Ukraine nói ‘ngày tàn’ của Vladimir Putin bắt đầu được đếm ngược.
- Tác giả, Jeremy Bowen
- Vai trò, BBC News, Kyiv
- 9 giờ trước
Mối quan tâm tại thủ đô Kyiv hiện nay rõ ràng là cuộc nổi loạn của binh sĩ Wagner, thủ lĩnh Yevgeny Prigozhin, những hậu quả đối với Vladimir Putin và diễn biến cuộc chiến tranh Ukraine.
Cuộc binh biến của Wagner vượt qua biên giới Ukraine đến Nga càng củng cố quan điểm từ Kyiv rằng thời gian tại vị của Tổng thống Nga Putin đang đến hồi kết.
“Tôi nghĩ quá trình đếm ngược đã bắt đầu,” Andriy Yermak, cố vấn thân cận nhất của Tổng thống Ukraine Zelensky nói.
Trong một cuộc họp báo tại Kyiv, ông Andriy Yermak nhìn lại năm 2014 khi Nga lần đầu xâm lược Ukraine, sáp nhập bán đảo Crimea.
“Điều Ukraine chứng kiến kể từ năm 2014 đã trở nên rõ ràng đối với toàn bộ thế giới,” ông Yermak nói.
“Nước [Nga] là quốc gia khủng bố, có một nhà lãnh đạo là con người thấp kém, bị mất sự kết nối với thực tại. Thế giới phải đi đến kết luận là không thể nào có bất kỳ mối quan hệ nghiêm túc nào với quốc gia này.”
Giới chức cấp cao của Ukraine trả lời BBC tại Kyiv đều có lập luận là Putin không thể nào vượt qua chuyện quyền lực bị đánh mất một cách đầy thảm họa.
Họ nói, câu chuyện bắt đầu với quyết định thảm họa của Putin khi tiến hành xâm lược toàn diện Ukraine hồi tháng 02/2022.
Theo giới chức Ukraine thì cuộc binh biến của Wagner, và màn vạch mặt của ông chủ Prigozhin về những lời biện minh của Nga cho cuộc chiến tranh Ukraine, đã khiến cơ hội bám víu còn sót lại của Putin bị ‘rơi rụng’.
“Chế độ Putin” một trong số các quan chức Ukraine khẳng định, “không thể cứu vãn được nữa.”
Quan trọng là nhớ rằng bất kỳ điều gì mà những người Ukraine nói, đặc biệt từ giới lãnh đạo đất nước, về các kẻ thù Nga, đã xuất hiện vào giai đoạn cao trào của cuộc chiến tranh mà họ nhìn nhận, chính xác hơn, là một cuộc tranh đấu vì sự tồn vong của quốc gia.
Người Ukraine đã có một cuộc chiến truyền thông thông minh, và đáng chú ý là họ kiên định với các thông điệp được chuyển đi cho người dân của mình và các đồng minh Phương Tây, cũng như các kẻ thù tại Moscow.
Cuộc binh biến của lính đánh thuê có ý nghĩa gì đối với nước Nga của Putin?
Các giả định khó xảy ra nằm trong số đánh giá mà giới chức Ukraine chia sẻ với báo giới.
Nhưng những quan điểm của họ về một cuộc khủng hoảng xung quanh quyền lực của kẻ thù nguy hiểm Vladimir Putin đáng để chúng ta lắng nghe.
Không còn ngờ vực rằng Putin đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất trong quá trình cầm quyền của mình kể từ năm 2000.
Các giới chức cấp cao khác tại Kyiv nói họ tin rằng Putin đã bị phản pháo từ các mạng lưới không chính thức, có tổ chức, từ những người bị bất mãn trong nội bộ.
Trong văn phòng của mình, Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng của Ukraine nói với BBC rằng “Prigozhin không phải là nhân vật cấp cao nhất. Họ [những người bất mãn] có thể là giới tinh hoa chính trị mới”.
Ông Danilov nói giới này bao gồm lực lượng an ninh, giới chức, và những người đại diện của các nhà tài phiệt Nga, những người tin rằng quyết định tiến hành cuộc chiến tranh toàn diện tại Ukraine của Putin hồi tháng Hai năm ngoái là một thảm họa cá nhân đối với họ cũng như là mối đe dọa đối với Nga.
Ông Danilov, một người đàn ông ở độ tuổi khảng hơn 60, trong trang phục phong cách quân đội màu đen, với tấm huy hiệu có phần họ tên mình, đã phản ứng mạnh khi tôi hỏi liệu ông ta có bằng chứng để củng cố phân tích của mình hay không.
“Tôi không suy đoán,” ông khẳng định.”Chúng tôi biết những người này là ai, chúng tôi biết về cuộc đời của họ.”
Nga: Vladimir Putin đối mặt thời khắc ‘rất nguy hiểm’ trong hơn hai thập kỷ cầm quyền
Mykhailo Podolyak, một cố vấn khác của Tổng thống Zelensky, đồng ý rằng “có một số nhóm người khác muốn chiếm quyền tại Nga’.
Theo ông thì hệ thống mà Putin gầy dựng, từ trên xuống dưới và theo chế độ toàn trị, đã bị thay thế gần như là một khoảng trống ngay ở trung tâm quyền lực.
Một quan chức cấp cao khác, người phát biểu với điều kiện giấu tên, đi xa hơn, nhận định rằng Tổng thống Putin sẽ bị buộc phải sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng Tư lệnh Nga lực lượng tại Ukraine, Tướng Valery Gerasimov, một động thái được xem có lẽ là một cách đáp trả trước thất bại quân sự khác.
Sa thải hai người đàn ông này là một đòi hỏi chính từ thủ lĩnh Yevgeny Prigozhin và những binh sĩ nổi loạn của Wagner.
“Prigozhin sẽ có thứ mà mình muốn,” vị quan chức này dự đoán. “Cuộc đời chính trị của ông ta chưa kết thúc đâu. Ông ta sẽ không sống lưu vong tại Belarus.”
Về cuộc phản công của Ukraine, ông Podolyak nói cuộc nổi loạn của Wagner không kéo dài đủ lâu để ảnh hưởng đến cuộc giao tranh dọc theo tiền tuyến dài 1.800 km, theo ông là dài nhất đối với bất kỳ cuộc chiến tranh nào kể từ năm 1945.
Rõ ràng là đối với nhà quan sát điềm tĩnh nhất về cuộc chiến tranh Ukraine thì Kyiv phải chiến đấu rất mạnh mẽ, và phải chịu tổn thất sinh mạng binh sĩ và trang thiết bị, bao gồm vũ khí do Nato cung cấp.
Khi tôi hỏi một quan chức, người muốn giấu tên, về những khu vực chiến thuật đạt được gần đây ở vùng miền đông, bao gồm một số ngôi làng nhỏ, ông ta chỉ ngón tay, với thông điệp là bước tiến hiện đang chậm, đau đớn và bị hạn chế, mặc dù ông kỳ vọng tình hình có thể thay đổi.
Giới chức Ukraine cũng đang nỗ lực hết sức để thực thi các kỳ vọng về cuộc tiến công mùa hè. Họ tin rằng một số đồng minh Phương Tây, cũng như giới ủng hộ truyền thông, đã trở nên quá phấn khích về quân đội Ukraine và trang thiết bị của Nato gửi đến Kyiv.
Một số quan chức Ukraine cho rằng mối lo sợ khiến các nhà lãnh đạo Phương mất ngủ là một sự sụp đổ của chế độ Tổng thống Putin có thể dẫn đến một rủi ro thật sự là các nhân vật có thể kế nhiệm ông ta tiến hành tranh giành quyền lực trong một quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
Viễn cảnh này rõ ràng đang đứng đầu chương trình nghị sự của thượng đỉnh Nato, dự kiến sẽ diễn ra tại Lithuania vào tháng Bảy.
Tổng thống Zelensky và các cố vấn của ông ta muốn lần họp thượng đỉnh có thể mang đến cho họ một lộ trình rõ ràng và chắc chắn để trở thành thành viên Nato. Họ tin rằng câu trả lời tốt nhất đối với sự bất ổn tại Nga là đưa một bức màn sắt dành cho Moscow.
Thế nhưng sự bất ổn xung quanh Tổng thống Putin và chế độ của ông ta, khi chiến tranh Ukraine đã kéo dài 1,5 năm và cuộc binh biến của Wagner, có thể khiến các quốc gia trong Nato sẽ muốn cuộc chiến tranh nằm chấm dứt trên bàn đàm phán, không phải trên chiến trường.
Nga: Vladimir Putin đối mặt thời khắc ‘rất nguy hiểm’ trong hơn hai thập kỷ cầm quyền
Cuộc chiến Ukraine: Putin xác nhận vũ khí hạt nhân đầu tiên được chuyển đến Belarus
BBCVIET