Lịch Sử đã được viết như thế
Chúng tôi biết ước mơ của họ:
đủ để biết họ đã mơ và đã chết …
Hai câu trên nằm trong bài thơ mang tên “Lễ Phục Sinh 1916” của William Butler Yeats. Bài thơ nhằm tưởng nhớ tới những người đã ngã xuống cho tự do và độc lập của Ireland. Cuộc hành quyết đẫm máu các thủ lĩnh cách mạng sau cuộc trỗi dậy vào ngày lễ phục sinh đã đánh thức cả một thế hệ Ireland. Cuối cùng, nhân dân Ireland cũng dành được độc lập vào năm 1949 và bài thơ của Yeats được cho là một trong những bài thơ chính trị hay nhất của thế kỷ 20 trong lịch sử văn học nước Anh.
Người Việt Nam chúng ta cũng có một bài thơ sống động mà có vẻ như ngôn ngữ của thi ca không thể nào diễn tả hết nét đẹp. Đó là những tứ thơ diễm lệ, đẫm đầy tình yêu và sự hào hùng của những người trẻ, những thủ lĩnh Việt Nam Quốc Dân Đảng, trong chuyến xe ra pháp trường Yên Bái ngày 17 tháng 6 năm 1930. Tôi nhớ mài mại câu nói của một diễn giả nổi tiếng người Anh. Ông bảo rằng tất cả chúng ta đều là những nghệ sĩ của cuộc sống và của chính cuộc đời mình. Mỗi chúng ta có cơ hội để được mời và mời nhau cùng tạo nên cuộc sống này.
Lịch sử chúng ta là tranh đấu sử. Mỗi chặng đời chúng ta đã cùng mời nhau đi chung một chuyến tàu “thác ghềnh” của đất nước mình. Tôi tiếc thương da diết tinh thần và cung cách sống ấy: sống có trách nhiệm với chính mình, với nhau, và với xã hội. Đau xót thay! chưa đầy một trăm năm trong cái lò luyện của Xã Hội Chủ Nghĩa, nếp văn hoá quý giá này dường như đã mai một.
Tôi sẽ lặp lại 13 cái tên của các chí sĩ Yên Bái, những người đã cùng nhau tạo nên một áng văn chương tuyệt tác trong ngày 17 tháng sáu, nay còn gọi là “Ngày Tang Yên Bái”. Nhưng, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hồ Văn Lạo, Phó Đức Chính hay Mac Donagh, Connolly, Mac Bride, Pearse trong “Lễ Phục Sinh 1916” không còn đơn thuần là cái tên nữa. Khi ta nhắc đến họ, ta nhắc đến ngọn lửa.
Lịch sử Ireland đã được thắp sáng bằng ngọn lửa ấy, ngọn lửa của thủ lĩnh Patrick Pearse trong đêm lễ phục sinh 1916:“Bạn không thể chinh phục Ireland; bạn không thể giập tắt niềm đam mê tự do của người Ireland. Nếu hành động của chúng ta không đủ để giành được tự do, thì con cái chúng ta sẽ giành được nó bằng một hành động tốt hơn”.
Cả Pearse, Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đều biết cái giá phải trả cho tự do. Cái chết chỉ là một điều phải đối mặt khi chọn lựa hành trình gian nan ấy, và họ kiên định với chọn lựa của mình ngay đến phút cuối cùng của cuộc đời. Tại pháp trường Yên Bái, thái độ của các chí sĩ VNQDĐ đã khẳng định với người Pháp rằng cuộc chiến của họ vẫn đang tiếp diễn.
Hãy nói về đảng trưởng Nguyễn Thái Học trước ngày ông bị giải ra pháp trường. Tôi chắc những đồng chí của ông sẽ không bao giờ quên được lời dặn dò đêm ấy. Trong nhà ngục, ông đã nói to lời từ biệt với các chiến hữu của mình:“Chúng tôi đi trả nợ nước đây, các anh em còn sống cứ người nào việc ấy, cờ độc lập phải nhuộm bằng máu, hoa tự do phải tưới bằng máu, Tổ Quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều hơn nữa! Rồi thế nào cách mạng cũng thành công”.
Trở lại với chuyến xe ngày 17 tháng 6 năm 1930. Sáng hôm ấy, có một chuyến xe lửa bí mật, riêng biệt, khởi hành từ Hà Nội lên Yên Bái. Chuyến xe chở theo 13 chí sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng. Họ là những người có tên sau: Bùi Tử Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hồ Văn Lạo, Đào Văn Nhít, Nguyễn Văn Du, Nguyễn Đức Thịnh, Nguyễn Văn Tiềm, Đỗ Văn Tứ, Bùi Văn Cửu, Nguyễn Như Liên, Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Học. Ba tháng trước đó, thực dân Pháp cũng đã hành hình bốn đồng chí của họ ở pháp trường Yên Bái.
Các tử tù cứ hai người bị còng làm một, ngồi trò chuyện với nhau ở toa hạng tư trên một lộ trình dài 4 tiếng đồng hồ. Họ là những trang tuấn kiệt nước Việt. Qua cuộc trò chuyện, chúng ta thấy họ luôn giữ vững tinh thần cho nhau. Điều họ không ngờ là cũng chính thái độ đó đã giữ vững tinh thần cho hàng bao thế hệ thanh niên Việt Nam sau này. Phó Đức Chính nói đùa với anh em: “Chúng ta đến ga Yên Bái, chắc chắn sẽ được các đồng chí Lương, Tiệp, Thuyết, Hoằng, ra đón rước nồng hậu”.
Bốn đồng chí vừa được Phó Đức Chính nhắc tên là những chí sĩ đã bị xử tử vào ngày 8-3-1930 cũng tại Yên Bái.
Cùng đi trong chuyến xe còn có thanh tra sở mật thám Pháp, hai cố đạo người Âu là Linh mục Mechet và Dronet. Cả hai đã được gởi theo để làm lễ rửa tội cho các tội nhân trước giờ bị hành quyết.
Đảng trưởng Nguyễn Thái Học ngồi trò chuyện với linh mục Dronet. Để khẳng định về quyết tâm của mình và các đồng chí trước vị linh mục người Pháp, ông khẳng khái ngâm mấy câu thơ bằng tiếng Tây. Những câu thơ này được dịch ra như sau:
Chết cho tổ quốc
Đó là số phận đẹp đẽ nhất
Cũng là số phận cao cả ước ao nhất…
Người Pháp cho máy chém di chuyển theo cùng chuyến xe. Đao phủ thủ phụ trách buổi hành quyết hôm đó tên là Cai Công. Cuộc hành quyết khởi sự vào lúc 5 giờ kém 5 phút sáng ngày 17-6-1930 trên một bãi cỏ rộng với sự canh phòng cẩn mật của 400 lính bản xứ.
Khi bước lên máy chém, từng người một, cả 13 người đã lần lượt hô to: “Việt Nam Muôn Năm!”
Đến lượt Phó Đức Chính, ông yêu cầu đao phủ cho mình nằm ngửa để nhìn xem lưỡi của máy chém xuống như thế nào.
Xác 13 người anh hùng được chôn chung dưới chân đồi cao. Bên cạnh đồi là đền thờ Tuần Quán cách ga xe lửa độ một cây số. Thực dân đã cho lính canh gác mộ phần của họ một thời gian sau đó. Đảm lược của các đảng viên VNQDĐ còn được nhìn thấy qua một nữ đồng chí, Cô Giang, người đã có mặt ở đó từ sáng sớm. Cô đến từ xa, đứng lẫn trong đám đông dân chúng. Cô đến để âm thầm đưa tiễn các đồng chí cùng vị hôn phu của mình.
Những người trẻ Việt Nam ngày ấy đã viết lịch sử như thế, như thể một bài thơ. Pháp trường, đao phủ, máy chém… tất cả bỗng trở thành mờ nhạt. Chỉ riêng họ, chỉ hình bóng họ là sống mãi. Họ chính là những vần thơ, là lời khẳng định mạnh mẽ nhất trước quân thù về một dân tộc mà thực dân đang muốn thống trị!
Vâng, chúng tôi biết ước mơ của họ, đủ để biết họ đã mơ, đã sống và đã chết như thế! Chúng tôi còn biết rằng mình là một phần của cái tuyệt vời, của cái đẹp ấy; đủ để những thế hệ Việt Nam soi giọi lại chính mình, xem chúng ta có luôn sống xứng đáng? Sống với nhân cách của một con người đang đứng trên vai của những người khổng lồ.
Nguyệt Quỳnh*
Chú thích:Viết theo tài liệu của tác giả Hoàng Văn Đào trong tác phẩm “Từ Yên Bái tới ngục thất Hoả Lò”.