Hành xử thiển cận, Trung Quốc « giúp » chuyến đi Việt Nam của ông Biden thành công.
Le Figaro ngày 12/09/2023 dành hai trang báo khổ lớn cho sự kiện « Bản đồ ‘mới’ của Trung Quốc gây phẫn nộ cho các nước láng giềng ». Tập Cận Bình khẳng định yêu sách trên Biển Đông, chứng tỏ dân tộc chủ nghĩa càng ngày cứng rắn, gây trở ngại cho bản thân ngành ngoại giao của Bắc Kinh.
Đăng ngày: 13/09/2023
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và tổng thống Mỹ Joe Biden trong lễ tiếp đón tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội ngày 10/09/2023. AP – Luong Thai Linh
Chế độ cộng sản Trung Quốc hôm 28/08 đã tung ra một tấm bản đồ mới với các đường biên giới được « cập nhật », chủ yếu là chiếm gần trọn Biển Đông, gây ra một loạt phản ứng dữ dội nơi các quốc gia liên quan. Bản đồ của bộ Tài Nguyên Trung Quốc thêm vào một « đoạn thứ 10 » vào « đường 9 đoạn » do Tưởng Giới Thạch vẽ ra từ năm 1948, rồi Mao Trạch Đông lấy lại, ôm trọn 90 % vùng biển chiến lược đang được Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia đòi hỏi chủ quyền.
Tuy những đảo này nhiều khi nằm cách Hoa lục đến hơn 1.000 kilomet, « đường lưỡi bò » vẫn liếm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước bên cạnh. Phát ngôn viên Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói rằng việc công bố bản đồ là chuyện bình thường, kêu gọi các láng giềng « bình tĩnh và khách quan ». Nhưng hành động diễn ra ngay trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN đã khiến bốn quốc gia nằm cạnh Biển Đông lên án mạnh mẽ hơn thường lệ.
Hà Nội thẳng thừng « bác bỏ » yêu sách « đơn phương » của nước láng giềng khổng lồ, coi đây là sự vi phạm chủ quyền của mình, vào lúc chuẩn bị tiếp đón tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Việt Nam đặc biệt quan ngại trước vòi bạch tuộc Trung Quốc lấn sang các mỏ khí đốt ngoài khơi, và những vụ xâm nhập thường xuyên vào vùng đặc quyền kinh tế. « Đường lưỡi bò » tham lam trên vùng biển giàu tài nguyên đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016 tuyên bố là « vô căn cứ », và bản đồ mới làm không khí hội nghị ASEAN, có thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tham gia, trở nên nặng nề hơn.
Kinh tế xuống dốc, Tập Cận Bình hung hăng hơn với bên ngoài
Việc dùng đến bản đồ để khẳng định yêu sách lãnh thổ là kiểu cách xưa nay của Trung Quốc cộng sản. Việt Nam mới đây đã cấm chiếu bộ phim Mỹ Barbie vì một cảnh có đường 9 đoạn. Sự kiện Bắc Kinh thêm vào đoạn thứ 10 cho thấy Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ thứ ba càng hung hăng hơn, với ám ảnh « bị Mỹ bao vây ».
Le Figaro nhắc lại, Mao đã từng giảm đường 11 đoạn xuống còn 9 đoạn để ve vuốt Bắc Việt thời ông Hồ Chí Minh năm 1953, qua việc từ bỏ Vịnh Bắc Bộ, nhưng sau lại xua quân chiếm Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974. Giờ đây kinh tế đang suy sụp, Tập Cận Bình với xu hướng bá quyền, huy động quần chúng « bảo vệ tổ quốc ».
Chuyên gia Bill Hayton nhận xét : « Chẳng có gì mới kể từ những yêu sách năm 1948. Bản đồ mới này nằm trong chiến lược quyết đoán hơn của đảng, và nhằm tuyên truyền trong nước. Họ lặp lại quan điểm, bất cần phản ứng của các nước khác ». Bắc Kinh thậm chí còn muốn cấm những trang phục đụng chạm đến « tình cảm quốc gia », với những bản án tù. Sự cứng rắn này làm phức tạp thêm hoạt động của ngành ngoại giao, sau khi ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang) đột ngột « mất tích » và bị cách chức không một lời giải thích.
Bắc Kinh khiến phe bảo thủ ở Hà Nội trong thế bất lợi ?
Sự hung hăng của Bắc Kinh tạo điều kiện cho chuyến công du của tổng thống Joe Biden tại Hà Nội, sau khi hàng không mẫu hạm Mỹ thăm Đà Nẵng cách đây vài tuần.Theo Bill Hayton, « Cách hành xử của Trung Quốc là thiển cận, vì làm hại đến nỗ lực của những đồng minh tốt nhất của Bắc Kinh trong nội bộ chế độ Việt Nam », trong khi cuộc đấu tranh quyền lực đang dữ dội giữa phe bảo thủ thân cận với Bắc Kinh và những người ủng hộ mở cửa với phương Tây.
Trước nhu cầu thế giới đang giảm sút, con rồng Việt Nam tìm kiếm đầu tư và đối tác Mỹ khi các nhà máy phải hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên ông Hayton cảnh báo « Việt Nam sẽ không bao giờ liên minh với Mỹ chống lại Trung Quốc ». Trọng lượngkinh tế ngày càng lớn của Bắc Kinh ở ASEAN là kênh gây ảnh hưởng quan trọng. Chuyên gia Benoit de Treglodé của Viện Nghiên cứu Chiến lược cho rằng : « Trung Quốc tiến hành chiến dịch vận động hiệu quả lên giới tinh hoa Đông Nam Á, đã mệt mỏi với các bài học về dân chủ của phương Tây ». Tuy nhiên sự sa sút hiện nay của nền kinh tế thứ nhì thế giới làm u ám thêm viễn cảnh trong khu vực.
Bên cạnh đó, Le Figaro cũng chú ý đến việc Matxcơva « bỏ qua » cho « sai sót » về tấm bản đồ của « người bạn không giới hạn », dù Bắc Kinh đã tiện tay gộp luôn cả hòn đảo Bolchoi Ussuriisk mà Nga sở hữu phân nửa theo hiệp ước năm 2008. Bị phương Tây cấm vận, Matxcơva đang lệ thuộc nặng nề vào nguồn hàng cung cấp từ Trung Quốc. Bộ Ngoại Giao Nga hôm 31/08 nói rằng đây là « vấn đề kỹ thuật », ngoại trưởng Serguei Lavrov đang công du châu Á không hề lên tiếng phản đối, thay vào đó ông Lavrov tố cáo chiến lược Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương « ngăn chận Trung Quốc và cô lập Nga ».
RFIViet