Tương lai của ASEAN sẽ ra sao?
Bình luận của Hà Lệ Chi
2023.11.29
Lãnh đạo các nước ASEAN chụp hình chung tại Thượng đỉnh ASEAN 43 ở Jakarta, Indonesia hôm 7/9/2023
Được thành lập vào năm 1967 với các thành viên ban đầu là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan (Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam gia nhập sau), ASEAN tuyên bố mục đích của khối là hợp tác để duy trì hòa bình và sự ổn định khu vực. Tuy nhiên, giờ đây, ASEAN phải đối mặt với nguy cơ lớn nhất kể từ khi thành lập là không đạt được mục tiêu cơ bản này. Phần lớn nguyên nhân là do nguyên tắc đồng thuận của khối, vốn đòi hỏi tất cả các quốc gia thành viên phải nhất trí về một chính sách trước khi tiến hành các bước tiếp theo. Quả thực, việc thiếu sự đồng thuận đã làm tê liệt phản ứng của khối trước các thách thức an ninh then chốt.
Sự chia rẽ bên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về Trung Quốc đã thúc đẩy các thành viên đi theo con đường riêng.
Kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan tại thủ đô Jakarta (Indonesia) hồi tháng 9 vừa qua một lần nữa là biểu hiện của cuộc chơi quyền lực rõ rệt, và sự thờ ơ khi đối mặt với các mối đe dọa mới và những rủi ro mang tính cấp bách. Điều này lại lần nữa minh chứng cho tình trạng tê liệt của diễn đàn đa phương đã tồn tại hàng thập kỷ này khi phải đối mặt với tình hình an ninh khu vực ngày càng đáng lo ngại.
ASEAN không ngừng nói về “vai trò trung tâm” của mình đối với khu vực, nhưng việc khối này không thể đưa ra phản ứng thống nhất trước hành động gây hấn của Trung Quốc đối với một số thành viên của khối hoặc cuộc khủng hoảng ở Myanmar đã vô hiệu hóa điều này.
Câu chuyện từ một cuộc thảo luận
Gần đây có một cuộc thảo luận chủ yếu liên quan đến ASEAN, hai vị khách được mời phát biểu ý kiến là cựu Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Masafumi Ishii và giáo sư Joseph Liow Chin Yong của Đại học công nghệ Nanyang (Singapore). Bài phát biểu của Masafumi Ishii giúp chúng ta biết được quan điểm đặc biệt của Nhật Bản về ASEAN hiếm khi thể hiện ra (1).
Masafumi Ishii tiết lộ, kể từ năm 2008, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã tiến hành thăm dò dư luận đối với các nước thành viên ASEAN, một câu hỏi chính trong số các câu hỏi thăm dò là: Theo bạn, quốc gia nào quan trọng hơn đối với bạn trong tương lai? Bạn sẽ phụ thuộc hơn vào quốc gia nào? Kết quả khảo sát 15 năm qua luôn cho thấy, trong số 10 nước ASEAN, có ba nước có câu trả lời luôn là Nhật Bản. Ba quốc gia cho rằng Nhật Bản quan trọng hơn Trung Quốc là Indonesia, Việt Nam và Philippines. Masafumi Ishii gọi đây là “ba nước lớn”. Ba nước này sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ Mỹ và Nhật Bản trong thời kỳ khủng hoảng.
Tiếp theo là “ba nước tầm trung” gồm Thái Lan, Malaysia và Myanmar, lập trường của ba nước này dao động giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Cuối cùng là “ba nước nhỏ” gồm Campuchia, Lào và Brunei. Vậy còn Singapore? Masafumi Ishii nói rằng Singapore thuộc trường hợp đặc biệt. Nếu bạn hỏi trên đường phố, 95% đáp án là Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế Singapore vừa cho phép Mỹ sử dụng cơ sở vật chất, vừa huấn luyện quân sự ở Đài Loan.
Triển vọng đối với ASEAN không mấy lạc quan?
Thông tin mà Masafumi Ishii tiết lộ là Nhật Bản sẽ đưa ra trình tự ưu tiên trong quá trình trao đổi với các nước ASEAN, nhưng cũng nhấn mạnh sẽ duy trì cân bằng hết sức thận trọng, tránh bị cho là muốn chia rẽ ASEAN. Đường lối chính sách cơ bản của Nhật Bản là muốn ASEAN duy trì sự đoàn kết thống nhất. Masafumi Ishii dường như không quá lạc quan về triển vọng của ASEAN, ông dự đoán ASEAN sẽ ngày càng chia rẽ trong 20 năm tới. Mặc dù hiện nay các nước ASEAN đều nói không muốn chọn bên giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng trong lòng họ đều đã có lựa chọn. Phải nói rằng điều này tốt nhất chỉ là dự đoán, Masafumi Ishii dường như không có khả năng nhìn thấu mọi vấn đề.
Rốt cuộc Nhật Bản thực hiện các cuộc khảo sát như thế nào thì chúng ta chưa thể biết được. Tuy nhiên, Joseph Liow Chin Yong cảm thấy hết sức kinh ngạc đối với việc Masafumi Ishii đưa Indonesia vào phe Mỹ, nhưng Masafumi Ishii giải thích rằng đây là kết luận được Nhật Bản rút ra từ việc tiếp xúc trực tiếp. Giống như Philippines dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, mặc dù bề ngoài nghiêng về phía Trung Quốc, nhưng trên thực tế vẫn dựa vào Mỹ. Còn về Indonesia, Masafumi Ishii không đưa ra nhiều giải thích.
Cho dù như thế nào đi chăng nữa, hiện Nhật Bản rất coi trọng Indonesia và Ấn Độ. Masafumi Ishii cho rằng trong thế giới lưỡng cực do Mỹ và Trung Quốc đứng đầu, Ấn Độ và Indonesia sẽ trở thành lực lượng trỗi dậy quan trọng trong tương lai, và có thể quyết định phe của Mỹ hay Trung Quốc sẽ chi phối dư luận quốc tế tốt hơn, các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia dự kiến sẽ tiếp tục là chiến trường chính trong cuộc đọ sức nước lớn. Còn về Trung Quốc, Masafumi Ishii cho rằng điều mà Nhật Bản muốn là cùng tồn tại và cạnh tranh, không gây hấn.
Xét từ góc độ là một thành viên của ASEAN, nếu nhận xét của Masafumi Ishii thực sự là quan điểm chính thức của Nhật Bản thì có hai điểm chính cần lưu ý. Thứ nhất, chia ASEAN thành bốn; thứ hai, dự báo không mấy lạc quan về triển vọng của ASEAN. Ít nhất hiện nay chúng ta biết rằng mặc dù Nhật Bản nhấn mạnh cần duy trì sự đoàn kết của ASEAN, nhưng trên thực tế đã tiến hành xử lý theo kiểu “chia cắt”. Biện pháp này dường như đang chuẩn bị trước cho khả năng ASEAN bị chia rẽ trong tương lai.
Liệu ASEAN có ngày càng chia rẽ sau 20 năm nữa như dự báo của Masafumi Ishii hay không? Đây là một câu hỏi mà không dễ có câu trả lời thuyết phục.
Duy trì tính tự chủ là tài sản quý giá nhất của ASEAN
Nếu bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào hành động đơn độc thì đều không thể phát huy tác dụng của toàn thể ASEAN. Điều này giống câu chuyện ngụ ngôn về một chiếc đũa thì dễ bị bẻ gãy, nhưng một bó đũa thì rất khó gãy. Đây là nhận thức chung của các quốc gia thành viên ngay từ khi được thành lập. Trong cuốn “Singapore vẫn không phải là một hòn đảo”, cựu Ngoại trưởng Singapore Bilahari Kausikan đã trích dẫn một đoạn của Ngoại trưởng Singapore đầu tiên S.Rajaratnam khi ký Tuyên bố Bangkok (thành lập ASEAN) vào năm đó làm bằng chứng. S.Rajaratnam nói: “Kể từ bây giờ, chúng ta cần phải áp dụng tư duy mới, lợi ích khu vực cần phải trở thành một bộ phận của lợi ích quốc gia trong định nghĩa của mỗi nước thành viên”. Khi đó, các ngoại trưởng khác cũng có những bài phát biểu tương tự.
Như Joseph Liow Chin Yong có nói trong cuộc trao đổi kể trên, trên thực tế không có quốc gia Đông Nam Á nào có thể lựa chọn chỉ hợp tác với Mỹ hoặc Trung Quốc. Hơn nữa, Mỹ và Trung Quốc quả thực cũng không thể yêu cầu ASEAN nghiêng về một bên. Điều mà ASEAN luôn nhấn mạnh là duy trì sự cởi mở và bao trùm với sự tham gia của các bên có lợi ích liên quan (đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc). Tuy nhiên, trong các vấn đề khu vực, ASEAN luôn duy trì vai trò trung tâm hoặc chủ đạo.
Duy trì tính tự chủ không những là lập trường kiên định của ASEAN mà còn là tài sản và sức mạnh quý giá nhất của ASEAN. Tất cả các quốc gia thành viên đều hiểu rất rõ, chỉ có duy trì đoàn kết và thống nhất thì mới có thể bảo vệ tài sản này, tích lũy được sức mạnh này, đồng thời bảo vệ mạnh mẽ nhất lợi ích quốc gia của mỗi quốc gia thành viên. Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gay gắt hiện nay, theo logic hợp lý, nên thúc đẩy các quốc gia thành viên ASEAN đoàn kết hơn và không chia rẽ mới là điều đúng đắn, bởi vì cho dù nghiêng về bên nào cũng đều không phù hợp với lợi ích quốc gia lâu dài của mỗi quốc gia thành viên. Do đó, nghiêng về một bên đồng nghĩa với việc mất đi tính tự chủ. Đoàn kết ứng phó với cục diện thế giới mới hiện nay là nhiệm vụ cấp bách của ASEAN, còn về những vấn đề có thể xảy ra sau 20 năm nữa, chúng ta cũng chỉ có thể chờ xem thế nào.
Con tàu ASEAN ra khơi mà không có sự đoàn kết
Hội nghị cấp cao ASEAN lần 43 này chỉ đơn giản là tái xác nhận lập luận lâu nay rằng diễn đàn này không sẵn sàng hoặc không thể giải quyết những thách thức khu vực ngày càng nghiêm trọng. Do đó, các thành viên ASEAN đã và chắc chắn sẽ tiếp tục tìm kiếm những con đường thay thế, dù là dưới hình thức song phương hay đa phương, để giải quyết các vấn đề gây tranh cãi. Bên cạnh việc tạo ra các liên minh tự nguyện, họ cũng sẽ hướng ra bên ngoài ASEAN để tìm kiếm các đối tác như Australia, Nhật Bản và Mỹ, cũng như các quốc gia khác như Ấn Độ và Hàn Quốc.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cảnh báo khối này không nên để bị cuốn vào cuộc cạnh tranh nước lớn hay bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Thay vào đó, ông tuyên bố: “Tôi cho rằng nhiệm vụ của Indonesia, cùng với các nước ASEAN khác, là đảm bảo con tàu của ASEAN tiếp tục ra khơi” (2). Tuy nhiên, với việc ASEAN tiếp tục không hành động, con tàu dường như đã ra khơi mà không có họ.
___________
Tham khảo:
1. https://www.straitstimes.com/asia/east-asia/asean-must-remain-united-in-face-of-competition-among-great-powers-ntu-don
2. https://kemlu.go.id/hanoi/en/news/26298/43rd-asean-summit-officially-concluded-indonesia-concretizes-asean-as-epicentrum-of-growth
* Tác giả Hà Lệ Chi là một nhà nghiên cứu độc lập, đã tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế ở Úc. Hà Lệ Chi đã có thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam. hiện tác giả đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
RFAViet