Từ vụ ông Vương Đình Huệ: còn gì để hy vọng từ một hệ thống hỏng?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Từ vụ ông Vương Đình Huệ: còn gì để hy vọng từ một hệ thống hỏng?

Bình luận của Blogger Trần Hiếu Chân

2024.04.23

Từ vụ ông Vương Đình Huệ: còn gì để hy vọng từ một hệ thống hỏng?

Ông Vương Đình Huệ (trái) và Võ Văn Thưởng tạ một cuộc họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 1/2/2021 (minh họa)

Sinh thời Hồ Chí Minh từng truyền cảm hứng: ‘Nếu Chính phủ
làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ’. Cuộc kịch chiến trong
‘cung đình’ Hà Nội hiện nay là biểu hiện rõ rệt nhất của một hệ thống
hỏng – một ‘chính phủ làm hại dân’. Tuy tất cả đều diễn ra trong ‘hộp
đen’, nhưng người dân chẳng ngu ngơ đâu, họ biết tuốt đấy.

—————————–

RFA ngày 17/4/2024 căn cứ vào nguồn tin từ truyền thông Việt Nam cho
biết, hồ sơ các gói thầu của Tập đoàn Thuận An tại tỉnh Đắk Lắk được yêu
cầu cung cấp cho cơ quan điều tra CO3 của Bộ Công an. Yêu cầu này được
đưa ra sau khi Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, ông Nguyễn Duy Hưng và một số
người liên can bị bắt vào ngày 15/4/2024. Theo Bộ Công an Việt Nam, CO3
thuộc Bộ này đang tập trung mở rộng điều tra để làm rõ những sai phạm
tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để xử
lý theo quy định của pháp luật (1). 

Đài VOA trước đó ngày 16/4 cũng đưa tin với nội dung tương tự như
trên. Các dòng trạng thái (stt) của VOA cùng ngày cho rằng, lãnh đạo tập
đoàn bị bắt thì chỉ có thể là ai đó đang bị cưa chân ghế. Và có thể Tô
Lâm đang nhắm vào một trong tứ trụ; tỉa dần dần cho hết các chướng ngại
trên con đường đi đến chức Tổng bí thư (TBT) (2). Ngày 19/4, Đài RFA tổ
chức cuộc Hội luận ‘nóng’ trong bối cảnh đương kim Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ đang trở thành tâm điểm khi khá nhiều tin đồn tiêu cực
nhắm đến ông được đưa ra một cách dồn dập. Sinh mệnh chính trị của ông
Huệ rõ ràng đang là vấn đề được dư luận ở Việt Nam quan tâm (3). Nhiều
bình luận xoay quanh các phóng sự của RFA và VOA không gây bất ngờ, vì
các thông tin ấy thực ra đã ‘bùng nổ’ ngay từ buổi sáng đầu tiên, khi
Chủ tịch Huệ bắt đầu chuyến ‘kinh lý’ Trung Quốc, từ 8 – 12/4 (4). 

Số tiền đưa và nhận hối lộ của Thuận An Group bị tố giác là ‘khủng’
hơn vụ ‘Hậu pháo’ (5) rất nhiều lần, vì các công trình của Thuận An ‘rải
khắp’ Bắc – Trung – Nam. Từ một doanh nghiệp với quy mô vốn điều lệ chỉ
vỏn vẹn có 3,9 tỷ đồng, trong 10 năm trở lại đây Thuận An đã lớn nhanh
như thổi, vốn điều lệ tăng gấp 200 lần lúc mới thành lập. Theo báo Tiền
Phong hôm 16/4/2024 cho biết: ‘Thuận An Group nay đã tham gia tổng cộng
51 gói thầu và đã trúng 39 gói thầu, trượt tám gói, và bốn gói vẫn chưa
có kết quả. Tổng giá trị của các gói trúng thầu là hơn 22,600 tỷ đồng
($893.7 triệu). Trong số này, có hơn 8,200 tỷ đồng ($324.2 triệu) thuộc
về các gói chỉ định thầu. Tổng giá trị trúng thầu là hơn 144,300 tỷ đồng
($5.7 tỷ)’ (6). Lớn nhanh như ‘đặt ông đu đủ thổi…’ như vậy thì kiểu gì
cũng có vấn đề. Đây là vụ bắt giữ mới nhất khi chiến dịch ‘đốt lò’ của
ông Trọng được cho là tiếp tục mở rộng. Cựu Chủ tịch nước (và cũng là
cựu Thủ tướng) Nguyễn Xuân Phúc từng tuyên bố, các doanh nghiệp nhà
nước… không chịu đổi mới, đặc biệt là có những anh mười mấy sân sau,
đừng tưởng Thủ tướng không biết (7). ‘Mười mấy sân sau’ là biệt ngữ nói
lên, doanh nghiệp nào cũng có nhiều ‘trùm cuối’ chống lưng.

Cho nên chuyện chống tham nhũng trong chế độ toàn trị ở Việt Nam là
bất khả, chỉ là phương tiện để các phe cánh triệt hạ lẫn nhau. Nhà thơ
Thái Bá Tân cảm thán thế này: ‘Đừng mơ chống tham nhũng/ Ở chế độ độc
tài/ Điều ấy đã thành luật/ Và không loại trừ ai/ Vậy muốn sống tử tế/
Thì phải làm thế nào?/ Không làm quan cộng sản/ Đừng vờ hỏi vì sao?’ Còn
người dân xứ Đông Lào thì vừa trào lộng vừa chua xót: ‘Nghe đâu đom đóm
sắp tàn/ Chọi nhau sát ván tan hoang cửa nhà/ (Đom đóm là biệt danh của
ông Huệ) (8). Tất cả dù diễn ra trong ‘hộp đen, nhưng đừng nghĩ, người
dân chẳng biết ất giáp gì… Không chỉ biết, họ còn hiểu rõ, mỗi phe cánh,
bên này hay bên kia, đều có đầy đủ hồ sơ ‘bất hảo’ về nhau. 

Và không chỉ hiểu rõ, người dân còn nhận thức sâu sắc về sự dối trá
cùng cực của hệ thống tư pháp ‘bỏ túi’. Từ ‘chuyến bay giải cứu’ đến
‘kit test việt Á’, từ những lời khai liên quan đến Phạm Quý Ngọ, đến
Trần Đại Quang (là những tướng ba, bốn sao của Bộ Công an), tất cả đều
là những đại án thiếu vắng các bên bị hại. Bởi một lý do đơn giản, bên
bị hại chỉ là dân đen, còn những vụ áp-phe kia đều ‘có tính Đảng’ (9).

Riêng đối với Đại tướng Tô Lâm, một bình luận trên báo ‘Người Việt’
viết: “Bộ Công An của ông Lâm đã trở thành một thứ kiêu binh, tác oai
tác quái dữ dội, gây oán hận trùng trùng nhưng không ai dám hé răng phản
đối. Quyền hành ở Việt Nam bây giờ thực sự nằm trong tay ông Tô Lâm…
Nếu ông Lâm thành công trong việc loại bỏ các đối thủ, độc chiếm chiếc
ghế TBT, đất nước lại rơi vào một giai đoạn tối tăm hơn. Triển vọng một
Việt Nam dân chủ, thịnh vượng và hòa đồng với thế giới văn minh xem ra
còn xa xôi hơn nữa” (10).

Nhưng khác với vụ của Tập đoàn Phúc Sơn (Hậu pháo), ‘trùm cuối’ của
Tập đoàn Thuận An mà Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (CO3)
muốn đánh ‘bật gốc’ ngày từ đầu đã không kéo cờ trắng một cách dễ dàng
như Võ Văn Thưởng. Theo tin nội bộ rò rỉ không thể tiết lộ danh tính và
chưa thể kiểm chứng, sáng 19/4, Bộ chính Trị họp mà chưa bàn gì đến vụ
việc ‘nóng như lửa’ của Vương Đình Huệ. Chiều 19/4, cũng từ nguồn tin
vừa dẫn, Ban Kiểm tra trung ương chính thức làm việc với Chủ tịch Vương
Đình Huệ về những hồ sơ do CO3 cung cấp. Tạm thời, Huệ phải huỷ bớt một
số hoạt động chính thức. Lúc này, coi như Huệ ‘trụ được’ bước đầu, chưa
chấp nhận hàng. Nhưng từ một góc nhìn khác, Vương Đình Huệ kiểu gì cũng
bại, vì sẽ khó đạt được mục đích chiếm ghế TBT. Mọi biểu hiện khác chỉ
là hình thức thua, là ‘phép thắng lợi tinh thần’. Trong hệ thống đạo tặc
hiện nay, anh phải là A1. Còn từ A2 trở xuống đều như nhau hết. Tất cả
chỉ là ‘kẻ sai vặt’ của A1 mà thôi.

Tóm lại, các phe phái Ba Đình đang ‘chơi nước cờ tàn’. Tổng Trọng nuôi hy vọng ngồi lại sau Đại hội 14 và sẽ được ‘băng hà’ trên ‘ngai vàng’. Đàn em của ông đánh nhau thì cũng để giành lấy cái uy quyền tối thượng ấy. Dù Huệ hay Tô Lâm thắng ‘keo’ này thì bên thua cuộc vẫn là ‘dân đen’. Toàn cảnh kinh tế – xã hội đang vào hồi bết bát mà lãnh đạo chỉ mải lo ‘đục ghế nhau’ sát ván. Cuộc tương tàn có thể còn kéo dài đến tận Đại hội 14. Trong giới KOL, có đề xuất phải tuân thủ chặt chẽ Bộ Luật hình sự khi câu lưu, đảm bảo sao cho có đại diện các bộ nghành, chứ không nên chỉ có một mình Công an đứng trên pháp luật như hiện nay. Le lói tia hy vọng, trật tự mới liệu sẽ ra đời từ đổ nát và hỗn loạn? Nhưng đấy có thể chỉ là ảo tưởng, chừng nào mà ‘người cầm cân nảy mực’ tới đây chưa có độc lập tính cao, năng lực tự chủ vượt trội. Chưa đến lúc ấy, chính trường Ba Đình khi nào cũng là chiến trường ác liệt.

https://zip.lu/3isKC