Bắc Kinh lật lại quá khứ để đề cao tinh thần chống Nhật
Viện bảo tàng chiến tranh chống Nhật tại Bắc Kinh – DR 中文网络照片
Theo RFI Anh Vũ Thứ bảy 16 Tháng Tám 2014
Lịch sử đã để lại cho hai nước láng giềng Trung Quốc – Nhật Bản nhiều hiềm khích ân oán với nhau, giờ đây khi mà những tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa hai nước ngày càng trở nên căng thẳng thì những dấu vết của quá khứ đang được Bắc Kinh sử dụng như chất liệu để hun đúc niềm tự hào dân tộc, biến nó thành thứ vũ khí chống Nhật mà xa hơn nữa để biện minh cho những đòi hỏi tranh chấp chủ quyền.
Ngày 15 tháng 8 là ngày kỷ niệm Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng, chấp nhận thất bại hoàn toàn trong đại chiến thế giới lần thứ 2. Với chính quyền Bắc Kinh năm nay, đây là dịp lý tưởng để mở chiến dịch tuyên truyền về tội ác của chủ nghĩa quân phiệt Nhật trong qua khứ, qua đó đề cao tinh thần tự hào dân tộc của người Trung Quốc
Các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc những ngày qua liên tục lật lại quá khứ lịch sử trong đó chủ yếu là những trang về tội ác của chủ nghĩa quân phiệt Nhật với người Trung Quốc. Theo truyền thông Trung Quốc, từ đầu tháng 7 vừa qua Cơ quan lưu trữ quốc gia của Trung Quốc đã lần lượt đăng tải toàn bộ lời khai của 45 tội phạm chiến tranh Nhật về những tội ác đối với người Trung Quốc trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Trung Quốc trong những năm 1930 cho đến năm 1945. Tân Hoa Xã cho biết sáng kiến này là để trả lời cho thái độ lảng tránh của Thủ tướng Shinzo Abe và nhiều nhà chính trị ở Tokyo không chịu nhìn nhận về những tội ác mà phát xít Nhật đã gây ra ở Trung Quốc. Việc công bố tài liệu về tội phạm chiến tranh của Nhật nói trên nằm trong cả một chiến dịch tuyên truyền rộng lớn có chỉ đạo của chính quyền nhằm lật lại quá khứ đầy oán hận giữa hai nước và làm dấy lên không khí chống Nhật. Theo AFP, mới đây chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cho các kênh truyền hình trong nước trong vòng hai tháng phải sản xuất hàng loạt các chương trình có nội dung nêu bật tinh thần “ái quốc “ và “chống phát xít” của người Trung Quốc. Trang thông tin điện tử Netease trích dẫn nguồn tin ẩn danh từ nhiều nhà chuyên môn trong lĩnh vực truyền hình Trung Quốc cho biết các kênh truyền hình có phát sóng qua vệ tinh đã được lệnh tăng cường tần suất phát sóng các phim có nội dung đề cao tinh thần dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Nhật. Việc gia tăng thời lượng phát sóng các chương trình đặc biệt này phải được các đài áp dụng triệt để trong khoảng thời gian từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 10, trong đó có thời điểm kỷ niệm ngày thành lập chế độ cộng sản 01/10/1949. Vấn đề là nội dung tính thần ái quốc này được chỉ đạo như thế nào? Theo một nhân viên đài truyền hình Thượng Hải thì nội dung tuyên truyền này rất đa dạng, có thể đó là chủ đề tôn vinh những anh hùng bảo vệ tổ quốc, hay những nội dung thể hiện tinh thần đoàn kêt dân tộc trong nước. Thế nhưng có một nội dung không thể thiếu trong lô hàng mà chính quyền “đặt” các đài đó là loạt phim mang nội dung chống Nhật nằm trong gói chương trình mang tiêu đề “chống phát xít”, lấy cảm hứng từ cuộc kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2. Việc truyền thông Trung Quốc được chỉ đạo phục vụ mục đích tuyên truyền cho chế độ không phải là điều mới ở Bắc Kinh. Các báo, đài phát thanh truyền hình ở Trung Quốc hàng ngày vẫn phải tuân theo sự kiểm duyệt chương trình rất kỹ lưỡng nhưng việc chỉ đạo sản xuất loạt chương trình rầm rộ đề cao tinh thần tự hào dân tộc tạo tâm lý chống Nhật là một động thái mới của Cơ quan tuyên giáo Trung Quốc, hẳn là phải có chủ đích. Những chỉ đạo này được đưa ra vào lúc quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đang ngày càng xấu thêm vì những tranh chấp chủ quyền xung quanh quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư trên biển Hoa Đông hay vì các quan chức Nhật vẫn đến viếng đền Yashukuni, nơi thờ tự các anh hùng đã ngã xuống cho nước Nhật nhưng trong đó có một số tên tuổi bị liệt vào danh sách tội phạm chiến tranh. Trung Quốc luôn cho rằng đền Yasukuni là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản và mang dấu ấn oán hận của người Trung Quốc. Buộc Nhật Bản phải nhìn nhận lại quá khứ quân phiệt của mình bằng thái độ ân hận sẽ làm dấy lên tinh thần tự hào dân tộc trong dân chúng và như vậy Bắc Kinh sẽ tạo được lợi thế tinh thần cho các cuộc tranh chấp hiện tại với Tokyo. Trong lịch sử thế giới hiện đại, vẫn không thiếu gì các cuộc xung đột giữa các quốc gia, nhưng khi các cuộc đối đầu, dù khốc liệt và đẫm máu, đã lùi xa thì các dân tộc từng là kẻ thù của nhau vẫn thường theo xu hướng khép lại quá khứ để cùng hướng tới tương lai. Nhưng với Trung Quốc và Nhật Bản, những ân oán trong lịch sử vẫn được giữ lại như một công cụ chưa cũ có thể dùng lại trong những tranh chấp của thời hiện tại.