ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 7//11/2023
Ông Trump từ chối lời mời thăm Kyiv của Tổng thống Zelensky
Cựu Tổng thống Donald Trump đã từ chối lời đề nghị đến thăm Ukraine của Tổng thống Volodymyr Zelensky, đồng thời cho biết điều này sẽ gây ra “xung đột lợi ích” trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
“Tôi rất tôn trọng Tổng thống Zelensky, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ không phù hợp nếu đến Ukraine vào thời điểm này”, ứng cử viên tổng thống đang dẫn đầu của Đảng Cộng hòa viết trong một tuyên bố phản hồi lời mời. “Chính quyền Biden hiện đang giải quyết vấn đề với ông ấy và tôi không muốn tạo ra xung đột lợi ích”.
Israel loan báo đã chiếm đóng thành trì Hamas
Sáng Thứ Hai, 6 Tháng Mười Một, Lực Lượng Phòng Vệ Israel IDF cho biết bộ binh đã chiếm được một thành trì của Hamas trong đêm và khoảng 450 cứ điểm của nhóm khủng bố bị oanh tạc, cuộc tấn công đổ bộ của Israel ở Dải Gaza vẫn tiếp tục.
Theo IDF, khu nhà này có các trạm quan sát, thao trường và đường hầm dưới lòng đất.
IDF nói một số thành viên Hamas thiệt mạng khi họ chiếm được cứ điểm.
Trong các mặt trận khác, quân đội tiêu diệt một số chỉ huy chiến trường của Hamas, IDF cho hay.
Trong một diễn tiến khác, IDF cho biết các chiến đấu cơ tấn công hơn 450 mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza trong ngày qua, gồm có các đường hầm, khu quân sự, trạm quan sát và các bãi phóng hỏa tiễn chống tăng điều khiển vô tuyến.
Một cuộc không kích đã kết liễu Jamal Musa, người đứng đầu các hoạt động biệt kích Hamas.
IDF nói rằng Hải Quân cũng tấn công nhắm vào các cứ điểm của Hamas, gồm có các sào huyệt, bãi phóng hỏa tiễn vô tuyến chống tăng các trạm quan sát.
Mỹ e ngại bán súng cho Israel làm bạo lực Bờ Tây leo thang
Israel đang muốn có 24,000 khẩu súng trường tấn công. Itamar Ben-Gvir, một bộ trưởng khuynh hữu đảm trách giám sát cảnh sát, từng trao súng trường cho thường dân và thành lập “đội an ninh.”
Việc chính phủ Israel yêu cầu 24,000 khẩu súng trường tấn công từ Hoa Kỳ đang thu hút sự quan sát từ các nhà lập pháp Mỹ và một số viên chức Bộ Ngoại Giao, họ lo ngại loại võ khí này có thể rơi vào tay dân địa phương cố cựu và dân quân đang cố gắng ép người Palestine rời khỏi vùng đất ở Bờ Tây, nơi mà giới chức Hoa Kỳ cho biết bạo lực đang bùng lên.
Ba lô súng trường bán tự động và tự động trị giá $34 triệu và đang được đặt hàng trực tiếp từ các hãng sản xuất súng Hoa Kỳ, nhưng chúng cần có sự chuẩn thuận của Bộ Ngoại Giao và thông báo đến Quốc Hội Mỹ. Israel cho biết những khẩu súng trường này sẽ được lực lượng cảnh sát quốc gia sử dụng nhưng cũng cho biết chúng có thể được trao cho thường dân, trích dẫn tin tức từ những người thông thạo đơn đặt hàng võ khí, nói với tờ The New York Times.
Cảnh sát Israel đang tìm cách tăng cường kho võ khí sau khi các viên chức cam kết rót hàng ngàn võ khí cho thường dân Israel tại ít nhất 1,000 thị trấn và thành phố, gồm có cả các khu định cư của Israel chiếm đóng ở Bờ Tây. Khoảng 500,000 người Israel chuyển tới các khu định cư tại đó trong nhiều năm, cùng với các trạm kiểm soát quân sự, hàng rào và các biện pháp chiếm đóng khác của chính phủ Israel, làm 2.7 triệu người Palestine trong khu vực phải trú ngụ trong những vùng nhỏ lẻ.
Quan chức cấp cao Hamas công khai xác nhận liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Nga
Mới đây, các quan chức cấp cao của Hamas xác nhận, tổ chức này có liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Nga. Và cho rằng, cuộc chiến này là cho tất cả kẻ thù của Hoa Kỳ càng xích lại gần nhau hơn. Giống như Liên Xô, Hoa Kỳ sẽ không mạnh mãi mà, mà sẽ sụp đổ
Tuần trước các phương tiện truyền thông của Li-băng đã công bố một đoạn video phỏng vấn quan chức Hamas. Quan chức này là Ali Baraka – giám đốc quan hệ nước ngoài của Hamas.
Theo Viện nghiên cứu truyền thông Trung Đông (MEMRI) của Hoa Kỳ, ông Baraka đã trực tiếp nêu tên những người ủng hộ lực lượng Hamas, bao gồm Triều Tiên , Iran, Nga và Đảng Cộng sản Trung Quốc .
Baraka nói trong cuộc phỏng vấn: “Ngày nay, tất cả kẻ thù của Hoa Kỳ đang ngày càng xích lại gần nhau hơn. Tất cả kẻ thù của Hoa Kỳ trong khu vực đang bàn bạc và xích lại gần nhau. Có thể một ngày nào đó họ sẽ cùng nhau gây chiến và hãy để Hoa Kỳ trở thành lịch sử.”
Ông nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa Hamas với Trung Quốc và Nga.
Ông nói: “Hiện tại, Nga liên lạc với chúng tôi hàng ngày. Trung Quốc thì đã cử đặc phái viên tới Doha (thủ đô của Qatar), để gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Hamas”.
Ông Baraka nói thêm: “Một phái đoàn Hamas đã đến thăm Mát xcơ va và sắp tới sẽ có một phái đoàn Hamas sẽ đến thăm Bắc Kinh”.
Các phương tiện truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc trước đó đưa tin Trạch Quân, đặc phái viên của Trung Quốc tại Trung Đông, đã đến thăm Doha, và gặp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Qatar và trao đổi quan điểm về tình hình giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên, báo cáo không đề cập đến việc đặc phái viên này đã gặp các lãnh đạo Hamas.
Ông Baraka cũng báo cáo rằng, ông Kim Jong Un ủng hộ Hamas và tin rằng, Triều Tiên là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng tấn công Hoa Kỳ. Ông này nói: “Lãnh đạo Triều Tiên có lẽ là người duy nhất trên thế giới có khả năng tấn công Mỹ. Ông ấy là người duy nhất”.
Ông nói: “Có thể sẽ đến ngày Triều Tiên can thiệp vì dù sao thì đây cũng là một phần của liên minh (của chúng tôi).
Còn về Iran, mặc dù họ không có vũ khí có thể tấn công Mỹ, nhưng nếu Mỹ mở rộng sự can thiệp, họ có thể tấn công Israel cũng như các căn cứ và tàu của Mỹ trong khu vực.
Ông Putin quyết định tham gia bầu cử, sẽ nắm quyền đến ít nhất 2030
Sáu nguồn tin nói với hãng thông tấn Reuters rằng, ông Vladimir Putin đã quyết định tham gia cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3/2024, một động thái sẽ giúp ông nắm quyền ít nhất cho đến năm 2030.
Một trong những nguồn tin am hiểu về kế hoạch cho biết: “Quyết định đã được đưa ra – ông Putin sẽ tranh cử”.
Các nguồn tin khác cũng xác nhận điều này. Một nguồn tin cho biết các cố vấn của ông Putin đang chuẩn bị cho sự tranh cử của ông.
Trong khi nhiều nhà ngoại giao, điệp viên và quan chức dự đoán rằng TT Putin sẽ nắm quyền suốt đời, thì cho đến nay vẫn chưa có xác nhận cụ thể nào về kế hoạch tái tranh cử của ông.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông Putin vẫn chưa bình luận về vấn đề này. Ông Peskov nói thêm: “Chiến dịch này vẫn chưa được công bố chính thức”.
Ông Putin, 71 tuổi, người được ông Boris Yeltsin trao chức tổng thống vào ngày cuối cùng của năm 1999, đã giữ chức tổng thống lâu hơn bất kỳ nhà cầm quyền Nga nào khác kể từ thời Josef Stalin.
Các nhà ngoại giao nói rằng không có đối thủ nặng ký nào có thể đe dọa cơ hội giành phiếu bầu của TT Putin nếu ông tái tranh cử. Ông có sự ủng hộ của nhà nước và các phương tiện truyền thông nhà nước, và hầu như không có sự phản đối chính thống nào từ công chúng đối với việc ông tiếp tục nắm quyền.
Tuy nhiên, TT Putin đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do cuộc xâm lược Ukraina.
Cuộc chiến ở Ukraina đã gây ra cuộc đối đầu lớn nhất giữa Nga với phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây ra cú sốc bên ngoài lớn nhất cho nền kinh tế Nga trong nhiều thập niên.
Dự thảo kế hoạch của chính phủ cho thấy, lạm phát tăng nhanh trong khi đồng rúp giảm giá kể từ khi chiến tranh bắt đầu và chi tiêu quốc phòng sẽ chiếm gần 1/3 tổng chi ngân sách của Nga vào năm 2024.
Nhưng mối đe dọa trực tiếp lớn nhất đối với sự tiếp tục nắm quyền của TT Putin xuất hiện vào tháng 6, khi ông chủ tập đoàn lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo một cuộc binh biến ngắn ngủi.
Tuy nhiên, ông Prigozhin đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay hai tháng sau cuộc binh biến. TT Putin đã sử dụng Bộ Quốc phòng và Lực lượng Vệ binh Quốc gia để mở rộng quyền kiểm soát với tàn quân của lực lượng Wagner.
Phương Tây coi TT Putin là một tội phạm chiến tranh và một nhà độc tài, đồng thời đoàn kết các nước và trao cho NATO một ý thức sứ mệnh mới.
Tuy nhiên, ông Putin giải thích rằng, cuộc chiến này như một phần của cuộc đấu tranh rộng lớn hơn nhiều với Hoa Kỳ mà giới tinh hoa Điện Kremlin cho rằng nhằm mục đích chia rẽ Nga, chiếm lấy nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của nước này và sau đó chuyển sang giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.
Một trong những nguồn tin cho biết: “Nga đang phải đối mặt với sức mạnh tổng hợp của phương Tây nên sự thay đổi lớn sẽ không hiệu quả”.
Tuy nhiên, đối với một số người Nga, cuộc chiến đã cho thấy những khiếm khuyết của nước Nga thời hậu Xô Viết.
Chính trị gia đối lập người Nga đang bị bỏ tù Alexei Navalny nói rằng, ông Putin đã đưa nước Nga đi vào ngõ cụt chiến lược dẫn tới sự hủy hoại, xây dựng một hệ thống dễ sụp đổ, gồm những kẻ nịnh bợ tham nhũng mà cuối cùng sẽ để lại sự hỗn loạn hơn là ổn định.
Ông Oleg Orlov, một trong những nhà vận động nhân quyền được kính trọng nhất ở Nga, nói với Reuters vào tháng Bảy rằng: “Nga đang đi thụt lùi. Chúng ta đã rời bỏ chủ nghĩa toàn trị Cộng sản nhưng bây giờ đã quay trở lại với một loại chủ nghĩa toàn trị khác”.
Nhiều quan chức Trung Quốc sắp bị sa thải sau cuộc họp quan trọng do ông Tập chủ trì?
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì Hội nghị Công tác Tài chính của Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ ngày 30-31/10. Cuộc họp nhấn mạnh sự kiểm soát của đảng đối với hệ thống tài chính và chỉ ra rằng, tình trạng hỗn loạn tài chính và tham nhũng đang diễn ra. Các chuyên gia dự đoán rằng điều này có nghĩa là một cơn bão chống tham nhũng quy mô lớn đang ập đến và nhiều quan chức tài chính sẽ bị sa thải.
Theo Bloomberg ngày 1/11, cuộc họp tài chính của Ủy ban Trung ương Trung Quốc kết thúc hôm 31/10 chỉ ra rằng, chính quyền Trung Quốc đang xem xét các biện pháp tiếp theo để giải quyết một số nguồn rủi ro tài chính, bao gồm nợ của chính quyền địa phương, áp lực đối với các nhà phát triển bất động sản và các ngân hàng nhỏ, nhưng không có thông tin cụ thể nào được đưa ra.
Cuộc họp nêu rõ, để ngăn ngừa và giải quyết rủi ro nợ của chính quyền địa phương, cần thiết lập “cơ chế dài hạn” và “tối ưu hóa cơ cấu nợ của chính quyền trung ương và địa phương”.
Các nhà kinh tế của ngân hàng đa quốc gia Goldman Sachs cho biết trong một ghi chú: “Câu này cho thấy rằng trong khi chính quyền địa phương đang giảm đòn bẩy và giảm rủi ro bằng cách giải quyết các vấn đề nợ ẩn, thì chính quyền trung ương có thể đảm nhận nhiều trách nhiệm tài chính hơn và tăng thêm đòn bẩy”. Nói cách khác, chính quyền Trung ương Trung Quốc sẵn sàng mở rộng quy mô vay nợ.
Theo các nhà kinh tế, chính quyền địa phương Trung Quốc đang ngập trong nợ nần và đang trên bờ vực hoặc lâm vào tình trạng phá sản, việc giải quyết các khoản nợ này như thế nào có thể quyết định sự thành bại của hệ thống tài chính Trung Quốc trong vài năm tới, cũng như sự phát triển của hệ thống tài chính Trung Quốc, và quyết định hướng phát triển của toàn bộ nền kinh tế.
Theo các nguồn tin, vào tháng 5 năm nay, Cục Tài chính Quý Dương, thủ phủ của tỉnh Quý Châu, thừa nhận rằng các phương tiện kỹ thuật để chuyển đổi nợ về cơ bản đã cạn kiệt.
Vào tháng 9, Nội Mông tuyên bố sẽ phát hành trái phiếu tái cấp vốn đặc biệt trị giá 66 tỷ nhân dân tệ (khoảng 9 tỷ USD) để giúp trả nợ lãi suất cao phát hành trước năm 2018.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán vào tháng 2 rằng tỷ lệ gánh nặng nợ của chính quyền địa phương trên GDP của Trung Quốc sẽ tăng 9 điểm phần trăm trong năm nay. Tỷ lệ này chỉ tăng 5 điểm phần trăm vào năm 2022. Mức tăng vào năm 2021 chỉ là 2 điểm phần trăm.
Nợ tiềm ẩn của chính quyền địa phương còn đáng lo ngại hơn, đó là khoản nợ do chính quyền địa phương phát hành với lãi suất cao thông qua các nền tảng tài chính do họ kiểm soát, không nằm trong bảng cân đối kế toán của chính phủ. Người mua chính là các ngân hàng và hộ gia đình. Một khi nợ quá nhiều chuyển thành nợ xấu sẽ gây ra rủi ro về tài chính, chính trị.
Vào cuối tháng 9 năm nay, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch hoán đổi nợ trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 137 tỷ USD), cho phép chính quyền địa phương hoán đổi cái gọi là nợ ngầm lấy trái phiếu với lãi suất thấp hơn. Tuần trước, ĐCSTQ cũng tuyên bố sẽ phát hành thêm 1 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ để hỗ trợ chi tiêu địa phương.
Trong năm qua, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng lớn cung cấp một số hỗ trợ cho các nhà phát triển gặp khó khăn và nền tảng tài chính của chính quyền địa phương. Bloomberg đưa tin rằng các ngân hàng lớn này có khoản nợ lên tới 9 nghìn tỷ USD. Nếu họ tiếp tục hỗ trợ chính quyền địa phương, lợi nhuận của họ sẽ bị thiệt hại rất lớn.
Tuy nhiên, động thái của ĐCSTQ cũng nhằm mục đích “làm cho các ngân hàng quốc doanh lớn trở nên tốt hơn và mạnh mẽ hơn” .
Ông Trương Trí Uy (张智威/Zhang Zhiwei), chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Bảo Ngân (Baoyin) Investment, cho biết: “Các tổ chức tài chính lớn thuộc sở hữu nhà nước có thể giành được nhiều thị phần hơn trong ngành tài chính”.
Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương lần này một lần nữa đề xuất kích hoạt thị trường vốn và phát huy tối đa “chức năng trung tâm” của thị trường vốn. Tuy nhiên, theo chủ trương, chính phủ Trung Quốc muốn thúc đẩy cái gọi là cải cách thị trường vốn, về bản chất là tự mâu thuẫn.
Các ngân hàng quốc doanh lớn đã bị ảnh hưởng bởi các nhà phát triển bất động sản và sự thất bại của chính quyền địa phương, trong khi các công ty nước ngoài như Goldman Sachs đã thu hẹp lại kế hoạch mở rộng.
Bloomberg đưa tin, Bắc Kinh đã thắt chặt kiểm soát lĩnh vực tài chính thông qua chiến dịch chống tham nhũng toàn diện và tuyên truyền tư tưởng.
Với tư cách là quan chức tài chính cao nhất của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng) đã có bài phát biểu kết luận tại cuộc họp.
Cuộc họp nêu rõ Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa ngành tài chính để thu hút thêm nhiều tổ chức tài chính và quỹ dài hạn nước ngoài, đồng thời cả Thượng Hải và Hồng Kông sẽ được phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, cuộc họp cũng cho rằng độ mở tài chính cần phải “cân bằng” với an ninh.
Tuyên bố này rõ ràng nhắc nhở mọi người về ẩn ý của việc ĐCSTQ nhấn mạnh vào việc tuân theo các yêu cầu chính trị, chính xác đó là loại yêu cầu của chính quyền trung ương. Cuộc điều tra gần đây của Bắc Kinh đối với nhà cung cấp Foxconn của Apple là một ví dụ.
Theo tờ Wall Street Journal, chính phủ Trung Quốc có thể đang cố gắng cảnh báo người sáng lập Foxconn, Terry Gou, nhưng nếu Foxconn và các công ty tương tự của nó bị phạt nặng hoặc hoặc vướng vào những khó khăn chính trị hoặc an ninh tốn kém khác, các nhà sản xuất nước ngoài như Foxconn có thể đẩy nhanh việc rút lui khỏi Trung Quốc.
Hội nghị Công tác Tài chính vừa qua nhấn mạnh sự kiểm soát của đảng đối với hệ thống tài chính. Trước tình trạng hỗn loạn tài chính và tham nhũng đang diễn ra, liệu một cơn bão chống tham nhũng quy mô lớn đang ập đến và nhiều quan chức tài chính sẽ bị sa thải?.