BIỆT KÍCH MIỀN NAM .

Cac Bai Khac

No sub-categories

BIỆT KÍCH MIỀN NAM .
  • Biệt kích quân Nguyễn Văn Hinh

“Tôi tên Hinh, được anh em ưu ái tặng cho biệt hiệu “Hinh Nổ” là vì 2 lý do:
– Trước hết, tôi chuyên môn gài chất nố để phá hoại.
– Sau nữa, tôi đã dám… Nổ vào mặt bọn cán bộ tuyên truyền của Việt Cộng. Bọn chúng tuyên truyền nói dóc với chúng tôi, chúng nổ những chuyện không ai tin nổi, làm cho tôi nổi cơn, tôi… nói dóc lại cho chúng nghe, nổ lại chúng bằng chính những câu nói dóc mà chúng nói với chúng tôi, làm anh em Biệt Kích cười nôn ruột, từ đó, họ đặt cho tôi cái tên… Hinh NỔ.”
(Biệt Kích Quân Nguyễn Văn Hinh, Melbourne)

Năm 1959, Miền Nam Việt Nam đang ở vào thời kỳ cực thịnh của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp, chiến tranh là một điều còn xa xôi lắm.

Lúc đó, tôi đang học lớp Đệ Nhị, sửa soạn thi kỳ thi “Tú Tài I”. Chưa thi, tôi đã vẽ ra cái vinh quang của người học sinh thi đậu bằng “Bắc Oong (Bac I) – Baccalauréat Première Partie”, oai phong lẫm liệt bước lên học lớp Đệ Nhất, năm sau thi “Tú Tài II – Baccalauréat Deuxième Partie. Có bằng “Bắc Đơ” (Bac II) rồi là cứ ung dung ghi tên vào thẳng Viện Đại Học Saigòn, tự chọn phân khoa mình ưa thích: Y, Nha, Dược, Kiến Trúc, Kỹ thuật, Luật, Văn Khoa… mà không phải qua bất cứ kỳ thi nào cả.

Vì cái viễn ảnh tươi đẹp đó, tôi cứ nghĩ rằng tôi sẽ đậu kỳ thi cuối năm. Số mình đậu, chắc chắn sẽ đậu, không cần phải cố gắng chi cho nhiều. Rủi thay, tôi lại… thi rớt. Vào thời đó, chưa có lệnh… Tổng động viên, nên tôi cứ tàn tàn học lại chờ thi khoá 2. Số mạng của tôi là miệt mài khoa cử, nhưng lại khác mọi người: Khoa cử của tôi không về các nghề nghiệp dân sự, mà lại khoa cử về… binh nghiệp.

Một hôm, trong khi tôi đang ngồi chăm chỉ học bài thi, thì người anh họ (học cùng lớp) của tôi đến chơi. Đợi lúc không có ai, anh ghé tai tôi nói nhỏ:

  • Tao… tình nguyện đi học khoá Hạ Sĩ Quan Đồng Đế, vừa thoả mãn đời trai tang bồng hồ thì, vừa có tí tiền xài.

Tôi thắc mắc:

  • Anh không lo học để mà thi lại bằng Tú Tài Một à?
  • Đi lính trước đã, khi ra đơn vị rồi, nộp đơn xin về đi thi. Bộ Quốc Phòng và Bộ Giáo Dục đồng ý năng đỡ những quân nhân có tinh thần học hỏi, nên cho thêm điểm, dễ đậu lắm.

Tôi nghe bùi tai, xin cha mẹ cho đi lính.
Học căn bản quân sự ở Trung Tâm Huấn Luyện “Quang Trung” 3 tháng, đến khoảng tháng 9 năm 1959, chúng tôi khoác ba lô đi ra Nha Trang để học khoá “Trần Bình Trọng” ở Trường Hạ sĩ Quan Đồng Đế (lâu quá rồi, tôi không nhớ rõ tên khoá học, nên tên này có thể đúng, và cũng có thể sai). Gần mãn khoá học, các binh chủng quân đội, như Nhẩy Dù, Thuỷ Quân Lục Chiến. Thiết Giáp, Pháo Binh… đều cử phái đoàn đến để giới thiệu binh chủng của mình và cũng để tuyển mộ tân binh. Tôi đang đứng sớ rớ thì gặp thầy giáo đầu đời bậc Tiểu Học của tôi là Thầy Khai Tâm. Thầy đã không còn tiếp tục dạy học nữa, mà mang lon Trung uý, mặc bộ quân phục Nhẩy Dù, đội mũ bê rê đỏ chói, làm trưởng toán tuyển mộ của “Lữ Đoàn Nhẩy Dù”. Thầy hỏi tôi:

  • Em có muốn đi lính… Thiên Thần Mũ Đỏ hay không?

Thôi thì thầy đi đâu trò theo tới đó, tôi đặt bút ký tình nguyện gia nhập Binh Chủng Nhẩy Dù.

Học xong khoá huấn luyện nhẩy dù, tôi được bổ xung cho Tiểu Đoàn 5 do Đại uý Phạm Xuân Soạn làm Tiểu Đoàn Trưởng. Sau vài tháng mưa nắng chiến trường, là tới kỳ thi Tú Tài I, do tôi đã nộp đơn từ trước, nên được cho 1 tuần lễ nghỉ phép để về Sài Gòn dự thi. May mắn đã đến, tôi được chấm đậu.

Đại Uý Soạn ký giấy cho tôi đi học khoá 3 Sĩ Quan Đặc Biệt, cũng tại trung tâm huấn luyện Đồng Đế, Nha Trang.

Mãn khóa học, tôi được gắn lon Chuẩn Uý, nhưng Sự Vụ Lệnh cấp cho tôi lại không trở về Nhẩy Dù, mà lại về phục vụ cho Lực Lượng Đặc Biệt, trực thuộc Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống. Tuần lễ đầu, tôi được đặc biệt cho hưởng nhàn, đi tới đi lui trong doanh trại ở Đại Lộ Thống Nhất, gặp và làm quen với những Biệt kích quân khác, mà đa số là độc thân, trẻ tuổi và… theo đạo Công Giáo.

Suốt 1 năm trời sau đó, tôi được đưa đi học đủ thứ khóa học của Biệt Kich. Vì đã có bằng nhẩy dù rồi, tôi chỉ học thêm những môn học sau đây: Tình Báo, Truyền Tin, Khai Thác Mật Mã, Phá Hoại, Tác Chiến và Mưu Sinh Thoát Hiểm…

Đầu năm 1962, tôi mãn khóa học để chính thức trở thành 1 Biệt Kích Quân. Chuyến hành quân đầu tiên của tôi là:
Đổ bộ vào Hà Tĩnh, theo dõi tình hình và… bắt cóc 1 người lính Bắc Việt, đem về hậu cứ để khác thác thêm.

Đêm tối đen còn hơn mực, tôi được 1 giang đĩnh của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (cải trang thành 1 thuyền đánh cá của ngư dân vùng Hà Tĩnh) đưa vào gần bờ biển. Từ đó, tôi một mình một bóng bơi vào bờ, đem theo trong mình giấy tùy thân của 1 ngư dân Hà Tĩnh, 1 bức thư liên lạc, 1 máy truyền tin và khẩu súng lục Browning.

Vào bờ, tôi liên lạc với điệp viên gài sẵn của Biệt Kích, bằng cách đem bức thư liên lạc đến bỏ tại “Hộp Thơ Chết”. Đó là 1 địa điểm do điệp viên của chúng ta tại Hà Tĩnh chỉ định để nhận thơ và tài liệu. Khi nhận được tài liệu, người điệp viên sẽ liên lạc trực tiếp với tổng đài để báo tin và cho địa điểm của “Hộp Thơ Chết” sắp tới. Đúng giờ đã ấn định, tôi liên lạc vói Tổng đài để biết sẽ phải tới đâu để nhận tài liệu. Biết được đích xác nơi phải đến để dọ thám, tôi cứ tự nhiên như là người bản xứ, từ rừng đi vào thành phố Vinh, nhập vào đoàn người mà đi tới đi lui trong giới hạn mà tôi có thể di chuyển. Trong thời gian này, tôi phải chọn đối tượng để bắt cóc. Đối tượng phải là 1 người lính chính quy của Bắc Việt, có mặc quân phục hẳn hoi. Tôi mon men lại gần 1 bệnh viện của đám bộ đội, bọn chúng đi tới bệnh viện xin khám bệnh vào sáng sớm và chiều tối. Tôi theo dõi, tìm được 1 con mồi, đợi lúc hắn ta đi về nhà một mình, ra tay nhanh như chớp chụp thuốc mê kéo anh ta về bãi biển đã định sẵn. Đêm đến, ghe đánh cá vào tận nơi, những anh em Biệt Kích khác phụ với tôi khiêng người tù binh lên thuyền, trực chỉ Đà Nẵng.

Sau này, tôi được biết, người tù binh đó là 1 Thượng Úy. Khi tỉnh dậy, anh ta như là lạc vào một… thế giới khác, với những người nói cùng một thứ tiếng với anh, nhưng không gian thì hoàn toàn khác hẳn với thành phố Vinh của anh. Anh đã… thực tình khai báo những gì mà anh biết về tình hình địa phương và đơn vị trực thuộc của anh.

Trở về Saigòn, tôi được chỉ định ở tại 1 ngôi nhà gọi là “Nhà An Toàn” với một số anh em khác. Đó là 1 ngôi nhà rất bình thường trên con đường Trần Hưng Đạo cũng rất bình thường của thành phố Saigòn, mà Lực Lượng Đặc Biệt sử dụng cho các toán viên có nơi trú ngụ và dễ tập trung. Gia đình tôi vẫn ở vùng Hòa Hưng, nên tôi về đó sống tiện hơn là ở Nhà An Toàn.

Được thảnh thơi khoảng 1 tuần, tôi được lênh lên máy bay trở lại Đà Nẵng, rồi từ đó bay thẳng qua Lào, vào khu rừng núi trùng điệp, căn cứ của Biệt Kích và CIA Mỹ, nằm trong khu vực của Tướng Lào Vàng Pao. Tôi nhớ rõ là được ký tên trên giấy tờ là làm việc với tư cách Điệp Viên, không có tên tuổi, không có số quân, không đơn vị (mặc dầu về phía Việt Nam, tôi gốc lính Nhẩy Dù, Biệt Kích, có số quân hẳn hoi). Sau đó, tôi được xếp toán 6 người, sẽ lên trực thăng nhẩy xuống vùng biên giới Lào Việt để xâm nhập vào Nghệ An.

Tôi chưa hề gặp và quen biết những biệt kích quân cùng toán với tôi, những cái tên mà chúng tôi được giới thiệu để gọi nhau, đều là những tên… giả. Giấy tờ tùy thân, mặc dầu là giấy… thật, có đóng dấu đỏ chót của “Khai Thác Địa Chất Miền Núi” nhưng lại do CIA cung cấp. Thời gian này, toán chúng tôi chỉ có nhiệm vụ thâu thập tin tức, giữ liên lạc với những điệp viên đã được gài sẵn ở Miền Bắc mà thôi. Những tin tức này được gởi về Đà Nẵng để tìm hiểu thêm và từ đó đưa ra những kế hoạch hành quân. Ngoài những toán Biệt Kích Việt Nam, trung tâm hành quân này còn có những toán Biệt Kích của Đài Loan, họ đều lớn tuổi, khoảng từ 30 tới 45 tuổi, nhưng tinh thần chống cộng rất cao. Thời gian đầu chưa quen biết, họ nói tiếng Hoa, chúng tôi nói tiếng Việt, lúc sau, có nhiều người trong bọn họ học nói tiếng Việt, nên chúng tôi nói chuyện vui lắm.

Ở phần đầu, tôi có nhắc tới những “Điệp Viên” của chúng ta gài lại ở miền Bắc. Làm cách nào mà phòng Phản Gián của chúng ta gài được những điệp viên này?

Theo tôi được biết, vào năm 1954, trước khi quân đội Pháp rút khỏi miền Bắc, họ có tuyển một số người tình nguyện, đưa đi học 1 khóa tình báo ở Osaka khoảng 15 ngày, sau đó đem họ trở về sống bình thường ở khắp nơi trên lãnh thổ miền Bắc. Con số điệp viên không biết là bao nhiêu, gồm cả những điệp viên của Tướng Tưởng Giới Thạch, Cộng Hòa Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Những lần ra Bắc, chúng tôi thường xuyên liên lạc với họ qua những “Hộp Thơ Chết” nhưng chưa bao giờ nhìn thấy mặt họ, và cũng không bao giờ được phép tìm hiểu họ là ai! Những điệp viên này, tùy theo nhu cầu, có thể xin phép tuyển thêm nhân viên. Họ được trả lương và cung cấp máy truyền tin mới rất đều đặn. Cho đến nay, những điệp viên này vẫn còn sống, có điều không còn ai liên lạc với họ nữa, và họ cũng chẳng còn ai để báo tin.

Thông thường, cứ khoảng 3-4 tuần, chúng tôi lại làm 1 chuyến công tác nhảy toán 1 lần, mỗi chuyến công tác kéo dài khoảng 7 ngày, có khi kéo dài cả tháng, tùy tình hình an ninh tại nơi thâu thập tin tức, và nơi trực thăng bốc chúng tôi. Cuộc đời của nguời lính Tình Báo Biệt Kích, tuy nguy hiểm và đầy những cam go và thử thách (có đời lính nào mà không nguy hiểm và cam go hay không?), nhưng đa số những toán tình báo đều trở về đầy đủ và an toàn. Sau mỗi chuyến công tác ở miền Bắc trở về, chúng tôi được đi máy bay Hàng Không Việt Nam về Saigòn hoặc Đà Nẵng nghỉ phép.

Chuyến công tác dài bao nhiêu ngày thì khi về sẽ được nghỉ phép bấy nhiêu ngày. Mỗi khi đi phép, chúng tôi đều mặc thuờng phục và sống tại những “Nhà An Toàn” đã định sẵn, chỉ những lần đi lãnh lương thì mới mặc quân phục mà thôi. Chúng tôi mặc quân phục của lính Nhẩy Dù, đội mũ đen có gắn cánh dù tương tự như Binh Chủng Nhầy dù, nhưng kích thước lớn hơn (sau này mới đổi qua bê rê mầu xanh lá cây, giống như Thủy Quân Lục Chiến).
Mặc dù không có Thẻ Căn Cước Quân Nhân, nhưng chúng tôi có 1 Giấy Chứng Nhận với chữ ký của Đại Tá Lê Quang Tung, chỉ huy trưởng Lực Lượng Đặc Biệt, trên đó có in tiêu đề của binh chủng, tên quân nhân, số thứ tự của giấy chứng nhận và huy hiệu cánh dù Biệt Kích. Tên trên giấy chứng nhận là tên thật của chúng tôi, và vì không có hình ảnh dán kèm, nên mỗi khi chúng tôi gặp rắc rối, Quân Cảnh chỉ còn một cách duy nhất là gọi điện thoại cho Bộ Chỉ Huy của chúng tôi để hỏi thêm chi tiết mà thôi.
Tiền lương chúng tôi lãnh, là lương bình thường của người lính Việt Nam Cộng Hòa, kèm theo phụ cấp bằng Dù, Bằng Biệt Kích mà thôi. Ngoài tiền lương này, về phía Mỹ, mỗi khi nhẩy toán trở về, chúng tôi lãnh thêm tiền phụ cấp của CIA, vì những tin tình báo do chúng tôi thâu thập, CIA cũng đều sử dụng.

Tướng Dương Văn Minh đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm hồi nào, tôi hoàn toàn không biết, vì lúc đó, tôi và anh em còn ở tuốt ngoài Nghệ An lận.

Sau chuyến công tác, vào khoảng tháng cuôi tháng 11 năm 1963, tôi nhận được sự vụ lệnh về trình diện Bộ chỉ huy gấp, do Đại Tá Lam Sơn, Chỉ huy Trưởng Lực Lượng Đặc Biệt ký. Được mời về một cách đặc biệt như vậy, anh em trong toán, và ngay cả tôi nữa, cũng đều cho rằng, tôi sẽ được… thăng chức, hoặc ít ra cũng được… gắn huy chương vì thành tích nhẩy toán xuất xắc.

Vào phòng chỉ huy trưởng, tôi chẳng thấy huy chương, cũng chẳng thấy lon lá gì để sẵn cho tôi cả, trái lại, Đại Tá Lam Sơn hỏi tôi 1 câu mà tôi không hề dự định:
– Chú em là đảng viên của… Đảng Cần Lao Nhân vị, phải không?

Tôi thất vọng, buồn bã trả lời ông:
– Dạ đúng, thưa Đại Tá!
– Tại sao chú lại gia nhập đảng Cần Lao Nhân Vị?
– Tại vì đảng này có đường lối ôn hòa, tôn trọng sức cần lao và nhân vị con người.
– Chú em có biết rằng, Hội Đồng Tướng Lãnh Cách Mạng đã ra chỉ thị đình chỉ công tác, theo dõi, thấm vấn và loại trừ những đảng viên của Đảng Cần Lao hay không?
– Thưa Đại Tá, có phải đây là lý do tôi được gọi về trình diện Đại tá?
– Đúng vậy.
– Nếu vậy thì tùy Đại Tá định liệu. Tôi là lính, lúc nào cũng chỉ là 1 người lính mà thôi. Lệnh đó áp dụng cho những vị chỉ huy cao cấp kìa, chứ còn tôi, suốt ngày tôi ở rừng ở núi, không lẽ Đại Tá đình chỉ công tác của tôi, cho tôi về… hậu cứ?
– Chú mày ngon! Dám nói như vậy với chỉ huy trưởng?
– Tôi đâu có còn cách nào để mà nói nữa, thưa Đại Tá.

Đại Tá Lam Sơn chống tay cạnh sườn đi tới đi lui trong phòng một hồi để suy nghĩ, cuối cùng, ông đập tay lên bàn một cái… rầm, nói với tôi:
– Được! Chú mày ngon, thì anh cũng… chơi ngon với chú mày. Anh cho chú mày… 14 ngày phép, sau đó về trình diện, làm việc tại đây với anh.

Tôi đứng như trời trồng, không ngờ là mình lại đuợc may mắn như thế. Đi phép 2 tuần thì tôi ham, nhưng về làm việc ngay tại cái hang cọp này, thì tôi… ớn lắm. Đời trai, tôi đang còn thích bay nhẩy, làm sao mà ngồi 1 chỗ được. Tôi làm gan, nói lớn với vị chỉ huy:
– Thưa Đại Tá, tôi không dám xin đi phép, chỉ xin Đại Tá cho tôi được… trở về đơn vị cũ.

Ông Đại Tá cười sang sảng:
– Đúng như anh nghĩ. Chú mày… bảnh thiệt! Vậy thì anh cho chú mày 14 ngày phép, lãnh lương liền, sau đó về lại căn cứ Vàng Pao, nghe chưa?

Tôi… bay liền lập tức ra khỏi bộ chỉ huy.

2 tuần lễ nghỉ phép đặc biệt thật là hạnh phúc. Tôi về nhà thăm cha mẹ, anh chị em, đi phố chơi với nguời yêu… đủ cả mọi thứ, tiền bạc xài rủng rỉnh.
Hết phép, tôi lại trở về vùng rừng núi đầy sương mù nơi đất Lào xa xôi cách trở.

Đầu năm 1964, toán tình báo của chúng tôi đuợc lệnh đi Nghệ An 1 lần nữa. Lần này nhiệm vụ hơi nhiều:
– Chúng tôi phải tìm hiểu chung quanh tỉnh Nghệ An có cả thẩy bao nhiêu bồn chứa xăng? Đã gắn bao nhiêu dàn radar? Lấy tin tức chính xác về “Đập nước Linh Cảm” những nơi có thể đặt bom để phả hủy đập nước này…

Tin tức được lấy đầy đủ, tôi báo cáo rõ ràng mọi chi tiết cho trung tâm và được lệnh trở về. Tôi cho anh em biết địa điểm tập trung, nói họ cứ đi trước, tôi còn 1 nhiệm vụ nữa phải làm, sẽ tới sau.

Địa điểm tới của tôi là đến nhà thờ Vinh, thăm cha sứ để làm quen và mời cha làm đầu cầu liên lạc mới, vì cha là nguời nổi tỉếng chống cộng ở ngay tại miền Bắc Cộng Sản.

Tôi mua vé xe khách vào Vinh, rồi đi bộ tới nhà thờ. Vừa đi đuợc khoảng vài bước, tôi có linh tính là đang bị theo dõi. Trước khi lên xe, tôi đã giấu máy truyền tin ở 1 nơi rất kín, chỉ mang theo người giấy tờ tùy thân (giấy giả) và khẩu súng phòng thân mà thôi. 2 tên công an mặc thường phục đã đến sát bên tôi rồi, tôi muốn rút súng ra bắn tụi này rồi chạy thoát thân. Nhưng súng chỉ dùng khi mình có cơ hội chạy thoát mà tôi, bây giờ tôi đang ở trong thành phố, có bắn chúng nó thì cũng không biết chạy đi đâu? Thôi thì tới đâu hay tới đó. 2 tên công an tới sát bên tôi, 1 tên chĩa súng, tên kia hỏi giấy đi đường của tôi. Tôi bình tĩnh đưa tay vào trong áo, tính rút súng ra bắn thằng cầm súng rồi áp đảo thằng kia, nhưng chúng nó không phải có 2 tên, mà còn nhiều tên bên cạnh đó nữa, chúng nhào vô đẩy tôi ngã xuống đất rồi còng tay bịt mắt tôi ngay lập tức. Một tên mò trong người tôi, lấy được khẩu súng và giấy tờ, hắn kêu lên mừng rỡ:
– Biệt Kích Miền Nam! Bắt được rồi.

Về đồn công an, thay vì đánh đập tra tấn, bọn chúng để tôi ngồi yên trong phòng giam, gọi điện thoại đi tứ tung. Sáng sớm, 1 đám công an mới tới, có vẻ là cấp lớn hơn, chúng dắt tôi ra bắt đầu thẩm vấn. Càng trể càng tốt, giò này thì các toán viên của tôi đã an toàn lên trực thăng rời khỏi Nghệ An rồi. 1 tên hỏi dằn mặt tôi ngay lập tức:

“Tôi có danh sách 6 người Biệt Kích Miền Nam hoạt động trong vùng này. Chỉ có trưởng toán mới được quyền đi vào thành phố, anh tên là Nguyễn Văn Hinh, phải không?”

Đây chắc là đám chống tình báo của Việt cộng. Tôi không ngờ là bọn chúng lại có đầy đủ tên họ của cả toán Biệt Kích, lại tên thật nữa. Chối cũng vô ích, tôi nhận là đúng tên tôi.

Bọn chúng hỏi ngay máy truyền tin của tôi. May mắn là tôi không mang theo, nên khai là bị thất lạc ở trong rừng rồi. Bọn chúng hỏi số mật mã liên lạc với trung ương, tôi trả lời thật dể dàng:

  • Nhiều số lắm, tôi không nhớ hết được, nên đã ghi vào mảnh giấy, gắn vào máy truyền tin.

Bọn chúng hỏi rất nhiều, đa số là tôi khai “Không nhớ” “Không biết”. Cho dù là có biết, tôi cũng không khai, vì biết rằng, lời khai của tôi sẽ có ảnh hưởng rất lớn cho những toán đi về sau. Thấy tôi không khai, bọn chúng đổi chiến thuật, mỗi ngày đưa tôi đến 1 địa điểm khác nhau, đa số là nhà dân ở, rồi nói với tôi:

  • Chúng tôi không có nhà tù, nên không biết đem anh giam ở đâu cả, chỉ để anh ở chung với dân mà thôi.

Nhưng tôi biết, đám dân này toàn là công an đội lốt cả, chúng nó cứ hỏi tôi những câu hỏi vớ vẩn, rồi xen kẽ vào những câu hỏi nghề nghiệp, làm cho tôi phải cố gắng lắm mới không tiết lộ bất cứ những điều gì cần phải giấu.

Cuối cùng, vào khoảng tháng 4 năm 1964, bọn chúng lôi tôi ra trước tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, kết án tôi là “Gián Điệp Biệt Kích Miền Nam” và cho tôi bản án Tù chung thân.

Xử xong chúng mói đem tôi ra mà làm thịt, chúng đánh tôi nhừ tử. Không khai câu nào, đánh câu nấy, không nói tiếng nào, đánh tiếng đấy. Chúng đánh tôi mềm người rồi mới xách lên xe đưa đi giam tại trại “Cổng Trời”.

Trại tù Cổng Trời không biết được xây từ lúc nào, chắc là do thực dân Pháp xây để giam giữ những nhà ái quốc chống lại chúng. Đó là 1 trại tù rất kiên cố, xây bằng đá xanh, hàng rào phía bên ngoài cũng bằng đá tảng, cao, cao lắm, cao vút tận trời (khoảng 4m gì đó), bên trên lại giăng dây kẽm gai nữa, chỉ có 1 cổng duy nhất đi vào mà thôi. Bị nhốt ở đây thì không có cách chi mà vượt ngục, trừ khi vượt ngục bằng cửa chính. (Trại giam “Cổng Trời” nằm trong địa phận huyện Đồng Văn là 1 trong số 10 huyện của tỉnh Hà Giang.

Hà Giang là 1 tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang. Về phía Bắc, Hà Giang giáp tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây nước Tàu. Trại Cổng Trời chỉ cách biên giới Việt Nam – Trung Cộng độ 10 km đường chim bay).
Tôi bị biệt giam ngay từ khi tới trại. Ban ngày tôi được tự do đi tới đi lui trong phòng, ban đêm, chúng cùm tôi lại cho tới sáng mới mở ra.

Inline image

Trại Tù Cổng Trời ở Hà Giang

Thời gian đầu, mỗi khi đêm xuống, tôi không tài nào ngủ được, tôi có cảm giác như người bị hõng chân, không tin rằng mình đã bị bắt. Tôi nhớ lại từng hành vi, cử chỉ khi đang hoạt động ở Nghệ An. Tôi đã nhẩy xuống vùng này nhiều lần, đã quá quen thuộc với đường đi nước bước rồi, tại sao lại để bị bắt? có thể vì đã quá quen, nên tôi đã bị sơ hở?

Tôi hối tiếc, vì đáng lẽ ra, tôi không nên đi xe ca (xe đò) vào buổi sáng, mà nên đi vào buổi trưa hoặc chiều, vì lúc đó, bọn công an đã trở về trại rồi. Nhưng tôi lại tự trả lời: Nếu tôi vào thành phố trễ, sẽ khó gặp cha xứ, vì cha sẽ phải đi thăm các con chiên trong họ đạo.

Hối tiếc thứ hai của tôi là, cũng đáng lẽ ra, tôi không cần phải đi gặp cha xứ ngay trong lần này. Vì việc tới gặp cha xứ chỉ là tự nguyện, trong trường hợp có thể làm được mà thôi. Chỉ vì tôi đã quá tôn trọng nhiệm vụ, nên đã liều mạng dùng xe ca để di chuyển.

Nếu tôi không đi gặp cha xứ, chắc chắn tôi đã không bị bắt rồi.

Trong khi ngồi trên xe ca, tôi quan sát, thấy người dân Nghệ An trên xe đều mặc quần áo giống tôi (đồng phục công nhân màu xanh biển) nhưng chiều cao thì thấp hơn tôi. Có thể chính cái vóc dáng này (1.76m) đã làm cho tôi khác với mọi người trong xe, nên bọn công an mới để ý và bắt tôi?

Trong thời gian bị chúng hỏi cung, tôi cũng đã trốn thoát 1 lần, nhưng tại sao tôi lại bị chúng bắt trở lại?

Khoảng 2 tuần lễ sau khi bị bắt, chúng giữ tôi tại những căn nhà, gọi là… nhà dân và không còng tay còng chân tôi gì cả. Một hôm, nhân lúc chúng vừa cho tôi ăn chiều, lo thu dọn đem đi, thì tôi tàn tàn đi theo chúng nó, thoát ra ngoài, đi thẳng luôn xuống cuối phố, tìm đường đi về miền núi. Tôi vừa trốn vừa đi, được 3 ngày thì tới vùng núi non, coi như là thoát rồi, chỉ cần leo lên tới lưng chừng núi là tôi sẽ tìm cách liên lạc với máy bay trực thăng để họ đón tôi về.

Nhưng mà tới lúc đó thì tôi mệt quá rồi, 3 ngày không ăn, không ngủ, tôi kiệt lực, gục xuống 1 gốc cây thiếp đi. Tới khi tôi tỉnh dậy thì đã thấy bọn công an đang chĩa súng vào đầu tôi, chân chúng đang đạp lên ngực tôi, thế là tôi lại vào tù. Trên đường bị giải đi, tôi thoáng thấy đám trẻ chăn trâu đang nhìn tôi mà chỉ chỏ. Thì ra đám con nít này đã thấy tôi, đi báo với công an.

Thôi thì, cũng là số mạng đã an bài, tiếc nuối làm chi.

Mình đã làm tròn nhiệm vụ của 1 người Biệt Kích. Mình không làm điều gì sai trái, không để phiền lụy gì tới người khác. Hãy hãnh diện vì công việc mình đã làm.

Suy nghĩ như vậy rồi, tôi chấp nhận với số mạng.

Ở một thời gian trong trại giam, tôi đã có dịp quan sát trại tù. Phòng giam của tôi rất nhỏ, chiều dài khoảng 2,5m, chiều rộng khoảng 2 m gì đó (tôi chỉ phòng chừng, không nhớ rõ). 3 phía phòng giam là tường xây bằng đá tảng, đằng trước là cửa gỗ. Qua khe cửa, tôi nhìn thấy trại giam chia làm 2 dẫy phòng đối diện nhau, cách nhau bằng 1 lối đi khoảng 1m. Tôi đã tìm cách liên lạc với anh em tù bên cạnh tôi và đối diện với phòng giam của tôi.

Đối với người tù ở 2 bên cạnh, tôi dùng muỗng bằng sắt, cạo lớp vôi giữa 2 viên đá rồi gõ vào đá theo kiểu truyền tin (Morse). May mắn thay, người tù kế bên cũng là 1 Biệt kích, nên đã trả lời lại cho tôi. Anh này đã bị tù trước tôi, nên đã cho biết, có khoảng 40 Biệt kích bị giam ở đây, phần còn lại là những người dân miền Bắc bị bắt vì lý do chính trị, những tu sĩ Công Giáo và Phật giáo bị bắt trong chính sách diệt trừ tôn giáo của Việt cộng.

Một hôm, sau khi nhận phần cơm, bọn cai tù đóng cửa bỏ đi, tôi thoáng nghe một giọng nói thật nhẹ nhàng:
– Bị bắt lâu chưa? Tội gì mà vào đây?

Lời nói như gió thoảng, tôi không nghe rõ cho lắm, và cũng không biết là ai nói với ai? Nên tôi giữ im lặng để cố nghe lại và tìm hiểu xem lời nói đó phát xuất từ đâu?

Giọng nói lại phát ra, lần này tôi nghe rõ, phát ra từ phòng giam đối diện với tôi:
– Bị bắt lâu chưa?

Tôi vội vàng đứng thẳng lên, kê miệng vào khe hở của cánh cửa phía trên, trả lời vừa đủ nghe:
– Tôi bị giam ở đây khoảng 6 tháng rồi.
– Tội gì mà vào đây?
– Tôi là Biệt Kích Miền Nam, nhẩy ra Bắc, bị bắt.
– Còn tôi là Giám Mục Công Giáo.
– Thưa cha, con cũng là người theo đạo Công Giáo.

Thế là chúng tôi quen nhau, và tiếp tục nói chuyện với nhau rất là tâm đầu ý hiệp. Tôi được biết, cha tên là Nguyễn Văn Vinh. Tôi và cha Vinh đã có đôi lần cầu nguyện chung với nhau (đương nhiên là vào ban đêm).

Vào một buổi sáng, khi bọn cai tù đi giao cơm, tôi nghe tiếng chúng mở cửa phòng của cha Vinh, và nghe những lời đối thoại sau đây giữa người tù giao cơm và tên cai tù:
– Sao không thấy nó cựa cậy? Vào xem nó ra sao?
– Nó . . . chết rồi!
– Tới giờ này mới chịu chết. Thôi được rồi, đóng cửa lại, không cần giao cơm nữa.

Khi bọn chúng đi rồi, tôi cố gọi cha Vinh:
– Cha ơi, Cha Vinh ơi . . . Cha . . . còn sống không? Trả lời cho con đi.

Tôi gọi cha Vinh nhiều lần nữa, nhưng cha Vinh không bao giờ trả lời tôi nữa. Tôi nhớ thời gian đó là khoảng cuối năm 1964.

(GHI CHÚ:
Ông Mặc Lâm, biên tập viên đài Á Châu Tự Do RFA 2010-12-24 / Phong Trào PNVN/HĐCN http://www.rfa.org đã phỏng vấn quý ông Phùng Văn Tại và Kiều Duy Vinh, như sau:

Radio Free Asia

Ông Phùng Văn Tại, 1 giáo sư dạy môn Giáo Sử Văn Chương trong chủng viện, ông kể rằng:
“Ngày 24 tháng 12 năm 1959 tức là chiều hôm trước chuẩn bị trang trí nhà thờ chính tòa để đón Noel, thì Ủy ban Liên lạc Công giáo, tức là Ủy Ban Đoàn Kết Công giáo đến gây chuyện, tranh giành việc trang trí nhà thờ. Tranh giành như thế cha chính Vinh cho kéo chuông. 2 cái tháp nhà thờ Chính Tòa của Hà Nội có 6 quả chuông cha chính Vinh cho ca đoàn lên kéo cùng một lúc, cứ như thể 1 cuộc báo động lớn năm 1959 cho nên kinh khủng lắm, và họ hô nhau đến bắt cha chính Vinh.”

Linh Mục Nguyễn Văn Vinh

Có thể nói cha chính Vinh là nạn nhân đầu tiên trong chính sách xóa sổ thầm lặng đạo Công giáo mà chính quyền Hà Nội hướng tới. LM Nguyễn Văn Vinh do quá cương quyết và không chịu khuất phục đã âm thầm chịu chết sau đó trong trại giam Cổng Trời.

“Bắt cha chính Vinh xong họ bắt một số ca viên, có những người chỉ mới 16, 17 tuổi. Cha chính Vinh bị bắt và cuối cùng ngài bị đày lên Cổng Trời. Cổng Trời là 1 cái địa ngục nhốt cho đến chết thì thôi, cùng với cha Lương Huy Hân. Cái chết của cha chính Vinh là như thế.”

Đại Úy Kiều Duy Vinh, khóa 4 Đà Lạt, kể lại rằng:

  • “Tôi tên là Kiều Duy Vĩnh sinh năm 1931 tại Hà Nội. Tôi học trường Chu Văn An, thế rồi giữa năm 1950 và 1951 tôi học ở trường sĩ quan Đà Lạt khóa 4. Tôi ra trường và đến năm 1954 tôi là Đại úy Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 74D Việt Nam ở khu 9 Linh Trang thuộc địa phận Hải Phòng.

Vào năm 1954 tôi là con một, tôi không đi di cư và ở lại miền Bắc, tới năm 1959 tôi bị bắt đi tù. Tôi tình nguyện thứ nhất 10 năm từ năm 1959 tới 1969 tại trại Cổng Trời. Ở đó tôi gặp tất cả những người tử tù đặc biệt là 72 người đầu tiên. Tôi lên cùng anh Nguyễn Hữu Đang (ông là người từng lãnh trọng trách tổ chức buổi lễ tuyên bố độc lập cho chính phủ Hồ Chí Minh. Ông cũng là con chim đầu đàn của phong trào Nhân Vân Giai Phẩm, bị bắt khi phong trào này đòi quyền tự do sáng tác.). Chỉ còn mỗi tôi và anh Đang còn sống còn 70 người còn lại chết cả trên trại cổng trời. “Trại Cổng Trời là cái tên 1 địa danh mà dân gian đặt ra vì ở đấy nó là 1 cái dốc cổng trời. Còn địa danh do Bộ Công an, Cục Lao cải thì tên chính thức của nó là C65 HE công trường 75A Hà Nội. Không ai biết địa điểm của nó ở đâu, người ta muốn hỏi trại Cổng Trời ở đâu thì đến Hà Nội, hỏi Bộ Công an, và Bộ công an thì… đấy địa chỉ đấy…

Trước năm 1959 tôi với anh Đang lên thì hầu như không có đường. Người ta chở chúng tôi tới Hà Giang rồi đi một đoạn nữa, rồi đi một đoạn nữa…cứ thế. Lúc ấy tôi đã là 1 sĩ quan rất biết địa hình lắm mà vẫn không biết vị trí thật của nó ở chỗ nào! Tôi ở đấy 10 năm từ 1959 cho tới 1969 thì tôi được thả về.’)

Đến đầu năm 1966 thì bọn chúng đưa chúng tôi ra giam ở phòng tập thể, từ 6 người trở lên, và bắt đầu cho học tập chính trị.

Tôi nhớ, bài học đầu tiên là “Tiến bộ của Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Xô”. Bọn chúng tập trung anh em tù, đủ mọi thành phần, từ Biệt kích cho tới tù chính trị, tôn giáo… khoảng cả trăm người, ngồi đầy chặt cả hội trường. Tên cán bộ phùng mang trợn mắt kể:

  • “Ở 1 nhà máy đóng hộp thịt bò, người nông dân dắt con bò vào để làm thịt bò đóng hộp. Từ lúc dắt con bò vào cho đến khi giết bò, cạo lông, mổ bò, chia ra từng bộ phận… rồi đóng hộp, chỉ chừng nữa tiếng đồng hồ mà thôi. Sau đó, người nông dân đem về cả 1 bao đầy những hộp thịt bò đã đóng hộp xong để phân phối cho các hợp tác xã của mình.”

Đến phần thảo luận, mà bọn chúng gọi là “Thu Hoạch” tất cả chúng tôi phải đưa ra những lời phát biểu để chứng tỏ rằng mình đã hiểu sự tiến bộ của “Xã Hội Chủ Nghĩa” mà đứng đầu là Liên Bang Xô Viết.

Đến phiên tôi lên phát biểu, trước mặt mọi người, tôi đã kể lại sự ưu việt của Xã Hội Chủ Nghĩa, như sau:

“Liên Bang Xô Viết rất là tiến bộ, nhất là trong lãnh vực máy móc cơ khí, đến nỗi các kỹ sư có thể làm sống lại 1 con bò đã được xẻ ra làm thịt hộp. Hồi ở miền Nam, tôi được đưa đi du học ở Tây Đức. Ở Tây Đức có rất ít bò, cho nên họ đã mua được 1 xưởng “Tái Tạo Thịt Bò” của Liên Xô. Người nông dân đi mua tất cả những hộp thịt bò do nhà máy đóng hộp thịt bò sản xuất ra, đem vào xưởng tái tạo.
Người công nhân bỏ tất cả các hộp thịt bò vào trong máy tái tạo, chờ chừng nửa tiếng sau, dắt ra 1 con bò nguyên vẹn, đang nhai cỏ, giao lại cho người nông dân.”

Tôi kể câu chuyện tiến bộ của Xã Hội Chủ Nghĩa này bằng một giọng rất là… khâm phục và kính nể, nên bọn cán bộ cứ đứng nghệt mặt ra mà nghe để khâm phục tiếp cho tôi. Những nhà tu hành, những tù nhân chính trị không quen với lối nói chuyện của tôi, nên họ cũng ngồi im lặng, bán tín bán nghi.

Nhưng những anh em Biệt kích của tôi thì phá lên cười, họ vừa vỗ tay tán thưởng ưu việt của Xã Hội Chủ Nghĩa vừa ôm bụng cười nghiêng cười ngửa, cười như chưa bao giờ được cười.
Mãi 1 lúc sau, những người tù khác mới hiểu ra rằng, chẳng thể nào có cái chuyện dắt 1 con bò vào hãng, nửa tiếng sau đem về 1 rổ thịt bò hộp. Muốn làm ra thit bò hộp, phải đi qua rất nhiều giai đoạn, mỗi giai đọan ở 1 hãng khác nhau, và mỗi hãng làm một lượt cả trăm con bò, chứ không thể nào làm từng con bò một. Và cũng không thể nào lấy thịt bò đã đóng hộp để mà trộn nó lại để làm nó trở thành 1 con bò sống bình thuờng đuợc. Tới lúc đó, họ mới rủ nhau cười lên ồ ồ…

Tên cán bộ kể câu chuyện “Tiến Bộ” tức điên người lên, nhưng hắn không làm gì tôi được, vì rõ ràng tôi khen kỹ thuật tiến bộ của Liên Xô, tới nỗi Tây Đức là 1 quốc gia tiến bộ mà còn phải đi mua máy “Tái Tạo Thịt Bò” của Liên Xô. Tên này nói thêm vài câu nũa rồi chấm dứt buổi học tập.

Ra đến ngoài, anh em Biệt kích ào tới, nói với tôi:

  • Thằng Việt cộng đã nổ, mày còn… nổ hơn thằng Việt Cộng nữa! Cái hay là chúng nó cứ ấm ớ, không dám làm gì mày cả, vì mày… khen chúng nó mà!

Thế là từ đó, tôi có biệt danh “HINH NỔ”.

Cứ thế, cuộc sống của chúng tôi ngày này qua ngày khác cứ thế mà trôi đi. Ban ngày thì đứng ngồi trong phòng giam, ban đêm thì cùm kẹp. Bọn chúng không dám đưa chúng tôi ra ngoài rừng làm việc vì sợ rừng núi là địa bàn hoạt động của chúng tôi, chúng tôi sẽ trốn đi ngay lập tức.

Đối với anh em Biệt kích chúng tôi, trong những ngày đầu tù tội, đã có rất nhiều người nản chí, nhưng chúng tôi ráng tìm cách liên lạc với nhau, ráng khuyên nhủ nhau giữ vững tinh thần, vì mình vẫn còn đường sống, mong chờ 1 ngày mai… Đại Quân Miền Nam sẽ đánh ra Bắc, giải thoát cho đám Biệt Kích. Hơn nữa, đa số anh em chúng tôi đều là người Công Giáo, nên không bao giờ có chuyện tự tử, vỉ chỉ có Chúa Trời mới có quyền ban cho mình lẽ sống và đưa mình trở về với Chúa Trời.

Đến năm 1966, Không Quân Mỹ đã bắt đầu ném bom ở miền Bắc.
Bọn quản giáo sợ điếng người, nhưng chúng tôi lại mừng ra mặt. Chắc chắn sau những cuộc dội bom này sẽ có cuộc đổ bộ của Đại Quân Miền Nam, mọi người chuyền cho nhau những tin tức thật là nóng hổi, những suy luận thật là hợp tình hợp lý. Trong thời gian này, bọn quản giáo không dám lên mặt chửi bới hoặc có hành động gì hăm dọa chúng tôi cả. Trái lại, chính bọn chúng tôi đã… hù lại bọn chúng:

  • Thằng nào làm gì, chúng tao nhớ tên từng đứa. Khi Đại Quân Miền Nam ra đây rồi, đố chúng mày chạy đâu cho thoát khỏi tay anh em Biệt kích chúng tao.

Không thể ngồi không mà chờ đợi, anh em chúng tôi nẩy ra ý định: VƯỢT TRẠI.

Chúng tôi để ý, mỗi lần có máy bay Mỹ đến dội bom, bọn quản giáo, bọn công an lại cùm chân chúng tôi lại rồi sách súng chạy xuống hầm trú ẩn hết, tới khi hết báo động mới dám chường mặt lên. Anh em trong phòng giam của tôi đã bàn với nhau:

  • Mỗi lần có còi báo động, từng nhóm 2 tên công an đi với nhau, mỗi tên 1 khẩu AK và 3 băng đạn. Đợi khi chúng tiến tới gần, xiết cổ chúng nó liền lập tức, rồi lột quần áo của chúng mặc vào, đi ra ngay cửa chính mà vào rừng. Lúc báo động, không ai để ý tới ai, ngay chính những tên công an gác ở đài kiểm soát cũng lo chạy xuống hầm, không lo khẩu thượng liên sẽ bắn mình. Vào tới rừng rồi, dễ gì chúng tìm ra đuợc.

Tin tưởng vào cách thức vượt trại này, chúng tôi xem xét, để ý từng cử chỉ, từng đường đi nước bước của bọn công an, tìm ra từng toán 2 tên công an đi với nhau để chọn ra toán nào dễ thanh toán.

Rủi thay cho chúng tôi, 1 Biệt kích trong lúc ngủ mê đã tiết lộ kế hoạch vượt ngục:

  • Ngày mai, chờ lúc có còi báo động, tôi và anh Hinh sẽ chờ sẵn, tới khi 2 thằng Toán và Thể tới gần, sẽ quàng khăn xiết cổ tụi nó liền, nhũng người khác sẽ cướp súng, lột quần áo của 2 tên này thật nhanh, rồi cùng… áp giải nhau ra cửa chính mà chạy.

Anh Biệt kích nói trong cơn ngủ mê như vậy, đúng vào lúc 2 tên công an Toán và Thể đang đi tuần ở ngoài. Thế là chúng nhào vào tóm anh ngủ mơ ngay lập tức và đem chúng tôi lên phòng tra hỏi:
– Chúng mày muốn… trốn trại, phải không?

Tôi trả lời ngay lập tức:
– Đúng!
– Thằng nào bày mưu tổ chức?
– Chẳng có ai bày mưu tính kế gì hết. Thằng Biệt kích nào bị nhốt tù ở đây cũng đều muốn trốn tù hết. Trong đầu óc bất cứ thằng Biệt kích nào cũng có mưu kế để trốn tù hết. Nếu không có ý định trốn tù, đâu phải là Biệt Kích!
– Chính mày là chủ chốt vượt ngục, phải không?
– Tôi đã trả lời cán bộ rồi, trong đầu óc bất cứ 1 người Biệt Kích nào cũng có ý tưởng vượt ngục, không cần phải có người nào đứng làm chủ chốt cả. Tuy nhiên, ý định là một chuyện, làm được hay không lại là một chuyện khác, các anh canh gác như thế này thì chúng tôi làm sao mà vượt ngục được!

2 tên công an nhìn nhau, thích thú vì câu nói của tôi đã… khen chúng canh gác kỹ. (Trên thực tế, ở trại tù Cổng Trời này, vì địa thế hiểm trở, nên bọn Công an chỉ canh gác cho có lệ. Tôi nói móc họng tụi nó chứ không phải là khen). Chúng im lặng một lúc rồi cùng bước ra ngoài to nhỏ với nhau.
Tôi đoán rằng, trong lúc này, đầu óc tụi nó đang hoang mang lo sợ máy may Mỹ có thể đến thả bom bất cứ lúc nào. Nếu giữ tôi lại để tra tấn, để hỏi cung, lỡ máy bay Mỹ đột ngột bay tới, làm sao mà kịp giờ để chạy xuống hầm? Chạy không kịp, lỡ bọn Biệt Kích nổi loạn, chúng nó dám… giết mình lắm!
Hơn nữa, chúng tôi cũng chưa hề có 1 hành động nào chứng tỏ là sẽ vượt ngục, tất cả chỉ là 1 lời nói trong giấc mơ mà thôi.

Cuối cùng, 2 tên cai tù trờ lại, chỉ đe doạ tôi:
– Chúng mày liệu hồn. Ở trại Cổng Trời này, chưa bao giờ có chuyện vượt ngục, mà dù có vượt ngục cũng không thể trốn đi đâu cho thoát. Đã lên tới cổng trời rồi, thì chỉ còn có 1 con đường duy nhất để mà đi tới là “Đồi Bà Then” chứ không còn con đường nào khác để đi xuống.

Ghi chú: Đồi Bà Then là nơi chôn tù nhân. Chỉ bó chiếu mà chôn chứ không có mộ bia gì cả.

Sau đó, chúng lại cho tôi vào phòng biệt giam, cùm tôi suốt 1 tuần lễ rồi mới cho ra phòng giam chung.

Tù nhân ở trại Cổng Trời, với khí hậu khắc nghiệt, ăn uống thiếu thốn, lại không có thuốc men gì cả, rất khó mà kéo dài cuộc sống: Ban đêm, nhiệt độ có khi dưới 0 độ, anh em tù chỉ có trên người 1 bộ quần áo vải và cái chăn đơn. Lạnh không còn nơi nào lạnh hơn. Ăn uống thì chỉ có khoai sắn, luộc với muối, lâu lâu có ít cơm. Nếu có bệnh, ráng chống chọi để mà qua cơn bệnh, nếu không qua khỏi cơn bệnh, thì chỉ còn cách… đem chôn.

Anh em Biệt Kích chúng tôi còn sống được là nhờ vào niềm tin:

  • Niềm tin là 1 ngày nào đó, Đại Quân Miền Nam sẽ tấn công qua sông Bến Hải để Giải Phóng Miền Bắc, giải cứu anh em Biệt Kích.
  • Nếu ngày hôm nay Đại quân chưa ra, thì ngày mai, ngày mốt, một ngày nào đó… Cứ thế mà chúng tôi kéo dài cuộc sống tù đầy…

Vào một ngày của năm 1973, tất cả tù Biệt kích chúng tôi được dời về trại Phú Lu ở Lào Kay để học tập về Hiệp Định Giơ Neo và cách thức trao trả tù binh. Tôi đếm cả thảy có khoảng 120 Biệt Kích, bao gồm cả những anh em Biệt Kích nhẩy toán ở Cam Pu Chia, đường mòn HCM và Hạ Lào. Vừa cho học tập, bọn Việt cộng vừa làm công tác tuyên truyền để cài người: Mỗi Biệt kích đều được chúng gọi riêng vào phòng để doạ nạt, dụ dỗ sẽ cho trao trả sớm nếu chịu làm điệp viên cho chúng, báo cáo cho chúng những tin tức cần thiết ở Miền Nam.

Anh em chúng tôi về phòng bí mật họp nhau lại, tương kế tựu kế, chỉ nói rằng sẽ làm những gì có thể làm, sau đó báo cho nhau đầy đủ những gì bọn chúng đòi hỏi, coi đó như là 1 trò chơi đấu trí mà thôi. Một số anh em còn bàn bạc trao đổi với nhau về những kinh nghiệm nhẩy toán, để nếu sau này còn nhẩy ra Bắc nữa, sẽ không mắc phải những lỗi lầm này. Nếu không nhẩy toán, sẽ làm huấn luyện viên, truyền lại những kinh nghiệm này cho đám Biệt Kích đàn em.

Thời gian học tập này là thời gian thoải mái nhất trong cuộc đời tù tội của chúng tôi. Thời gian này cũng là thời gian duy nhất mà anh em Biệt Kích không có ý định vượt ngục: Đang chờ để trao đổi tù binh mà! Vượt ngục làm chi? Cũng trong thời gian này, đôi khi chúng cho chúng tôi đuợc cho ăn thịt. Thông thường, khẩu phần tù được 9kg… “Chất Bột” bao gồm khoai, sắn, rau, muối và hiếm khi có một ít gạo. Thịt chỉ được ăn (vài miếng được gọi là thịt) vào 2 ngày trong năm: Ngày Tết và ngày mà chúng gọi là “Độc Lập”.

Hàng ngày, chúng tôi được cho nghe tin tức từ đài phát thanh, và được biết, một vài nhóm tù Quân nhân Cộng Hòa đã được trao trả, làm anh em chúng tôi càng nức long hơn nữa.

Chờ mãi, chờ mãi cho đến tháng 10 năm 1973 mà vẫn chưa được trao đổi, anh em chúng tôi hỏi thẳng đám cán bộ:
– Tại sao chúng tôi không được trao trả?

Bọn cán bộ trả lời quanh co:
– Có nhiều toán được trao trả, ráng chờ tới phiên.

Chờ không nổi nữa rồi, anh em chúng tôi bàn nhau:

  • Có thể bọn Việt cộng đã dùng chúng tôi để mặc cả 1 điều gì đó, nên mới chần chờ như vậy. Được trao trả theo Hiệp định Genevè là 1 dịp may hiếm có, phải nắm lấy cơ hội này, phài làm 1 cái gì đó để đòi hỏi, nếu không, sẽ không bao giờ còn cơ hội nữa”.
    Anh em Biệt Kích ra quyết định:
  • Tuyệt thực, cho đến khi nào được trao trả!

Không biết vì lý do nào đó mà anh em Biệt Kích ở Trại Quảng Ninh cũng đã có quyết định tuyệt thực cùng 1 ngày với anh em Biệt Kích ở Phú Lu chúng tôi, làm cho bọn Việt cộng lo ngại đã có… gián điệp Miền Nam trà trộn vào trong đám cán bộ của chúng để cho 2 trại biết tin nhau, chứ anh em Biệt Kích không thể nào thông tin với nhau đuợc, vì 2 trại ở rất xa nhau. Chúng tôi thấy bọn cai tù bối rối ra mặt, nên càng quyết định làm tới.

Tuyệt thực tới ngày thứ 3 thì bọn quản giáo họp chúng tôi lại, tuyên bố dỗ ngọt:
– Sẽ đưa nguyện vọng của anh em lên Bộ Công An để cứu xét gấp.

Sau vài tuần chờ đợi, bọn chúng lại họp anh em chúng tôi lại, chia thành từng toán 20 người đưa lên xe đi, giải thích rằng:
– “Trao đổi ở nhiều nơi khác nhau, nên phải chia toán ra mà đi.”

Toán thứ nhất có tôi, được đưa ra khỏi trại để lên xe. Anh em còn lại vui lòng chờ đợi tới phiên mình.

Bất chợt, những người tù hình sự chạy vào báo cáo:
– “Anh em trong toán vừa rồi, bị đưa lên xe bít bùng, vừa mới lên xe là bị còng lại. Đưa đi đâu không biết!”

Anh em Biệt Kích còn lại họp khẩn với nhau:

  • Nếu đưa đi nơi khác làm thủ tục trao đổi, tại sao lại phải còng lại? Tại sao phải ngồi xe bít bùng? Như vậy, có nghĩa là anh em bị đưa đi trại giam khác, chứ không phải được đưa đi trao đổi.

Tất cả Biệt Kích yêu cầu quản giáo giải thích rõ ràng, nếu không, yêu cầu trao trả đám anh em vừa mới được chuyển đi.
Bọn Công an từ chối giải thích và cũng từ chối trao trả đám tù vừa bị đưa đi. Không những thế, chúng còn chĩa súng ra lệnh cho anh em trở về khu nhà giam.
Nhịn không đuợc nữa rồi, anh em Biệt Kích quyết định: Đánh!
Toàn thể hơn 100 Biệt Kích bất chấp súng đạn, lưỡi lễ, đã nhào lên tấn công bọn Công an. Anh em dùng dao búa, đồ nghề và bất cứ thứ gì có thể dùng làm vũ khí, kéo bàn ghế làm chướng ngại vật để giao chiến với bọn Công An.
Bọn Việt cộng không chịu trao đổi thì anh em Biệt Kích… tự trao đổi.
Phải thoát ra ngoài. Phải vượt trại. Phải vượt ngục.

Bọn Việt cộng cũng biết vậy, nên chúng kêu viện binh, thêm cả lính chính quy với đại liên và xe tăng trợ chiến. Kết cuộc, sau 1 ngày giao chiến, anh em Biệt Kích bị thúc thủ, lại bị bắt còng tay giải đi từng trại khác nhau.
Toán đầu tiên của chúng tôi đã bị đưa trở lại trại Cổng Trời.
Vài ngày sau, đám Biệt Kích còn lại cũng lên nhập bọn và bị biệt giam ngay lập tức.
Khi được biết anh em vì tình đồng đội, vì chúng tôi mà đã bị bọn Công an đàn áp, chúng tôi chỉ còn cách nhìn nhau mà thương cảm, xót xa cho cuộc đời tù tội dưới chế độ Cộng sản.
Biệt Kích thương yêu nhau, dùm bọc lẫn nhau như thế đấy!

Tháng 6 năm 1975, đang nằm trong khu biệt giam, chúng tôi được bọn Công an cho nghe radio, phát tin: “Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đã đầu hàng Việt Cộng”.
Anh em chúng tôi không ai tin cả, vì đã một lần vào năm 1968, bọn chúng cũng đã cho chúng tôi nghe tin “Bộ đội Bắc Việt đã chiếm toàn cõi Miền Nam”. Nhưng sự thật không phải là như vậy, nên lần này, dù bọn chúng có cho chúng tôi nghe thật nhiều lần cái tin đầu hàng đó, chúng tôi cũng vẫn không tin, không nghe.

Mãi tới tháng 10 1975, bọn Việt cộng tập họp chúng tôi lại, cho xem đoạn phim xe tăng Việt cộng húc đổ cổng sắt tiến chiếm Dinh Độc Lập, Tổng thổng Dương Văn Minh đọc lời hiệu triệu quân dân chính, kêu gọi quân nhân các cấp của Quân Lực Việt Nam Cộng