“Đối tác chiến lược toàn diện” Việt-Mỹ: hình thức hay thực chất?

Cac Bai Khac

No sub-categories

“Đối tác chiến lược toàn diện” Việt-Mỹ: hình thức hay thực chất?

RFA – 2023.09.09

“Đối tác chiến lược toàn diện” Việt-Mỹ: hình thức hay thực chất?

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến dự Hội nghị thượng đỉnh G20, tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 8/9/2023, trước khi đến Hà Nội ngày 10/9.

Hôm 10 tháng 9, 2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có chuyến thăm ngắn tới Hà Nội. Theo thông báo trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyến thăm của ông Biden có thể chỉ kéo dài khoảng 12 giờ đồng hồ, vì sau đó ông sẽ có mặt tại Mỹ để tham dự các sự kiện tưởng niệm vụ khủng bố 11 tháng 9. Nhiều nguồn tin cho rằng lãnh đạo hai nước trong dịp này sẽ công bố Việt Nam Hoa Kỳ là “Đối tác chiến lược toàn diện”. 

RFA đặt câu hỏi với Giáo sư Vũ Tường, Trưởng Khoa Chính trị học, Đại học Oregon, về khả năng hai nước có thể xây dựng một mối quan hệ như vậy hay không. Ông Vũ Tường cho rằng chúng ta cần vượt ra ngoài ngôn từ ngoại giao mà hai bên đang sử dụng. Ông Tường chỉ ra rằng Việt Nam công bố mối quan hệ “đối tác chiến lược” và “đối tác chiến lược toàn diện” với nhiều nước, nhưng phần lớn đều không có thực chất. Ví dụ tiêu biểu cho tính chất “thiếu thực chất” của những mối quan hệ “đối tác chiến lược” như vậy là quan hệ với Tây Ban Nha. Tây Ban Nha và Việt Nam có gì để mà xây dựng mối quan hệ “đối tác chiến lược”? Ông Tường cho rằng muốn biết thực chất mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là gì thì chúng ta phải chờ xem họ thực thi điều đó trong thực tế như thế nào.  

Có nhiều lý do để các nhà quan sát cần thêm thời gian theo dõi xem mối quan hệ đó sẽ đi vào thực chất hay không. Giữa hai bên không tương đồng giá trị và không có cái gọi là “niềm tin chiến lược” mà chỉ lợi dụng lẫn nhau để tìm kiếm lợi ích ngắn hạn. Giáo sư Vũ Tường phân tích: Phía Mỹ thì nghĩ là có thể hợp tác với Việt Nam để kiềm chế Trung Quốc. Các công ty Mỹ có thể muốn chuyển một phần chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Còn phía Việt Nam muốn có thêm đầu tư từ các công ty nước ngoài, nhất là từ Mỹ và đồng minh, sau hai năm kinh tế tăng trưởng èo uột do dịch bệnh (2020-21) và tình trạng này lại tiếp tục trong năm nay do nhu cầu của thị trường thế giới giảm mạnh. Có thể Việt Nam cũng hy vọng việc nâng quan hệ sẽ khiến chính phủ Mỹ làm ngơ trước việc Việt Nam tiếp tục đàn áp xã hội dân sự trong nước. 

Theo ông Tường, cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine góp phần gây ra chuyển biến trong chính sách Việt Nam đối với Hoa Kỳ. Hà Nội ủng hộ Nga từ đầu nhưng không ngờ Nga thất bại trong khi chiến tranh kéo dài cho thấy sức mạnh của phương Tây và sự yếu kém của Nga về cả quân sự, chính trị, lẫn uy tín quốc tế. Chính sách thân Nga của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu dẫn đến việc Việt Nam bị mất uy tín và cô lập trên trường quốc tế khi không bỏ phiếu lên án Nga ở Liên Hiệp Quốc. Cho đến đầu năm nay Hà Nội vẫn dè dặt với đề nghị nâng cấp quan hệ của Hoa Kỳ, nhưng để thoát khỏi tình trạng bị cô lập và bị phương Tây đe doạ trừng phạt nên nay đành phải chấp nhận việc nâng cấp quan hệ, có thể là rất miễn cưỡng. Chúng ta thấy sứ thần của Tập Cận Bình đã đến Việt Nam trước ông Biden, cùng lúc với việc Việt Nam bắt đầu nói đến nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với không chỉ Hoa Kỳ mà cả Úc, Singapore và Indonesia, với thông điệp rõ ràng là “chuyện (nâng cấp quan hệ với Mỹ) không có gì đáng làm ầm ĩ”. Đây là lý do ông Tường cho rằng quan hệ Việt-Mỹ có thể được nâng cấp nhưng cũng chỉ là hình thức. 

Chuyển sang một hướng khác, RFA hỏi GS Vũ Tường là nếu Việt-Mỹ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thì Việt Nam có coi trọng Mỹ giống như coi trọng Trung Quốc hay không. Ông Tường cho rằng mỗi mối quan hệ đem lại những lợi ích khác nhau cho Việt Nam. Mỹ quan trọng với Việt Nam về mặt kinh tế, nhưng Trung Quốc giúp Việt Nam rất nhiều trong tư duy và kỹ thuật tăng cường chuyên chế, bảo vệ đảng và chế độ, và kiểm soát xã hội. Nếu kinh tế Việt Nam lẹt đẹt như năm nay, Việt Nam tạm thời cần Mỹ hơn. Nhưng khi kinh tế khá hơn dẫn đến đòi hỏi dân chủ tăng, Việt Nam sẽ cần Trung Quốc hơn để đáp ứng nhu cầu bảo vệ chế độ và kiểm soát xã hội.  

Về phản ứng từ phía Trung Quốc, ông Tường cho rằng Bắc Kinh sẽ không vì việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ mà thay đổi chính sách đối với Biển Đông vì đây là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Tuy vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể tăng cường quan hệ cá nhân và tổ chức nhà nước với Việt Nam để tiếp tục giữ Việt Nam trong quỹ đạo của mình như từ trước đến nay. Chúng ta có thể tiên đoán trong thời gian tới sẽ diễn ra nhiều cuộc viếng thăm cấp cao cũng như các buổi họp mặt trao đổi giữa các Bí thư Trung Ương Đảng, Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng, Ban Tuyên Giáo của hai nước có “lý tưởng tương thông và vận mệnh tương quan” này. 

RFAViet