Thương tiếc Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

Cac Bai Khac

No sub-categories

Thương tiếc Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

Trích “Tự Do Dân Bản Online” do Đại Gia Đình Nguyễn Ngọc Huy phổ biến 27-8-2014

Cụ Trần Văn Ân (Pháp):

Cụ Trần Văn Ân đã gần 90 tuổi, trên bàn thờ những người bạn chiến đấu với cụ đã quá cố như Hồ Văn Ngà, Nguyễn Văn Sâm, Tạ Thu Thâu, sau ngày GS. Huy mất, cụ ghi thêm một tên mới: Chí sĩ Nguyễn Ngọc Huy, mất ngày 28/7/1990 tại vùng Paris.

Khi hay tin GS. Huy từ trần, cụ Văn Lang Trần Văn Ân đã viết hai câu đối tặng người khuất bóng như sau:

Vì nước vì dân đời tận tụy,

Không danh không lợi chí thanh cao.

Nhân ngày giỗ đầu tiên (1991) của GS. Huy, cụ Ân đã viết như sau:

“Ân tôi tưởng niệm chí sĩ Nguyễn Ngọc Huy. Tưởng niệm người quá cố là nhớ lại, là ghi lại những gì phải nhớ, phải ghi mà người quá cố đã diễn giảng, đã viết ra, những gì ta lấy làm bài học cho Nay và Mai.

Trước hết, phải nói Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã tận tụy vì nước, vì dân và tận lực tuyên dương học thuyết Dân Chủ. Với bao nhiêu sách vừa khảo cứu vừa sáng tác của giáo sư, ta có thể gom trong câu:

Phục vụ Tổ quốc

Khai thác và Giảng giải Dân Chủ

Tôi cho là đủ. Có thể hơn đủ.

Giáo sư đã thành người thiên cổ, Những gì ông viết còn ở bên ta và sẽ còn cho con cháu ta. Tôi xin không tóm lược nơi đây những dòng tư tưởng bất hủ của bạn về chính trị và văn hóa.”

(Nguyễn Văn Trần, “Thiên hạ ai người chẳng nhớ anh”, Di cảo 5 Nguyễn Ngọc Huy, trang 185, Mekong Tỵ Nạn Xuất bản, 1994, California, USA)

 

Hòa thương Thích Giác Nhiên:

Trong lần giỗ thứ nhì GS. Nguyễn Ngọc Huy vào năm 1992 tại chùa Ngọc Sơn, thành phố Portland, tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ, Hòa thượng Thích Giác Nhiên khi thuyết giảng về sự sống chết liên quan đến sự ra đi của giáo sư Huy, đã nói: “Giáo sư Huy chết mà không chết!”, và Hòa thượng đã giải thích thêm:

“Giáo sư Huy tuy mất nhưng ông còn để lại tiếng thơm muôn thuở, để lại con đường chánh đạo tranh đấu cho Tự do, Công bình cho Nhân loại; Giáo sư Huy để lại những công trình biên khảo trên sách vở, trên lý thuyết của ông; ông còn để lại con đường đã vạch sẵn để người đi sau tiếp nối hoàn thành.”

(Di cảo 4 GS. Nguyễn Ngọc Huy, trang 135, Mekong Tỵ Nạn xuất bản 1996, California, USA)

 

Chu Tất Tiến, Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh

Anh Hùng Ca.

Người nằm xuống

Tưởng như đã qua.

Người đi xa

Tưởng chừng như mất

Nhưng với thầy

Chỉ nỗi đau là hiện thực

Chuyện cách chia mang tính chất bất ngờ

Những thiên hùng ca đâu có cũ bao giờ

Những trang sử hiển hách hiện sáng lòa trước mắt.

Thầy dù đi

Dù ở lại

Dù xa khuất

Thầy vẫn là thầy- Một Hùng Khí Việt Nam

Một bó đuốc cao – Hay tiếng gọi vang âm

Một chí khí đấu tranh, miệt mài cho tổ quốc

Thầy mở đường cho người tiếp bước…

Phải Thầy là Gandhi tái sinh?

Hay Nguyễn Trãi đang đăng trình?

Hoặc Nguyễn Thái Học dở dang cơ nghiệp lớn?

Ôi Việt Nam đang chuyển mình đau đớn

Đang chờ ngày phục hận – ngày N

Lại phải chia tay một chiến tướng thân quen

Phải nhỏ lệ

Trước khi nhấp rượu mừng chiến thắng

Và chúng con

Đã từng say sưa nghe Thầy giảng

Lại nghiêng mình, tê tái, tiễn thầy đi!

Nhưng tử sinh là chuyện bất kỳ

Còn ý chí

Tinh thần

Trường cữu

Lời Thầy dạy

Ngày xưa

Hôm nay

Vẫn là lời hiệu triệu

Để anh em chung một mái nhà

Chung giòng máu quật cường, chung một lời Cha

Thề diệt Cộng cho nước nhà yên ấm

Xin Thầy nghỉ yên, nơi những anh hùng viên mãn

Nơi Mẹ Việt Nam tay mở rộng đón chào

Hùng Nguyên – Hùng Nguyên- Lồng Lộng chí cao

(California 1990)

 

Cựu Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc

…Thế rồi ngày đen tối 30 tháng Tư 1975 đã tới, khiến cho chúng tôi mỗi người sống lưu vong một nơi, Nguyễn Ngọc Huy ở Hoa Kỳ, còn tôi ở Pháp. Tuy vậy, tình bạn củ vẫn không thay đổi và những khi có dịp ghé Paris trên đường công tác, anh Huy thường ghé lại văn phòng tôi để thăm hỏi hàn huyên. Có khi anh thuật lại cho tôi hay những tiến triển trong cuộc vận động của anh trên thế giới; có khi anh đem lại biếu tôi những tác phẩm mà anh đã viết, từ những khảo luận về lịch sử và luật pháp đến những phiếm luận về triết lý chính trị của Kim Dung. Trong những buổi gặp lại ấy, thường được kết thúc ở một tiệm ăn Việt hay Tàu, Nguyễn Ngọc Huy lúc nào cũng tỏ ra tích cực và lạc quan: anh không ngần ngại tiên đoán một ngày về không xa trong danh dự, tự do và dân chủ…

Nguyễn Ngọc Huy và tôi không sinh ra ở cùng một miền đất, không học với nhau chung một thầy, không làm cùng một nghề mà cũng không hoạt động cùng một tổ chức. Tất cả những khác biệt ấy đã không ngăn cấm chúng tôi duy trì tình bạn trong thời gian hơn ba chục năm, qua bao nhiêu đổi thay của lịch sử và thăng trầm của kiếp người…

 

Hội Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt

“Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy – một nhà thơ – một nhà văn – một nhà mộ phạm – một chính trị gia và cũng là một nhà cách mạng. Cả đời thầy đã đem thân thể để gắn liền với quê hương, đả đem tâm hồn để chí tình đun rèn cho hậu bối…”Sống bình dị, chết thanh khiết”, sự ra đi của thầy là một mất mát quá to lớn để thiên cổ ngậm ngùi!”

(Trích Phân ưu đang trên báo Phố Nhỏ số 105, ngày 03/08/90. phát hành tại Hoa Thịnh Đốn)

 

Điếu văn của ký giả Long Quân.

Hỡi ôi!

Trời Tây mây phủ giăng sầu,

Đất Mỹ bào trùm gió thảm,

Đã biết Sanh là Ký, Tử là Qui. Lại có câu Tử sanh hữu mạng, những ai còn ở thế, còn mang xác trần gặp cơn vĩnh biệt ngàn năm, sao cho khỏi bồi hồi trong dạ, vừa thấy đó bỗng đâu mất đó, hình bóng còn đây mà người hãy về đâu?

Nhớ lính xưa,

Tính chất hiền lương, ôn hòa mềm dịu, giúp đoàn em vẹn nghĩa núi sông,

Tình dân tộc, Lý tưởng thanh cao, cả đời truyền tụng!

Trí thông minh còn rọi dấu thơ hương,

Mượn lời thơ qua nét bút Đằng Phương:

Ngợi ca gương tranh đấu tiền nhân, xây dựng nước, thanh sử còn lưu truyền hậu thế!

Mấy mươi năm xuôi ngược miền hoạn lộ, đủ kinh bang xây dựng quê hương,

Trọn một đời tranh đấu khắp bốn phương, dư tế thế giang san dân tộc.

Ôi hay! Núi sông Tiên Rồng còn đó!

Nhơn dân nhà cửu điêu linh!

Cơ đồ Đại Việt còn đây,

Liên Minh Dân Chủ còn đó không ngừng tranh đấu.

Than ôi,

Mây buồn giăng khắp nẻo,

Gió thảm quyện từng cơn,

Những tường tuổi anh còn hương thọ,

Nào hay đâu sớm vội về Tiên,

Để chiến hữu bơ vơ chiu chít.

Ôi, Bát Nhã thuyền chờ – Bồng Lai cảnh đợi!

Thảm là thảm hơn bốn mươi năm lo việc nước,

Bỏ ngủ, quên ăn, khiến bệnh tật phát sanh.

Thương là thương, sáu mươi bảy tuổi già,

Tóc đã bạc mà tấm lòng không mõi.

Từ đây, trong đoàn thể vắng anh, nhưng bước đường tranh đấu nguyện xin có tay anh dìu dắt, chiếc thuyền nan thuận gió lướt giòng khơi, cuộc tranh đấu phải đến ngày thắng lợi…

Giờ đây,

Mây phủ trăng mờ, sao sa đêm tối,

Làng Mỹ Lộc, tỉng Biên Hòa, “Anh Ba” về chốn cũ

Giấc chiêm bao! Vắng bóng ngàn năm!

Chốn hồng trần, chiến hữu còn đây,

Sầu ly biệt chia lòng trăm mối.

Đường tranh đấu xin “Anh Ba” chỉ lối,

Dìu đàn em vững bước trọn niềm tin,

Dành thắng lợi, đem Tự Do về quê cũ,

Thật trước cảnh này, âm dương lưỡng lộ, liên tục đôi đàng,

Não nùng thay chiến hữu thở than, thống thiết bấy Cộng đồng tang chế!

Người tuy mất, nhưng phương danh không mất.

Xác dù tan, nhưng chí cả không tan!

Thôi, thôi!!!

Nguyệt khuuyết hoa tàn,

Mây trôi bèo dạt,

Trên Tiên giới anh vui cùng gió mát

Dưới phàm trần chiến hữu thọ tâm cang

Xin hộ trì chi đại cuộc thành công

Sớm đem lại ngày vui cho dân tộc Việt!

Hỡi ôi, thương thay! Tiếc thay!

Hiển linh chứng chiếu.

Long Quân kính điếu

(Báo Thời Báo số 305, ngày 25/8/90 phát hành tại Bắc California).

 

Ký giả Lô Răng (Úc châu):

“… Đề tài thảo luận của Trường Cao Đẳng Quốc Phòng không hoàn toàn lý thuyết mà rất cần đến kinh nghiệm thực tiễn. Cuộc bàn cãi nhiều khi rất sôi nổi giữa những đại tá già đời, giữa những vị giám đốc dân sự lão luyện. Có khi thảo luận căng thẳng giữa học viên và giáo sư thỉnh giảng. Trong những cuộc thảo luận này, mới thấy nổi bật lên khả năng thuyết phục đặc biệt của giáo sư Huy. Ông thuyết phục người khác không đơn thuần bằng lý lẽ mà bằng những ví dụ gần gũi mà sinh động, bằng cách nói ôn tồn, ấm áp, bằng trái tim bao dung và độ lượng của ông. Có nhiều vị thông minh tài giỏi, nhưng ta chỉ dám đứng xa mà cảm phục, còn GS. Huy, ông vừa khiến ta trọng nể về trí thức, vừa khiến ta muốn gần gủi về đức độ. Ông là tiến sĩ ở Paris, thủ đô văn hóa Tây phương, nhưng cách ứng xử của ông lại mang dáng vẻ nhà nho Đông phương thuần túy… Ông là một người quốc sĩ.

… Sau 10 năm cải tạo tôi được thả về. Nhà cửa ở thành phố đã bị tịch thu. Tôi và vợ con sống như cây cỏ trong một khi vườn thôn dã, trồng rau hái trái mà ăn. Thỉnh thoảng một vài người bạn thân, đi xe đò lên thăm viếng. Tôi có một mái lều cỏ bên gốc mít, trong vườn. Một hôm vào khoảng giữa năm 90, bạn già L.G, người viết sử lên thăm. Bạn già bữa nay nghiêm trọng trầm mặc, cứ nhìn mãi dòng nước chảy mà không nói năng gì. Lát sau mới nói trong hơi thở “Hùng Nguyên Nguyễn Ngọc Huy đã mất rồi”. Tôi nghe hụt hẫng trong người. Có lẽ trong số những mất mát của người quốc gia ở nước ngoài, mất mát này là to lớn nhất.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã đi rồi. Như cách hạc vàng bay mất!

“Hạc vàng bay mất từ xưa,

Ngìn năm mây trắng bây giờ còn đâu.”

Mây trắng như một giải khăn tang, nghìn năm thương nhớ người quốc sĩ.

(báo Ngày Nay số 303, ngày 15/8/94) (Ký giả Lô Răng tức nhà văn Phan Lạc Phúc)

 

Giáo sư Nguyễn Toản (Viêt Nam Quốc Dân Đảng Úc Châu)

“… Trên đường chống độc tài, quân phiệt, tôi hân hạnh gặp gỡ giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Tuy gần gũi nhau quá ngắn ngủi và cách đây 24 năm mà tôi vẫn chưa quên được hình dáng của một người hiền hòa, vui tính nhưng dũng cảm, cương quyết, thông minh, linh hoạt nhưng từ tốn, nhã nhặn.

Ông Ngọc Huy là một chiến sĩ cách mạng đã hăng hái đấu tranh vì độc lập của tổ quốc, vì tự do của đồng bào. Suốt đời ông đã hy sinh cho lý tưởng chung cao đẹp. Ông là một vị Thầy khả kính, tận tụy với chức nghiệp của mình, đã hết lòng hướng dẫn lớp người sau. Chẳng những là một chiến sĩ cách mạng, một nhà giáo gương mẫu, mà ông còn là một thi sĩ dạt dào tình cảm và yêu đời. Cố GS. Nguyễn Ngọc Huy đã để lại cho chúng ta, ngoài những tài liệu nghiên cứu có giá trị viết bằng Anh ngữ và Pháp ngữ, ông còn để lại tập thơ Hồn Việt với bút hiệu Đằng Phương.

Đọc tập thơ Hồn Việt ta như thấy rõ cuộc đời đấu tranh của Người và biết rõ tâm sự của Đằng Phương, một kẻ luôn băn khoăn vì nỗi nước… Thật vậy, ông Nguyễn Ngọc Huy đã không rời đường cách mạng, đã không quên được lý tưởng cao đẹp của mình và suốt đời ông ông đã đặt nghĩa nước trên tình nhà. Khi thuật lại Ngày Tang Yên Báy, ngày 13 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng lên đoạn đầu đài trả nợ cho Tổ quốc, ngày những người con yêu nước Việt ngạo nghễ xem thường cái chết, thi sĩ Đằng Phương đã viết:

Đã là kẻ dấn thân đền nợ nước

Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường

Éo le thay muốn phụng sự quê hương

Phải dẫm nát bao lòng mình kính mến

(Ngày Tang Yên Báy)

Quả thế, người làm cách mạng phải là những con người giàu tình cảm. Vì thế không yêu được Tổ quốc, quê hương, không yêu được đồng bào, nòi giống thì làm sao có được sự hy sinh cho lý tường cách mạng. Những con người ấy đã cố quên đi những tình cảm riêng tây để dấn thân chi đại nghĩa.

… Người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ngọc Huy còn hô lớn:

Hãy qùi xuống ! Hởi ai người tráng liệt

Cúi nhận phần lửa tiết thiêng liêng

Của tiền nhơn từng thế hệ lưu truyền

Nung dòng máu giống Tiên Rồng mãi nóng!

(Anh Hùng Đất Việt)

Thời gian không đợi chờ chúng ta. Lịch sử đang thúc giục chúng ta. Nào chúng ta, những đồng chí, những chiến hữu của Người, có nghe chăng lời thiết tha nhắn nhủ đó? Hãy làm gì để chứng tỏ được mối cảm thông này? Hãy làm gì để khỏi thẹn với linh hồn người quá cố?”

(Nguyễn Toản, Diễn văn đọc trong lễ giỗ lần thứ 4 GS. Nguyễn Ngọc Huy tại Melbourne, ngày 31/7/94)

 

Luật sư Phạm Nam Sách, Cựu Nghị sĩ VNCH trước 1975:

“… Năm 1950, mới hồi cư về Nam Định, tôi đã đọc say mê từng bài thơ yêu nước ký tên Đằng Phương, đặc biệt nhất là bài về Ngày Tang Yên Báy “… Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang, thong thả tiến đến trước đài danh dự. Trong quần chúng đứng cuối đầu ủ rũ…” Nỗi vui của tôi biết lấy gì cân khi biết Đằng Phương chính là anh, ồ, anh, chắc ngày viết bài thơ ấy anh đang học ở Hà Nội. Phải có tâm hồn yêu nước trong sáng, chân thành và tuyệt đối như thế nào người ta mới viết được những câu thơ làm rung động lòng người. Anh chính là một trong những nhà thơ yêu nước dưới bút hiệu Đằng Phương. Hồn Nước đã hun đúc anh, tạo nên con người tuấn kiệt, đấu tranh không biêt mệt mỏi cho ngày mai. Lòng dân đã thúc đẩy anh đi lên và đi mãi. Cuộc hành trình của chúng ta chỉ ngưng lại khi sức cùng lực kiệt. Và anh đã ngưng cuộc hành trình vì sức anh đã cùng vì lực anh đã kiệt. Ở tôi, vẫn là “…Suối Tuôn Dòng Lệ…”

(Trích bài “Suối tuôn dòng lệ” đăng trên nhiều báo ở Hoa Kỳ trong tháng 9 và 10 năm 1990)

 

Nguyễn Đại Thắng, nhân sĩ lão thành

…Ông đã tập hợp đồng chí và một số tri thức thành lập LMDCVN, nhằm mục đích kết hợp những phần tử Quốc gia yêu nước để tiếp tục cuộc chiến chính trị chống Cộng Sản độc tài độc đảng trong nước. Và rồi “Một mình một ngựa”, ông lại bôn ba khắp năm châu bốn biển, tiếp xúc vận động các chính khách quốc tế, các nhà trí thức, nghị sĩ, dân biểu các nước tự do để thành lập “Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do”.

Nói tóm lại, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là một nhà Ái Quốc, một nhân tài của đất nước Việt Nam, một chí sĩ cách mạng quốc gia chân chánh và bất khuất. Ông là một nhân vật đầy lòng hy sinh và quả cảm, luôn luôn đặt Tổ Quốc lên trên cả gia đình và bản thân.

… Tuy nay ông không còn, nhưng ý chí sắt đá suốt đời lãnh chịu gian nan vì một lý tưởng cao cả nhằm phục vụ Tổ Quốc và dân tộc Việt Nam của ông là một tấm gương vô cùng sáng chói, chẳng những cho đoàn hậu tấn mà đồng thời còn là một khích lệ cho những người đã được hân hạnh quen biết ông. Chắc chắn mọi người Việt Nam bất luận niên kỷ, có hằng tâm đối với Tổ Quốc và dân tộc cũng sẽ nhìn vào tấm gương kiên trì bất khuất của ông mà tiếp tục “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng” cho quê hương đất nước như ông đã làm.

Đại danh của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy chắc chắn sẽ được liệt kê vào lịch sử Việt Nam bên cạnh những vị anh hùng và những nhà chí sĩ đã dâng hiến trọn cuộc đời cho Tổ Quốc Việt Nam và sẽ được “khắc ghi vào bia đá” để đời sau con cháu mãi tôn vinh.

 

Đáp từ của Nguyễn Ngọc Thúy Tần (Ái nữ của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy) trong buổi lễ truy điệu Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy tại Hoa Thịnh Đốn ngày 16 tháng 9 năm 1990.

Chúng tôi tin tưởng rằng Ba có mặt ở đây với chúng ta ngày hôm nay và rất cảm động về sự hiện diện của quý vị đã đến cầu nguyện cho Huơng Linh của Ba được siêu thoát về thế giới an lành cực lạc.

Chúng tôi thương tiếc là Ba không sống được thêm một vài năm nữa để thấy được ngày vinh quang của Tổ Quốc. Nhưng Ba đã tranh đấu hết sức của Ba. Đến mấy ngày chót mà nghị lực của Ba vẫn còn mạnh mẽ, trí óc của Ba vẫn còn sáng suốt. Nhưng than ôi! Thân thể của Ba khí cùn lực kiệt nên đành phải ra đi:

Lúc hết hơi mới biết đến mạng Trời

Và nhắm mắt mới đành thôi hoạt động

Như chính Ba đã nói trong bài thơ Quyết Sống.

Nhưng biết tánh của Ba lúc Ba còn sống, chúng tôi cũng nghĩ rằng bên kia thế giới, nếu đã có cách nào thì Ba sẽ hoạt động mạnh mẽ để thuyết phục các quyền lực thiêng liêng ủng hộ cuộc tranh đấu của chúng ta sớm đem lại độc lập, tự do, dân chủ thực sự cho Tổ Quốc Việt.

Ba sẽ phù hộ cho các bác, các cô, các chú, và các anh chị em chiến hữu cũng như tất cả những người thành thật yêu nước. Đồng thời chúng tôi tin tưởng rằng Ba sẽ hướng dẫ đến cuộc chiến thắng vinh quang cho những người ái quốc đã biết đặt quyền lợi quốc gia trên quyền lợi riêng tư của mình.

Riêng chúng tôi thì đã mất mẹ, mất em, và bây giờ mất Ba, là một mối đau buồn lớn lao và thấm thía. Nhưng trong lòng của mình, hình ảnh của Ba, Mẹ và Em không bao giờ mất. Họ sẽ sống mãi mai, gần gũi chúng tôi và hướng dẫn chúng tôi trong cuộc sống hằng ngày. Đó là Lý tưởng, là Đức độ khiêm cung. Tận tụy huy sinh phục vụ cho Quốc Gia Dân Tộc.

(Báo Tự Do Dân Bản bộ cũ số 55, tháng 10/90)