Chiến tranh Israel – Hamas : 1 tổ chức khủng bố và 3 người « cha đỡ đầu »
Qatar, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn một tuần sau loạt tấn công trên lãnh thổ Israel, đài truyền hình Pháp France 24 ngày 13/10/2023 đặt câu hỏi : Ai đỡ đầu cho phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas. Được thành lập từ năm 1987, Hamas giành được chính quyền tại Gaza 20 năm sau đó, việt vị tổ chức chính trị Cơ Quan Quyền Lực Palestine. Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và Israel đưa Hamas vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Đăng ngày: 15/10/2023
Trả lời France 24, Didier Billion, phó giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược –IRIS của Pháp quả quyết : Doha là nhà tài trợ cho Hamas, mỗi tháng Qatar rót cho phong trào Hồi Giáo vũ trang này của người Palestine 30 triệu đô la.
Qatar, điểm tựa tài chính
Về mặt chính thức « khoản tiền nói trên nhằm trả lương cho giới công chức ở Gaza, nhưng vẫn theo chuyên gia Pháp Billion, « ai cũng biết đó là những thành viên của Hamas ». Như vậy một cách trực tiếp « Doha nuôi Hamas » mà phong trào này điều hành Dải Gaza với « một bàn tay sắt từ nhiều năm qua ». Trên nhật báo Libération năm 2018 một nhà ngoại giao Qatar đã thanh minh rằng Doha từ 2013 rót tiền cho Hamas vì muốn tránh một « thảm họa nhân đạo » ở Gaza.
Trong đợt giải ngân đầu tiên, 15 triệu đô la nhà môi giới đã « dồn tiền vào đầy ba chiếc va-li » để chuyển cho Hamas. Báo The Times of Israel (ngày 08/10/2023) nhắc lại « cộng đồng quốc tế và Israel và đồng ý » về khoản viện trợ nói trên. Tờ báo này thậm chí còn cho rằng, chính thủ tướng Benjamin Netanyahu đã muốn « mượn tay » Hamas để vô hiệu hóa Cơ Quan Quyền Lực Palestine với Mahmmoud Abbas trong cương vị chủ tịch. «Thường thì Israel xem tổ chức này là một gánh nặng còn Hamas là một lá chủ bài ».
Qatar không chỉ chi tiền để nuôi phong trào Hồi Giáo vũ trang Palestine này mà còn là một điểm tựa của Hamas : từ 2012 Doha là chốn dung thân của lãnh tụ Hamas Ismail Haniyeh. Ngay sau loạt tấn công nhắm vào Israel hôm 07/10/2023, Qatar lập tức lên tiếng sãn sàng nhận vai trò trung gian để về số phận cả trăm con tin trong tay Hamas.
Điểm tựa quân sự Iran và mục tiêu địa chính trị của Teheran
Một cường quốc khu vực khác ở Trung Cận Đông là Iran, quốc gia Hồi Giáo theo hệ phái Shia, thì Teheran cũng có liên hệ mật thiết với Hamas ở hai khía cạnh. Didier Billion nhắc lại : « Iran ủng hộ đòi hỏi của người Palestine và đã đứng hẳn về phía phong trào Hamas trong công cuộc đấu tranh đó ».
Teheran chẳng những là điểm tựa cho Hamas mà còn yểm trợ cho cả một phong trào Palestine Hồi Giáo cực đoan khác là Jihad. Thêm vào đó Iran bảo trợ cho Hezbollah ở Liban, để thành lập một « trục » chống lại Israel. Theo phó giám đốc viện IRIS của Pháp đây là một trong những « nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Teheran đối với khu vực Trung Đông ».
Ở một cấp độ thứ nhì, Iran « ngầm hỗ trợ Hamas cả về tài chính lẫn quân sự ». Thủ lĩnh phong trào Hamas đầu 2022 từng xác nhận là « đã nhận 70 triệu đô la viện trợ quân sự » của Iran. Theo một báo cáo của Hoa Kỳ năm 2020 thì hàng năm Teheran rót 100 triệu đô la cho Hamas. Ngoài ra, Iran còngiúp đỡ tổ chức Hồi Giáo vũ trang Palestine này về mặt « kỹ thuật quân sự ». Phóng viên France24 Wassim Nasr nêu cụ thể từ công nghệ chế tạo drone đến khâu cung cấp đạn dược và vũ khí.
Thổ Nhĩ Kỳ, điểm tựa chính trị
Tháng 7/2023 tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhắc lại lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara luôn ủng hố việc thành lập «một nhà nước Palestin độc lập với thủ đô được đặt tại Đông Jerusalem thể theo đường biên giới được phân định từ 1967 căn cứ theo những quy tắc của Liên Hiệp Quốc ». Thổ Nhĩ Kỳ xem đây là một điều «thiết yếu để đem lại hòa bình và ổn định cho toàn bộ khư vực.
Chính quyền của tổng thống Erdongan duy trì quan hệ với cả Hamas lẫn Cơ Quan Quyền Lực Palestine. Lần gầy đây nhất Ankara tiếp lãnh đạo của cả hai đối tác này là vào tháng 7/2023. Thủ lĩnh Hamas thường xuyên đi về giữa Qatar với Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là một lợi thế giúp tổng thống Erdogan có được kênh đối thoại với phong trào vũ trang Hamas Palestine.