Nga bất bình vì phán quyết vụ Yukos – Mỹ trông đợi EU đưa ra biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Nga sẽ kháng cáo sau khi một tòa án quốc tế phán quyết rằng Moscow phải trả 50 tỉ đôla cho cổ đông công ty Yukos nay đã phá sản.
Tòa án ở Hague hôm 27/7 nói giới chức Nga, dưới thời Tổng thống Putin, đã thao túng hệ thống luật pháp để làm phá sản Yukos và tống giam sếp, Mikhail Khodorkovsky vì tội lừa đảo và trốn thuế.
Bộ tài chính Nga tuyên bố phán quyết chỉ “một phía” và “thiên vị về chính trị”.
Bộ này nói Nga sẽ kháng cáo và “trông đợi có kết quả công bằng”.
Giới luật sư bình luận rằng nếu Nga không chấp nhận phán quyết, có thể xảy ra việc tịch thu tài sản của Nga ở nước ngoài.
Phóng viên kinh tế BBC Andrew Walker nói phán quyết là “đạn pháo mạnh mẽ cho những người chỉ trích Tổng thống Putin”.
Anh nhận định tòa án đã cho rằng những gì xảy ra với Mikhail Khodorkovsky và Yukos “không phải là kết quả của quá trình tư pháp đúng đắn”.
Yukos từng là công ty sản xuất dầu lớn nhất của Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: “Phía Nga, những cơ quan đại diện Nga trong tiến trình này, sẽ dùng mọi khả năng luật pháp để biện hộ.”
Đơn kiện của công ty GML, từng là cổ đông lớn nhất của Yukos Oil Co.
Luật sư của bên nguyên nói ngoài việc khiến công ty phá sản, Nga còn bán tài sản của Yukos cho các doanh nghiệp nhà nước vì mục đích chính trị.
Tiến sĩ Florian Otto, từ công ty tư vấn Maplecroft, bình luận rằng Nga sẽ không trả tiền.
“Vì điều này có thể được xem là thừa nhận việc thu giữ tài sản của Yukos là phi pháp – một quan điểm mà Điện Kremlin không bao giờ chấp nhận.”
Yukos bị giải tán năm 2007 sau khi nộp đơn phá sản năm 2006.
Công ty này từng do Mikhail Khodorkovsky kiểm soát, có lúc được xem là người giàu nhất tại Nga.
Ông Khordorkovsky nói “thật tuyệt” khi các cổ đông “có cơ hội tìm lại tài sản”.
Ông bị bắt năm 2003, trải qua 10 năm trong tù sau khi bị kết tội lừa đảo và trốn thuế.
Tháng 12 năm ngoái, ông được Tổng thống Putin ân xá.
Về việc trừng phạt Nga trong việc máy bay MH17 bị bắn hạ, Hoa Kỳ trông chờ các nước Châu Âu sẽ đồng ý với nhau áp dụng những biện pháp chế tài mới đối với Nga, trong lúc các phần tử đòi ly khai thân Nga ở Ukraine tiếp tục không cho bên ngoài tiếp cận địa điểm chiếc máy bay của Malaysia rơi, và ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy Nga vừa bắn đạn pháo vào Ukraine, vừa tăng cường chuyển vũ khí cho các phần tử nổi dậy.
Tổng thống Obama đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo của Anh, Pháp, Đức và Italia hôm thứ Hai về những bước kế tiếp để làm áp lực buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bằng ngoại giao và chấm dứt thái độ hiếu chiến của Nga ở Ukraine.
Hoa Kỳ kêu gọi Châu Âu tăng cường các biện pháp trừng phạt sau vụ rớt chiếc máy bay của Malaysia, dường như do các phần tử đòi ly khai bắn hạ. Lời kêu gọi có những biện pháp chế tài mạnh hơn cũng được đưa ra giữa lúc ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Nga từ những địa điểm bên lãnh thổ của họ đã bắn đạn pháo vào Ukraine, và những báo cáo nói rằng Nga tăng mạnh chuyển giao vũ khí hạng nặng, gồm xe tăng, trọng pháo, xe bọc thép và hệ thống phóng rốc-két cho các phần tử đòi ly khai, đồng thời điều động quân đội với số lượng lớn dọc theo biên giới Ukraine.
Phụ tá Cố vấn An ninh Quốc gia Tony Blinken nói với các phóng viên báo chí rằng Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo Châu Âu đồng ý phải có hành động sớm.
“Chúng tôi trông đợi Liên hiệp Châu Âu phải có thêm những bước đáng kể trong tuần này, bao gồm việc chế tài những ngành kinh tế quan trọng của Nga. Và tiếp đến, trong sự phối hợp đầy đủ với châu Âu, Hoa Kỳ sẽ thực hiện thêm những biện pháp chế tài của Washington.”
Các giới chức Liên hiệp Châu Âu cho biết họ sẵn sàng nhắm mục tiêu vào những ngành then chốt của Nga, như năng lượng, vũ khí và tài chính. Các giới chức Hoa Kỳ không đưa ra chi tiết về các biện pháp chế tài mà Washington đang dự tính.
Ông Blinken nói rằng các biện pháp chế tài mà Hoa Kỳ đã áp dụng đã khiến cho nền kinh tế Nga chịu tổn thất qua việc vốn đầu tư rút khỏi thị trường Nga, giảm đầu tư nước ngoài, và đẩy dự đoán tăng trưởng kinh tế xuống số không.
Các giới chức Hoa Kỳ tin rằng thông qua việc tập trung các lực lượng dọc theo biên giới Ukraine trở lại, Nga có thể đang tìm cớ để đưa quân đội vào Ukraine làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Ông Blinken nói rằng các giới chức Hoa Kỳ biết lý do tại sao Nga lại chuyển thêm các loại vũ khí hạng nặng hơn cho các phần tử đòi ly khai.
Lý do là vì trên chiến trường, người Ukraine đang thắng các phần tử đòi ly khai trong nỗ lực giành lại chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, do đó đám tay sai của Nga đang thua cuộc, và đó là lý do chúng tôi nghĩ rằng Nga đang thua gấp đôi.
Các giới chức Hoa Kỳ hôm thứ Hai nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn còn thời gian để chuyển hướng ở Ukraine và mưu tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột. – BBC, VOA