Âm mưu của Trung Quốc đằng sau cuộc gặp Biden – Tập sắp tới
Bình luận Jon Sun • Michael Zhuang • 18:01, 04/11/23
Tòa Bạch Ốc đã thông báo rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại diễn đàn APEC ở San Francisco (Mỹ) vào tháng 11. Chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Tập được coi là nỗ lực lợi dụng Washington để giải vây cho Trung Quốc trong thời điểm kinh tế Trung Quốc hỗn loạn và quan hệ với quốc tế đầy căng thẳng.
Trên bình diện quốc tế, các chính sách bành trướng của ĐCSTQ khiến các nước phương Tây đề cao cảnh giác. Chính quyền Trung Quốc đang tìm cách xuất khẩu hệ tư tưởng độc tài của họ, cũng như tìm cách kiểm soát hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp thế giới thông qua “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI). Trung Quốc ngày càng đe dọa an ninh khu vực ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, đồng thời tích cực thiết lập các liên minh bất chính với Triều Tiên, Iran và Nga. Điều này dẫn đến làn sóng các nước phương Tây đưa ra nhiều hạn chế xuất khẩu công nghệ cao và chất bán dẫn sang Trung Quốc.
Năm ngoái, báo cáo Chiến lược Quốc phòng Quốc gia của Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất của Hoa Kỳ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chỉ ra rằng Trung Quốc là kẻ đối địch duy nhất có cả ý định và cả sức mạnh ngày càng lớn mạnh để thay đổi trật tự thế giới.
Trước những thách thức này, ông Tập biết rằng cách duy nhất để giảm bớt áp lực là có được mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Trong lịch sử của ĐCSTQ, Hoa Kỳ đã “giúp đỡ” Đảng này giải quyết một số cuộc khủng hoảng lớn.
Trung Quốc nhiều lần nhận được sự giúp đỡ từ Hoa Kỳ
Trong lịch sử, ĐCSTQ đã nhiều lần cầu cứu Hoa Kỳ. Trước cuộc Cách mạng Cộng sản ở Trung Quốc, ĐCSTQ là một thế lực nổi dậy yếu đuối, cố gắng ca ngợi Hoa Kỳ, tỏ ra ủng hộ Hoa Kỳ, nhằm tạo ảo tưởng rằng ĐCSTQ đại diện cho nhân dân và nền dân chủ. Điều này dẫn đến việc Hoa Kỳ đã ngừng hỗ trợ chính phủ Trung Hoa Dân Quốc vào thời điểm đó.
Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, họ ngay lập tức trở nên thù địch với Mỹ, tuyên bố muốn “đánh bại chủ nghĩa đế quốc Mỹ”. Năm 1950, Mỹ chấm dứt quan hệ thương mại với Trung Quốc, áp đặt lệnh cấm vận triệt để và kêu gọi các nước đồng minh của Washington cũng làm như vậy.
Trong Chiến tranh Triều Tiên những năm 1950, ĐCSTQ hiểu được sức mạnh quân sự của Mỹ; các thỏa thuận an ninh giữa Hoa Kỳ với các nước láng giềng của Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Úc được coi là mối đe dọa đối với Bắc Kinh. Vì vậy ĐCSTQ đã không dám đánh giá thấp Hoa Kỳ. Sau sự thất bại của nền kinh tế kế hoạch và cuộc Cách mạng Văn hóa tàn khốc, nền kinh tế Trung Quốc về cơ bản không tồn tại, và mối quan hệ với Liên Xô trở nên căng thẳng. Nhà độc tài Trung Quốc Mao Trạch Đông vào thời điểm đó cảm thấy rằng ông cần khẩn cấp có được sự trợ giúp từ bên ngoài để thoát khỏi cuộc khủng hoảng.
Tháng 7/1971, Hoa Kỳ cử ông Henry Kissinger tới Bắc Kinh để sát cánh cùng Trung Quốc chống lại Liên Xô. Liên hệ ngoại giao giữa hai nước bắt đầu được thiết lập. Hoa Kỳ tìm kiếm mối quan hệ ngoại giao với ĐCSTQ dựa trên niềm tin rằng thông qua thương mại và đầu tư, Trung Quốc sẽ hội nhập nền kinh tế toàn cầu và dần trở thành một phần của thế giới tự do. Điều này phù hợp với các giá trị và lợi ích của Hoa Kỳ. Mối quan hệ Mỹ – Trung tan băng là sự giải tỏa to lớn đối với nhà độc tài Trung Quốc, và nó giúp Trung Quốc giải quyết cuộc khủng hoảng trong nước.
Đầu những năm 1980, Hoa Kỳ đã bán radar tiên tiến, máy bay trực thăng, thiết bị giám sát điện tử và máy tính có phần mềm quân sự tiên tiến cho Trung Quốc, giúp nâng cấp sâu rộng quân đội Trung Quốc.
Bước ngoặt xảy ra vào ngày 4/6/1989 khi ĐCSTQ đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và tiến hành Vụ thảm sát Thiên An Môn. Thế giới bàng hoàng trước sự tàn bạo của Đảng. Sau sự kiện Lục Tứ, Hoa Kỳ đã áp đặt một số lệnh trừng phạt lên Trung Quốc. Trao đổi cấp cao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đột ngột kết thúc; cộng đồng quốc tế cũng tham gia trừng phạt Bắc Kinh. Chính quyền Trung Quốc một lần nữa rơi vào khủng hoảng.
Sau năm 1989, Hoa Kỳ giữ lập trường chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề an ninh và nhân quyền trong khu vực. Khi Liên Xô sụp đổ cùng với chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu, liên minh chiến lược của Hoa Kỳ với Trung Quốc chống lại Liên Xô không còn tồn tại.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Tổng thống Mỹ George Bush Sr. đã dần khôi phục mối quan hệ với Trung Quốc. Đây được coi là một sai lầm lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ, vì nó đã tạo điều kiện thuận lợi một cách khách quan cho ĐCSTQ. Theo cách nào đó, điều này giúp củng cố chính quyền Trung Quốc để họ duy trì quyền lực cho đến ngày nay.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng nói rằng, sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ vẫn tin rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ tất yếu trở thành một quốc gia tự do, và với sự lạc quan đó, Mỹ đã hoan nghênh Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001.
Ông Tập tìm ‘phao cứu sinh’ từ Mỹ giữa khủng hoảng trong nước
Ông Gia Cát Minh Dương (Zhuge Mingyang) – một nhà báo độc lập – nói rằng: “Sự sụp đổ cuối cùng của ĐCSTQ và của ông Tập Cận Bình là điều không thể tránh khỏi. Hoa Kỳ và thế giới phương Tây hiện đang hết sức cảnh giác với ĐCSTQ, và họ sẽ không cho phép Đảng này làm bất cứ điều gì Đảng muốn về mặt chính trị, kinh tế và quân sự”.
Gần đây, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Hoa Kỳ Mitch McConnell đã gọi Trung Quốc, Nga và Iran là “trục ma quỷ mới” mà Hoa Kỳ phải đối phó. Ông coi chiến tranh Nga – Ukraine và chiến tranh Israel – Hamas là bối cảnh nền cho cuộc đấu tranh giữa trục ma quỷ mới này với Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ.
Trong hội nghị thượng đỉnh về Sáng kiến Vành đai và Con đường vừa kết thúc, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Trung Quốc và Nga nên hợp tác cùng nhau để “bảo vệ hòa bình và công lý trên thế giới”. Trong chuyến thăm Nga trước đây, ông Tập cũng nói với ông Putin rằng họ nên hợp tác cùng nhau để đối mặt với “những thay đổi chưa từng thấy trong một trăm năm qua”. Ông Putin ca ngợi ông Tập là “một trong những nhà lãnh đạo được tín nhiệm nhất của thế giới”.
Kể từ khi bắt đầu chiến tranh Nga – Ukraine, Trung Quốc đã cung cấp cho Nga chất bán dẫn, máy bay không người lái, kính ngắm quang học và công nghệ quốc phòng quan trọng. Nga công khai thừa nhận rằng hầu hết thiết bị bay không người lái họ sử dụng đến từ Trung Quốc.
Ở cuộc chiến Israel – Hamas, lực lượng khủng bố Hamas được hậu thuẫn bởi Iran – đồng minh thân cận của ĐCSTQ. Trung Quốc và Iran đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược vào năm 2021 và Iran đang nhận được một lượng viện trợ quân sự tương đối lớn từ Bắc Kinh. Nhiều người nghi ngờ rằng ĐCSTQ có thể đang gián tiếp hỗ trợ một cuộc chiến ủy nhiệm nhằm đánh lạc hướng Hoa Kỳ khỏi cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Ông Gia Cát nhận xét: “Trong bối cảnh tình hình toàn cầu hiện nay, tôi e rằng việc ông Tập mong đợi Hoa Kỳ hỗ trợ ông ấy và tiếp tục cung cấp ‘phao cứu sinh’ cho ĐCSTQ là điều không thực tế, nhưng ông Tập sẽ không gặp ông Biden với tay không. Trong tay ông ấy hẳn là có 2 con bài: chiến tranh Nga – Ukraine và chiến tranh Israel – Hamas. Ông ấy có thể sẽ dùng chúng để đàm phán với Hoa Kỳ rằng, đổi lại việc ĐCSTQ từ bỏ sự ủng hộ dành cho Nga và Hamas, Hoa Kỳ phải từ bỏ hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc”.
“Nếu chuyến đi của Tập Cận Bình diễn ra như ý muốn của ông ấy, thì ông ấy sẽ củng cố quyền lực của mình trong ĐCSTQ, không chỉ nối lại huyết mạch của Đảng mà còn giảm bớt đáng kể cuộc khủng hoảng của chính mình. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất ngờ ở Trung Quốc, chẳng hạn như cái chết của cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, liệu ‘cuộc gặp Biden – Tập’ có thành hiện thực? Và ngay cả nếu thành hiện thực, liệu Hoa Kỳ có thực sự tin ông Tập không? Tất cả những yếu tố này đều nằm ngoài tầm kiểm soát của ông Tập”.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.
Theo The Epoch Times – Xuân Hoa biên dịch