Việt Nam trước thách thức từ Cambodia.

Cac Bai Khac

No sub-categories

Việt Nam trước thách thức từ Cambodia.

December 26, 2023

Hiếu Chân/Người Việt

Đúng 45 năm trước, ngày 7 Tháng Giêng, 1979, quân đội Việt Nam tiến vào thủ đô Phnom Penh của Cambodia, tập đoàn cầm quyền Pol Pot bỏ chạy về biên giới Thái Lan, chế độ Khmer Đỏ được Trung Quốc hậu thuẫn bị xóa sổ sau bốn năm thống trị và gây ra nạn diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử đất nước Chùa Tháp đồng thời tấn công và tàn sát dã man các cộng đồng người Việt ở biên giới. Bốn mươi lăm năm sau, Việt Nam lại phải đối mặt với một thách thức mới từ biên giới phía Nam, lần này có thể trầm trọng hơn vì có bàn tay can thiệp của Trung Quốc.

Ông Tea Banh (trái), phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Cambodia, và ông Vương Văn Thiên (phải), đại sứ Trung Quốc tại Cambodia, tham dự lễ động thổ xây dựng căn cứ Ream ở tỉnh Preah Sihanouk hôm 8 Tháng Sáu, 2022. (Hình minh họa: Pann Bony/AFP via Getty Images)

Sau khi lật đổ chế độ Kampuchea Dân Chủ – gọi tắt là Khmer Đỏ, chế độ do đảng Cộng Sản Kampuchea (CPK) lãnh đạo – Việt Nam dựng lên một chính quyền Cambodia mới, một đảng chính trị mới, một quân đội mới với hy vọng sẽ ổn định được mối quan hệ phức tạp giữa hai nước. Ông Hun Sen, một chỉ huy quân đội Khmer Đỏ đào thoát sang Việt Nam năm 1977, có tên Việt là Mai Phúc, được đưa về làm phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại Giao trong chính quyền mới, bị coi là bù nhìn của Hà Nội.

Nhưng việc chiếm đóng Cambodia suốt 10 năm và can thiệp sâu vào mọi phương diện của đất nước này khiến Việt Nam bị cả thế giới lên án và ngay cả người dân Cambodia cũng bất mãn. Bị Trung Quốc gây chiến ở biên giới phía Bắc, bị Hoa Kỳ và các đồng minh cấm vận, Việt Nam rơi vào cảnh bị cô lập toàn diện, kinh tế sụp đổ, đời sống dân chúng cùng cực, Việt Nam phải rút quân khỏi Cambodia năm 1989.

Hai năm sau, Tháng Mười, 1991, Thỏa Thuận Hòa Bình Paris được ký kết, Chính Quyền Chuyển Tiếp Liên Hiệp Quốc tại Cambodia (United Nations Transitional Authority in Cambodia – UNTAC) được thành lập để thực thi lệnh ngừng bắn giữa các phe phái, giải quyết vấn đề người tị nạn và giải trừ quân bị, tiến tới một cuộc tổng tuyển cử do Liên Hiệp Quốc bảo trợ năm 1993.

Quốc Vương Norodom Sihanouk được phục hồi danh hiệu nhưng quyền hành thực tế nằm trong tay chính phủ liên hiệp, bao gồm đại diện của đảng Nhân Dân Kampuchea (CPP) thân Việt Nam và đảng bảo hoàng Funcinpec. Từ đó Cambodia theo chế độ quân chủ lập hiến, trên danh nghĩa là chế độ dân chủ đa đảng dù thực tế, Thủ Tướng Hun Sen [ông Hun Sen làm thủ tướng từ năm 1985] cầm đầu một guồng máy độc tài, tham nhũng và vi phạm nhân quyền trầm trọng.

Trong thập niên 1990, chính phủ mới của Cambodia duy trì quan hệ tốt với Việt Nam nhưng công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng lại đất nước bị tan nát thê thảm do chiến tranh và chế độ Khmer Đỏ cai trị không tiến triển được. Phải đến sau khi Cambodia gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) năm 2004, được Hoa Kỳ và Liên Âu cấp quy chế thương mại tối huệ quốc (Most Favored Nations) thì vốn đầu tư nước ngoài mới đổ vào, các ngành du lịch, dệt may, da giày, nông nghiệp mới có điều kiện tăng trưởng.

***

Ông Hun Sen là nhà độc tài cầm quyền lâu nhất trong lịch sử Cambodia, sử dụng bạo lực và tham nhũng để thâu tóm quyền lực và của cải cho bản thân và gia đình. Nhưng ông cũng là một chính trị gia thực dụng, khéo léo lợi dụng các mâu thuẫn địa chính trị quốc tế để thu lợi cho Cambodia. Trong cuộc tranh chấp ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Hun Sen công khai lựa chọn đứng về phía Trung Quốc sau khi chính phủ của ông liên tục bị Phương Tây phê phán về thành tích nhân quyền tồi tệ và tham nhũng tràn lan. Gác lại lịch sử Bắc Kinh từng là nhà bảo trợ chính của chế độ Khmer Đỏ thù địch gây ra nạn diệt chủng Cambodia, sau đó lại là người bảo trợ chính trị cho đảng Funcinpec đối lập, chính quyền Hun Sen đã đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc từ đầu thập niên 2000 với mục đích thu hút đầu tư và viện trợ, thiết lập thị trường cho hàng hóa Cambodia.

Quan hệ Cambodia-Trung Quốc nảy nở mạnh từ sau chuyến viếng thăm chính thức Phnom Penh của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo vào Tháng Tư, 2006, khi hai nước ký kết hiệp ước “Đối Tác Hợp Tác Toàn Diện” và nhiều thỏa thuận hợp tác song phương. Từ đó, Trung Quốc trở thành nước viện trợ và đầu tư lớn nhất ở Cambodia. Viện trợ của Trung Quốc giúp Cambodia xây dựng những công trình hạ tầng quan trọng như tòa nhà văn phòng chính phủ, cầu qua sông Mekong, nhiều trục đường cao tốc khắp đất nước và trùng tu các đền tháp Angkor. Đầu tư của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào những dự án chiếm dụng nhiều đất đai như khai thác khoáng sản, trồng cây công nghiệp ở các tỉnh giáp biên giới Việt Nam, đập thủy điện, các dự án bất động sản và cả một thành phố du lịch và sòng bài sầm uất ở Sihanoukville trên bờ Vịnh Thái Lan. Trong chuyến thăm của thủ tướng Trung Quốc năm 2006, ông Hun Sen dõng dạc tuyên bố “Trung Quốc là người bạn tin cậy nhất của Cambodia.”

Nếu viện trợ của Phương Tây luôn đi kèm với những yêu cầu cải cách thể chế, chống tham nhũng, minh bạch và tôn trọng nhân quyền – những điều kiện mà Thủ Tướng Hun Sen không thích, không thể đáp ứng – thì đồng tiền của Trung Quốc đi kèm với những nhượng bộ về chính trị và lãnh thổ. Để được làm “người bạn tin cậy nhất” với Bắc Kinh, Cambodia phải chấp nhận để Trung Quốc sử dụng một số hải cảng ở bờ Vịnh Thái Lan, ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, ủng hộ Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện khổng lồ trên thượng nguồn sông Mekong cho dù những nhượng bộ đó gây bức xúc trong người dân Cambodia. Dưới thời ông Hun Sen, Cambodia càng ngày càng công khai thể hiện sự phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, không chỉ về mặt kinh tế mà cả chính trị và ngoại giao. Nói Cambodia là chư hầu mới của Trung Quốc cũng không sai sự thật lắm.

***

Năm 2016, lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh ASEAN không đưa ra được tuyên bố chung chỉ vì chủ tịch luân phiên của ASEAN năm đó là Cambodia không tán thành việc ASEAN phản đối các hành vi của Trung Quốc biến các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông thành căn cứ quân sự.

Đáng chú ý hơn cả là sự kiện Cambodia cho phép Trung Quốc đầu tư mở rộng và hiện đại hóa quân cảng Ream để Trung Quốc sử dụng như một căn cứ quân sự của nước này ở hải ngoại. Nằm bên bờ Vịnh Thái Lan, chỉ cách đảo Phú Quốc của Việt Nam chừng 40 km, căn cứ Ream không chỉ là bến đậu thuận tiện cho các chiến hạm của hải quân Trung Quốc mà còn giúp Bắc Kinh giám sát con đường thủy huyết mạch qua eo biển Malacca giữa Singapore và Malaysia, sẵn sàng ứng phó với các biến động ở quần đảo Trường Sa và Việt Nam. Cùng với các căn cứ quân sự trên các hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, căn cứ của hải quân ở Vịnh Thái Lan cho phép Trung Quốc lập một gọng kìm hai phía Đông và Tây, thừa sức bóp chết sự kháng cự của Việt Nam khi xảy ra xung đột quân sự giữa hai nước.

Mới đây nhất, Cambodia công bố dự án kênh đào Funan Techo dài 180 km, nối từ sông Bassac – một nhánh phân lưu (distributary) của sông Mekong và là phần thượng nguồn của sông Hậu chảy qua đất Cambodia – đổ ra biển ở tỉnh Kep. Thủ Tướng Hun Manet – con trai cả của ông Hun Sen mới lên nối nghiệp cha cai trị xứ Chùa Tháp – đã bất ngờ đến Hà Nội hồi giữa Tháng Mười Hai để trao đổi với Thủ Tướng Phạm Minh Chính về mục đích và quy mô của dự án này. Thông tin ít ỏi từ truyền thông cho biết các chuyên gia Trung Quốc đã làm việc bí mật trong suốt hai năm để lập dự án kênh đào trước khi Cambodia chính thức công bố nó vào đầu Tháng Chín vừa qua, dự án sẽ do các công ty Trung Quốc thực hiện từ nay đến năm 2028. Nhà lãnh đạo trẻ của Cambodia đã dối trá khi khẳng định kênh đào Funan Techo chỉ giúp rút ngắn khoảng cách vận tải đường thủy từ Vịnh Thái Lan vào cảng Phnom Penh mà không lấy đi nước của dòng sông mẹ Mekong.

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ Đồng Bằng Sông Cửu Long bị thiếu nước ngọt thừa nước mặn một phần do khí hậu biến đổi, nước biển dâng cao, một phần do nước sông Mekong bị giữ lại ở hàng chục hồ thủy điện khổng lồ mà Trung Quốc và Lào đã xây dựng trên dòng chính của dòng sông. Nay lại thêm kênh đào Funan Techo rút nước khỏi dòng sông mẹ để tưới tiêu cho các cánh đồng, các khu đô thị sắp phát triển của Cambodia. Tương lai của hàng chục triệu dân Việt Nam ở Đồng Bằng Sông Cửu Long đang bị thách thức nghiêm trọng.

Cái bóng của Trung Quốc trùm lên chính trường Cambodia. Gần như mọi chính sách lớn của Phnom Penh đều có bàn tay dàn dựng của Bắc Kinh, đều trực tiếp hay gián tiếp phục vụ cho ý đồ chính trị của Trung Quốc, thời Khmer Đỏ đã vậy mà nay cũng vậy. Những đồn điền cà phê, cao su của Trung Quốc giáp biên giới Việt Nam, căn cứ hải quân ở Ream hay kênh đào Funan Techo bề ngoài có vẻ như đáp ứng nhu cầu quốc phòng, kinh tế của Cambodia nhưng sâu xa hơn lại có thể là công cụ để gây áp lực, khống chế Việt Nam từ phía Tây. Nếu căn cứ hải quân Ream là lưỡi dao kề vào bên sườn thì kênh đào Funan Techo có thể là chiếc thòng lọng siết cổ Đồng Bằng Sông Cửu Long – vựa lúa gạo, trái cây và thủy sản lớn của đất nước và khu vực.

Hàng vạn thanh niên Việt Nam đã đổ máu xương giải thoát dân tộc Cambodia khỏi nạn diệt chủng Khmer Đỏ. Bốn mươi lăm năm, xương cốt của các tử sĩ Việt Nam vùi trong đất đai Cambodia chưa tan rữa hết, nhưng quan hệ giữa hai quốc gia “brother enemy,” vừa thân thiết vừa đối địch, đã trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Trong chính trị thực dụng (realpolitik), không có chỗ cho tình hữu nghị và sự tri ân. Dưới lớp vỏ bề ngoài hợp tác thân thiện Việt Nam-Cambodia là một thách thức chiến lược liên quan tới sự sinh tồn của đất nước mà chưa biết các nhà lãnh đạo ở Hà Nội sẽ ứng phó ra sao. [đ.d.]