LƯỢC SỬ NGÀNH CÁN BỘ XÂY DỰNG NÔNG THÔN.
Th/Tg Nguyễn Đức Thắng (bên trái)
I. DẪN NHẬP:
Để đáp ứng tình hình chiến sự ngày càng gia tăng cường độ tại địa bàn nông thôn, đồng thời để bẽ gãy sách lược lấy nông thôn bao vây thành thị, dùng rừng núi khống chế đồng bằng do Mao Trạch Đông đề xướng, bọn cộng sản Hà Nội và tay sai đã phát động cái gọi là chiến tranh nhân dân tại Miền Nam Việt Nam, thực chất đây là cuộc chiến tranh xâm lược do Cộng sản Quốc tế chủ trương mà CSVN là kẻ thực hiện nhầm bành trướng chủ nghĩa cộng sản tại Đông Nam Á và trên toàn thế giới.
Bởi vì mục tiêu tối thượng của chủ nghĩa Cộng sản là đưa nhân loại đến thế giới đại đồng trên nền tảng tư tưởng vô sản các nước kết hợp lại dưới ngọn cờ Mác-Lê.
Ngày 26 tháng 1 năm 1966, Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương tức Nội Các Chiến Tranh ban hành nghị định số 137/NĐ/XDNT, chính thức thành lập và ấn định quy chế ngành CÁN BỘ XÂY DỰNG NÔNG THÔN. Cơ quan quản trị và điều hành tại Trung Ương là Nha Cán Bộ trực thuộc Tổng Bộ Xây Dựng, người lãnh đạo tối cao của ngành là Thiếu Tướng Nguyễn Đức Thắng lúc bấy giờ là Tổng Ủy Viên Tổng Bộ Xây Dựng, kiêm Tổng Thư Ký Hội Đồng Xây Dựng Nông Thôn Trung Ương. Tại các tỉnh có Tỉnh Đoàn, các quận có Liên Đoàn (sau đổi thành Quận Đoàn). Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn Trung Ương Vũng Tàu là nơi đào tạo nhân sự chính thức cho toàn quốc. Trong thời gian từ cuối năm 1967 đến đầu năm 1969, Nha Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn trực thuộc Bộ Quốc Phòng, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH, Văn phòng Tổng Tham Mưu Phó của Trung Tướng Nguyễn Đức Thắng.
Về nhân sự, ngành Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn được hình thành từ các nguồn: Cán Bộ tân tuyển, Cán Bộ cải tuyển từ các ngành, các bộ phận mà môi trường hoạt động là địa bàn Nông Thôn như: Biệt Chính Nhân Dân, Biệt Chính Tiền Phong, Cán Bộ Hành Chánh Lưu Động, Cán Bộ Ấp Tân Sinh v.v…
Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn là thành phần nồng cốt để thực hiện chương trình Xây Dựng Nông Thôn với mục tiêu tối hậu: Xóa đời cũ tối tăm, Xây đời mới sáng sủa cho Nông Thôn Việt Nam.
II. CÁC GiAI ĐOẠN:
Tuy nhiên do biến chuyển của tình hình và để đáp ứng kịp thời nhu cầu công tác tại địa bàn Nông Thôn, ngành Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn đã trãi qua nhiều thay đổi từ danh xưng đến tổ chức và hoạt động theo từng giai đoạn như sau:
1- Đoàn 59 người:
Số 59 không phải là sự ấn định trước số nhân sự cần thiết để tổ chức một Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, số 59 hình thành từ nhu cầu nhân sự cần thiết để xây dựng thành công một Ấp Đời Mới, nói cách khác 59 chỉ là số thành mà thôi.
Đoàn 59 người gồm có 3 bộ phận: Ban Chỉ Huy Đoàn, Liên Toán Xây Dựng và Liên Toán Dân Quân.
Ban Chỉ Huy Đoàn gồm có 7 người: Đoàn Trưởng, Đoàn Phó Chính Trị Viên, Cán Bộ Điều nghiên, 2 Liên Lạc Viên và 2 Y Tá.
Liên Toán Xây Dựng gồm có 18 người: Đoàn Phó Xây Dựng và 2 toán chuyên môn: Toán Dân Sự Vụ và Toán Phát Triển Đời Mới.
– Toán Dân Sự Vụ có 10 người: Toán Trưởng và 3 tổ là các tổ: Dân Ý, Hành Chánh, Tuyên Vận, mỗi tổ có 3 người trong đó có 1 Tổ Trưởng.
– Toán Phát Triển Đời Mới có 7 người: Toán Trưởng và 6 cán bộ chuyên ngành như Văn Hóa, Y Tế, Nông Hội, Cải Cách Điền Địa vv…
Liên Toán Dân Quân gồm có 34 người: Đoàn Phó Dân Quân và 3 toán. Mỗi toán có 11 người, gồm: Toán Trưởng và 2 tổ, mỗi tổ có 5 người trong đó có 1 Tổ Trưởng.
Đoàn 59 người được phối trí đến đơn vị Ấp, thời gian để xây dựng để trở thành một Ấp Đời Mới là 6 tháng. Đoàn 59 Người hoạt động dựa trên 4 Tư Tưởng chỉ đạo, 5 Kỹ Thuật phát triển, 11 Mục Tiêu với 98 Công Tác được thực hiện qua 12 giai đoạn còn gọi là 12 bước công tác.
2- Đoàn 30 người:
Sau chiến dịch tấn công Bình Định Đặc Biệt được tiến hành trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa vào cuối năm 1968. Để đáp ứng nhu cầu, mục tiêu Kế Hoạch Bình Định và Xây Dựng: đầu năm 1969, Đoàn 59 người được cải biến thành Đoàn 30 người và gồm có 2 bộ phận: Ban Chỉ Huy Đoàn và 3 Toán Công Tác.
Ban Chỉ Huy Đoàn có 6 người: Đoàn Trưởng, Đoàn Phó, Cán Bộ Điều nghiên, 2 Liên Lạc Viên, 1 Y Tá.
Ba Toán Công Tác mỗi toán có 8 người: Toán Trưởng và 2 tổ: Tổ Xây Dựng có 4 người, Tổ Dân Quân có 3 người, đứng đầu mỗi tổ là Tổ Trưởng.
Từ năm 1970, để phù họp với chương trình Bình Định và Phát Triển Nông Thôn, do đó danh xưng Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn cũng trở thành Cán Bộ Phát Triển Nông Thôn.
3- Đoàn 10 người:
Từ đầu năm 1971, đáp ứng với chủ trương tràn ngập lãnh thổ của Trung Ương với phương châm Ở đâu có người Cán Bộ Phát Triển Nông Thôn, ở đó có cờ quốc gia, có uy thế chính quyền quốc gia ở đó . Để thực hiện chủ trương này, Đoàn 30 người được cải biến thành Đoàn 10 người.
Tổ chức của Đoàn 10 người gồm có: Đoàn Trưởng, 1 Cán Bộ Điều Nghiên, Liên Lạc và Y Tá và 2 tổ công tác, mỗi tổ 4 người, đứng đầu mỗi tổ là 1 Tổ Trưởng.
Đoàn 10 người được phối trí đều đến đơn vị Xã trên toàn quốc.
4- Xã Đoàn:
Từ đầu năm 1972, tổ chức Xã Đoàn Cán Bộ Phát Triển Nông Thôn được thành lập. Đứng đầu mỗi Xã Đoàn là Xã Đoàn Trưởng. Nhân sự mỗi Xã Đoàn tùy thuộc vào dân số của Xã sở tại thông qua 3 mốc như sau: Xã có dưới 5,000 dân, Xã Đoàn có 6 cán bộ. Xã có trên 5,000 dân, Xã Đoàn có 8 cán bộ. Xã có từ 20,000 dân trở lên , Xã Đoàn có 23 cán bộ.
Xã Đoàn Cán Bộ Phát Triển Nông Thôn cũng là Trung Tâm Điều Hợp Xã mà Xã Đoàn Trưởng là Trung Tâm Trưởng. Ngoài ra Xã Đoàn CB/PTNT còn kiêm nhiệm chức năng Bưu Trạm Xã và là Báo Cáo Viên của công tác lượng giá tại địa phương.
Đầu năm 1974, trong chủ trương cách mạng hành chánh và cải tổ công vụ của Trung Ương, Bộ Phát Triển Nông Thôn giải thể và Nha Cán Bộ trở thành Tổng Nha Cán Bộ Nông Thôn trực thuộc Bộ Nội Vụ. Do đó một lần nữa, danh xưng Cán Bộ Phát Triển Nông Thôn được đổi thành Cán Bộ Nông Thôn cho đến tháng 4 năm 1975.
III- KẾT THÚC:
Trãi qua nhiều năm tháng miệt mài nơi xã ấp, người Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn luôn trì chí mang ánh sáng chính nghĩa Quốc Gia về tận làng xa, thôn nghèo để cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng xây dựng và cùng chiến đấu với nhân dân nông thôn. Dù chỉ được trang bị bằng vũ khí thô sơ, lỗi thời nhưng người CB/XDNT vẫn âm thầm cô đơn trong nhiệm vụ nặng nề với niềm tủi phận, nhiều khi bị lãng quên bởi cơ chế, bởi giới chức quyền cao chức trọng. Họ vẫn ôm ấp tự hào với màu áo thân thương, vẫn chấp nhận dấn thân, vẫn hiên ngang chiến đấu trực diện với kẻ thù bằng ý chí và niềm tin.
Người Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn thường xuyên hoạt động đầy cam go và luôn đối diện với bất trắc, nghiệt ngã khôn cùng. Những mục tiêu công tác để tranh thủ nhân tâm và để phát hiện, vô hiệu hóa hạ tầng cơ sở cộng sản tại địa bàn nông thôn đã làm cho chúng điêu đứng và câm hận. Cộng sản liệt Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn vào loại cực kỳ ác ôn cần phải trừ khử.
Khi cưởng chiếm miền Nam năm 1975, cộng sản đã trút đòn thù lên ngành Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn một cách tàn độc, dã man. Một số Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn bị xử bắn ngay khi bị bắt hoặc bị chúng nhận diện được. Một số bị chúng đến tận nhà dẫn đi vào ban đêm và mất tích luôn sau đó. Một số khác bị bắt vào trại tù cải tạo, bị lao động khổ sai, bị tra tấn, hành hạ đến bức tử trong các trại tù từ Nam chí Bắc.
Sự hiện diện của ngành Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn chiến đấu bên cạnh Quân Dân miền Nam thân yêu chống lại cuộc xâm lược của cộng sản Bắc Việt chỉ trong 9 năm cuối của cuộc chiến (từ 1966-1975) nhưng con số thương vong của Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn trên 7 ngàn hy sinh và trên 10 ngàn bị thương tật, tàn phế.
Những anh chị em Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn đã hy sinh cao cả vì Tổ Quốc Nhân Dân, vì chính nghĩa Quốc Gia nhưng vẫn sống mãi trong lòng dân tộc./-
Trần An Phuong Nam
Gia đình CB/XDNT Bắc California