ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 4/12/2024
Ông Trump đề xuất Canada trở thành “bang thứ 51 của Mỹ”
Theo tờ Fox News, trong cuộc gặp Thủ tướng Trudeau vừa qua, Tổng thống đắc cử Trump cảnh báo rằng Canada có thể trở thành “bang thứ 51 của Mỹ” nếu Ottawa không giải quyết được các vấn đề như nhập cư trái phép, buôn lậu ma túy vào xứ cờ hoa.
Hôm 2/12 vừa qua, các chi tiết mới trong cuộc gặp giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida tuần trước đang bắt đầu xuất hiện. Theo Fox News, cuộc gặp giữa Thủ tướng Trudeau và ông Trump (một cuộc trao đổi gây nhiều tiếng cười) kéo dài gần 3 giờ đồng hồ.
Trong cuộc gặp, các vấn đề thuế quan, an ninh biên giới và thâm hụt thương mại đã trở thành trọng tâm. Theo hai người ngồi cùng bàn đã nghe cuộc trao đổi, ông Trump đã rất thẳng thắn khi nói đến những gì ông muốn từ Canada.
Tổng thống đắc cử Trump đã nói với Thủ tướng Trudeau rằng vào ngày nhậm chức tổng thống Mỹ 20/1/2025, ông sẽ áp mức thuế 25% đối với tất cả hàng hóa của Canada nếu Ottawa không hạn chế được tình trạng nhập cư trái phép qua biên giới Canada vào Mỹ, đồng thời giảm mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Canada – mà ông ước tính đã lên tới 100 tỉ USD.
Về phía Thủ tướng Trudeau, nhà lãnh đạo Canada nói với ông Trump rằng những biện pháp như vậy sẽ “giết chết” hoàn toàn nền kinh tế Canada. Ông Trump nói: “Vậy đất nước của ông chẳng thể tồn tại nếu không lấy đi số tiền lên tới 100 tỉ USD từ Mỹ?”.
Ông Trump sau đó nói với Thủ tướng Trudeau rằng Canada nên trở thành bang thứ 51 của Mỹ. Câu nói này khiến Thủ tướng Trudeau và những người có mặt không thể không cười, mặc dù có phần lo lắng.
Ông Donald Trump nói với Thủ tướng Trudeau rằng nếu nhà lãnh đạo Canada không thể giải quyết các yêu cầu được ông đưa ra mà không làm tổn hại đến thương mại với Mỹ, thì có lẽ Canada thực sự nên trở thành một hoặc hai bang và khi đó ông Trudeau có thể trở thành thống đốc bang.
Ông Trump hứa “trút cơn thịnh nộ” nếu con tin vẫn bị Hamas giữ trước ngày ông nhậm chức
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đưa ra cảnh cáo nghiêm khắc rằng sẽ “trút cơn thịnh nộ” nếu Hamas không trả tự do cho các con tin đang bị giam giữ trước ngày 20 tháng 1 năm 2025, ngày ông Trump chính thức nhậm chức trở thành tổng thống thứ 47 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
“Xin hãy để bài đăng này chứng minh rằng nếu các con tin không được thả trước ngày 20 tháng 1 năm 2025 – ngày mà tôi tự hào nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ – sẽ có CƠN THỊNH NỘ TRÚT XUỐNG Trung Đông, và đối với những kẻ chịu trách nhiệm đã gây ra những tội ác kinh hoàng chống lại nhân loại này”, ông Trump tuyên bố.
Ông Trump nhấn mạnh rằng những kẻ chịu trách nhiệm giam giữ các con tin sẽ phải đối mặt với sự trả đũa chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ.
“Những kẻ chịu trách nhiệm sẽ bị trừng phạt nặng nề hơn bất kỳ ai trong lịch sử dài lâu và huy hoàng của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ”, ông Trump tuyên bố.
Lập trường của ông Trump đối với các cuộc khủng hoảng toàn cầu
Trong các buổi vận động tranh cử, ông Trump cam kết sẽ giải quyết các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu, bao gồm cuộc chiến tranh Israel-Hamas cũng như cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, ngay sau khi ông nhậm chức.
Ông Trump đã gây áp lực buộc cả Israel và Hamas kết thúc cuộc chiến trước khi ông chính thức nhậm chức, đồng thời thúc giục Thủ tướng Netanyahu “khép lại cuộc chiến của ông” trong năm nay.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham tiết lộ rằng ông Trump đang “quyết tâm hơn bao giờ hết trong việc giải cứu các con tin và ủng hộ một thỏa thuận ngừng bắn [giữa Israel và Hamas] kèm theo điều kiện trao trả các con tin”, thể hiện sự cứng rắn nhưng linh hoạt trong các chính sách đối ngoại của ông Trump.
Ông Trump đã không ngần ngại lên tiếng chỉ trích những chính trị gia chỉ đưa ra tuyên bố suông mà không có bất kỳ hành động thực tế nào để giải cứu các con tin.
“Mọi người đều đang nói về các con tin đang bị giam giữ, một cách bạo lực, vô nhân đạo và trái với ý chí của toàn Thế giới, và tại Trung Đông – Nhưng tất cả chỉ là lời nói suông, không có hành động gì cả”, ông Trump viết trên nền tảng Truth Social vào thứ Hai (2/12).
Ông Trump có lịch sử sử dụng những lời đe dọa mạnh mẽ và sắc bén – từ trừng phạt kinh tế đến quân sự – nhằm buộc các bên đối địch với Hoa Kỳ phải ngồi vào đàm phán, như từng áp dụng trong các cuộc đàm phán với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trước đây, khi ông Trump cảnh báo Bình Nhưỡng bằng “lửa, thịnh nộ, và sức mạnh chưa từng thấy trong lịch sử”.
Sau khi giải quyết xong cuộc chiến tại Dải Gaza, ông Trump bày tỏ khát vọng tái thiết lại cán cân quyền lực ở Trung Đông, không chỉ thông qua việc bình thường hóa bang giao Israel-Ả Rập Saudi, mà còn bằng cách xây dựng liên minh mạnh mẽ trong khu vực Trung Đông chống lại Iran cùng các tổ chức ủy nhiệm của Tehran như Hamas, Hezbollah và Houthi.
Bối cảnh chiến tranh Israel cùng các tổ chức ủy nhiệm của Iran: Hamas, Hezbollah
Vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, các chiến binh Hồi giáo Hamas đã tấn công vào Israel sát hại khoảng 1.200 dân thường Israel cũng như bắt giữ khoảng 250 người khác làm con tin.
Sau các nỗ lực ngoại giao cùng các chiến dịch quân sự phản công và một thỏa thuận ngừng bắn ngắn ngủi vào tháng kế tiếp, hiện tại còn khoảng 100 con tin vẫn đang bị giam giữ tại Gaza. Trong số đó, ít nhất bảy con tin là công dân Hoa Kỳ.
Một đoạn video gần đây gửi đến ông Trump và ông Netanyahu cho thấy anh Edan Alexander, một con tin người Mỹ gốc Israel 20 tuổi, che mặt rơi lệ kêu cứu sau hơn 420 ngày bị giam cầm, đã gây chấn động công chúng.
Nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas đã yêu cầu Israel rút quân khỏi Dải Gaza, đổi lại Hamas sẽ tiến hành trả tự do cho các con tin đang bị giam giữ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã kiên quyết từ chối đề nghị này. Nhưng ông Netanyahu tái khẳng định cam kết sẽ “làm mọi cách để đưa [các con tin] trở về nhà”.
Hơn một năm sau cuộc tấn công của nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas vào Israel, triển vọng về một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài giữa Israel và Hamas vẫn còn xa vời. Quân đội Israel vẫn tiếp tục tiến hành các chiến dịch quân sự tại Gaza.
Tuy nhiên, một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Liban đã được ký kết vào tháng 11 năm 2024 sau một năm xảy ra các cuộc tấn công của Hezbollah nhắm vào miền bắc Israel.
Ông Netanyahu tuyên bố sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động thù địch nào từ các thế lực đối đầu, đặc biệt là từ Hezbollah: “Chúng tôi quyết tâm tiếp tục thực thi thỏa thuận ngừng bắn và sẽ đáp trả bất kỳ hành động vi phạm nào của Hezbollah – dù lớn hay nhỏ”.
Vào hôm thứ Hai (2/12), Israel cho biết Hezbollah đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn sau khi phóng hai quả đạn vào Nhà nước Do Thái, dù không gây thương vong.
Căng thẳng Biển Đông: Philippines điều tàu tuần duyên bảo vệ ngư dân chống Trung Quốc
Theo trang mạng của Hải quân Mỹ USNI hôm 2/12, hai tàu tuần duyên Philippines đã được điều động đến rạn san hô Bãi Cỏ Rong (Iroquois Reef), đông bắc quần đảo Trường Sa, để bảo vệ ngư dân chống lại các hành động quấy nhiễu của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Manila đưa tuần duyên đối đầu trở lại với các lực lượng Trung Quốc tại Biển Đông kể từ khi rút tàu khỏi bãi cạn Sabina hồi tháng 9/2024.
Tàu tuần duyên BRP Melchora Aquino (MRRV-9702), chiều dài 97 mét và tàu BRP Cape Engaño (MRRV-4411), chiều dài 44 mét, đã có mặt tại khu vực này sau khi ngư dân cho biết trực thăng của quân đội Trung Quốc áp sát tàu đánh cá Philippines vào ngày 28/11. Phát ngôn viên Tuần duyên Philippines, chuẩn tướng Jay Tarriela, ra một thông cáo báo chí nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi ghi nhận việc một trực thăng của Hải quân Trung Quốc quấy rối ngư dân Philippines ở một độ cao thấp đến như vậy, chỉ chừng từ 4 đến 5 mét”.
Trả lời USNI News, ông Ray Powell, giám đốc Dự án SeaLight tại Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot thuộc Đại học Stanford, mô tả những gì đang xảy ra tại rạn san hô Bãi Cỏ Rong là “một loại chủ nghĩa đế quốc hàng hải mới” và là “sự mở rộng hơn nữa hoạt động chiếm đóng hàng hải của Trung Quốc tại Biển Tây Philippines”.
Về phần mình, phát ngôn viên của Hải cảnh Trung Quốc hôm 2/12 cáo buộc “nhiều tàu thuyền Philippines đã tập hợp bất hợp pháp với danh nghĩa đánh cá tại khu vực rạn san hô Hấu Đằng (Houteng) (tên Trung Quốc dùng để gọi rạn san hô Iroquois Reef)”. Theo người phát ngôn của Tuần duyên Philippines, “bất chấp các đe dọa của Hải cảnh Trung Quốc, ngư dân (Philippines) đã tự tin hơn hẳn sau khi tổng thống khẳng định lập trường cứng rắn, cam kết không nhân nhượng một ly chủ quyền quốc gia cho bất cứ một thế lực nước ngoài nào”.
Rạn san hô Iroquois Reef, tên Philippines là Rozul, cách đảo lớn Palawan khoảng 240 km, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cách đảo Hải Nam Trung Quốc đến hơn một nghìn km. Hành động quấy nhiễu tàu cá Philippines của trực thăng Trung Quốc diễn ra cùng ngày với việc Philippines ghi nhận sự hiện diện của tàu ngầm Nga cách đảo Mindoro chỉ 150km (Mindoro cách thủ đô Manila 165 km về phía nam).
Đêm bất ổn ở Hàn Quốc: Tổng thống ban bố thiết quân luật khẩn cấp
Tối thứ Ba, ngày 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã bất ngờ lên truyền hình và ban bố thiết quân luật khẩn cấp.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình không được báo trước, Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết động thái này là nhằm “tiêu diệt các lực lượng ủng hộ Triều Tiên và bảo vệ trật tự tự do theo hiến pháp”.
Tổng thống nói rằng ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng thiết quân luật, mặc dù có thể gây ra một số bất tiện cho người dân.
Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc ban bố thiết quân luật khẩn cấp kể từ năm 1979.
Thông báo bất ngờ này được đưa ra sau khi Đảng Dân chủ đối lập (DP) thông qua dự luật cắt giảm ngân sách tại ủy ban ngân sách Quốc hội và đệ trình các động thái luận tội nhắm vào nội các của tổng thống.
Tổng thống Yoon lý giải việc cắt giảm ngân sách sẽ làm suy yếu các chức năng thiết yếu của chính phủ, bao gồm phòng chống tội phạm ma túy và các biện pháp an toàn công cộng, đồng thời cho biết điều này đã đẩy đất nước trở thành “thiên đường của ma túy và khiến an toàn công cộng rơi vào tình trạng khủng hoảng”.
Tổng thống Yoon cũng cáo buộc đảng đối lập sử dụng dự luật ngân sách và các động thái luận tội như một công cụ chính trị để cản trở chức năng của nhánh hành pháp, và bảo vệ lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập Lee Jae-myung khỏi bị truy tố, người đang phải đối mặt với một số phiên tòa.
Theo Hiến pháp Hàn Quốc, tổng thống có thể ban bố thiết quân luật để đáp ứng nhu cầu quân sự trong thời chiến, xung đột vũ trang hoặc có tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Sau bài phát biểu của tổng thống, Tổng tham mưu trưởng Lục quân Park An-su, người được bổ nhiệm làm người đứng đầu bộ tư lệnh thiết quân luật, đã ban hành sắc lệnh cấm mọi hoạt động chính trị, bao gồm các cuộc biểu tình và hoạt động của các đảng phái chính trị.
Tuy nhiên đến khoảng 1 giờ sáng thứ Tư, Quốc hội Hàn Quốc gồm 300 thành viên đã nhanh chóng triệu tập phiên họp để yêu cầu tổng thống dỡ bỏ thiết quân luật, nghị quyết đã được thông qua với sự tham gia của 190 thành viên có mặt với 190 phiếu thuận.
Luật pháp Hàn Quốc quy định, thiết quân luật phải được dỡ bỏ khi đa số Quốc hội yêu cầu.
Dưới áp lực, đến hơn 4h00 sáng thứ Tư, Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố dỡ bỏ lệnh thiết quân luật. Tuy nhiên, ông Yoon yêu cầu Quốc hội “ngay lập tức chấm dứt các hành động liều lĩnh đang làm tê liệt chức năng của nhà nước, chẳng hạn như liên tục luận tội, thao túng lập pháp và thao túng ngân sách”.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc sau đó cho biết binh lính được khai triển để bảo đảm an ninh cho đất nước đã rút về căn cứ.
Việc dỡ bỏ thiết quân luật đã khiến người dân trên khắp Hàn Quốc thở phào, nhiều người dân tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội đã vỗ tay và reo hò.
Các quan chức Hoa Kỳ trước đó đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” và nhấn mạnh hy vọng của Washington rằng bất kỳ tranh chấp “chính trị” nào ở Hàn Quốc phải được giải quyết “một cách hòa bình”.
Ông Yoon Suk Yeol, sinh năm 1960, đảm nhận chức tổng thống Hàn Quốc từ năm 2022.
Ông là thành viên của Đảng Quyền lực Nhân dân và đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với tỷ lệ cách biệt sít sao, chỉ 0,7 điểm phần trăm, đánh bại đối thủ Lee Jae-myung. Đây là cuộc bầu cử có cách biệt nhỏ nhất kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu bầu cử trực tiếp vào năm 1987.
Tổng thống Yoon gần đây đã phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ thấp do các cuộc tranh cãi và bê bối, chủ yếu những vụ việc liên quan đến vợ ông. Tháng trước, ông Yoon đã xin lỗi, nói rằng vợ ông lẽ ra phải cư xử tốt hơn.
Tổng thống Yoon cũng gặp khó khăn trong việc thúc đẩy các chương trình nghị sự của mình tại Quốc hội, nơi phe đối lập chiếm đa số.