Một thời nhiễu nhương đáng tiếc – Sáu Thắng
Lời giới thiệu
Dưới đây là bản lược dịch tờ trình cũ cơ quan Tình Báo Mỹ tại Sàigòn gởi Toà Bạch Ốc về cuộc họp 2 ngày 26 và 27 tháng tám năm 1964 của Hội Đồng Quân Lực Cách Mạng VNCH (HĐQLCM) hay MRC, sau khi cuộc đảo chánh 1963 và cuộc chỉnh lý 1964 xảy ra.
Tài liệu nầy có thể đã được tham khảo bởi nhiều người, vì nó đã cũ. Tuy nhiên đối với những ai chưa đọc thì nó có thể vẫn còn cần thiết để tìm hiểu thêm về các nhận định của các sĩ quan cao cấp tham dự phiên họp, nhứt là quan điểm của họ đối với đảng Tân Đại Việt.
Sự kiện
Một thân hữu người Mỹ đã trao cho bạn thân của người dịch một bản tài liệu dài để nhờ dịch và diễn giải. Tài liệu gồm những sự tranh luận có tính cách nội bộ trong quân đội hay có liên hệ đến cá nhân và đoàn thể chánh trị sau biến cố Hiến chương Vũng Tàu 1964. Tuy dài 15 trang nhưng nó chỉ có 2 điều đáng quan tâm: thứ nhứt là đòi loại trừ 4 tướng Đà Lạt là Đôn, Kim, Đính, Xuân ra khỏi các phiên họp; thứ hai là vai trò của đảng Tân Đại Việ̣t trong guồng máy chánh trị miền Nam.
Trường hợp của 4 Tướng và sự hiện diện của họ tại các phiên họp của MRC đã được giải quyết thỏa đáng, do sự tự nguyện không tham dự của họ.Thế nhưng các phiên họp tại MRC vẫn có tánh cách sôi động.
Trong suốt 2 ngày nhóm họp, người đọc có thể tìm thấy cuộc tranh luận giữa các vị tướng cao cấp rất căng thẳng, vì có liên hệ đến nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng lúc bấy giờ. Không cần nói ra hết tính cách gay cấn của cuộc tranh luận, bởi sự tế nhị của chúng, người dịch cũng không muốn bàn rộng thêm về những gì ngoài tầm hiểu biết của mình.
1. Nội dung:
Bản tài liệu gồm 15 trang, được chia làm 2 phần: phần 1 tóm lược; phần 2 tranh luận
Các sự kiện sau đây đã được ghi nhận:
• Cuộc họp được triệu tập bởi ĐạiTướng Nguyễn Khánh (cả hai ngày). Ông đã từ chức sau khi bản Hiến chương Vũng Tàu bị sinh viên Sàigon biểu tình chống đối dữ dội. Khánh nói lý do Ông từ chức là vì Bản Hiến Chương Vũng Tàu chưa được “key people” ủng hộ và cũng để tránh đổ máu. Key people là ai thật tình tôi không biết.
• Trong thành phần tham dự ngoài Đại Tướng Nguyễn Khánh, còn có nhiều sĩ quan cao cấp khác như Tướng Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Bốn tướng Đà Lạt gồm Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính, Mai Hữu Xuân, các sĩ quan cao cấp thuộc đảng Tân Đại Việt như Đại Tá Huỳnh Văn Tồn, Trung Tá Dương Hiếu Nghĩa, Tướng Đỗ Mậu, Nguyễn văn Thiệu, Đỗ̉ Cao Trí, Dương Văn Đức, Nguyễn Văn Vỹ, Trần Ngọc Tám, Lâm Văn Phát, Nguyễn Cao Kỳ, Chung Tấn Cang và nhiều tướng lãnh khác…
• Tướng Khánh cho biết các lãnh tụ tôn giáo như Thượng Tọa Thích Tâm Châu và Thích Trí Quang sẽ ủng hộ Ông. Tôi tự hỏi tại sao lại có chuyện như vậy? Có đáng không?
• Các vị Tướng trông có vẻ chia làm 2 nhóm: một nhóm ủng hộ Tướng Khánh, nhóm kia ủng hộ Tướng Dương Văn Minh. Khánh tiếp tục khước từ vai trò điều hành tạm thời. Tuy vậy Ông cho biết có thể xét lại nếu các thành phần hiện diện tự ý từ chức, hay cam kết không tham gia các hoạt động chánh trị ít nhứt cho đến khi tình hình đất nước được ổn định.
• Cuộc họp tạm đình đến sau khi 3 Tướng Minh, Khánh, Khiêm bàn thảo thêm về tình hình nghiêm trọng của đất nước.
2. Giải thích:
Chúng tôi muốn xử dụng tài liệu để giải mã một số điều dường như vẫn còn ẩn khuất trong tâm não người đọc, nhứt là các đảng viên TĐV. Mục đích không ngoài làm rõ thêm con đường do các đồng chí lãnh đạo TĐV đã vạch ra, mà từ năm 1964 cố đồng chí Hùng Nguyên Nguyễn Ngọc Huy đã tu chính lại và cho tái bản dưới hình thức “ Dân tộc sinh tồn – Chủ Nghĩa Quốc Gia Khoa Học”.
Điều đáng nói là tầm nhìn nói trên của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy được tung ra đúng vào lúc hai cuộc đảo chánh 1963 và chỉnh lý 1964 vừa kết thúc. Sự trùng hợp nầy đã làm cho nhiều giới trí thức và quân nhân tự hỏi phải chăng đó là tầm nhìn chiến lược của đảng Tân Đại Việt muốn nắm chánh quyền. Điều nầy đã được Tướng Nguyễn Khánh nêu lên nhiều lần, với nghi vấn rằng Tân Đại Việt có hành động trái ngược với quyền lợi đất nước, nhưng đã bị Tướng Trần Thiện Khiêm bác khước.
Vai trò của đảng Tân Đại Việt tại chánh trường miền Nam từ sau cuộc đảo chánh 1963 trở đi thật năng động như người dịch được biết. Các sanh hoạt chánh trị rất sôi nổi với sự tham gia của 8 đảng phái để chuẩn bị cho tiến trình dân chủ hóa sau nhiều năm bị bế tắc. Bản Hiến pháp 1967 là một thành công của sinh hoạt dân chủ đa nguyên, mở đầu cho sự thiết định chế độ pháp trị tại miền Nam. Tại nhiều nước Á Châu phải chờ đến giữa thập niên 1980 mới có. Thế mà Tướng Khánh dám nghi ngờ khả năng và thiện chí của Tân Đại Việt. Ai đúng? Ai sai?
Từ sau 1975 CSVN thống trị đất nước bằng bạo lực, để rồi gần 40 năm sau họ nhẫn tâm thiêu rụi nó. Họ sẽ phải trả giá cao cho tham vọng thống trị của mình. Không tránh khỏi.
Sáu Thắng
28/07/2014