Cuộc sống đế vương của các vị “hoàng tử đỏ”
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình nhắm vào phe hoàng tử đỏ – Reuters
Lê Vy
Tạp chí Le Nouvel Observateur số ra tuần này quan tâm đến chiến dịch bàn tay sạch của Bắc Kinh và đặt câu hỏi: ai là đối tượng của chiến dịch này? Tạp chí cho rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình nhắm đến những «hoàng tử đỏ» mà tài sản của những nhân vật này lên đến hàng tỷ euro.
Tạp chí nêu lên một chuyện tình của một hướng dẫn viên chương trình trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc với phó ban lưu trữ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cô gái này vừa hay tin «vị hôn phu» của mình đã kết hôn và đã có con riêng. Ấm ức và cảm thấy bị xỉ nhục, cô ta đã công khai chia sẻ với cộng đồng cư dân mạng vì cô bị xem là vợ bé, tiếng Trung Quốc gọi là «ernai», một từ rất mang nghĩa tiêu cực và miệt thị.
Điều gây xôn xao trên mạng là trong quan hệ ngoại tình, vị viên chức nhà nước này đã cung phụng cho cô vợ bé những món quà cực đắt: khăn choàng lông thú, kim cương, quần áo hàng hiệu, một chiếc xe hơi Porsche màu trắng, giá trị tổng cộng lên đến 1,2 triệu euro. Tạp chí cho rằng, với một đồng lương công chức thì không thể chi tiêu cho những món xa xỉ như vậy. Do đó, hàng triệu dân mạng đặt câu hỏi: tài sản đấy từ đâu ra?
Từ hai hay ba năm nay, nhiều quan chức bị triệt hạ do một người tình nhân bị bỏ rơi hay vợ lớn bị lừa dối nên các bà, các cô đã tố giác trên các trang mạng xã hội. Bắc Kinh đã quyết định nhập cuộc. Một số thành phố vừa cấm các quan chức dan díu ngoại tình «kể cả ngoài giờ làm việc». Tại một đất nước mà từ xưa đến nay, vua chúa đều năm thê bảy thiếp, các quan chức hiện nay cũng nối gót cha ông và họ cho rằng có nhiều vọ là bình thường. Một nhà báo giải thích: «có vợ trẻ đẹp là tín hiệu của sự thành đạt và phong độ». Một nghiên cứu mới đây của trường đại học Nhân dân cho biết, 95% cán bộ bị kết án tham nhũng cung phụng cho một hoặc nhiều mối quan hệ ngoại tình.
Đối với Chủ tịch nước Tập Cận Bình, hiện tượng này là một sự suy đồi đạo đức và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự tồn vong của chế độ. Các vụ bê bối liên tục nổ ra với một nhịp độ chóng mặt cho thấy các quan chức không chỉ ngoại tình mà còn lạm dụng quyền lực, cướp của, cưỡng hiếp, biển thủ, rượu chè, cờ bạc, ma túy thậm chí giết người. Từ khi thuyết cộng sản chỉ còn ‘’hữu danh vô thực’’, xã hội Trung Quốc đang bị mất phương hướng và chính trong giới quan chức là suy đồi rõ rệt nhất.
Tạp chí dẫn nhiều ví dụ, một quan chức nhỏ cũng đã có một tài sản kếch xù với 32 chiếc vali chứa đến 12 triệu euro bị nhà nước tịch thu. Để đếm số tiền này, phải dùng đến 16 máy đếm tiền, trong đó có 4 chiếc đã bị cháy do hoạt động quá công suất. Tuy nhiên, phải nhìn sang các quan chức cấp cao thì mới thật sự thấy tầm cỡ của nạn tham nhũng đang hoành hành tại Trung Quốc.
Các lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc hiện đang rơi vào tay kiểm soát của «những gia đình lớn». Sở hữu khối tài sản lên đến hàng trăm triệu euro thậm chí cả hàng tỷ euro, «các hoàng tử đỏ» có khuynh hướng bảo vệ lợi ích riêng của mình trước lợi ích quốc gia hay của Đảng.
Một giáo sư dạy tại đại học luật và chính trị Bắc Kinh nhận định: «Những tài năng xuất hiện trong 20 năm gần đây đã thay đổi rất nhiều. Họ thuộc một tầng lớp chỉ biết chiếm lấy tiền tài và điều khiển chính trị theo hướng có lợi cho họ». Một người dân Bắc Kinh nhận định, «ông Tập Cận Bình biết rằng, tham nhũng là vấn đề hàng đầu. Nếu ông không làm gì cả thì hệ thống chính trị sẽ sụp đổ. Do đó, từ khi lên cầm quyền, ông đã tung ra chiến dịch bàn tay sạch. Một chiến dịch thực sự không phải để che mắt thiên hạ».
Ngay trong giới quan sát, những người đa nghi nhất cũng thừa nhận tính hiệu quả của chiến dịch này. Từ ngày Đảng Cộng sản ra thông cáo vào năm 2012, yêu cầu đảng viên sống thanh đạm thì không còn các buổi yến tiệc đắt đỏ mà nhà nước phải chi trả, kéo theo việc giảm 90% nhập khẩu ‘’vi cá’’ (vây cá mập).
Việc cấm các quan chức nhận « quà » khiến cho lượng rượu Trung Quốc bán ra thị trường giảm 66%, nhập khẩu rượu ngoại cũng giảm, và các nhãn hiệu đắt tiền như Prada, Vuitton hay Gucci. Một cuộc điều tra được Ngân hàng Trung Quốc công bố vào năm 2011 cho biết, trong 20 năm gần đây, 18 000 quan chức đã bỏ trốn mang theo trong hành lý, một khoản tiền trị giá tương đương 90 tỷ euro.
Le Nouvel Observateur cũng bình luận về việc cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu bị triệt hạ do tham nhũng. Báo chí Hồng Kông đưa tin, để được cựu quan chức này đỡ đầu, phải tặng cả chiếc Mercedes mà trong cốp xe chứa 100 ký vàng. Con gái ông nhận được món quà cuới là một thẻ tín dụng trị giá 2,4 triệu euro. Ông Vương Kỳ Sơn, người lãnh đạo chiến dịch này tuyên bố: «Không một quan tham nào thoát khỏi vòng điều tra».
Tuy nhiên, một số người Trung Quốc xem đây là một cuộc chiến tranh giành quyền lực cổ điển: dưới vỏ bọc thanh lọc nội bộ, Chủ tịch Tập Cận Bình tìm cách triệt hạ các đối thủ như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang để bổ nhiệm người thân cận của ông vào bộ máy cầm quyền. Một nhà phân tích chính trị nhận định, «không nên xem thường tham vọng của ông Tập Cận Bình. Ông ta muốn để lại dấu ấn trong lịch sử như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Đúng là ông Tập tìm cách hạ gục đối thủ và sử dụng người thân cận nhưng chính vì ông muốn Trung Quốc trở thành cường quốc số một thế giới chứ không phải tích lũy bạc tỷ ở ngân hàng Thụy Sĩ».