Vụ Wagner nổi loạn : Trung Quốc lo ngại quyền lực của Putin bị suy yếu.
Không chỉ có các nước phương Tây mà cả Trung Quốc trong những ngày qua cũng đã lo lắng theo dõi diễn biến cuộc nổi loạn bất thành của chủ nhân tập đoàn lính đánh thuê Wagner.
Đăng ngày: 28/06/2023
Lính đánh thuê Wagner được triển khai trước trụ sở Ban Chỉ Huy Quân Sự, thành phố Rostov-on-Don, Nga, ngày 24/06/2023. REUTERS – STRINGER
Bắc Kinh cũng hoàn toàn không muốn nhìn thấy kịch bản một cuộc xung đột giữa lực lượng bán quân sự với quân đội dẫn đến hỗn loạn khiến không còn ai có thể kiểm soát được nước Nga.
Theo nhận định của chuyên gia Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), viết trên trang web của viện này hôm qua, 27/06/2023, cho dù đối địch với nhau, Trung Quốc cũng như phương Tây đều muốn thấy nước Nga suy yếu đi, nhưng không ai muốn quốc gia rộng lớn với hơn 6.000 vũ khí hạt nhân này sụp đổ hoàn toàn. Sau vụ binh biến, Trung Quốc đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với tổng thống Putin, nhưng vẫn không ngớt lo ngại về tình hình nước Nga, một đối tác có tính chất chiến lược của Bắc Kinh trong cuộc đối đầu với phương Tây.
Tuy bị đặt vào tình thế khó xử kể từ khi Putin phát động cuộc chiến tranh Ukraina vào tháng 02/2022, Bắc Kinh vẫn duy trì sự ủng hộ về ngoại giao và chính trị đối với Matxcơva, đang bị phương Tây trừng phạt nặng nề và gần như bị cô lập trên trường quốc tế. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn không lên án cuộc xâm lược của Nga, tuy vẫn kêu gọi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của các nước, kể cả của Ukraina. Tháng 3 vừa qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Matxcơva và khi gặp tổng thống Vladimir Putin, ông đã tuyên bố quan hệ Nga-Trung “bước vào một thời kỳ mới”.
Chỉ đến sau khi chấm dứt hoàn toàn vụ nổi loạn của Wagner mà họ xem là “chuyện nội bộ” của nước Nga, Chủ nhật 25/06, Bắc Kinh mới ra tuyên bố ủng hộ mọi nỗ lực của Matxcơva để “bảo vệ sự ổn định” của đất nước. Theo các nhà phân tích được hãng tin AFP trích dẫn ngày 26/06, Trung Quốc đã chọn một cách tiếp cận thận trọng như vậy vì họ hiểu rằng vụ nổi loạn của Wagner đã làm lộ rõ những rạn nứt trong quyền lực của tổng thống Putin. Bà Susan Thornton, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á-Thái Bình Dương dưới thời Donald Trump, nhận định với AFP: “Trung Quốc đã rất ngạc nhiên về kết quả rất kém của quân đội Nga ở Ukraina. Vụ binh biến này rất có thể sẽ bị xem là một dấu chỉ mới về sự suy yếu của Matxcơva”.
Theo lời ông Victor Shih, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại đại học San Diego, Hoa Kỳ, trước khi xảy ra vụ nổi loạn của Wagner, rất có thể Trung Quốc tin rằng Putin là lãnh đạo có uy quyền tuyệt đối ở Nga. Nhưng sau vụ nổi loạn, Bắc Kinh sẽ phải xem xét lại đánh giá đó. Björn Alexander Duben, một chuyên gia về quan hệ Nga-Trung tại trường Đại học Cát Lâm (Jilin), Trung Quốc, nhận định với AFP :”Rất có thể đây đã là một cú sốc đối với Bắc Kinh, và nhất là đối với Tập Cận Bình, khi thấy rằng hệ thống phòng thủ của Nga đã thất bại như vậy”.
Theo vị chuyên gia này, chắc chắn là chế độ Bắc Kinh sẽ rút ra những bài học từ vụ này. Cho tới nay, các lãnh đạo Trung Quốc vẫn cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô và tình trạng bất ổn sau đó cho thấy là cần phải có một bộ máy quyền lực thật mạnh. Dẫu sao thì ở Trung Quốc không thể có chuyện một lực lượng bán quân sự như Wagner tự tung tự tác như vậy, mà Đảng Cộng sản chỉ chấp một lãnh đạo duy nhất, đó là Tập Cận Bình.
Theo AFP, một số nhà phân tích cho rằng vụ nổi loạn của Wagner có thể sẽ thúc đẩy Bắc Kinh gia tăng hoạt động trung gian hòa giải nhằm sớm chấm dứt chiến tranh Ukraina, để nước Nga không bị suy yếu hơn. Và phải chăng Trung Quốc vừa tung ra một quả bóng thăm dò theo hướng này? Trả lời phỏng vấn nhiều cơ quan truyền thông hôm qua, ông Phó Thông (Fu Cong), đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Châu Âu, đã tuyên bố rằng không có lý do gì Bắc Kinh chống lại việc Ukraina thu hồi toàn bộ lãnh thổ như vào thời giành độc lập năm 1991, kể cả bán đảo Crimée đã bị sáp nhập vào Nga năm 2014.