Philippines đưa ra kế hoạch giải quyết tranh chấp ở Biển Đông
Hôm nay 01/08/2014 Philippines cho biết sẽ giới thiệu một « kế hoạch hành động ba phần » nhân hội nghị khu vực ASEAN, nhằm làm giảm căng thẳng và giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước khác trong vùng Biển Đông mang tính chiến lược.
Trung Quốc yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông, ngay cả những vùng biển sát cạnh duyên hải của các nước láng giềng. Căng thẳng càng tăng lên trong những tháng gần đây, trước thái độ ngày càng hung hăng của người khổng lồ Châu Á nhằm khẳng định chủ quyền.
Việc Bắc Kinh ngang nhiên đem giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 đặt tại vùng biển Hoàng Sa đã gây ra những vụ đối đầu giữa tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam, và những cuộc biểu tình chống Trung Quốc biến thành bạo động gây chết người và làm hư hại tài sản của một số công ty nước ngoài.
« Tình hình này làm quan hệ giữa các nước thêm căng thẳng, gây thêm ngờ vực lẫn nhau và làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột ngoài ý muốn ». Một viên chức ngoại giao Philippines đã nói như trên khi giới thiệu đề án.
Manila cho biết đã lập ra một « kế hoạch hành động ba phần » gồm hành động tức thời, kế hoạch trung hạn và giải pháp chung cuộc để giải quyết các hoạt động gây bất ổn, trong hội nghị cấp Bộ trưởng các nước ASEAN họp tại Miến Điện tuần tới.
Philippines kêu gọi ngay lập tức « hoãn lại các hoạt động đặc biệt làm leo thang căng thẳng » trong khu vực. Bên cạnh đó là việc áp dụng toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết với ASEAN, cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp dựa trên luật quốc tế.
Trung Quốc tranh giành chủ quyền tại Biển Đông với Đài Loan và một số quốc gia thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Philippines đã đưa đơn kiện lên Tòa Trọng tài của Liên Hiệp Quốc, cho rằng yêu sách của Bắc Kinh đi ngược với luật lệ quốc tế.
Trong hội nghị tại Miến Điện, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng sẽ thảo luận với những người đồng nhiệm của các đối tác thương mại quan trọng của khối này là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây còn là dịp đối thoại về an ninh khu vực với 27 nước tham gia, gồm 10 quốc gia ASEAN (Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Thái Lan, Philippines, Singapore, Miến Điện, Malaysia, Indonesia, Brunei) và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Úc và Nga.