Nga trả đũa các biện pháp trừng phạt kinh tế của Âu Mỹ
Táo ế tại Athens do không xuất được sang Nga – REUTERS/Alkis Konstantinidis
Theo RFI – Thanh Hà – Thứ Ba 12 Tháng Tám 2014
Khủng hoảng Ukraina đã lan sang mặt trận kinh tế. Matxcơva chọn chiến lược « Ăn miếng, miếng trả miếng » để đáp lại hàng loạt các biện pháp trừng phạt thương mại, tài chính mà Âu Mỹ liên tục nhắm vào nước Nga. Matxcơva và phương Tây đang lao vào một cuộc «chiến tranh thương mại». Dân Nga và các nhà sản xuất Âu, Mỹ bị vạ lây.
Không còn chỉ hù dọa hay dùng đòn «giơ cao, đánh khẽ», Washington và Bruxelles tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga sau vụ máy bay Malaysia bị bắn hạ hôm 17/07/2014. Lập tức Matxcơva phản công. Ngày 06/08/2014, «vì quyền lợi quốc gia», tổng thống Putin ban hành sắc lệnh cấm nhập nông sản, thực phẩm từ của Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ vào thị trường Nga. Chưa đầy 24 giờ sau, thủ tướng Dmitri Medvedev thông báo lệnh «cấm toàn bộ» hầu hết thực phẩm nhập từ Mỹ, châu Âu, Úc, Canada và Na Uy có hiệu lực trong vòng 1 năm, kể từ ngày 07/08/2014. Nông nghiệp, thực phẩm: nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến thương mại Ngoài lệnh cấm vận thực phẩm, Matxcơva còn dọa đóng cửa không phận, cấm các tập đoàn hàng không muốn bay từ Âu sang Á ngang qua vùng lãnh thổ Sibérie. Riêng với lĩnh vực nông và thực phẩm, như vậy là trong vòng một năm tới, từ thịt bò, thịt heo đến gia cầm, hải sản, sữa, rau quả của các nước phương Tây, trên nguyên tắc, sẽ vắng bóng trên các quầy hàng ở Nga. Ukraina không có tên trong danh sách đen của Nga, nhưng từ nhiều tuần lễ trước, Cơ quan Y tế của Nga Rosselkhoznadzor đã cấm vận từ khoai tây đến đậu nành, đồ hộp, sữa Ukraina. Nga hiện tại là nguồn nhập khẩu số 1 rau quả sản xuất từ châu Âu. Còn đối với Hoa Kỳ, năm ngoái ngành công nghệ chế biến lương thực của Mỹ đã xuất khẩu 1,5 tỷ đô la sang Nga. Nga cũng là khách hàng quan trọng số 2 mua vào thịt gà của Mỹ, tiêu thụ 276.000 tấn trong năm 2013, tương đương với 8 % tổng kim ngạch xuất khẩu của lĩnh vực này. Giới sản xuất, chăn nuôi của cả Hoa Kỳ lẫn châu Âu đều đang lo ngại. Chính phủ Nga viện cớ «an toàn thực phẩm» để giải thích cho các hành động nói trên. Đối với thịt heo nhập từ châu Âu, từ tháng 1/2014, Nga nêu ra lý do «lợn rừng» châu Âu bị nhiễm vi khuẩn. Một nhà bình luận phương Tây hóm hỉnh cho rằng, điện Kremli không phân biệt được hai loài heo với lợn rừng. Vừa qua, Matxcơva lại nêu ra lý do dịch bò dại bùng phát ở một số vùng tại Roumanie để «giới hạn» việc mua bán với quốc gia này. Tương tự như vậy nào là dịch «cừu, bò bị sốt» ở nhiều tỉnh thành từ Ý đến Hy Lạp, Bulgarie … gây lo ngại cho các giới chức y tế Nga. Táo của Ba Lan thì bị đưa vào danh sách «không có giấy chứng nhận hợp lệ» để được đến tay người tiêu dùng … Vấn đề đặt ra Nga cần nhập khẩu nông và thực phẩm để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ cho gần 150 triệu dân. Từ khoai tây đến cà chua, từ thịt cá đến chuối, sữa, Nga đều phải nhập từ châu Âu, nhất là kể từ khi đã cấm vận hàng của Ukraina. Từ tháng Giêng đến tháng 5/2014 Nga đã nhập vào 12,6 tỷ euro nông phẩm, lương thực của châu Âu và chỉ xuất sang thị trường này chưa đầy 5 tỷ. Nói cách khác, trong lĩnh vực nông nghiệp, cán cân thương mại nghiêng về phía Châu Âu. Trước khi nổ ra khủng hoảng Ukraina, quốc gia đông Âu này cùng với Brazil, Đức Hà Lan là những nhà cung cấp thực phẩm quan trọng nhất của nước Nga. Nga phải nhập đến 35 % lương thực thực phẩm. Theo thống kê của viện Eurostat, 10 % nông phẩm của Liên Hiệp Châu Âu là để xuất khẩu sang thị trường Nga. Doanh thu hàng năm với đối tác này, chỉ riêng ngành nông phẩm chế biến và nông phẩm tươi, đem về hàng năm 12 tỷ euro cho 28 nước thành viên của Liên Hiệp. Theo chủ tịch nghiệp đoàn nông dân Pháp FNSEA Xavier Beulin, rau, quả không bán được sang thị trường Nga sẽ tồn đọng trên thị trường châu Âu, các nhà sản xuất phải bán đổ bán tháo. Nông dân châu Âu sẽ bị thiệt thòi. Chỉ riêng Tây Ban Nha xuất khẩu hàng năm khoảng 100.000 tấn trái cây sang Nga và Ukraina. Nếu hai thị trường này cùng đóng cửa vì những lý do chiến tranh và chính trị, thì nguyên khối lượng đó phải được tiêu thụ ngay ở châu Âu hoặc, các nhà sản xuất phải cấp tốc tìm ra những thị trường mới. Năm 2012 chẳng hạn, Pháp bán 26 triệu euro rau quả sang Nga. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông phẩm Pháp qua thị trường này trong năm 2013 lên tới 1,7 tỷ euro. Các nhà sản xuất của Pháp lo ngại, châu Á và Nam Mỹ sẽ lợi dụng chỗ trống để chen chân vào thị trường với gần 150 triệu dân này và nhất là sau này, sẽ khó để chinh phục lại thị trường của Nga. Một quốc gia như Na Uy, tuy đứng ngoài Liên Hiệp Châu Âu, nhưng áp dụng chính sách trừng phạt Nga cũng trong tầm ngắm của Matxcơva. Chính sách trừng phạt của Nga trước hết ảnh hưởng tới ngành công nghệ đánh bắt cá hồi. Trong sáu tháng đầu năm 2014 Nga nhập 380 triệu euro hải sản của Na Uy. Cấm vận, vũ khí thường xuyên được Putin sử dụng Chưa bao giờ chính quyền Nga lại tỏ ra quan tâm đến sức khỏe của người dân như trong bốn tháng vừa qua. Mỗi ngày Cơ quan An toàn thực phẩm của Nga VPSS đều đặn đưa thêm vào danh sách những mặt hàng cấm nhập cảng từ Châu Âu, Ukraina hay Hoa Kỳ với lý do «hàng không bảo đảm vệ sinh không». Sau lệnh cấm nhập hoa quả từ Ba Lan, đến lượt rượu Bourbon, một loại whisky của Mỹ, bị đưa vào danh sách đen với lý do có chứa độc tố gây ung thư và làm rối loạn hệ thống thần kinh của người tiêu dùng … Trước đó nữa, rau quả, sữa và phó mát của Ukraina bị cấm bán cho người Nga. Mận, đào của Hy Lạp hay Serbia, thịt gà của Tây Ban Nha bị chê là không đủ tiêu chuẩn để được hiện diện trên các quầy hàng, siêu thị của Nga. Một quan chức của VPSS thậm chí còn giải thích: «Ukraina là một quốc gia đang phải đối mặt với chiến tranh. An ninh của các công dân xứ này không được bảo đảm thì thử hỏi làm sao họ có điều kiện để cung cấp các sản phẩm có chất lượng?». Tháng 6/2014 khi Ukraina và Moldavia ký thỏa thuận liên hiệp với Châu Âu, Matxcơva đã dọa trừng phạt kinh tế Kiev và Chisinau. Trong năm 2013 chính phủ Nga đã tạm cấm nhập thịt bò từ Mỹ để phản đối Thượng viện Hoa Kỳ thông qua lệnh trừng phạt nhắm vào một số quan chức cao cấp của Nga. Đây là dư âm của vụ án mang tên Magnitsky. Gần đây hơn, chính quyền Matxcơva chĩa mũi dùi vào dây chuyền nhà hàng ăn nhanh McDonald’s, buộc thương hiệu này phải rút lại một số mặt hàng không phù hợp với «các chuẩn mực về dinh dưỡng». «Giai đoạn 3» trong chính sách trừng phạt Nga Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, Âu Mỹ và Liên bang Nga còn đọ sức với nhau trên nhiều lĩnh vực khác, từ năng lượng, công nghiệp tới tài chính. Tổng thống Putin đau đầu vì khủng hoảng Ukraina sau vụ máy bay Malaysia bị bắn hạ với 298 người thiệt mạng, trong đó có 193 người Hà Lan. Phương Tây siết chặt gọng kềm với Matxcơva. Cuối tháng 7/2014 Mỹ rồi Liên Hiệp Châu Âu, Canada, Nhật Bản đều đồng thanh tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế nước Nga. Ba ngân hàng Nga bị cấm cửa các thị trường tài chính châu Âu, ít nhất là trong 3 tháng. Bruxelles ban hành lệnh cấm vận vũ khí và cấm bán một số trang thiết bị dầu khí giữa các nước thành viên với Matxcơva. Trả lời đài RFI chuyên gia Jean Sylvestre Mongrenier thuộc viện nghiên cứu châu Âu Thomas More trước hết nhắc lại những biện pháp trừng phạt chính nhắm vào nước Nga: «Các biện pháp trừng phạt chủ yếu liên quan tới các hoạt động chuyển giao công nghệ; đặc biệt là trong các lĩnh vực quốc phòng, chế tạo vũ khí hay năng lượng. Thế rồi trong lĩnh vực tài chính, các ngân hàng châu Âu, cả công lẫn tư, đều cắt tín dụng đối với một số các tập đoàn, doanh nghiệp của Nga. Nhưng qua đợt trừng phạt mới này chúng ta nhận thấy là Tây phương không ảo tưởng, không còn xem tổng thống Putin như một người có thể đem lại hòa bình cho Ukraina, đặc biệt là ở vùng Dombass, miền Đông nước này. Sau vụ máy bay Malaysia bị bắn hạ hồi giữa tháng 7 thì không còn một ai tin tưởng là Matxcơva muốn vãn hồi hòa bình.Trên thực tế phương Tây từ nhiều tháng trước đã chuẩn bị hàng loạt các biện pháp trừng phạt nước Nga». Một cách cụ thể hơn giai đoạn 3 trong chính sách trừng phạt nước Nga đe dọa an ninh Ukraina có ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Nga hay không? Chuyên gia Mongrenier trả lời «Vâng, các biện pháp trừng phạt mới sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động kinh tế của nước Nga. Bề ngoài, Matxcơva có vẻ vẫn tỉnh bơ trong lúc Âu Mỹ đang siết chặt gọng kềm nhưng tư bản rút khỏi nước Nga trong 6 tháng đầu năm đã tăng cao hơn so với của cả năm 2013. Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nga giảm 50 % so với cùng thời kỳ năm ngoái. Một khi ngành công nghiệp năng lượng của Nga bị cấm vận thì đây là một đòn mạnh giáng vào kinh tế Nga. Khu vực năng lượng chiếm từ 60 đến 70 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga. Câu hỏi đặt ra là liệu các biện pháp trừng phạt đó có đủ sức thuyết phục ông Putin thay đổi chính sách tại Ukraina hay không». Về phần mình, Emmanuel Quidet, chủ tịch Phòng Thương Mại Pháp- Nga tại Matxcơva trước hết nói về những tác động đối với các doanh nghiệp Pháp: «Vấn đề trước mắt là một số tập đoàn ngân hàng của Nga bị phương Tây trừng phạt. Thêm vào đó là một điều khoản giới hạn tín dụng tối đa 30 ngày. Hệ quả trực tiếp là những doanh nghiệp của Pháp cần được cấp vốn bị bó tay. Các doanh nhân Pháp tại Nga ý thức được vấn đề địa chính trị cũng như về khủng hoảng Ukraina nhưng họ khá lo ngại cho các hoạt động kinh tế của mình trên lãnh thổ Nga. Nga là một thị trường hết sức quan trọng đối với Liên Hiệp Châu Âu. 50 % trao đổi mậu dịch của Nga là để bán cho châu Âu. Do vậy chính sách trừng phạt kinh tế Nga của Bruxelles ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động kinh tế và thương mại của châu Âu. Nói cách khác, châu Âu phần nào tự trừng phạt chính mình. Theo tôi thì đây là một thất bại của ngành ngoại giao. Từ thất bại đó châu Âu mới phải sử dụng đến chính sách trừng phạt kinh tế. Các doanh nghiệp Pháp khá bi quan và lo ngại. Cần phải đợi thêm một vài tuần lễ nữa, thậm chí là cả tháng nữa mới có thể thẩm định một cách rõ ràng về tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào ngành ngân hàng Nga. Các doanh nhân Pháp hiện liên lạc rất thường xuyên với tòa đại sứ, tòa lãnh sự hay phòng thương mại. Tôi nhận thấy là phía chính quyền Pháp rất quan tâm đến hoàn cảnh của chúng tôi, họ lắng nghe những trăn trở của các doanh nhân Pháp hoạt động tại Nga, trước những tác động mà giới doanh nhân Pháp phải hứng chịu. Nhưng chúng tôi hoạt động tay trong tay với phía chính phủ Pháp». Hiện tại có khoảng 1.200 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại Nga, và hơn 6.000 tập đoàn xuất khẩu sang thị trường to lớn này. Phòng thương mại Pháp Nga tại Matxcơva lo ngại trong trường hợp các biện pháp cấm vận kéo dài sẽ có tới 150.000 chỗ làm bị đe dọa. Về câu hỏi trong cuộc đọ sức trên địa hạt kinh tế và thương mại này, phương Tây hay Nga thua thiệt nhiều hơn cả, chuyên gia thuộc viện nghiên cứu châu Âu Thomas More ông Jean Sylvestre Mongrenier trả lời: «Quan hệ về thương mại giữa Liên Hiệp Châu Âu với Nga không tương xứng. Liên Hiệp Châu Âu chiếm 50 % thị trường xuất khẩu của Nga trong khi đó Nga chỉ nhập vào khoảng 7 % hàng xuất khẩu của châu Âu. Nói cách khác, Nga là một đối tác kinh tế thuộc hàng thứ yếu của châu Âu». Còn đối với Hoa Kỳ, hiệu nước ngọt nổi tiếng của Mỹ Coca-Cola vừa hủy hợp đồng quảng cáo trị giá 51,7 triệu đô la với bốn đài truyền hình Nga. Cả bốn (Zvezda, REN-TV, Piaty Kanal và Domachny) có tên trong danh sách đen của Mỹ. Hãng nước ngọt Coca-Cola là một trong những tập đoàn chi ra nhiều tiền nhất cho các công ty quảng cáo của Nga. Nhà Trắng coi chính sách cấm vận của Nga là phản tác dụng vì các nạn nhân đầu tiên sẽ chính là người dân Nga. Bảo hộ mậu dịch càng đẩy lạm phát lên cao. Nghiệp đoàn nông gia và các nhà chăn nuôi Mỹ trước mắt cũng đưa ra quan điểm tương tự. Liên Hiệp Châu Âu báo trước là sẽ có những biện pháp thích hợp để giúp nông gia chống chọi với đòn của Nga. Về phần mình, chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng ING đặc trách về Nga và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, Dmitri Polevoy, cho rằng thủ đoạn thương mại của Nga sẽ càng gây thêm khó khăn cho nền kinh tế nước này vào lúc quốc tế đã trừng phạt tài chính chính quyền của tổng thống Putin đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Chuyên gia này dự phóng lạm phát tại Nga sẽ gia tăng, mãi lực của người tiêu dùng giảm sút. Liệu rằng khi đó dư luận Nga có còn ủng hộ ông Putin nữa hay không khi biết rằng kinh tế Nga đã «dậm chân tại chỗ» từ cả năm qua. Đành rằng tỷ lệ tín nhiệm của ông Putin sau khi thôn tính Crimée đã lên tới 80 %, nhưng chỉ có 25 % người Nga ủng hộ giải pháp can thiệp quân sự vào Ukraina.