Việt Nam sẽ đi về đâu?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Việt Nam sẽ đi về đâu?

Đỗ Tùng (Danlambao) – Thử tưởng tượng hai trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Việt Nam (VN) thoát khỏi tai họa Cộng Sản (CS). Đảng CS và những thế lực cấu kết với nó biến mất. Đất nước VN trở thành một quốc gia dân chủ thật sự, chính quyền các cấp và Quốc hội do dân bầu lên từ các chính đảng và các ứng cử viên độc lập. Nhân quyền được tôn trọng và bảo vệ. Người dân được hưởng các quyền tự do căn bản. VN trở thành một thành viên của các nước tự do dân chủ trên thế giới.
Trường hợp 2: Đảng CSVN tiếp tục nắm chính quyền trong một chế độ độc đảng toàn trị, kiểm soát toàn diện các lãnh vực sinh hoạt của người dân thông qua chính quyền, công an, và các đoàn thể công cụ của đảng. VN tiếp tục là một hành tinh của Trung Cộng (TC), là phên dậu bảo vệ thành trì xã hội chủ nghĩa, nhưng đồng thời cũng là nạn nhân của chế độ bành trướng Bắc Kinh.
Điều gì sẽ xảy ra trong Trường hợp 1: VN sẽ tham gia các hiệp ước kinh tế và quân sự với Mỹ và đồng minh ở châu Á. Tham vọng chiếm 80% Biển Đông (BĐ) với đường lưỡi bò của TC hoàn toàn tan vỡ vì BĐ được kiểm soát phần lớn, và theo quy ước quốc tế, bởi các nước trong “liên minh dân chủ” như Nhật Bản và Nam Hàn ở phía trên, VN và Phi ở giữa, Mã Lai, Indonesia và Úc ở phía dưới. TC lúc đó cũng sẽ khó giữ những phần chiếm được bằng vũ lực ở Hoàng Sa (HS) và Trường Sa (TS). Giấc mơ trở thành một cường quốc biển, một siêu cường thế giới sẽ phải biến dạng và thu nhỏ. TC sẽ không bao giờ chấp nhận kịch bản này, do đó sẽ bằng mọi giá ngăn cản VN trở thành một nước tự do dân chủ.
Nếu VN vẫn tiếp tục tình trạng hiện nay trong Trường hợp 2 thì một điều chắc chắn sẽ xảy ra là sự kiểm soát và khống chế của TC lên toàn bộ đất nước VN càng ngày càng thắt chặt. Khi đó có thể trong vòng 10-15 năm nữa VN sẽ trở thành một Tân Cương hay Tây Tạng phía Nam của TC. Căn cứ quân sự của TC sẽ mọc lên dọc bờ biển VN ở Vũng Áng, Cửa Việt, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, cộng thêm các căn cứ quân sự đã có hay xây mới ở Hải Nam, HS và TS. TC lúc đó có đủ sức mạnh và hiện diện để khống chế 60-70% BĐ. Thế lực của Mỹ và đồng minh sẽ bị thu hẹp. Dĩ nhiên Mỹ sẽ không chấp nhận kịch bản này và sẽ làm những gì có thể để ngăn chận.
Trong cuộc đối đầu không chính thức giữa Mỹ và TC thì VN đang đóng vai trò một con bài vừa có tính quyết định vừa có tính phụ thuộc. Con bài VN có tính quyết định vì VN ngã về phía nào thì phía đó nắm thế thượng phong trong việc kiểm soát BĐ. Yếu tố VN cũng mang tính phụ thuộc vì chế độ CS nắm quyền hiện nay không thể dứt khoát đứng hẳn về phía nào, mặc dù nội bộ lãnh đạo đảng CSVN đã quyết định thần phục TQ sau hội nghị Thành Đô nhưng bên ngoài đối với dân chúng (và thế giới) họ phải che giấu bộ mặt bán nước, và chỉ cho phép TC từ từ khống chế VN bằng con đường kinh tế, văn hóa và quân sự.
Trong gần 25 năm vừa qua TC đã đạt nhiều thành công trong chiến lược “con tằm khổng lồ TC ăn dần lá dâu nhỏ bé VN”, và nếu tình trạng này kéo dài thêm 10-15 năm nữa thì “lá dâu VN” có thể bị tiêu hóa hoàn toàn. Tuy nhiên cuộc cờ đã thay đổi. Chiếc mặt nạ ngụy trang mà cả hai đảng CS cố gắng giữ gìn và tô điểm đã rơi xuống trong biến cố giàn khoan HD-981. Hơn ai hết, người dân VN giờ đây đã thấy rõ bộ mặt xâm lăng bành trướng của TC.
Có thể TC thấy rằng cuộc cờ đã chín muồi để bước sang giai đoạn kết thúc. Cũng có thể vì những lý do ngoài ý muốn TC phải chuyển thế cờ sớm hơn dự định. Dù lý do thế nào đi nữa thì CSVN đang ở thế kẹt tuy rằng trong thâm tâm họ vẫn muốn câu giờ. Lãnh đạo CSVN hiểu rõ dã tâm của các “đồng chí TC” nhưng 25 năm trước đây họ quyết định thần phục TC với hiệp ước Thành Đô. Đó là một quyết định dứt khoát với đầy đủ ý thức là VN sẽ đi vào một thời kỳ “Bắc thuộc kiểu mới”. Họ đã bước chân xuống vũng bùn và đã lún sâu không thể rút chân ra, nhất là giờ đây với tài sản khổng lồ hàng tỷ đô-la, với tham vọng con cháu họ sẽ tiếp tục nắm cái ghế quyền lực. Cược quá lớn không thể để mất nên họ phải tiếp tục con đường bán nước.
Cuộc tranh chấp chủ quyền ở BĐ thật ra là sự tranh giành vị trí cầm đầu ở châu Á giữa Mỹ và TC. Mỹ không thể để mất đi vị trí số 1 ở Thái Bình Dương và TC không thể trở thành thủ lãnh ở châu Á nếu không kiểm soát được BĐ. Vì cả hai đều không muốn chiến tranh mở rộng nhưng TC hiện đang ở thế chủ động và từng bước lấn chiếm BĐ nên tình hình sẽ càng ngày càng xấu đi. Đến một lúc nào đó trước khi chiến tranh xảy ra thì Mỹ và TC sẽ thấy cần phải ngồi lại thương thuyết chia vùng ảnh hưởng bằng một phương án chấp nhận được đối với cả hai phe. Phương án đó có thể là một trong hai giải pháp sau đây:
1. Mỹ đồng ý để VN chịu ảnh hưởng của TC, đổi lại TC từ bỏ tranh chấp chủ quyền với Nhật và Phi, và TC đồng ý các quy định quốc tế về lãnh hải và tự do hàng hải trên BĐ.
2. Mỹ và TC chia đôi VN, phía Bắc chịu ảnh hưởng của TC và phía Nam trung lập hay thuộc ảnh hưởng của Mỹ. Đổi lại TC phải nhượng bộ Nhật và Phi về chủ quyền các đảo đang tranh chấp, tuân thủ các quy định quốc tế như ở giải pháp 1.
Có lẽ sẽ không có giải pháp toàn nước VN trung lập vì TC tin rằng khi VN không còn CS thì VN sẽ thoát khỏi quỹ đạo của TC. Mỹ cũng tin rằng nếu CSVN vẫn nắm chính quyền thì VN vẫn mãi mãi chịu ảnh hưởng của TC cho dù CSVN hứa hẹn sẽ có tiến bộ về hồ sơ nhân quyền.
Nếu thật sự chỉ có 2 giải pháp nói trên được cả hai phe Mỹ và TC chấp nhận thì tương lai đất nước VN rất mù mịt. Trừ phi…
Bây giờ chúng ta thử tưởng tượng rằng trong vòng 1-2 năm nữa các phong trào quần chúng cũng như các lực lượng dân chủ trong nước đủ mạnh để cùng đứng lên đòi chế độ CS phải cáo chung, giao lại chính quyền cho người dân để xây dựng một thể chế dân chủ đa nguyên, một quốc gia có đầy đủ chủ quyền và bảo đảm tự do cho mỗi thành viên của dân tộc. Dĩ nhiên CSVN, với sự trợ giúp tích cực của TC, sẽ tìm mọi cách để ngăn chận, dập tắt, phá hoại, hãm hại cái mà họ thường gọi là “thế lực thù địch” này. Nhưng bao nhiêu người trong BCT và TƯ đảng CSVN có thể ngăn chận khí thế như triều dâng của 90 triệu dân Việt?