Vụ Đăk Lăk: Người Thượng ở Mỹ biểu tình, kêu gọi Hoa Kỳ và LHQ ‘vào cuộc’.
11/07/2023
Cộng đồng người Thượng ở Mỹ hôm 10/7 tổ chức một cuộc tuần hành trước Quốc hội Mỹ, Nhà Trắng và Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Washington để phản đối chính quyền Việt Nam đàn áp người Thượng ở Tây Nguyên, đặc biệt sau vụ tấn công ở Đăk Lăk, và kêu gọi chính phủ Mỹ và Liên Hiệp Quốc tiến hành điều tra độc lập vụ việc và giúp đỡ những người thiểu số đang gánh chịu tình trạng bị “dồn đến đường cùng”.
Tây Nguyên ‘tồi tệ hơn bao giờ hết’
Người biểu tình cầm trên tay cờ Mỹ và cờ của người Thượng, cùng những biểu ngữ như “Tự do tôn giáo cho Tây Nguyên”, “Chính quyền Việt Nam hãy ngừng giết người Dega”, “Tây Nguyên thuộc về người Dega”, “Nước Mỹ hãy cứu người Dega”…
Cuộc biểu tình, do Tổ chức Dega Tây Nguyên (Dega Central HighLands Organization) thực hiện với sự tham dự của hơn 200 người Thượng gốc Việt, diễn ra một tháng sau khi xảy ra vụ tấn công ngày 11/6 ở trụ sở chính quyền hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk, khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có 4 công an, 2 cán bộ và một số dân thường.
Chính quyền Việt Nam cho tới nay đã khởi tố 84 nghi phạm, trong đó có 75 người về tội ‘Khủng bố chống chính quyền nhân dân’ với mức án lên đến tử hình, truy nã 6 người, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra, truy nã thêm những người liên quan được cho là đã bỏ trốn.
Một số nhà hoạt động và người Thượng ở Mỹ có liên hệ chặt chẽ với người Thượng ở Tây Nguyên nói với VOA rằng sau khi xảy ra vụ tấn công ở Đăk Lăk, tình trạng chính quyền đàn áp người Thượng ở Tây Nguyên càng trở nên nặng nề hơn. Nhiều buôn làng bị canh gác nghiêm ngặt.
“Tôi biết rằng cuộc đàn áp ở Tây Nguyên, Việt Nam, hiện nay tồi tệ hơn bao giờ hết, đặc biệt là tình trạng chống Thiên Chúa giáo. Tôi biết ngay cả trẻ em cũng đang bị chính quyền Việt Nam tra tấn và giết hại”, Mục sư Gene Lathan thuộc Giáo hội Tin Lành ở Charlotte, bang North Carolina, nói với VOA trong cuộc biểu tình.
Ông cho biết ông từng đến Việt Nam năm 2019 và tiếp xúc với người Thượng ở Tây Nguyên, tận mắt chứng kiến cuộc sống khốn khổ của họ, chứng kiến việc họ bị đối xử bất công, bị tước đoạt tài sản, tước quyền tự do tôn giáo và bị dồn đến đường cùng.
“Đây là một điều rất đáng buồn và tình trạng này phải đánh thức cả nước Mỹ. Đây là những người đã chiến đấu với chúng tôi (người Mỹ) trong Chiến tranh Việt Nam. Họ là những người mà nhiều người trong số họ đã hy sinh để bảo vệ những người lính Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Và vì vậy, tôi tin rằng chúng tôi có một món nợ lớn mà chúng tôi phải trả cho những người này. Đó là lý do tại sao tôi ở đây ngày hôm nay”, Mục sư Lathan nói thêm.
Không tin cáo buộc của Việt Nam
Trong khi một số nhà hoạt động và giới quan sát cho rằng vụ tấn công có thể bắt nguồn từ tình trạng “kỳ thị sắc tộc” đối với người Thượng ở Tây Nguyên, chính phủ Việt Nam hôm 6/7 bác bỏ nguyên nhân này và cho rằng đây là một khủng bố có tổ chức.
Phía Bộ Công an Việt Nam nói “các tổ chức phản động lưu vong người Việt, các phần tử theo chủ nghĩa cực đoan lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo trú chân tại một số quốc gia thiết lập cơ sở, chân rết, tổ chức huấn luyện cho số đối tượng trong nước và cử người xâm nhập Việt Nam chỉ đạo thực hiện hành động khủng bố ở Việt Nam”.
Tuy nhiên, cộng đồng người Thượng ở Mỹ không tin vào cáo buộc này. Thậm chí, có người còn cho rằng đây có thể là một “âm mưu” của chính quyền Cộng sản nhằm có cớ đàn áp người Thượng mạnh tay hơn.
“Theo mình nghĩ chuyện câu kết với nước ngoài chắc là không có. Không có chuyện như vậy. Cá nhân mình khẳng định không có chuyện như vậy. Chắc là mưu mẹo của Đảng Cộng sản làm ra. Chắc có lẽ như vậy. Mình không biết chắc nhưng có lẽ là như vậy. Tại sao họ có súng ống, AK, CKC, M16? Dân làng đâu có những loại đó đâu? Dứt khoát là không có… Người Thượng không bao giờ có xe Jeep, có xe. Ai cho xe đó để chạy? Hai chiếc xe Jeep đó ai đã cho họ?”, ông Jep Jabin nêu ý kiến cá nhân với VOA về vụ tấn công mà ông nói là “đẫm máu” ở Đăk Lăk.
Kêu gọi Mỹ, Liên Hiệp Quốc “vào cuộc”
Ông Jabin cho biết ông tham gia cuộc biểu tình với mong muốn là những vấn đề của người Thượng ở khu vực Tây Nguyên Việt Nam được các cơ quan, tổ chức quốc tế để tâm và giúp đỡ.
“Bởi vì chính quyền Cộng sản Việt Nam đàn áp, thu hồi đất đai, tôn giáo và tất cả những gì đời sống của họ không được tự do… Tất cả điều đó là sự đau thương đối với người bản địa, tức người Thượng. Sự sống của họ rất phức tạp. Không có đất, không có chỗ trồng trọt, ruộng vườn… Tất cả đều bị quan chức Cộng sản thu hồi hết, (họ) phải chịu sự đối xử rất tồi tệ như vậy. Cho nên vụ xảy ra mình chẳng biết lý do gì, nhưng chắc chắn về đời sống cực khổ như vậy (của người Thượng Tây Nguyên) nên chúng tôi đến đây để giúp họ, để đời sống họ đỡ cực khổ hơn một tí, để có cơ quan nào đó chăm sóc, giúp họ”.
Andy Eya, một thành viên ban trong tổ chức cuộc biểu tình hôm 10/7, nói thêm với VOA:
“Mục đích là kêu gọi nhà nước Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc vào Tây Nguyên để điều tra cho rõ, chứ không để Cộng sản tự làm như vậy thì thiệt thòi cho người dân, đã nghèo khổ rồi bây giờ bị nó canh gác. Làng nào, buôn nào cũng canh gác nên không đi làm được”.
Sau cuộc biểu tình ở khu vực toà nhà Quốc hội Mỹ, ông Andy Eya và các thành viên ban tổ chức đã có buổi tiếp xúc với một số thượng nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ. Ông cho biết: “Mình vô đó báo cáo cho họ về vụ xảy ra ở Đăk Lăk. Nó rất phức tạp. Đầu đuôi mình không biết cho nên mình cần nhà nước Mỹ giúp mình thôi vì rất nhiều người đang bị bắt, bị giết…”.
Mục sư Lathan nói với VOA rằng mặc dù ông không biết sự thật là ai đã thực hiện vụ tấn công, “nhưng tôi biết rằng kể từ khi chuyện đó xảy ra, đã có sự ngược đãi khủng khiếp và hàng ngàn người Thượng đang chết đói. Hiện tại họ sắp chết đói vì buôn làng của họ bị đối xử như nhà tù và họ bị giam giữ ở đó”.
Ông kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy thay đổi quan điểm và một số chính sách, có thái độ dung chấp người Thượng hơn và cho họ được hưởng các quyền của con người, thì mọi vấn đề và xung đột tự nhiên sẽ được giải quyết.
Ngoài địa điểm toà nhà Quốc hội, cuộc biểu tình của người Thượng ở Mỹ sau đó tiếp tục diễn ra ở Nhà Trắng và Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Washington.
Đại sứ quán Việt Nam không lập tức phản hồi yêu cầu phỏng vấn của VOA.
VOAViet