Săn đàn hổ dữ hay cưỡi lưng hổ?
Bùi Tín (VOA) – Ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư đảng CS Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đang nổi lên như nhân vật cương quyết nhất trong việc chống tham nhũng trong nước ông – được coi là một thảm họa đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Ông nhậm chức khi vụ án vợ chồng Bạc Hy Lai – Cốc Khai Lai đang làm dư luận sôi động, Bạc đang nổi lên như một ngôi sao sẽ leo lên tột đỉnh quyền lực do được Giang Trạch Dân bảo trợ. Trước đó Bạc Hy Lai là Ủy viên Bộ Chính trị được cho là đang nắm chắc vị trí Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị bao gồm 9 người có thế lực lớn nhất, để rồi sẽ lên cao hơn nữa. Mức án tử hình cho Cốc Thái Lai và chung thân cho Bạc Hy Lai làm rung động hàng ngũ quan chức cao cấp nhất của đảng CS.
Đầu năm 2014, vụ án Chu Vĩnh Khang được mở tiếp ra, gây chấn động gấp nhiều lần vụ án Bạc Hy Lai. Vì Chu là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, lại là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị có thế lực bậc nhất, với chức vụ Trưởng Ban Chính – Pháp của đảng CS, trực tiếp nắm các bộ máy chuyên chính là công an, tình báo, phản gián, tư pháp, tòa án, kiểm sát, thanh tra; có thể nói là trên thực tế có quyền sinh quyền sát không hạn độ.
Số cán bộ liên quan đến Chu Vĩnh Khang bị cất chức, bắt giam không ngừng tăng rất nhanh, tháng 4/2014 là 150 người, tháng 6 vừa qua đã lên đến gần 400, theo Thời báo Hoa Nam (25/7). Những người bị bắt đều là các nhân vật tai to mặt lớn, cán bộ cao cấp trong ngành công an và ngành dầu khí là hai ngành Chu Vĩnh Khang từng đứng đầu trên cương vị Bộ trưởng Công an (2002-2007) và Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia (1996-1998).
Theo tin trên, gần một trăm nhà kinh doanh lớn, những tỷ phú đô la Đỏ cũng bị sờ gáy, như hai nhà đại tài phiệt Lưu Hán và Ngô Bình lừng danh ở Tứ Xuyên có quan hệ chặt chẽ với con trai của Chu Vĩnh Khang là Chu Bân.
Giới quân sự cũng bị chấn động mạnh khi nhiều sỹ quan cấp cao bị thẩm vấn, tiêu biểu nhất là Tướng Từ Tài Hậu, từng là Phó Bí thư Quân ủy Trung ương đầy thế lực, tưởng như không ai dám động đến.
Đến ngày 26 tháng 7/2014 tờ Epoch Times đưa tin chấn động. Một nhân vật nữa từng được coi là bất khả xâm phạm đã bị bắt giữ ở Thiên Tân. Đó là Tăng Khánh Hồng, từng là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước, trước đó là Trưởng ban Tổ chức Trung ương đầy thế lực. Ngay trước đó báo này cũng đưa tin ông Giả Khánh Lâm, cựu Chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị đảng CS Trung Quốc đã bị bắt giam.
Tờ Weibo của Trung Quốc ở Hồng Kông (5/2014) gọi các nhân vật bị bắt vừa qua là những “siêu hổ”, nghĩa là những con hổ rất hung dữ, nanh vuốt nhọn hoắt, rất nguy hiểm.
Nếu hoàn tất hồ sơ, phiên tòa để xét xử vụ án khổng lồ này sẽ là sự kiện chính trị chấn động Trung Quốc và không khỏi vang dội ra toàn thế giới.
Có một nét đáng chú ý là Pháp Luân Công (PLC), một tổ chức có gần 100 triệu thành viên ở Trung Quốc và hơn 20 triệu ở các nước khác, rất quan tâm đến vụ án cực lớn này. Họ cho rằng có một sự trùng hợp rõ rệt là những bầy “siêu hổ” tham nhũng lớn nhất cũng đồng thời là những bầy sói tàn bạo nhất đối với PLC. Họ lập luận rằng Chu Vĩnh Khang, Tăng Khánh Hồng, Giả Khánh Lâm, Bạc Hy Lai… đều là những tên đồ tể chủ trương sát hại PLC một cách điên loạn nhất. Những kẻ này chủ trương dùng lực lượng công an cùng bọn côn đồ xã hội đen để bắt bớ, tra tấn, thủ tiêu không xét xử các thành viên hoàn toàn lương thiện và có đạo đức của PLC. Tội ác tày trời của họ là đã lợi dụng lời vu khống của lãnh đạo CS coi PLC là “tà đạo” nguy hiểm cho xã hội, đã tổ chức giết rất nhiều thành viên PLC, lấy các bộ phận của nạn nhân đem bán lấy tiền chia nhau. Các bộ phận đó thường là gan, thận, tim, mắt…của các nam nữ thành viên PLC được bán theo giá cao cho các bệnh nhân giàu có để được ghép thay cho các bộ phận đã bị bệnh nặng.
Cũng theo Weibo, kẻ cầm đầu đích thực của nhóm tham nhũng đang bị tóm gáy không phải ai khác, chính là nguyên Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, và người từng khai tử PLC cũng không phải ai khác, chính cũng là Giang Trạch Dân, khi Giang công khai tuyên bố vào năm 1999 đặt “tà pháp” PLC ra ngoài vòng pháp luật. Cuộc tàn sát PLC bắt đầu từ đó. Một số thành viên PLC ở Hà Lan và Bồ Đào Nha còn đòi truy tố Giang ra tòa án quốc tế về tội diệt chủng.
Công luận Trung Quốc ngày càng nhận ra hầu hết những “siêu hổ” hiện bị giam trong chuồng đều là tay chân tin cẩn nhất của Giang Trạch Dân, do chính Giang lựa chọn và giới thiệu. Chu Vĩnh Khang, Giả Khánh Lâm, Tăng Khánh Hồng, Bạc Hy Lai, Có tin chính Giang đã từng không đồng tình với việc chọn Tập Cận Bình thay cho Hồ Cẩm Đao. Còn có tin tay chân Giang định ám sát Tập Cận Bình.
Vụ án siêu nghiêm trọng vê bầy “siêu hổ” tham nhũng của Trung Quốc đang ở thời kỳ kết thúc. Tập Cận Bình đang suy nghĩ và tính toán. Đụng đến, bắt giam các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, rồi bắt giam 2 nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị là những hành động mạo hiểm chưa từng có. Xã hội Trung Quốc rất hoan ngênh việc kiên quyết nói và làm như thế. Nhưng ông có dám đụng tiếp đến nguyên Tổng Bí thư đảng CS TQ Giang Trạch Dân hiện vẫn còn nhiều ảnh hưởng, nhiều chân tay trong đảng hay không?
Cũng nên nhớ rằng Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Chu Vĩnh Khang, Tăng Khánh Hồng, Bạc Hy Lai… cũng là những kẻ sốt sắng nhất trong vụ tàn sát hàng mấy ngàn sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn tháng 6 năm 1989, qua xích hàng trăm xe tăng, theo ý kiến của Đặng Tiểu Bình. Lúc ấy chỉ có Triệu Tử Dương là chống lại.
Tập Cận Bình vẫn còn dè dặt khi thời kỳ khởi đầu vụ án sắp kết thúc. Bản cáo trạng chung sẽ được công bố, chuẩn bị cho cuộc xử án. Giang Trạch Dân vẫn còn là con hổ dữ nhiều nanh nhiều vuốt, có tay chân trung thành cài khắp nơi ở mọi cấp. Có thể Giang sẽ ra tay trước. Có thể lắm.
Tập Cận Bình đang săn bầy hổ dữ hay đang cưỡi lưng hổ, một tư thế không dễ chịu, không thoải mái chút nào. Tình hình sẽ có thể rất ly kỳ, sôi động vào cuối năm nay.
Và tác động đến Việt Nam chắc sẽ không nhỏ.
Bùi Tín