Công ty Thái và thị trường bán lẻ Việt

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thương vụ với Metro AG được dự đoán sẽ giúp BJC nâng tổng doanh thu năm sau lên 50%

Theo BBC – 10:20 GMT – thứ  Tư, 13 tháng 8, 2014

Tập đoàn BJC của Thái Lan vừa mua lại siêu thị Metro, gây suy luận  về việc doanh nghiệp nước này “xâm lấn” thị trường bán lẻ Việt  Nam.Trước đó, tập đoàn của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi cho biết họ  đã đồng ý mua lại 19 cửa hàng tại Việt Nam của Tập đoàn Đức Metro AG với giá 876  triệu đôla, hãng thông tấn Reuters đưa tin. Metro Việt Nam được thành lập từ năm 2002 và hiện đang có khoảng 3.600 lao  động, theo số liệu từ Bloomberg. Ngoài Metro Việt Nam, BJC hiện cũng đang sở hữu chuỗi bán lẻ B’ mart tại Việt  Nam, với tổng doanh thu khoảng 9 triệu đôla/năm. Đài VOV trong tin ngày 11/8 cho biết ngoài BJC ra, còn nhiều tập đoàn khác từ  Thái Lan đã hoặc đang lấn sang thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Tập đoàn Central Group của tỷ phú Tian Chirathivat đã mở trung tâm mua sắm  Robins tại Hà Nội hồi tháng Tư và sẽ sớm mở thêm nhiều trung tâm thương mại khác  ở Việt Nam từ nay đến năm 2016, theo VOV. Tập đoàn Charoen Pokhphand (CP Group) của tỷ phú Dhani Chearavanont đã mở văn  phòng tại Việt Nam từ năm 1990 và hiện CP Việt Nam đang nắm 7% thị phần thịt  heo, 16% thị phần trứng gà công nghiệp và 22% thị phần gà công nghiệp tại Việt  Nam, VOV cho biết thêm. Báo Dân Trí 8/8 dẫn số liệu từ hải quan Việt Nam cho biết chỉ riêng trong năm  2013, Việt Nam đã nhập 6,31 tỷ đôla các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng từ Thái  Lan. Báo này dẫn lời ông Vũ Minh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng:  “Thái Lan có ý định xâm nhập thị trường bán lẻ của Việt Nam rất lâu và rất bài  bản.” “Họ tổ chức hằng năm 4 hội chợ triển lãm quy mô, đến cách đưa hàng hóa vào du  lịch, đến tổ chức các đại lý, cửa hàng khắp trong nam ngoài bắc.” “Kiến nghị của chúng tôi là cần quy định các siêu thị, hãng phân phối bán lẻ  phải bày bán theo tỷ lệ phần trăm sản phẩm cùng mặt hàng”, ông nói thêm. Trong khi đó, báo Người Lao Động dẫn lời ông Phạm Tất Thắng, chuyên gia từ  Viện nghiên cứu Thương mại, cho rằng “doanh nghiệp bán lẻ nội vẫn chưa có chiến  lược, chưa có đường đi nước bước” và để Thái Lan “thâu tóm được các đại gia bán  buôn, bán lẻ” để chiếm thị trường. “Muốn cạnh tranh không gì khác là tự mình làm tốt hơn nữa, từ chất lượng hàng  hóa, giá cả đến dịch vụ,” ông nói.

Đe dọa doanh nghiệp nội địa?

Thương vụ giữa BJC và Metro AG khiến nhiều chuyên gia trong nước tỏ ra lo  ngại rằng hàng hóa từ Thái Lan sẽ sớm tràn vào thị trường Việt Nam và gây khó  khăn cho các doanh nghiệp trong nước. Thương vụ này đã gây nhiều tâm lý lo ngại trong nước rằng hàng Việt Nam được  phân phối qua hệ thống Metro sẽ nhanh chóng bị BJC thay thế bằng hàng hóa từ  Thái Lan. Tuy nhiên BJC nói chưa có kế hoạch thay thế hàng Việt Nam.

” Chúng tôi muốn dẫn đầu chuỗi cung ứng trong  khu vực” – Bà Metinee Isarachinda, Trợ lý Phó Chủ tịch đơn vị Quan hệ Đầu tư  của BJC

Trả lời BBC ngày 13/8, bà Metinee Isarachinda, Trợ lý Phó Chủ tịch đơn vị  Quan hệ Đầu tư của BJC, nói “trước mắt chúng tôi không có kế hoạch thay đổi hay  thay thế bất kỳ sản phẩm nào” đang được phân phối qua hệ thống Metro Việt  Nam. Tuy nhiên, bà cũng cho biết BJC sẽ sớm “bổ sung thêm nhiều mặt hàng từ Thái  Lan”. “Chúng tôi muốn dẫn đầu chuỗi cung ứng trong khu vực”, bà nói. “Hiện BJC đã có hệ thống sản xuất, hệ thống bán lẻ và giờ đây, chúng tôi muốn  làm chủ hệ thống bán sỉ”. Bà Metinee cho biết thương vụ tại Việt Nam sẽ giúp BJC nâng tổng doanh thu  cho năm sau lên khoảng 50%, tức 1,96 tỷ đôla. Bà cũng nói thương vụ sẽ dùng vốn có sẵn lẫn vốn vay và kế hoạch cụ thể sẽ  được trình lên Hội đồng quản trị của tập đoàn trong cuộc họp ngày  19/8.