Lời nói và hành động của nhà lãnh đạo
Buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội hôm 29/7/2014.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có phát biểu được cho là khác thường khi ông nói chính phủ muốn lắng nghe thật nhiều phản biện từ mọi giới.
Sẽ thực hiện trong thực tế?
“Chính phủ cho rằng phản biện khoa học, tranh luận, thảo luận dân chủ là những cách thức để đi đến chân lý, là cơ sở cho những quyết sách khoa học và đúng đắn.” Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào chiều ngày 29/7 trong buổi làm việc với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội làm cho người nghe liên tưởng tới giáo khoa chính trị học ở phương Tây. Nếu Chính phủ Việt Nam thực hiện những gì mà người đứng đầu phát biểu với các nhà khoa học chuyên gia như vừa nêu, thì Việt Nam chắc hẳn đã có vị trí cao trên thế giới. Phó Giáo sư Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam từ Hà Nội nhận định:
Một đất nước phát triển lành mạnh là phải có sự đóng góp của người dân vào việc xây dựng các chính sách phát triển, các chương trình dự án phát triển, đặc biệt của giới trí thức. -PGS Hồ Uy Liêm
“Tôi nghĩ rằng, một đất nước phát triển lành mạnh là phải có sự đóng góp của người dân vào việc xây dựng các chính sách phát triển, các chương trình dự án phát triển, đặc biệt của giới trí thức. Lâu nay câu chuyện đóng góp ấy chưa thật là nhiều nhất là hoạt động tư vấn phản biện giám định xã hội, tuy có nhưng chưa thật là nhiều. Bây giờ thủ tướng nói như vậy, hy vọng chuyện Thủ tướng khẳng định sẽ được thực hiện trong thực tế.” Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 29/7/2014 không giống như tinh thần quyết định 97 mà ông ký và ban hành vào năm 2009, nhằm quản lý chặt chẽ các ý kiến phản biện. Trước và sau Quyết định 97 cho đến nay, Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ cho phép chứ chưa nói đến lắng nghe và tiếp thu những phản biện có tính cách độc lập xuất phát từ những tổ chức nghiên cứu độc lập. Chính vì vậy Viện Nghiên cứu phát triển IDS, một tổ chức nghiên cứu chính sách qui tụ nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam đã phải tự giải thể. Thật ra Chính phủ không đóng cửa Viện Nghiên cứu phát triển IDS do TS Nguyễn Quang A và Giáo sư Hoàng Tụy lãnh đạo. Nhưng nếu Viện này tiếp tục hoạt động, không tự giải thể, thì sẽ không còn mang tính nghiên cứu phản biện độc lập nữa. Nhà báo Phạm Thành chủ blog Bà đầm xòe từ Hà Nội nhận định: “Ông Thủ tướng có lẽ rơi vào cái thế bị kẹt trên nhiều phương diện thì ông lại đưa ra cái ý thế thôi. Tôi không tin rằng lời nói của ông ấy đi đôi với việc làm. Trong Thông điệp đầu năm ông ấy nhấn mạnh việc đổi mới thể chế, nói những câu rất hùng hồn như người dân có quyền làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm, cái đó rất hạp với lòng dân. Đến bây giờ ông lại kêu gọi cái phản biện. Những lời nói của ông ta rất là hay chứ thực tế xã hội Việt Nam để thay đổi theo hướng đó mà ông ấy nhúng tay vào trực tiếp để làm, nổ tiếng máy đầu tiên để khởi động thì ông ấy chưa làm bất kỳ một điều gì hết.”
Hy vọng Đảng sẽ lắng nghe?
Theo dõi thời sự Việt Nam, cũng có lúc dư luận báo chí sôi nổi với các phản biện, điển hình là vấn đề khai thác bauxite Tây nguyên hay vấn đề phát triển thủy điện ồ ạt. Nhưng thực tế các tiếng nói phản biện không được lắng nghe một cách nghiêm túc, phải đến khi những dự án bauxite tự thân bộc lộ những hiểm họa không thể che dấu thì lúc đó Chính phủ mới có một vài điều chỉnh. Hoặc sự phát triển thủy điện bậc thang ở miền Trung lợi bất cập hại, các phản biện nghiêm túc bị đè bẹp bởi lợi ích nhóm. Khi vấn đề phát triển thủy điện được xét lại, thì những công trình hiện hữu đã là họa lớn cho người dân ở vùng hạ du với những trận lũ kinh hoàng. Phó Giáo sư Hồ Uy Liêm nhận định: “Phải nói là lâu nay, ý kiến tâm huyết của nhiều nhà khoa học có trình độ cũng chưa thực sự được lắng nghe và nhất là chưa có sự đối thoại. Nếu với sự khẳng định của Thủ tướng, hoạt động tư vấn phản biện giám định của xã hội nói chung và đặc biệt của giới trí thức mà phát triển điều ấy ra được thì rất tốt.”
Nếu với sự khẳng định của Thủ tướng, hoạt động tư vấn phản biện giám định của xã hội nói chung và đặc biệt của giới trí thức mà phát triển điều ấy ra được thì rất tốt. -PGS Hồ Uy Liêm
Trong buổi làm việc với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các nhà khoa học tham gia tư vấn, đánh giá các dự án hết sức quan trọng như tổng kết 30 năm đổi mới; chuẩn bị các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12… Đáp câu hỏi về khả năng đổi mới mang tính đột phá của Đảng Cộng sản Việt Nam nhân Đại hội Đảng lần thứ 12 năm 2016, đặc biệt trong bối cảnh chủ quyền đất nước bị phương Bắc đe dọa. Phó Giáo sư Hồ Uy Liêm nhận định: “Tình hình bây giờ bức xúc cả trong đối nội lẫn đối ngoại, tôi nghĩ là nếu có sự đổi mới là rất tốt, chúng tôi hy vọng là sẽ có sự đổi mới về hướng tích cực. Nếu không đổi mới tất nhiên phát triển kinh tế xã hội sẽ khó khăn hơn, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế sẽ yếu hơn. Nước mình có mạnh thì thực sự mới bảo vệ được chủ quyền. Chứ còn chỉ có tuyên bố không thì không ăn thua, bởi vậy muốn mạnh thì phải đổi mới, làm sao tăng trưởng phát triển, làm sao hiệu quả phát triển cao, nền kinh tế xã hội càng ngày càng mạnh lên thì khả năng tăng cường an ninh quốc phòng của đất nước và bảo vệ chủ quyền biển đảo lãnh thổ nói chung sẽ được chắc chắn hơn, bền vững hơn.” Phó Giáo sư Hồ Uy Liêm nhấn mạnh rằng ông là một trong 61 đảng viên vừa gởi thư ngỏ cho Ban chấp hành Trung ương Đảng và toàn thể đảng viên với quan điểm rõ rệt. Đó là kêu gọi Đảng từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, chuyển đổi ôn hòa từ thể chế toàn trị sang dân chủ để tránh cho đất nước khỏi suy vong. Phó Giáo sư Hồ Uy Liêm bày tỏ hy vọng Đảng và Nhà nước sẽ lắng nghe những ý kiến này.