CHIẾN SĨ ÁO ĐEN, Những Chiến Sĩ thầm lặng.
Ngày 16/6 năm 1954, Thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ là Bửu Lộc từ chức, thì ngay ngày hôm sau 17/6/1954, vua Bảo Đại mời ông Ngô Đình Diệm ra làm Thủ tướng và lập nội các. Ngày 21/7/1954 lúc 3 giờ 50 sáng, hiệp định Geneve được ký kết, thiết lập một giới tuyến tại vỹ tuyến 17, quy định thời hạn tối đa để hai bên rút quân là 300 ngày. Sở dĩ Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản phải chịu ký chia đôi đất nước là vì sức ép của Trung cộng và Liên Xô, và bị kiệt quệ nặng nề sau trận đánh Điện Biên Phủ, cần có một thời gian dài để khôi phục. Chu Ân Lai đã tuyên bố: “trong trường hợp cuộc xung đột ở Đông Dương mở rộng, chính phủ của ông ta không thể viện trợ cho Việt Minh được nữa”. Cộng sản đã chuẩn bị cho cuộc xâm lăng sau này bằng cách đưa 4500 người từ miền Nam ra Bắc để huấn luyện và cho trở về miền Nam trước khi Hiệp định Geneve được ký kết, chứng tỏ cộng sản BV đã có âm mưu gây chiến tranh từ trước. Nhóm này thực hiện khủng bố phá hoại làm đặc công nằm vùng, hỗ trợ cho các cuộc tấn công, pháo kích dự trù trong tương lai. Trong số tập kết sau hiệp định Geneve có nhiều cán bộ cao cấp của cộng sản bí mật nằm lại để chỉ huy đánh phá miền Nam sau này có tên đầu sỏ Lê Duẩn. Và chính phủ miền Nam do Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng không đặt bút ký vào văn bản trên, và quyết tâm xây dựng một miền Nam dân chủ, tự do vững mạnh để chuẩn bị đương đầu với cộng sản Bắc Việt tay sai của Đệ tam quốc tế cộng sản.
Kết quả là gần 2 triệu người Bắc sau ngày 20/7/1954, ngày ký Hiệp định Geneve, vì đã hiểu rõ sự tàn bạo của cộng sản nên bất kể sống chết tháo chạy, bỏ tất cả tài sản, mồ mả cha ông để vào Nam tìm tự do. Không chạy sao được vì cộng sản chủ trương vô thần, ai không ủng hộ cộng sản, hoặc ở lại vùng quốc gia quản lý đều bị cộng sản chụp cho cái mũ là phản động chỉ có con đường chết. Với thủ đoạn tàn bạo của cộng sản đã từng thanh toán các đảng phái yêu nước chống Pháp, những người bị cho là “ngụy tề” không theo Việt Minh đều bị liệt kê vào danh sách cần thanh toán. Trước hoàn cảnh đó những người yêu chuộng tự do miền Nam, chính phủ Ngô Đình Diệm không còn cách nào hơn là tìm cho mình một đồng minh, lúc bấy giờ không ai bằng người Mỹ để chống lại sự xâm lăng của cộng sản BV lúc này được sự giúp sức tận tình của Đệ tam Quốc tế cộng sản đứng đầu là Nga Hoa. Nhưng hỡi ôi! Người bạn đồng minh Mỹ lại đặt “Chiến lược toàn cầu” và quyền lợi của nước Mỹ lên hàng đầu nên cuối cùng miền Nam bị bán đứng.
Ngày 20 tháng 12 năm 1960, theo nghị quyết của Đại hội Đảng cộng sản lần thứ III tháng 9/1960 “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” là con bài của Bắc Việt ra đời, nhằm có cớ xâm lăng miền Nam, do Nguyễn Chí Thanh được Hồ Chí Minh giao quyền lãnh đạo đánh phá miền Nam, căn cứ đặt tại khu rừng Tanot bên Miên. Do đó để ngăn chận làn sóng đỏ người Mỹ đã nhảy vào nội tình miền Nam càng ngày càng sâu. Sau khi cấu kết cùng đám phản tướng loạn quân để giết TT Ngô Đình Diệm năm 1963, qua hai năm biến động tiềm lực chiến đấu của QLVNCH sa sút nghiêm trọng, năm 1965 toán quân Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng và theo đó ngày càng gia tăng. “Mỹ hóa chiến tranh” là một sự sai lầm nghiêm trọng, 500 ngàn quân Mỹ tràn ngập miền Nam. Quân Lực VNCH đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương lãnh thổ, tài sản của đồng bào miền Nam, có đầy đủ chính nghĩa được thế giới ủng hộ, thì với “Mỹ hóa chiến tranh” dưới con mắt của thế giới, QLVNCH thành ra tay sai, bù nhìn, lính đánh thuê cho Mỹ. Nhưng nếu không dựa vào Mỹ thì làm sao miền Nam chống lại sự xâm lăng của cộng sản Bắc Việt với cả khối cộng sản Đệ tam quốc tế yểm trợ. Theo thống kê gần đây cho biết Trung cộng đã đưa vào miền Bắc VN 320 ngàn quân để yểm trợ cùng với Cu Ba, Bắc Hàn và trên 10,000 cố vấn Liên Xô.
Trong thời kỳ đầu từ 1956 đến 1963, để ổn định tình hình nông thôn Việt Nam kế boạch “Bình Định Phát Triển Nông Thôn” do giáo sư Nguyễn Ngọc Huy điều hành ra đời, người Mỹ và một số chính trị gia VN cho rằng sở dĩ người dân nông thôn theo cộng sản chỉ vì nghèo nên chỉ cần làm cho nông thôn miền Nam phát triển giàu mạnh sẽ lôi kéo được dân không theo cộng sản nữa. Từ đó Chính phủ VNCH lập ra Bộ Xây Dựng Nông Thôn và Đoàn cán bộ XDNT ra đời. Đây là những chiến sĩ thầm lặng chống cộng có hiệu quả mà cộng sản muốn tiêu diệt nhất vì là mũi dao chí tử đánh trúng tim họ.
Ngoài ra còn có chương trình “Bình Định Nông Thôn” do ông Nguyễn Bá Cẩn chỉ huy, ông cho áp dụng phương cách sinh hoạt và kỹ thuật hoạt động của cán bộ cộng sản VN, nhiệm vụ là tổ chức mạng lưới tình báo bí mật trong xã, tổ chức mạng lưới tuyên truyền nổi chìm, áp dụng phương pháp tam cùng: “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân”. Song song với hai chương trình trên người Mỹ còn cho lập các Ấp Chiến Lược để chống lại du kích cộng sản, phải thừa nhận rằng có nhiều nơi thành công như tại Lương Sơn, Bình Thuận vì dân nơi đây sống tập trung nhưng cũng có chỗ không áp dụng được vì người dân quê VN sống rải rác nay phải tập trung lại gây cho họ bất bình, sau năm 1963 các Ấp Chiến Lược bị hủy bỏ thay thế bằng Ấp Tân Sinh vì người Mỹ không chịu cấp kinh phí. Để bảo vệ các Ấp Chiến Lược này, Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa ra đời, với tính cách tự nguyện, không ăn lương.
Thời kỳ này (khoảng 1958–1963) Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa hoạt động rất hăng say và có hiệu quả, chỉ với vũ khí thô sơ, gậy gộc dây thừng mà đã tóm được Việt Cộng gài lại vì đói quá, lại không thấy đồng chí mình quay về như đã hứa trong 2 năm nên mò về làng kiếm ăn như tại Chợ Lầu. Còn tại Lương Sơn thì phá vỡ nhiều cơ sở của địch, VC không dám mon men về vì lúc này lực lượng chúng chưa mạnh, chỉ lén lút ám sát các cán bộ chính quyền VNCH. Nhưng sau khi biến thành Ấp Tân Sinh, lực lượng Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa biến thành Dân Vệ, ăn lương bán thời gian, sau này khi Mỹ sắp rút về nước và trong kế hoạch “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” Lực lượng Dân Vệ được đôn lên thành Nghĩa Quân. Lực lượng này là kẻ thù không đội trời chung với cộng sản, vì thế họ thường bị ám sát.
Tại xóm Me, Xuân An, Chợ Lầu, một Nghĩa Quân đã bị chính cô em vợ dùng lựu đạn giết chết khi đang ngủ trưa tại nhà và thị đã bỏ theo VC, ít lâu sau thị đã bị Đại đội 118/ĐPQ tiêu diệt tại Xuân Quang trong một trận phục kích. Và trong trận tết Mậu Thân tại Bắc Bình Thuận, Nghĩa quân là lực lượng chính đánh bại quân cộng sản đột nhập vào thôn xóm, và bị hao tổn nhiều nhất. Ngoài ra tại các vùng biên địa dọc hành lang Trường Sơn mọc ra các Ấp Chiến Đấu, tuyển mộ 45 ngàn tay súng vào lực lượng Biệt Kích Mỹ, tại Bình Thuận có trại Trung Dũng Biệt Kích Mỹ Lương Sơn, lực lượng này làm VC không ngóc đầu lên nổi trong một thời gian dài, hầu như toàn khu Lê Hồng Phong bị giẵm nát bởi lực lượng này.
Tổng kết cho biết, từ sau Hiệp định Geneve đến tháng tư 1975, có hơn 924 ngàn quân cộng sản VN bị chết và hơn 300 ngàn mất tích tại chỉ riêng miền Nam Việt Nam và trong số này 80% là do lính VNCH tiêu diệt. Về công tác tình báo ghi nhận “Chiến Dịch Phượng Hoàng” đã làm cộng sản tại miền Nam một thời sắp bị tiêu diệt. Những nhân viên này được CIA Mỹ tài trợ, tiếc rằng chương trình này không được kéo dài lâu vì không có ngân sách.
Mặc dù trong hàng ngũ QLVNCH có rất nhiều vị tướng lãnh tài ba như Đỗ Cao Trí, Ngô Quang Trưởng cùng những vị tướng tá sĩ quan trẻ tài ba khác nhưng lực bất tòng tâm. Vì nằm trong sách lược “be bờ” của Mỹ nhằm ngăn chận cộng sản nhuộm đỏ thế giới còn lại. Trong sách lược dùng cộng sản tiêu diệt cộng sản thì không gì thích hợp bằng lợi dụng cuộc chiến Bắc Nam Việt Nam để xé nát hệ thống cộng sản Quốc tế, có như vậy Hoa kỳ mới làm bá chủ thế giới duy nhất.
Vì vậy mọi cản trở cho sách lược này đều bị san bằng như việc giết anh em Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm chỉ vì ông là người nhìn xa hiểu rộng nên không đồng ý cho Mỹ đem quân vào miền Nam làm mất đi chính nghĩa, ông chỉ muốn Hoa kỳ viện trợ kinh tế và vũ khí để tự miền Nam đánh cộng sản Bắc Việt. Tập đoàn diều hâu Mỹ còn dập tắt kế hoạch “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” của TT Mỹ Nixon chỉ vì ông ta chủ trương Mỹ rút khỏi miền Nam nhưng chính quyền miền Nam vẫn đứng vững, cuối cùng ông ta bị hạ bệ bởi một tội danh kỳ quái “Tội nghe lén”.
Để hoàn thành sách lược trên, người Mỹ cho áp dụng sách lược “Đánh mà không được thắng”. Nên mặc dù có lúc hiện diện tại VN trên 500 ngàn quân với các khí tài tiên tiến so với Bắc Việt và với một ngân khoản chi tiêu vô cùng lớn lao 354 tỷ Đô–la trong một cuộc chiến không cân sức. Nếu cần thì Mỹ sẽ cho Bắc Việt thành bình địa, quay về thời kỳ đồ đá chỉ trong vài ngày, thế mà sau khi cuộc chiến chấm dứt ta thấy Hà Nội và các thành phố lớn ở miền Bắc vẫn còn nguyên trạng vì số bom đạn mà Mỹ đổ xuống chỉ xuống sông xuống biển, rừng núi không người.
Người Mỹ lại dở trò sa lầy tại cuộc chiến miền Nam để điều đình xin tháo chạy trong danh dự qua cái hiệp định quái thai “Hiệp Định Ba–Lê”. Quả nhiên Nga Tàu trúng kế nên tự đắc nghĩ rằng cọp giấy Mỹ đã hết thời không còn dám can thiệp chuyện bao đồng nữa. Một nước nhỏ như miền Bắc VN mà Mỹ không thắng nổi nên Nga Tàu sinh ra kiêu căng, ngạo mạn vì thế xua quân xâm lược Afganistan năm 1979, yểm trợ khí tài tiền bạc cho CSBV xâm chiếm Campuchia, thuê Cuba đánh Mozambique, Ethopia, giành quyền lợi với Trung Cộng tại biển đông, dàn trận đánh nhau với Trung Cộng tại Hắc Long Giang. Cuối cùng y như sách lược của Mỹ, Nga–Hoa thi nhau sụp đổ, kéo theo cộng sản Đông Âu sụp theo. Cộng sản Việt Nam bơ vơ nên khi bị Liên Xô bỏ rơi, cũng bị sa lầy ở Campuchia và quay sang xin xỏ Mỹ rút khỏi Campuchia và Lê Duẩn cùng Lê Khả Phiêu lén lút qua Thành Đô bên Tàu ký hiệp ước bán đất, dâng biển cho Tàu cộng để bảo vệ đảng.
Lướt qua diễn tiến cuộc chiến Quốc Cộng trên cho ta thấy không chỉ nhân dân miền Nam bị tai họa của cộng sản vì bị xâm lược mà chính nhân dân miền Bắc còn đau khổ hơn. Cộng sản Bắc Việt với một chính sách bạo tàn, xem nhân dân miền Bắc như bầy súc vật, cả nửa nước là một địa ngục A Tỳ. Chế độ tem phiếu, và tập trung ruộng đất, bóp nghẹt bao tử, chính sách hộ khẩu làm cho không ai dám chống lại chế độ vì vậy hầu hết thanh niên miền Bắc đều “Sinh Bắc, tử Nam”. Những em bé mới 14–15 tuổi phải ra trận, phụ nữ cũng ra chiến trường đến nỗi khi về lại nhà chỉ còn lại bộ xương biết đi vì bệnh tật, không làm sao có chồng được vì hầu như thanh niên miền Bắc đều chết ở chiến trường lót đường cho Bác và Đảng vinh thân phì gia.
Trong cuộc chiến không biên giới, kẻ thù và người thân không phân biệt. Ngày ra đi hạn chót tập kết bộ đội ra bắc tháng 9/1954, cộng sản đã cài lại miền Nam một số cán bộ nằm vùng rất lớn, chôn dấu vũ khí đạn dược và quan trọng nhất là lấy được vợ để gieo cấy một sợi dây tình cảm ràng buộc sau này. Chuyện lấy vợ của các “Chiến sĩ cách mạng” trước khi tập kết được nhiều người biết đến và trở thành chuyện khôi hài cười ra nước mắt, số là đảng ta vận động những cô thôn nữ hiến dâng trinh tiết cho những “Chiến sĩ cách mạng” trong những buổi lửa trại tập thể có liên hoan ca hát và nhậu nhẹt say sưa, để rồi các cô này mang những bào thai mà không biết chính xác ai là cha đứa bé. Vì thế ta không lạ gì sau này những người chồng tập kết trở về, các người vợ, cha mẹ, những người có con hoang với “chiến sĩ cách mạng” thường che giấu nuôi dưỡng chúng. Cộng thêm sự nhân từ của một chính thể có nền pháp trị tiên tiến nhất Đông Nam Á là miền Nam VN lúc bấy giờ nên vô tình giúp cộng sản nằm vùng sinh sôi nảy nở.
Sau khi ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh, miền Nam tan hoang trong đổ nát, thù trong giặc ngoài, mãi tới năm 1960 mới bình định xong tạm yên thì cái bóng ma cộng sản lại ập đến. Mặt trận Giải phóng Miền Nam, một mặt trận ma ra đời làm bàn đạp cho cộng sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam. Từ đây miền Nam sống trong chiến tranh, một cuộc chiến mà đâu đâu cũng thấy toàn là bóng ma. Từ những mối ràng buộc dây mơ rễ má trên, cuộc chiến tại miền Nam bước sang giai đoạn mới. Cuộc chiến thầm lặng nhưng âm ỉ đấu tranh giữa Quốc – Cộng càng ngày càng khốc liệt.
Những Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Cảnh sát đặc biệt, Phượng hoàng ra đời, một lớp cán bộ xã ấp được đào tạo để thích ứng với nhu cầu chiến trường mới. Các Sư đoàn Chủ lực quân, Nhảy dù, TQLC, BĐQ tảo thanh diệt địch nơi chiến trường, giao lại cuộc chiến thầm lặng cho những Phượng Hoàng, Cảnh sát, Nhân viên xã ấp nơi mà chỉ có những bóng ma, nhưng vô cùng nguy hiểm vì ai chiếm được, làm chủ được nông thôn tức kẻ đó chiến thắng. Như đã nói ở trên vì phải nhờ người Mỹ giúp đỡ tài lực để đánh cộng sản xâm lược nên cũng bị Mỹ ràng buộc về nhân quyền. Chính quyền miền Nam với một thể chế tự do, dù không ưu việt lắm nhưng cũng đáng hãnh diện lúc bấy giờ, không thể nào dùng thủ đoạn để tiêu diệt đám nằm vùng này. Ấp Chiến lược ra đời nhằm chống lại sự xâm nhập của cộng sản rất thành công, nhưng khốn nạn thay vì nằm trong sách lược “Mỹ Hóa chiến tranh” và kế tiếp là “be bờ” của Mỹ nên miền Nam chỉ có đánh mà không được thắng và kết quả là TT Ngô Đình Diệm bị giết hại, toàn bộ Ấp Chiến Lược bị đập phá để biến thành Ấp Tân Sinh.
Cũng từ ngày ấy, Nhân viên xã ấp, Cảnh sát đặc biệt, XDNT lâm vào tình trạng chiến đấu nguy kịch vì kẻ thù xen kẽ. Việt cộng mạnh lên nhờ được gia đình tiếp tế, bọn chúng sắp bị tiêu diệt, một số lớn đã ra đầu thú thì nay như một ngọn gió thổi bùng tàn lửa. Đường sá, cầu đường, bệnh viện, trường học, các cơ sở hành chính bị đốt phá hầu hết trong vùng quê. Trong tỉnh Bình Thuận đường xe lửa bị lật ngang, Quốc lộ 1 bị cắt làm hai đoạn, một ở xã Vĩnh Hảo cho đến gần Cà Ná, một ở tại đoạn Cây Táo. Bọn nằm vùng trỗi dậy len lỏi vào chức vụ đầu tỉnh như Đinh Văn Đệ làm cho tình hình tại Bình Thuận từ năm 1965–1969 thêm bi đát lại càng bi đát hơn.
Có ai thấu hiểu cho những chiến binh thầm lặng này, chính họ đã là những anh hùng đáng được ghi ân trong cuộc chiến chống cộng sản trước 1975. Trong bối cảnh tranh tối tranh sáng đó, họ âm thầm lặng lẽ kiên trì bám trụ, những ấp trưởng, xã trưởng và nhân viên tại các xã vùng Bắc Bình Thuận, ngoại trừ quận Hải Ninh, Sông Mao nơi có Trung đoàn 44/SĐ23BB trấn giữ là được an lành tối có thể ngủ ở nhà, còn lại kể cả thị trấn lớn như Long Hương, Phan Rí–Cửa, các cán bộ xã ấp mỗi khi đêm về thì chính họ cùng với NDTV tuần tra bảo vệ cơ sở và chiến đấu bảo vệ mạng sống của họ. Còn tại Chợ Lầu thì càng bi đát hơn vì địa thế trống trải, gần mật khu Lê của địch nên ban đêm là nỗi ám ảnh.
Trong một lần tuần tra cùng Nghĩa quân và NDTV một cán bộ xã đã bị VC phục kích bắn chết, một lần đâu chừng 8 giờ 30 tối, một trái lựu đạn đã được quăng vào nhà giết chết anh Nguyễn Hai một cán bộ xã khác và làm người vợ của anh bị thương. Từ đó cứ mỗi chạng vạng tối là từng đoàn người lũ lượt từ các thôn ấp Xuân Quang, Hiệp Thành, Xuân Hội, Xuân An kéo về xã Hựu An Phan Lý Chàm trú ẩn và sáng lại lũ lượt kéo nhau về. Trong số này có anh Ấp Trưởng Xuân Quang anh Nguyễn Xin sáng nào anh cũng theo chân đoàn quân mở đường của Đại đội 118/ĐPQ để về thôn Xuân Quang làm việc. Một lần khác VC tiềm phục trong nhà của Sáu Bạn tại Xuân An, là một cán bộ Cảnh Sát Đặc Biệt của chi khu Hoa Đa chờ ông về để bắn, nhưng may mắn ông đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Nhưng chúng nó theo dõi điều nghiên thói quen của ông, cuối cùng chúng cũng thành công trong việc hạ sát người chiến sĩ Cảnh Sát đặc biệt can trường này trên đường về nhà tại khu vực giữa Xóm Vàng và Quán Mía trên QL1 (khu ba Liêm Bình) vào lúc 9 giờ sáng, chỉ vì anh triệt để chống cộng, phá nát cơ sở của VC trong vùng. Ông cựu xã trưởng Chợ Lầu tên Ích bị VC bắt nhốt trong khu Lê gần 10 năm mới được chúng thả, Sáu Quạt một Liên gia trưởng bị chúng bắt giết để lại đàn con 10 đứa nheo nhóc, và chúng bắt đi một số thanh thiếu niên theo chúng gây nợ máu, số này chết gần hết khi gần tàn cuộc chiến. Anh Tê, một cán [bộ] của thôn Xuân An cũng bị nó bắt giết thảm khốc tại gốc me xóm Bún, và rất nhiều Liên gia trưởng bị chúng bắt vào rừng học tập cảnh cáo, còn rất nhiều những chiến sĩ thầm lặng hy sinh trong cuộc chiến này.
Tại Phan Rí–Cửa, mặc dù là một thị trấn tương đối an ninh, nhưng thỉnh thoảng VC cũng bất thần mò về như trong năm 1968, chúng bắt đi và giết thầy cựu Hiệu trưởng trường Bán Công Phan Rí–Cửa Trương Minh Huệ và đốt nhà Trúc Viên Trương Gia Kỳ Sanh, một dân biểu từng nối giáo cho giặc nhưng chúng cũng không tha. Những lần về như vậy chúng đều bị đền tội, đầu năm 1969, bọn chúng đánh úp chi khu Hòa Đa gây cho ta tổn thất nghiêm trọng, và chúng đền tội ngay sau đó khi tấn công vào BCH/LĐ2/8/ĐP tại Yếu Khu PRC.
Một lần trong chuyến đi công tác mật từ Phan Rí–Cửa đến Lương Sơn, Trung sĩ Cảnh Sát đặc biệt Hào đã bị VC chận bắt tại khúc đường vắng gần Hiệp Hòa, nhưng với mưu trí nên khi bị dẫn vào động Thái An anh đã dùng súng ngắn còn giấu trong người bắn hạ một tên và chạy thoát, vì hành động này sau ngày 30/4/75 anh bị bọn chúng đày ải qua những trại tù tàn khốc nhất; kém may mắn hơn, một Nghĩa quân bị chúng chận bắt khi đi từ Chợ Lầu lên Lương Sơn và bị bắn ngay tại chỗ. May mắn ở Lương Sơn có một Ấp chiến lược tốt và dưới sự chỉ huy tài ba và can trường của xã Dược nên VC không đột nhập được, nhưng những cán bộ xã ấp XDNT, cảnh sát phải chiến đấu kiên cường để bảo vệ mảnh đất quê hương thân yêu và bản thân cùng gia đình họ. Thật là một sự hy sinh to lớn đáng vinh danh, thường thì mọi người cứ nghĩ đến những chiến sĩ can trường đấu tranh giữa trận tuyến với địch mới là những người con kiêu hùng, và thường hay quên đi số phận hẩm hiu của những chiến sĩ thầm lặng nhưng đầy can trường này. Chính họ đã giữ vững an lành cho hậu phương để cho tiền tuyến an tâm đánh giặc.
Qua bao nhiêu năm rồi, vinh danh họ có muộn màng không? Thưa có như vậy, nhưng chúng ta phải tri ân họ vì chính họ mới là những anh hùng thật sự trên trận tuyến chống cộng sản xâm lược. Chiến tích của họ thật thầm lặng nhưng không kém phần quan trọng trong cuộc chiến. Xin đốt nén nhang nghiêng mình trước những chiến sĩ thầm lặng đã nằm xuống, và xin tri ân những người còn sống sót sau cuộc chiến. Dù đang ở một phương trời nào cũng xin nhận nơi đây lòng biết ơn sâu sắc.
Xuân An, Cao H Sơn
Gia đình CB/XDNT Bắc California