Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng về việc ba luật sư nhân quyền Việt Nam đến Mỹ.
20/06/2023
Khi được hỏi về việc ba luật sư nhân quyền Việt Nam Đặng Đình Mạnh,
Nguyễn Văn Miếng, và Đào Kim Lân đến Mỹ hôm 16/6 giữa lúc các ông đang
bị công an truy tìm, Bộ Ngoại giao Mỹ nói với VOA rằng chính quyền Việt
Nam chớ nên trả thù các luật sư.
“Hoa Kỳ khuyến khích chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền được xét xử
công bằng như đã được đảm bảo theo luật pháp Việt Nam, bao gồm cả việc
đảm bảo các luật sư bào chữa các vụ án hình sự có thể hành nghề tư vấn
pháp lý một cách hiệu quả mà không sợ bị trả thù”, người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra ý kiến với VOA biết qua email vào tối ngày
19/6.
Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận cũng không bác bỏ việc ba luật sư đến
Mỹ, nói thêm rằng “do những cân nhắc về quyền riêng tư, chúng tôi không
chia sẻ thông tin về chuyến đi cá nhân đến Hoa Kỳ”.
Trước đó, vào ngày 16/6 các luật sư và gia đình đã đến Mỹ “an toàn”,
kết thúc những tháng ngày lẩn trốn do bị Công an tỉnh Long an truy tìm
giữa lúc các luật sư bị điều tra với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do
dân chủ” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự.
“Chuyến đi khá bất ngờ trong một thời gian quá ngắn”, luật sư Đào Kim
Lân cho VOA biết qua tin nhắn. “Tôi đã ở một nơi rất an toàn nhưng còn
sắp xếp một vài công việc trước khi chính thức bước vào cuộc sống mới”.
Trả lời phỏng vấn đài RFA hôm 19/6 sau khi đặt chân đến Mỹ, luật sư Nguyễn Văn Miếng nói: “Tôi như trút được một gánh nặng sau 100 ngày bị săn đuổi”, trong khi Luật sư Đặng Đình Mạnh nói rằng việc ông xuất cảnh, đi lại là thực hiện “quyền tự do theo Hiến pháp” và rằng ông “không có trách nhiệm phải chấp hành” các quyết định truy tìm của công an vì các quyết định đó “không căn cứ theo những quy định của tố tụng hình sự”.
Hồi tuần trước, công an tỉnh Long An ra quyết định truy tìm 3 luật sư
đã tham gia bào chữa trong vụ án Tịnh thất Bồng Lai hay còn gọi là
Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ với lý do các luật sư “không đến để làm việc”
liên quan đến tin tố giác tội phạm từ Cục An ninh mạng sau khi đã được
mời “nhiều lần”.
Công an tỉnh Long An và Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi ngay đề nghị đưa ra bình luận của VOA.
Giới hoạt động cho nhân quyền Việt Nam nhận định rằng việc các luật
sư nhân quyền rời bỏ Việt Nam sang Mỹ cho thấy việc bào chữa các các vụ
án “an ninh quốc gia” liên quan đến tự do tôn giáo, nhân quyền là rất
rủi ro và sự thấp kém trong ngành tư pháp Việt Nam.
Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân nêu nhận định với VOA:
“Khi các luật sư đứng ra bào chữa trước tòa theo quan điểm của các
thân chủ thì luôn luôn đụng chạm. Phía Việt Nam thì có thể căn cứ vào
các lời bào chữa đó và họ coi là vi phạm pháp luật. Như các luật sư vừa
rồi bị tiến hành triệu tập và thậm chí họ có thể khởi tối vụ án. Đó là
một sự rủi ro rất lớn”.
“Việc các luật sư Thiền Am bị truy bức, dồn ép đến mức phải lựa chọn
rời khỏi Việt Nam trong khi họ đã có sự nghiệp, công việc ổn định ở quê
nhà cho thấy đây chính là một sự thất bại của cái gọi là “cải cách tư
pháp” của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, bà Nguyễn Ngọc
Như Quyền, tức Blogger Mẹ Nấm, cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, hiện đang
sống lưu vong ở Hoa Kỳ, chia sẻ quan điểm của bà với VOA.
“Không thể cải cách tư pháp khi truy bức các luật sư dám chỉ ra vi
phạm của công an. Cũng giống như không thể kêu gọi công dân dùng luật
pháp để thúc đẩy xã hội tiến bộ lại tìm cách truy bức luật sư”, bà Như
Quỳnh nói thêm.
Vào cuối tháng 3, các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc gửi
thư yêu cầu chính phủ Việt Nam giải trình liên quan đến cuộc điều tra
hình sự đối với luật sư Đặng Đình Mạnh. Các chuyên gia cho biết đã nhận
được thông tin cho rằng đây là hành động trả đũa của chính quyền đối với
ông Mạnh và các đồng nghiệp vì những hoạt động bảo vệ công lý trong vụ
án Tịnh Thất Bồng Lai.
Cũng vào tháng 3, Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) gửi thư ngỏ tới Bộ Tư pháp và Bộ Công an Việt Nam và lên án việc điều tra nhắm vào luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh.
VOAViet