một số sỹ quan hợp lại thường thấy ở vùng Nam Mỹ).

– Đảo chính bằng sự cướp chính quyền theo phương thức hợp pháp. Hitler được Hindenburg mời làm thủ tướng, Mussolini được vua Ý thỏa thuận cho lập nội các.

– Đảo chính quân nhân cách mạng.

Mustapha Kémal tại Thổ nhĩ kỳ.

Néguib và Nasser tại Ai cập.

– Đảo chính khởi nghĩa đưa đến cách mạng.

Tháng Mười 1917 tại Nga.

– Đảo chính trấn áp khởi nghĩa cách mạng

Franco tại Espagne năm 1936.

Kỹ thuận đảo chính của Trotsky

Trotsky là người hoạch định ra kế hoạch đảo chính và đưa cách mạng tháng Mười của Nga đến thành công.

Ngày 24, giữa thanh thiên bạch nhật, Trotsky hạ lệnh tấn công. Chưa đầy bốn tiếng đồng hồ tất cả các cơ sở kỹ thuật đã bị vệ binh đỏ chiếm xong trong khi Kérensky vẫn giữ được hoàn toàn mọi cơ sở hành chính. Những cơ sở kỹ thuật như giao thông, điện tín, các nhà máy thất thủ đã làm tê liệt các cơ cấu hành chính. Bị cú bất ngờ đó, nội các Kérensky chạy ẩn vào lâu đài mùa Đông và bị cô lập. Tình hình lúc ấy thật là lạ. Nội các Kérensky vẫn còn giữ chính quyền nhưng không cai trị được nữa. Đường xe lửa, trung tâm điện lực, kho than, kho lúa, kho dầu, v.v… hết thảy đều rơi vào tay phe Bôn-sê-vích. Dân chúng ùa ra đường, sự rối trật tự ghê gớm làm cho bộ máy nhà nước của Kérensky tê liệt hẳn. Trận quyết định thắng lợi về tay Bôn-sê-vích. Thắng lợi đó phần lớn nhờ tư tưởng kỹ thuật của Trotsky.

Trong một lần đàm thoại với Lénine về cuộc khởi nghĩa, Lénine nói: Cuộc khởi nghĩa của chúng ta nhất định không thể chỉ dựa trên âm mưu của một nhóm người, chúng ta phải đặt nó lên cơ sở của một giai cấp tiền phong. Cuộc khởi nghĩa phải dựa trên đà cách mạng của toàn nhân dân. Cuộc khởi nghĩa phải nổ ra lúc cao trào cách mạng lên tột đỉnh.

Trotsky cười nói:

Hay lắm. Nhưng nên nhớ rằng toàn nhân dân quả là quá thừa đối với cuộc khởi nghĩa. Theo tôi, điều cần của chúng ta là một nhóm người quyết tâm, lạnh lùng và bạo động đã được huấn luyện kỹ càng về kỹ thuật khởi nghĩa.  Những người được huấn luyện sẽ chia từng tóan nhỏ đến chiếm ngay đô thị bằng hết các điểm chiến lược thứ nhất là những trung tâm kỹ thuật. Chúng ta phải khởi nghĩa theo cái nghĩa của một cuộc đảo chính. Sự huy động ồn ào sẽ biến khởi nghĩa thành chiến tranh mất.

Và Trotsky tiếp:

Điều quan trọng cho tất cả mọi Catalinaires trong lịch sử là đập mạnh bất ngờ không cho địch kéo dài thời gian. Tổ chức khởi nghĩa là bộ máy đảo chính lạnh lùng và lặng lẽ. Bộ máy ấy điều khiển bởi các tay chuyên viên.

Giọng thật thân mật với Lénine, Trotsky tiếp thêm:

Chiến lược của đồng chí phức tạp và đòi hỏi nhiều cơ hội tốt quá, còn với tôi khởi nghĩa không cần nhiều như vậy, chỉ cần bộ máy tinh vi, hành động mau lẹ như trái đấm mạnh vào bụng kẻ tê liệt. Thế thôi!

Cách mạng và thủ đoạn

Cách mạng là một biến động chính trị lớn lao, xẩy ra khi mà chế độ, tổ chức, càng ngày càng tỏ ra áp bách dân chúng, càng ngày càng bất lực trong việc giải quyết sự sinh sống của dân.

Tuy nhiên cách mạng không tự nhiên xảy ra, phải do người tranh đấu.

Tranh đấu không chỉ nhờ chính nghĩa, thuận lòng trời hợp lòng người mà phải có thủ đoạn mới thắng.

Thủ đoạn quan trọng nhất của cách mạng để chống với chính quyền áp bách là thủ đoạn đối phó với tổ chức áp bách, ngược lại chính quyền áp bách có thể tiêu diệt được kẻ phản kháng mình hay không là tùy thuộc tổ chức áp bách có hiệu quả đến mức độ nào.

Tổ chức áp bách đó là lực lượng cảnh sát chính trị (la police politique).

Trong tập Hồi ký, Fouché viết:

Bất cứ chính phủ nào muốn an toàn vững chãi thì trước hết phải có một tổ chức mật vụ hết sức tinh tường với những người chỉ huy nó thật sáng suốt. Nhiệm vụ của tổ chức cảnh sát cấp cao ấy rất lớn. Có lúc nó nhúng tay vào tất cả những âm mưu của chính quyền đại nghị và ném vào tay những phe phái các loại “vũ khí” cần thiết để các phe phái chống lẫn nhau mà điều khiển chế độ. Có lúc nó quyết liệt ủng hộ một chế độ độc đóan. Cái khó khăn là hết thảy mọi hành động đều tiến hành trong bóng tối, trong bí mật đồng thời phải khám phá mọi dấu vết của chống đối. Ở mọi tình thế người lãnh đạo giỏi là người xử dụng được màng lưới mật vụ kia. Phần tôi, bằng tiền bạc đi xuyên qua những tội lỗi đầy rẫy của đô thị, tôi đã biến cả thành phố Ba lê là mật vụ của tôi…

Cũng bởi những lý do trên mà vào những năm 1904-1907, cuộc đấu trí  giữa tổ chức mật vụ Okhrana với phe cách mạng diễn ra rất khốc liệt và phe cách mạng đã rút được khá nhiều kinh nghiệm cần thiết cho đấu tranh bóng tối sau này.

Để chống lại tổ chức Okhrana, phe cách mạng thành lập tổ chức Naraidnaia Volia và sau đó là tổ chức O.C. (Organisation de Combat).

Ngày 15 tháng 7-1904, Guerchouni, người cầm đầu tổ chức O.C. hạ lệnh ám sát bộ trưởng nội vụ Plehve và khâm sai Bogdanovitch, các người này đều là những tay cự phách của tổ chức Okhrana.

Ngược lại Okhrana cũng trả lại tổ chức O.C. những đòn khủng khiếp, hết tổ này đến tổ khác bị khám phá. Trong văn khố của Okhrana người ta thấy hàng vạn tấm “fiches” ghi rõ tông tích lý lịch gia thế bạn hữu của hầu hết anh em cách mạng. Từ đó những mưu mô, những cạm bẫy được tung ra. Cuối cùng do thế lực tiền bạc, do phương pháp làm việc chặt chẽ Okhrana toàn thắng và cách mạng chịu một khỏang thời gian thóai trào cho tới khi cuộc đại chiến 1914-1918, chế độ Tsar mỗi ngày thêm suy vì chia rẽ nội bộ, tổ chức Okhrana không còn đắc lực như trước thì chế độ Tsar sụp đổ.

Cái nguy hiểm của Okhrana đối với phe cách mạng là những kẻ điều khiển nó đã rất đắc lực trong việc biến những người cách mạng thành mật vụ của họ, biến nhiệt tình cách mạng thành sự thích thú tiêu diệt cách mạng, thích thú nguy hiểm đi hàng đôi (Appetit de duplicité).

Hồi ấy người ta đọc thấy trong nhiều tấm fiche của Okhrana những dòng tương tự dưới đây:

“Okladski tên cách mạng thiếu đức tính cứng rắn, sống đói rách vô gia đình, có nhiều quan hệ đáng chú ý. Có thể dùng y mà không bắt y phải bỏ lý tưởng chính trị, chỉ cần y bằng lòng nhận vài sứ mạng để khỏi bị kết án tử.”

Ít lâu sau Okladski vượt ngục nhờ bàn tay bí mật của Okhrana, cùng với mấy người khác nữa, số người này Okhrana dùng để che đậy cho việc vượt ngục của Okladski có lý. Qua bốn năm cái fiche của Okladski được viết thêm:

Thật là một agent có biệt tài. Rất thích, rất lanh lợi lại rất khá về văn hóa. Y biết khắp mặt trong tổ chức Narodnaia Volia. Nhờ y mà chúng ta đã bắt được nhiều vụ quan trọng. Y say sưa với công việc tìm tòi. Với số lương 230 rúp hàng tháng so với các người khác đã quá lớn, nhưng thành tích của y đáng được tưởng thưởng hơn như vậy.

Bao vụ na ná đã làm cho lực lượng chống đối yếu dần đến nỗi gần như tiêu trầm nếu không có cuộc Thế chiến I bùng nổ.

(còn tiếp)