Bốn tổ chức nhân quyền: “Hoa Kỳ sẽ chỉ hỗ trợ về quân sự nếu Việt Nam tôn trọng quyền của dân”.
RFA
2023.09.05
Tổng thống Hoa Kỳ Joe BidenAPBốn tổ chức nhân quyền: “Hoa Kỳ sẽ chỉ hỗ trợ về quân sự nếu Việt Nam tôn trọng quyền của dân”00:00/00:00
Hơn một tuần trước chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Hà Nội, một nhóm bốn tổ chức nhân quyền gửi thư chung đề nghị người đứng đầu Nhà Trắng quan tâm đến tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam và gây sức ép để buộc nhà nước độc đảng này ở Đông Nam Á tôn trọng các quyền căn bản của người dân.
Ông Biden dự kiến sẽ tới Hà Nội vào ngày 10/9 và gặp gỡ với ban lãnh đạo Việt Nam để ký kết thoả thuận nâng cấp quan hệ giữa hai quốc gia.
Trong thư ngỏ đề ngày 01/9, bốn tổ chức đề nghị “Hoa Kỳ sẽ chỉ hỗ trợ về kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ cho Việt Nam khi Hà Nội cam kết tôn trọng các quyền cơ bản của người dân.”
Các tổ chức cho rằng chỉ khi tôn trọng nhân quyền, Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và mang lại lợi ích lâu dài cho Hoa Kỳ và hòa bình thế giới.
Thư ngỏ nhắc đến hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Việt Nam trong nhiều năm gần đây, đó là việc đàn áp giới bất đồng chính kiến bằng việc bỏ tù hàng trăm người lên tiếng chỉ trích chế độ một cách ôn hoà với những bản án tù dài hạn lên đến 20 năm và giam giữ họ trong điều kiện hà khắc vô nhân đạo, trấn áp người hoạt động xã hội mà tiêu biểu là việc bỏ tù năm nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường bằng những cáo buộc nguỵ tạo, và đàn áp sách nhiễu những nhóm tôn giáo độc lập, đặc biệt là nhiều nhóm Tin Lành của người bản địa ở Tây Nguyên.
“Trong các cuộc gặp gở với chính quyền Việt Nam, Ngài nên khuyến khích và thuyết phục chính phủ Việt Nam tiến hành cải thiện tình hình nhân quyền trong nước, gây áp lực để họ chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động xã hội, trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, và bãi bỏ mọi hình thức hạn chế quyền tự do thực hành tôn giáo và chấm dứt can thiệp vào hoạt động nội bộ của các tôn giáo,” các tổ chức nói trong thư ngỏ.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, một trong bốn tổ chức ký tên vào thư ngỏ, cho rằng nhân quyền là nguyên tắc cơ bản trong quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ, tuy nhiên, vấn đề nhân quyền không phải lúc nào cũng là yếu tố nổi bật trong quan hệ Việt-Mỹ. Cụ thể, hiện nay, việc Trung Quốc bành trướng trong khu vực là điểm then chốt mà Hoa Kỳ muốn đối phó.
Theo ông, Hoa Kỳ rất kiên nhẫn trong vận động nhân quyền với Việt Nam, và bằng chứng rõ nhất là hai bên đã tiến hành 26 cuộc đối thoại nhân quyền thường niên.
Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 04/9 về nhiệm vụ vận động nhân quyền của người Việt, trong đó có tổ chức của ông:
“Các tổ chức nhân quyền như Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam nhiệm vụ của chúng tôi là phải vận động với chính giới Hoa Kỳ, hành pháp cũng như lập pháp chúng tôi phải thường xuyên tiếp cận và trình bày với họ về tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam.
Bức thư ngỏ gửi Tổng thống Biden trước chuyến công du Việt Nam sắp tới, hoặc việc tiếp cận các văn phòng dân biểu và nghị sỹ để vận động cho dự luật Nhân quyền Việt Nam, là những công tác mà chúng tôi đã và đang thực hiện.”
Ông JB Nguyễn Hữu Vinh, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một trong ba tổ chức còn lại ký tên vào thư ngỏ, nói về tầm quan trọng của việc vận động cho nhân quyền Việt Nam:
“Tôi nghĩ rằng đó (gửi thư ngỏ- PV) là những việc cần phải làm bởi vì dù có kết quả hay không có kết quả thi trách nhiệm của những người cần thiết phải làm những việc đó là cần thiết.
Việc các tổ chức gửi thư đến ông Biden để lưu ý cái vấn đề đó thì tôi cho rằng lại là cần thiết vì cha ông ta đã nói rồi, ‘con có khóc thì mẹ mới cho bú’.”
Dẫn chính sách ngoại giao của chính quyền Biden-Harris “bắt nguồn từ các giá trị dân chủ được trân trọng nhất của Hoa Kỳ: bảo vệ tự do, ủng hộ cơ hội, đề cao các quyền phổ quát, tôn trọng pháp quyền và đối xử với mọi người một cách có phẩm giá,” bốn tổ chức bày tỏ hy vọng chuyến thăm của ông Biden tới Việt Nam “sẽ mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam bình thường và các nhà hoạt động cho tự do, dân chủ ở Việt Nam.”
Dự án 88 kêu gọi Tổng thống Biden đặt điều kiện với Hà Nội
Trong ngày 4/9, Dự án 88, một tổ chức vận động cho nhân quyền Việt Nam, cũng ra thông cáo báo chí kêu gọi Tổng thống Biden đặt điều kiện với Hà Nội trước khi ký kết thoả thuận nâng cấp quan hệ song phương.
Biden nên yêu cầu Việt Nam trả tự do cho các tù nhân chính trị, chấm dứt việc bắt giữ người hoạt động nhân quyền, ân xá cho tất cả tù nhân chính trị, Dự án 88 nói trong thông cáo.
Tổ chức này nói hai quốc gia đánh dấu 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, tuy nhiên, việc thắt chặt quan hệ song phương lại trùng với việc Việt Nam gia tăng đàn áp người dân trong nước.
‘Thật phẫn nộ khi Tổng thống Biden đã chọn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào thời điểm nhà nước độc đảng đang tiến hành đàn áp khốc liệt đối với các nhà hoạt động, giới bất đồng chính kiến và xã hội dân sự. Bất chấp những lời hoa mỹ cao cả về việc thúc đẩy ‘trật tự quốc tế dựa trên luật lệ’ và bảo vệ tự do, Biden một lần nữa lại thân thiện với những kẻ chuyên quyền có hồ sơ nhân quyền tồi tệ,” Ben Swanton, đồng giám đốc của Dự án 88 nói trong thông cáo.
Ông Ben Swanton nói hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trầm trọng hơn kể từ năm 2016 khi Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng thâu tóm quyền lực. Dưới sự chỉ đạo của nhân vật bảo thủ này, Bộ Công an đã thực hiện việc trấn áp khốc liệt đối với giới hoạt động bằng những điều luật mơ hồ trong Bộ luật Hình sự.
“Việc Việt Nam đàn áp giới hoạt động và giới bất đồng chính kiến làm đóng cửa các nhà xuất bản độc lập, các nhóm báo chí tự do, và các tổ chức chống tham nhũng trong nước, với hậu quả nặng nề đối với các cố gắng thúc đẩy chính trị đa nguyên,” ông Swanton nói.
‘Việc không trừng phạt Việt Nam vì hành vi vô pháp đã gây ra hậu quả ớn lạnh. Chính quyền đang sử dụng lời đe dọa truy tố hình sự vì tội ‘trốn thuế’ như một biện pháp ngăn chặn sự xuất hiện của xã hội dân sự độc lập, đồng thời hạn chế các quyền cơ bản đối với quyền tự do lập hội và ngôn luận,” ông Swanton tổng kết.
RFAViet