CSVN giữa trật tự thế giới mới
Trung Cộng và Nga thường đồng ý với nhau về các vấn đề ngoại giao
Câu hỏi tôi muốn đặt lại để suy nghĩ trong bài này là: Có phải một trật tự thế giới mới đang trong tiến trình hình thành với cuộc tranh hùng quyền lực toàn cầu kiểu mới giữa ba tay chơi quyền lực quốc tế siêu cường Mỹ, đại cường Nga, đại cường Trung Quốc là nội dung chính của nó?
Sự sụp đổ của đế quốc Nga Xô đã dẫn đến sự thay thế của “một trật tự thế giới lưỡng cực” (với cuộc tranh hùng bá chủ thế giới tay đôi Mỹ – Nga) bằng “một trật tự thế giới nhất cực” (với sự lãnh đạo hoàn cầu của siêu cường Mỹ). Nhưng sự “trỗi dậy” nhanh chóng của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo có viễn kiến của Đặng Tiểu Bình và những lãnh tụ kế nghiệp cũng như sự phục hồi quyền lực nội tại của Nga dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Vladimir Putin đã góp phần tạo dựng điều kiện cho sự hình thành một trật tự thế giới mới.
Nhưng một câu hỏi liên hệ khác cũng từ San đã được đặt ra: Cơ cấu nội tại của trật tự thế giới mới sẽ là một trật tự thế giới nhất cực hay một trật tự thế giới lưỡng cực hay một trật tự thế giới tam cực hay một trật tự thế giới đa cực?
Mặc dù câu hỏi chính trị quan trọng này vẫn còn là một vấn đề tranh cãi nặng tính chất học đường, tôi cho rằng “một trật tự thế giới mới” đang hình thành có nhiều khả năng sẽ là một trật tự thế giới tam cực. Nhưng nó lại được đặt trên căn bản một cơ cấu đa khối quốc gia với nhiều loại hình quan hệ khác nhau cùng nhiều hệ thống trục xoay quyền lực đa dạng đang nối kết tất cả các khu vực chiến lược trên thế giới lại với nhau. Thuật ngữ “một thế giới tam cực” được dùng để chỉ sự tái định vị trí quyền lực chân vạc của Nga – Mỹ – Trung Quốc trong những cuộc đọ sức tranh hùng tay ba tương lai nhằm mục đích bá chủ thiên hạ cũng như việc theo đuổi những mục đích quốc gia thực tế (đó là duy trì phát triển mở rộng quyền lực quốc gia và lợi ích dân tộc trong quan hệ khối – khu vực – toàn cầu) mà không được che đậy dưới những chiêu bài ý thức hệ lý tưởng cao siêu như xưa. Nếu nhìn từ quan điểm văn hoá chính trị thì Hoa Kỳ thuộc loại văn minh hiện đại và đang chuyển mình sang loại hình văn minh mới hậu hiện đại. Nhưng ngược lại, văn hoá chính trị của Nga cũng như văn hoá chính trị Trung Quốc vẫn còn thuộc vào loại hình văn minh tiền hiện đại. Thí dụ, Nga và Trung Quốc vẫn còn coi trọng giá trị sở hữu đất đai và biển đảo và không ngần ngại sử dụng những “thủ đoạn” tiền hiện đại như đã xảy ra tại Crimea và Biển Đông. Đây là loại tâm lý và chính sách thuộc chủ nghĩa thuộc địa kiểu cũ hay chủ nghĩa đế quốc kiểu cũ chứ không phải chủ nghĩa đế quốc kiểu mới như Mỹ vì dân tộc Mỹ đã trải qua hơn 200 trăm phát triển văn minh kỹ thuật hiện đại. Liệu mô hình “một thế giới tam cực” với nội dung cuộc tranh hùng tay ba Nga – Mỹ – Trung có giống như loại kịch bản “Tam Quốc Chí” hay “The Good, the Bad and the Ugly” (cuốn phim nổi tiếng cao bồi Mỹ 1966)? Ai là “The Good” (Loại Thiện)? Ai là “The Bad” (Loại Ác)? Ai là “The Ugly” (Loại Xấu Xí)? Ai sẽ là kẻ chiến thắng sau cùng?
Siêu Cường Mỹ
Mỹ muốn tiếp tục duy trì ngôi vị “siêu cường” của mình theo kiểu “vương đạo” với chính sách xây dựng quan hệ song phương đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc vì vẫn xem Nga là “đối thủ chính” của mình (vì an ninh khu vực Đông Âu và Trung Đông). Con số khổng lồ trên 562 tỷ đôla buôn bán thương mại hai chiều Mỹ – Trung năm 2013 nói lên sự quan trọng kinh tế giữa hai nước khi ta so sánh với con số 203 tỷ đôla mậu dịch hai chiều Mỹ – Nhật cùng năm. Nhưng đối với vấn đề an ninh toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì Mỹ đã quyết định “cầm chân Tàu” với chiến lược “Xoay Trục sang châu Á-Thái Bình Dương” vì Trung Quốc lại được xem là “đối thủ chính” trong quan hệ chiến lược đối trọng Mỹ – Trung. Mỹ đã tiến qua giai đoạn triển khai chính sách “Xoay Trục sang châu Á-Thái Bình Dương” cũng như khuyến khích vai trò quân sự mới của Nhật trong chính sách cân bằng quyền lực tại khu vực chiến lược này trước “sự trỗi dậy” đáng ngờ của Trung Quốc. Cuộc tranh hùng Mỹ – Trung đang chuyển thành cuộc tranh hùng khu vực Nhật – Trung. Đây là vài nghi vấn chiến lược: Việt Nam sẽ chọn đứng chiến tuyến nào trong cuộc tranh hùng tay ba Mỹ – Nhật – Trung? Ai mới thực là “kỳ phùng địch thủ hoàn cầu” của Mỹ trong tương lai: Nga hay Trung Quốc? Mục đích chiến lược mới của Mỹ là gì khi tiếp tục chính sách nuôi dưỡng con sư tử Tàu?
Đại cường Nga – Giấc mơ hồi sinh
Nga lại muốn vươn lên giành lại cái ghế siêu cường một thời oanh liệt đã qua cũng như phục hồi lại cái đế quốc Xô Viết đã mất của mình để có thể có được một ngôi vị siêu cường thật sự trong quan hệ tranh hùng tay ba kiểu mới. Vì thế, Tổng thống Putin phải chặn đứng ngay chính sách xâm nhập “lót ổ” của Âu Mỹ tại Ukraine bằng cách tiến chiếm bán đảo Crimea của Ukraine (giống kịch bản Trung Quốc chiếm Biển Đông) cũng như kéo Trung Quốc về phe Nga bằng cách đẩy mạnh các loại hình quan hệ song phương lên cao điểm mới (rềnh rang nhất mặc dù bị Trung Quốc chơi trò chơi buôn bán “áp giá” là việc ký kết hiệp thương khí đốt khổng lồ gần đây). Nhưng đối với sự lo sợ của Nga, Trung Quốc lại là “một địch thủ khó lường” vì Trung Quốc đang từng bước xâm nhập mạnh vào nền kinh tế lạc hậu nhưng giàu tài nguyên thiên nhiên của các nước Trung Á (thuộc đế quốc Xô Viết cũ) cũng như dân Tàu đang du nhập mạnh vào khu vực rộng lớn đầy tiềm năng Tây Bá Lợi Á (Siberia). Nga lo sợ Bắc Kinh đang dòm ngó “miếng mồi ngon” không những vì diện tích Siberia khổng lồ, phong phú về tài nguyên nhưng dân chúng lại nghèo khổ.
Giấc mơ Hoa Tộc
Trung Quốc đang làm tất cả những gì cần phải làm trong khuôn khổ mô hình phát triển “Tứ Hiện Đại” để có thể nhanh chóng thực hiện cho kỳ được cái “giấc mơ siêu cường” bao đời ấp ủ của mình. Trung Quốc đã và đang thành công với chính sách “hiện đại kinh tế” của mình và triển vọng sẽ vượt qua cả siêu cường Mỹ để trở thành quốc gia có “nền kinh tế lớn nhất thế giới”. Chính sách hiện đại quân sự đang làm cho các nước láng giềng lo ngại không những vì Trung Quốc đang “dành đất chiếm biển” và thiết lập “vùng trời bất khả xâm phạm” tại biển Đông Á mà còn đổ tiền vào quốc sách phát triển kỹ nghệ quốc phòng. Theo công bố của Lầu Năm Góc, năm 2013 Trung Quốc đã chi hơn 145 tỷ đôla. Nhưng theo học viện Stockholm International Peace Institute (SIPRI), con số đã lên đến 188 tỷ đôla. Con số thật có thể còn cao hơn nhiều. Bắc Kinh tỏ ra rất khôn khéo trong những kế hoạch khai thác quan hệ đối kháng Nga – Mỹ để thủ lợi cũng như xây dựng những hệ thống giao thông đường bộ (như tái thiết lập the Con Đường Tơ Lụa) lẫn cái mà nhà báo Mỹ Robert D. Kaplan gọi là “Đế Chế Đại Dương Nẩy Mầm Trung Quốc” nhằm nối liền Trung Quốc với khu vực Trung Đông và châu Phi. Vì thế, Biển Đông và Đông Nam Á được những lãnh tụ Bắc Kinh xem như tối quan trọng đối với chiến lược xây dựng “Đế Chế Đại Dương” vì chúng sẽ nối liền biển Đông Á với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương thành một trục giao thông hàng hải (cũng như một loại lãnh thổ đại dương khổng lồ của Trung Quốc). Vì thế, ngoài mục đích khai thác tài nguyên biển (như dầu lửa), việc chiếm trọn Biển Đông có thể được xem như là bước chiến lược đầu tiên mà Trung Quốc tiến hành để xây dựng một loại “Trân Châu Cảng” cho Hạm Đội Nam Hải. Từ đó, Trung Quốc sẽ dần tiến chiếm toàn bộ Đông Nam Á nhằm thành lập “khu vực ảnh hưởng đầu tiên của Trung Quốc” để kiểm soát trục vận chuyển đường biển Đông Tây và để phóng chiếu sức mạnh quyền lực khu vực cũng như trên thế giới.
Lựa chọn của Việt Nam?
Nếu lịch sử chính trị thế giới đang chuyển động với cuộc tranh hùng kiểu mới tay ba toàn cầu Mỹ – Nga – Trung và cuộc tranh hùng tay đôi khu vực Nhật – Trung, thì sự lựa chọn chiến tuyến lịch sử mới của Việt Nam phải như thế nào? Việt Nam cần phải làm gì để không trở thành một nạn nhân bi thảm đáng thương như đã từng xảy ra trong quá khứ mà là một tay chơi quyền lực thế giới nặng ký trên chính trường quốc tế? Những sự lựa chọn mới của Việt Nam có thể được diễn tả bằng 8 chữ vàng sau đây nếu Việt Nam thấy chuyển hướng toàn diện là một sự cần thiết để tìm một sinh lộ mới cho dân tộc đi tới: Tây Tiến – Đông Kết – Bắc Hẹn – Nam Hòa. “Tây Tiến” nghĩa là Việt Nam phải tiến thẳng vào nền kinh tế Mỹ – Nhật -châu Âu để phát triển và làm giàu. Nước Mỹ phải là đất dụng võ của Việt Nam và phải là một thành trì kiên cố cho sứ mạng dựng nước và giữ nước lâu dài của Việt Nam.
“Những sự lựa chọn mới của Việt Nam có thể được diễn tả bằng 8 chữ vàng sau đây nếu Việt Nam thấy chuyển hướng toàn diện là một sự cần thiết để tìm một sinh lộ mới cho dân tộc đi tới: Tây Tiến – Đông Kết – Bắc Hẹn – Nam Hòa.”
“Đông Kết” nghĩa là Việt Nam phải nhanh chóng tiến tới việc thiết lập một hệ thống đồng minh nhất tâm tứ trụ mà trong đó quan hệ đồng minh Việt – Mỹ và Việt – Nhật sẽ là trục xoay quyền lực đầu tiên trong quan hệ đối trọng với Trung Quốc. Để thoả mãn một số yêu sách của Mỹ và mặc cả những bao thầu lớn với Mỹ trong tương lai, Việt Nam nên cho Mỹ thuê quân cảng Cam Ranh và lập một lộ trình xây dựng những thể chế dân chủ. Đây là con đường sống. “Bắc Hẹn” nghĩa là Việt Nam sẽ tạm đoạn tuyệt với Trung Quốc giống như Mao và Đặng đã làm khi bắt tay với Mỹ và phớt tỉnh với Nga để dốc toàn lực vào quốc sách xây dựng kinh tế trong vòng 60 năm tới (2015-2075) rồi mới “tái xuất giang hồ” làm ăn tại hai nước bạn “đồng chí” năm xưa này cũng như các nước khác trên thế giới sau khi Việt Nam đã trở thành một “trung cường”. “Nam Hòa” nghĩa là Việt Nam sẽ hoà với tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới (trừ Trung Quốc trong giai đoạn hiện tại) nhưng lấy đại hòa với các nước Đông Nam Á làm trọng. Vì sau 60 năm phát triển Việt Nam sẽ là một trong những nước hội viên hùng mạnh nhất để bảo vệ và lãnh đạo ASEAN thành một khối liên minh thống nhất trong quan hệ đối trọng với các nước đại cường và siêu cường trên thế giới. Nhưng để làm được những việc này, Việt Nam đang cần những nhà lãnh đạo có viễn kiến. Bất cứ thời đại nào trong bất cứ một xã hội nào, dân chủ hay phi dân chủ, một nhân vật hay một lãnh tụ bình thường, nhưng yêu nước thương dân, đều có những mưu lược phi thường để xuất hiện làm một nhà lãnh đạo quốc gia có viễn kiến, tự nhận sứ mạng xoay chuyển càn khôn cứu dân độ thế. Ai sẽ xuất hiện để trở thành một nhà lãnh đạo Việt Nam chân chính như thế? Ai sẽ là nhân vật bình thường vươn lên từ “vũng lầy quyền lực” Đảng Cộng sản hiện nay, giống như một vầng thái dương hừng lửa, để làm nên đại nghiệp huy hoàng cho quốc gia dân tộc? Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, đang giảng dạy ở San Jose State University, Hoa Kỳ.